Sẹo lồi làm mất đi tính thẩm mỹ và luôn khiến bạn tự ti, nhất là khi sẹo ở vị trí dễ nhận thấy. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trị sẹo cũng như các biện pháp thiên nhiên hầu như không có tác dụng với loại sẹo này. Vậy có phương pháp nào an toàn và hiệu quả hơn không? Cùng xem ngay bài viết sau để tìm cho mình lời giải đáp.
I. Sẹo lồi và những điều bạn cần biết
1. Như thế nào là sẹo lồi?
Theo các chuyên gia thẩm mỹ, sẹo là một mô sợi được hình thành để thay thế cho một vùng da bị tổn khuyết. Thông thường, tất cả các tổn thương đều diễn ra một quá trình lành thương gồm 4 giai đoạn cơ bản: Cầm máu, viêm, tăng sinh và tái tạo.
Sẹo lồi được hình thành do sự tăng sinh quá mức về cả về số lượng lẫn trật tự của các mô sợi ở giai đoạn tăng sinh. Sẹo vẫn có thể tiếp tục phát triển vượt ra ngoài vết thương ban đầu nếu không được can thiệp kịp thời. Các sẹo này thường gặp nhất là ở vùng trước xương ức, vành tai hoặc dái tai (sau khi xỏ lỗ tai), vùng lưng, bụng, ngực trên, vùng da mặt, cổ dưới, vùng vai và tứ chi. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẹo lồi làm mất đi tính thẩm mỹ, khiến bạn vô cùng tự ti trong cuộc sống, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sẹo lồi có thể gây đau, ngứa hoặc cảm giác co kéo, căng cứng ảnh hưởng đến sinh hoạt.
2. Một số nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân hình thành sẹo lồi được biết đến là do các tổn thương da như:
- Các chấn thương, tổn thương da do tai nạn
- Vết thương do phẫu thuật các loại (kể cả các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ)
- Một số bệnh về da như: Mụn trứng cá, u nhọt, nhiễm trùng da …
- Vết bỏng
Bất kỳ một tổn thương nào cũng có thể hình thành vết sẹo. Tuy nhiên, vết thương chỉ có thể hình thành sẹo lồi khi có các yếu tố nguy cơ như:
- Về cơ địa: Người có cơ địa sẹo lồi thì bất cứ một tổn thương da nào cũng có thể tạo trở thành sẹo lồi ngay tại vị trí đó.
- Tuổi: Giai đoạn từ 10 – 30 tuổi thường có tỷ lệ gặp sẹo lồi cao nhất
- Tồn tại các dị vật trong da
- Vùng vết thương bị kéo căng quá hoặc chùng quá
II. Những cách điều trị sẹo lồi hiện nay
Sự hình thành sẹo lồi trên cơ thể thường gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như tâm lý của bạn. Do đó, để giải quyết vấn đề thẩm mỹ, nhiều người đã tìm đến các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa hay các kỹ thuật khác. Mục đích của việc điều trị sẹo lồi là biến một sẹo xấu thành sẹo bình thường và duy trì, kiểm soát vết sẹo đó.
1. Điều trị bằng cách tiêm trị sẹo
Tiêm Corticosteroid là phương pháp điều trị sẹo lồi an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp Corticosteroid vào mô sẹo lồi nhằm phá hủy các tổ chức xơ sẹo, giúp làm mềm và xẹp mô sẹo nhanh chóng. Bạn sẽ được tiêm lặp lại vài lần tùy theo diễn tiến của sẹo. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao và dày dặn kinh nghiệm để tiêm đúng vị trí cũng như liều lượng Corticosteroid.
2. Phẫu thuật cắt bỏ sẹo
Kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ sẹo kết hợp tiêm Corticosteroid cũng đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, với những sẹo lớn và lan rộng thì không thể thực hiện kỹ thuật này.
3. Các kỹ thuật khác
Ngoài việc điều trị sẹo lồi bằng nội khoa, ngoại khoa thì còn có một số liệu pháp vật lý khác như: Cột thắt, băng ép, laser… Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phù hợp nhất.
III. Những điều cần lưu ý khi điều trị sẹo lồi
Với sẹo lồi, dự phòng là nguyên tắc hàng đầu. Với những người có cơ địa sẹo lồi không nên tiến hành các phẫu thuật thẩm mỹ không thực sự cần thiết. Nên tránh những phẫu thuật ở vùng ngực. Tất cả các vết thương sau phẫu thuật cần được chăm sóc tốt, tránh nhiễm trùng. Kỹ thuật khâu đóng vết thương đảm bảo không quá căng hoặc quá chùng.
Tuy nhiên, nếu không may gặp phải tình trạng sẹo lồi, bạn cũng không nên quá lo lắng. Hãy cân nhắc lựa chọn cho mình một cơ sở thẩm mỹ uy tín, bác sĩ có chuyên môn cũng như kinh nghiệm để được thăm khám và điều trị kịp thời.