SUCKHOE+ | Đây là phiên thảo luận thứ ba trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024. Phiên thảo luận này cũng thu hút được khá đông thính giả.
- 16/03/2024 07:30
Ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) chia sẻ tại diễn đàn
Số bước cần đi mỗi tuần để tăng tuổi thọ thêm 3 năm
Vinalink Group tiếp tục xây dựng chuỗi "Bếp ăn cho em" tại Nghệ An
Gợi ý thực đơn 7 ngày vừa tiết kiệm, vừa đủ chất
Phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024
Thạc sĩ Trần Lệ Thùy - chuyên gia báo chí truyền thông, cho biết: "Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện”. Theo diễn giả, một trong những chiến lược phổ biến để đầu tư dài hạn vào việc phát triển kỹ năng báo chí dữ liệu là sử dụng phần mềm sáng tạo. Đồng thời, để sản xuất câu chuyện tương tác và hình ảnh, hầu hết các cơ quan báo chí phải phụ thuộc, ít nhiều, vào các nền tảng bên ngoài.
Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu. Tính chất cơ bản của báo chí dữ liệu bao gồm việc sử dụng các cách kể chuyện hình ảnh tương tác, phân tích thống kê, bản đồ 3D và nhiều phương pháp khác để truyền đạt tin tức và thông tin dựa trên dữ liệu.
Sản phẩm của báo chí dữ liệu thông thường được chia thành ba loại: báo chí điều tra, các câu chuyện giải thích dữ liệu và các câu chuyện được làm giàu bởi dữ liệu. Khám phá câu chuyện và tìm hiểu sự thật được xem là hai lĩnh vực có giá trị lớn nhất trong báo chí dữ liệu. Về mặt đóng góp của báo chí dữ liệu đối với xã hội, đa số người cho rằng nó làm cho một câu chuyện đáng tin cậy hơn và giúp độc giả hiểu được những gì họ đang đọc. Tuy nhiên, tiếp cận dữ liệu chất lượng chính là rào cản chính đối với các nhà báo dữ liệu. Bên cạnh đó là thiếu nguồn nhân lực, tài chính, áp lực về thời gian, thiếu kiến thức về phân tích dữ liệu hoặc trực quan hoá...
Nhìn nhận dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu tại Việt Nam, PGS.TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu như trước đây, dữ liệu chỉ tham gia một phần vào các tuyến bài thì hiện nay, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ. Tuy nhiên, hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Do đó cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể.
Trình bày tại phiên thảo luận, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) nhấn mạnh, hiện nay, báo chí thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội. Các nền tảng như TikTok phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung video thậm chí có nhiều người theo dõi và xem hơn cả các kênh báo chí chính thống trên TikTok. Và mô hình cơ quan báo chí-công nghệ (media-tech) là xu hướng mà nhiều tập đoàn báo chí lớn đang hướng tới và báo chí Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đặc biệt chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai các mô hình tòa soạn số, áp dụng công cụ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)...; Phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, điển hình như chuyên mục Tri thức chuyên sâu với slogan: Mọi câu hỏi đều có lời giải. Đây là chuyên mục đầu tiên, khác biệt so với tất cả các chuyên mục khác trên các báo ở Việt Nam.
Để phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu, các cơ quan báo chí cần: Về nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first; đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Về công nghệ, cần phát triển mô hình tòa soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Về tài chính, các cơ quan báo chí cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách; đồng thời đa dạng nguồn thu từ quảng cáo nội dung, tổ chức sự kiện để tái đầu tư.
Phát biểu kết luận phiên, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, báo chí dữ liệu có vị trí trung tâm và vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển báo chí số trên thế giới và Việt Nam, là giải pháp mạnh để thực thi chiến lược nội dung vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí hiện nay cần coi việc phát triển báo chí dữ liệu như một yêu cầu bắt buộc. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu, phân tích đánh giá, trực quan hoá dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.
PV