Tại TP.HCM, có địa phương trong năm năm qua không làm được dự án di dời nhà ven kênh nào do nhiều nguyên nhân.
Nhiều khó khăn bủa vây
Chỉ cần đứng trên các cây cầu nối quận 5 với quận 8 như cầu Chánh Hưng, cầu Chữ Y nhìn xuống dòng kênh là có thể thấy những ngôi nhà tạm xiêu vẹo, đủ kiểu méo mó, tôn lợp rỉ sét…
Để hỗ trợ người dân có nhà thì các dự án di dời đều có điều tra xã hội học để chúng ta có cơ sở dữ liệu chính xác. Từ đó nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của người dân để làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông NGUYỄN CHÍ THIỆN,
Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị
Sở Xây dựng TP.HCM
“Lúc trước dọc kênh Tàu Hủ cũng có cảnh tượng này nhưng nay dọc hai bên kênh nhà đã rất đẹp do dự án chỉnh trang, vệ sinh môi trường. Còn phía kênh dọc đường Nguyễn Duy thì vẫn còn tình trạnh nhà ven kênh tạm bợ, tôi cũng hy vọng dọc kênh này sạch, đẹp như dọc kênh Tàu Hủ” - anh Phan Kiên (ngụ đường Hưng Phú, quận 8) cho biết.
Nhiều người dân sống ở khu vực quận 8, quận Bình Thạnh, quận 4… cũng mong hai bên bờ các con kênh không còn cảnh nhếch nhác. Tuy nhiên, việc chỉnh trang đô thị dọc các kênh rạch không phải là “bài toán” đơn giản.
Như lãnh đạo quận 8 cho biết quận có 10.500 nhà ven kênh rạch, rất cần các dự án chỉnh trang đô thị kết hợp di dời nhà ven kênh rạch. Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư dự án di dời, chỉnh trang là rất khó khăn.
“Trong giai đoạn 2016 -2020, quận không thực hiện được dự án nào về chỉnh trang kênh rạch. Quận cũng tâm huyết, kêu gọi xã hội hóa đầu tư bờ nam kênh Đôi. Có một số nhà đầu tư tìm hiểu nhưng không làm được do nhiều vấn đề liên quan. Quận cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị cho TP” - ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND quận 8, khẳng định.
Sở Xây dựng TP thừa nhận qua năm năm triển khai thực hiện của giai đoạn 2016- 2020 nhìn chung kết quả thực hiện công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị còn khiêm tốn, chậm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, TP chỉ bồi thường và di dời được gần 2.500 căn trên tổng số 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch hiện hữu, đạt 12,4% so với chỉ tiêu đề ra. Chủ yếu các dự án giai đoạn này tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, trong khi chưa kêu gọi được dự án có vốn ngoài ngân sách.
Nhà ven kênh, “cái gì cũng không”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Thực trạng xây dựng lấn chiếm nhà ven kênh rạch đã trải qua quá trình lịch sử từ trước năm 1975, có trước khi TP ban hành quy định quản lý hành lang an toàn bờ sông, kênh rạch trong nội đô”.
Theo ông Thiện, tình trạng xây dựng lấn chiếm ven kênh tiếp tục tái diễn. Theo thời gian làm cho các dòng kênh vốn nhỏ hẹp lại càng nhỏ hẹp hơn, giảm lưu lượng dòng chảy, ùn ứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ngập úng, mất mỹ quan đô thị.
TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong việc di dời các căn nhà ven kênh. Ảnh: HV |
Rạch Xuyên Tâm là dự án được TP.HCM chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
“Với góc độ chuyên môn về xây dựng, chúng tôi nhận thấy dạng nhà ở trên và ven kênh rạch này có kết cấu tạm bợ, hầu hết không có chủ quyền, không có pháp lý về chủ quyền đất và tài sản trên đất. Gần như những nhà xây dựng kiểu này là do lấn chiếm, xây dựng trên nền đất yếu và không được cấp phép xây dựng” - ông Thiện nói.
Vì “cái gì cũng không” nên những căn nhà này tiềm ẩn nguy cơ đổ sụp xuống sông, kênh rạch bất cứ lúc nào, không an toàn cho cuộc sống của người dân.
“Giai đoạn 2021-2025 TP tập trung thực hiện ba dự án giải quyết mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu tiêu thoát nước để chống ngập vừa di dời nhà ven kênh để chỉnh trang đô thị. Đó là dự án rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), kênh Huy Vọng (quận Tân Bình). Ba dự án này đều đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công. TP sẽ triển khai các bước thủ tục để sớm triển khai thủ tục đầu tư dự án.
Tìm kiếm giải pháp xã hội hóa, kêu gọi đầu tư
Theo ông Thiện, nguồn vốn ngân sách có hạn nên nhiều năm trước TP có kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Cũng có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đến những dự án nhà ven kênh. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, do vướng cơ chế với những dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật di dời nhà ven kênh (do đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có nhiều vướng mắc) nên các dự án không kêu gọi được đầu tư.
“Sở Xây dựng TP cũng có giải pháp tham mưu cho UBND TP kêu gọi xã hội hóa đầu tư như mở rộng biên chỉnh trang hành lang kênh. Chúng ta mở biên thu hồi đất rộng ra, tăng chỉ tiêu hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch công trình lên để tạo ra quỹ đất có thể khai thác thương mại hấp dẫn nhà đầu tư” - ông Thiện góp ý.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khi thực hiện các dự án giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, tái định cư cho bà con, quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB).
“Cho nên chúng tôi đề nghị với UBND TP là làm sao để được tách dự án bồi thường GPMB ra thành dự án độc lập. Sau khi đã có mặt bằng thì TP hoàn toàn có thể thực hiện cơ chế đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư” - ông Châu đề xuất.
Chủ tịch HoREA ví dụ về quỹ đất GPMB để làm rạch Xuyên Tâm. Nếu giải phóng rộng ra hai bên bờ kênh thì sẽ có quỹ đất tái định cư tại chỗ, quỹ đất xây dựng công trình công cộng. Quỹ đất còn lại thì TP có thể đem đấu giá, đấu thầu để thực hiện các dự án kinh tế, thậm chí là dự án nhà ở.
“Vấn đề mấu chốt là tiền để TP GPMB. Tôi cho rằng có thể thực hiện cơ chế là TP đi vay ngân sách, vay thương mại để thực hiện công tác bồi thường GPMB” - ông Châu phân tích thêm.
Tất nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư là câu chuyện lâu dài, trước mắt đại diện Sở Xây dựng TP cho biết rất mong người dân đồng thuận, ủng hộ, sớm bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị.•
Di dời 6.500 căn nhà ven kênh trong ba năm tới
Theo chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025, TP.HCM hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách, dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỉ đồng. Các dự án được chia thành hai nhóm cụ thể.
Nhóm 1: Di dời 3.220 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỉ đồng. Có ba dự án trong nhóm này gồm: Cải tạo rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỉ đồng, quy mô di dời 2.196 căn nhà; cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỉ đồng, quy mô di dời 190 căn nhà; cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỉ đồng, quy mô di dời 834 căn nhà.
Đến năm 2025, TP.HCM dự kiến hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Ảnh: HV |
Nhóm 2: Di dời 3.250 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.154 tỉ đồng. Gồm 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, tám dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công, sáu dự án đã phê duyệt dự án bồi thường - nay chuyển tiếp và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
HUY VŨ