ĐIỀU TRỊ NÁM MÁ VỚI LASER YAG

1 năm trước 34

Nám má là tình trạng tăng sắc tố da mắc phải, mạn tính., đặc trưng bởi các dát màu nâu ở trên mặt, thường là vùng gò má, mũi, trán, môi trên, cằm, đôi khi có ở cổ, thường hay gặp ở phụ nữ, ở nam giới tỷ lệ mắc bệnh 5-10%. Tuy nám má không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại gây tâm lý tự ti, lo lắng. Nám má là căn bệnh khó điều trị nhưng dễ tái phát, thậm chí tình trạng có thể nặng hơn lúc đầu nếu không biết cách điều trị và chăm sóc.

NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA NÁM MÁ?

Nguyên nhân gây nám má chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên, người ta thấy có 3 yếu tố chính liên quan chặt chẽ tới nám má:

  • Ảnh hưởng nội tiết tố: nám da xuất hiện trong thai kỳ của sản phụ với tỷ lệ mắc trên 50-70% do thay đổi nội tiết tố. Thường gặp trên các trường hợp: Phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai, Phụ nữ mãn kinh sử dụng hóc môn liệu pháp thay thế, Phụ nữ sử dụng thực phẩm chức năng có thành phần giống estrogen và progesterone.
  • Tác động của tia UV: Được coi là một trong những yếu tố chính gây nên nám da. Tia UV ảnh hưởng đến sự melanin hóa, sự tăng sinh và sống sót của hắc tố bào. Chính vì vậy ta có thể nhận thấy được sang thương do nám thường sáng hơn vào mùa đông.
  • Khuynh hướng di truyền: một số chủng tộc có tỷ lệ nám da cao hơn các chủng tộc khác. Theo số liệu nghiên cứu trên 30% trường hợp mắc nám có tiền sử gia đình có thành viên bị nám da.
  • Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây có vai trò trong việc hình thành nám má:

+ Nám má có thể là 1 dạng viêm da tiếp xúc ánh sáng

+ Các mỹ phẩm có các chất tạo mùi, nước hoa và một số loại thuốc làm tăng nhạy cảm ánh sáng và tăng sắc tố da.

+ Bệnh lý tuyến giáp

+ Stress

CÓ BAO NHIÊU LOẠI NÁM MÁ?

Về lâm sàng học, nám má được chia làm 3 loại tùy vào vị trí của sắc tố da.

  • Dạng thượng bì:

+ Các mảng màu nâu nhạt hoặc nâu đậm hoặc đen.

+ Giới hạn rõ.

+ Sắc tố đậm thêm dưới đèn Wood.

  • Dạng bì:

+ Các mảng màu xanh-xám.

+ Giới hạn không rõ.

+ Sắc tố không đậm thêm dưới đèn Wood.

  • Dạng hỗn hợp: có những biểu hiện cả hai dạng thượng bì và bì.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NÁM MÁ HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO ?

Điều trị nám má bao gồm nhiều phương pháp dựa trên 4 cơ chế chính dưới đây:

  • Giảm đến mức tối thiểu việc phơi bày với tia UV: tránh nắng, hạn chế tiếp xúc ánh nắng và sử dụng các sản phẩm chống nắng.
  • Giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng của nội tiết: các thuốc ngừa thai, thuốc nội tiết và các thực phẩm chức năng có thành phần giống hormone đều có tác động đến sự phát triển hoặc tang đậm của nám. Cần cân nhắc việc sử dụng các sản phẩm trên nếu không cần thiết.
  • Ngăn chặn sự tổng hợp melanin: Sử dụng các loại thuốc trị nám như Acid Azelaic, Hydroquinone, Arbutine, Retinoids, Corticosteroids…
  • Loại bỏ melanin ra khỏi thượng bì bằng các loại thuốc bôi, các phương pháp Peel da, mài mòn da, các thiết bị Laser và ánh sáng (Laser Q-Switch Nd Yag 1064nm, Q-Switch Ruby, Alexadrite, IPL…). Trong đó điều trị nám bằng Laser Q-Switch Nd Yag 1064nm là phương pháp khá phổ biến và mang lại nhiều kết quả tốt.

ĐIỀU TRỊ NÁM MÁ VỚI LASER YAG VÀ ĐIỆN DI VITAMIN C?

Trong các loại nám, nám sâu liên quan nhiều đến di truyền, nội tiết và là loại nám rất khó trị. Việc điều trị bằng những phương pháp thông thường có thể sẽ không mang lại kết quả.

Điều trị nám sâu bằng công nghệ Laser YAG là phương pháp điều trị bằng những tia laser có cường độ năng lượng tập trung lớn giúp phá hủy các tế bào nám trong thời gian cực ngắn khoảng từ 5ns đến 10ns (phần tỷ giây). Bằng việc sử dụng cùng lúc 2 bước sóng 1064nm và 523nm. Năng lượng laser sẽ đồng thời tác động đến các sắc tố nằm trên thượng bì da lẫn những sắc tố nằm sâu dưới lớp trung bì da để phá hủy sắc tố nám.

Trong quá trình bắn Laser YAG điều trị nám, các tia laser với nguồn năng lượng lớn sẽ được sắc tố melanin hấp thụ và bị phá vỡ thành vô số hạt nhỏ li ti. Những sắc tố melanin bị vỡ nằm gần lớp biểu bì sẽ bị đẩy lên bề mặt da còn những sắc tố nằm sâu dưới da sẽ bị phân hủy và thải ra khỏi cơ thể qua tác dụng thu dọn của các đại thực bào. Đặc biệt, công nghệ Laser YAG hoạt động dựa trên nguyên lý thông minh, có khả năng tự điều chỉnh tần số các bước sóng và chỉ tác động đến những vùng có sắc tố melanin nên hoàn toàn không gây tổn thương cho các vùng da xung quanh.

Việc kết hợp với diện di lạnh Vitamin C lạnh giúp dịu da sau Laser, sáng da, giảm tổn thương và đẩy nhanh hiệu quả điều trị. Ngoài việc kết hợp với diện di C, Laser Yag có thể kết hợp với PRP, tiêm DNA, tiêm HA, MESO cho kết quả cải thiện làn da chỉ sau một liệu trình.

LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ NÁM MÁ VỚI LASER Nd YAG RA SAO?

– Tùy tình trạng da mà bác sỹ có thể chỉ định liệu trình điều trị từ 1 – 2 tuần/lần hoặc 4 tuần/lần.

– Một số tổn thương sắc tố nông như tàn nhang, đốm nâu sẽ cải thiện hoặc mất hẳn sau một vài lần điều trị.

– Các bớt sắc tố hoặc vết nám sâu cần được điều trị nhiều lần, nhiều tổn thương phải được điều trị từ 20 – 40 lần hoặc hơn.

– Hiệu quả điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố: cơ địa, nội tiết tố, type da của khách hàng, thiết bị điều trị, thông số điều trị, kinh nghiệm điều trị của mỗi bác sỹ và vấn đề tuân thủ điều trị, cách chăm sóc tại nhà của khách hàng.

ĐIỀU TRỊ NÁM VỚI LASER YAG CÓ THỂ GÂY RA BIẾN CHỨNG GÌ?

Biến chứng do điều trị nám bằng Laser Nd YAG hiếm gặp. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp các biến chứng sau:

  • Tổn thương nhiệt do phát tia liều cao: Da vùng điều trị có nhiều vùng bầm tím, lấm tấm xuất huyết và đóng vảy sau đó. Thông thường da sẽ phục hổi trở lại sau 1-2 tuần.
  • Dị ứng tia: Vùng điều trị bị đỏ da kéo dài, có thể xuất hiện mụn nước, ngứa. Hầu hết có thể tự khỏi bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm. Một số trường hợp sẽ cần đến các loại thuốc bôi, thuốc uống chống dị ứng.
  • Tăng sắc tố sau viêm: Đây là tình trạng vùng da nám sậm màu hơn sau khi điều trị. Tình trạng này là do cơ địa da khách hàng dễ bị bắt nắng và một phần do khách hàng chống nắng chưa tốt.

Xử trí: Khách hàng cần dùng kem chống nắng thường xuyên. Tình trạng tăng sắc tố sau viêm sẽ giảm dần và thường mất đi sau 3 – 6 tháng.

CHĂM SÓC SAU ĐIỀU TRỊ VỚI LASER YAG NHƯ THẾ NÀO?

  • Vùng điều trị có thể sẽ đỏ, khô hoặc hình thành 1 số chấm xuất huyết nhỏ trong 1 – 2 ngày đầu.
  • Một số đốm nâu sẽ trở nên đỏ đậm, thâm tím và sẽ bong ra trong vòng 1 đến 2 tuần sau điều trị.
  • Cần chú ý dưỡng ẩm hoặc chườm lạnh. Việc chườm lạnh sau Laser có thể giúp hạn chế tình trạng đỏ da cũng như giúp vùng da có các vết đỏ, xuất huyết nhanh hồi phục. Nếu triệu chứng kéo dài cần thông báo cho bác sỹ.
  • Có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm dễ gây kích ứng da trong vài ngày đầu sau điều trị khi da còn đỏ.
  • Để tránh tình trạng tăng sắc tố da, khách hàng cần tránh nắng và thoa kem chống nắng thường xuyên.

Điều trị nám là thách thức lớn, cần nhiều thời gian. Việc tìm hiểu nguyên nhân, xác định loại nám để đề ra một liệu trình điều trị phù hợp cho từng khách hàng là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả và sự an toàn cho sức khỏe trong quá trình điều trị.

Điều bạn nên làm là lựa chọn địa chỉ uy tín, điều trị theo chỉ định của Bác sỹ và thực hiện các biện pháp chống nắng để có thể có được một kết quả điều trị tối ưu như mong đợi.

BS Huỳnh Đức Sơn

Bác sỹ chuyên khoa da liễu

TRUNG TÂM THẨM MỸ FAMILY – BIEL

Đọc toàn bộ bài viết