Tại buổi tư vấn bác sĩ sẽ nói với bạn về các lựa chọn cũng như các rủi ro và biến chứng tiềm ẩn khi phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn để bạn có thể chấp thuận đồng ý sau khi đã được giải thích kỹ càng. Hãy sử dụng những thông tin hướng dẫn dưới đây để “dẫn dắt” cuộc tư vấn của mình.
Túi độn ngực không phải là một thiết bị trọn đời – tất cả chúng đều yêu cầu phải “bảo trì” ở mức độ nào đó. Bệnh nhân sẽ không cần thay túi sau mỗi 10 năm nhưng bác sĩ cần trực tiếp kiểm tra chúng mỗi 10 năm.
Túi độn ngực có an toàn không?
Độ an toàn của túi độn ngực đã được nghiên cứu rộng rãi bởi các Nhà nghiên cứu độc lập và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), để tìm ra các nguy cơ rủi ro, biến chứng cũng như hiệu quả của túi độn.
Trước tình hình gia tăng các mối lo ngại về các bệnh liên quan đến túi độn ngực vào tháng 05/2019, FDA đã công bố một loạt các chính sách mới trong đó sẽ nỗ lực duy trì cung cấp thông tin cập nhật đến bệnh nhân và bác sĩ (về các vấn đề liên quan đến túi độn) cũng như nỗ lực thu thập dữ liệu về tất cả các biến chứng liên quan đến túi độn.
Rất nhiều người tin rằng, phẫu thuật đặt túi độn ngực phần lớn đều an toàn, bằng chứng là có một tỉ lệ phần trăm khá lớn các bệnh nhân đánh giá quy trình này là “rất hiệu quả”. Nhưng túi độn ngực cũng đòi hỏi cần được theo dõi và bảo trì thường xuyên.
Trước khi cam kết thực hiện phẫu thuật nâng ngực hãy thảo luận với một vài bác sĩ phẫu thuật có trình độ được chứng nhận để tìm ra người bạn tin tưởng nhất. Đảm bảo mình được cung cấp thông tin, giải thích cặn kẽ về mọi vấn đề liên quan và phải cân nhắc tất cả các rủi ro cũng như lợi ích từ quy trình này.
Nguy cơ và biến chứng tiềm ẩn từ túi độn ngực
Co thắt bao xơ
Co thắt bao xơ xảy ra do sự co thắt bất thường của bao xơ collagen ( lớp màng xơ mỏng hình thành tự nhiên bao quanh túi độn ngực) – tình trạng này khiến vú bị cứng, đau nhức và trông bị biến dạng hoặc không cân đối. Mặc dù co thắt bao xơ là biến chứng phổ biến nhất liên quan đến túi độn ngực với con số ước tính lên đến 10% trường hợp mắc phải, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không biết lý do chính xác tại sao lại xảy ra tình trạng này.
Dữ liệu hiện tại cho thấy, co thắt bao xơ thường xảy ra nhiều hơn sau khi phẫu thuật chỉnh sửa. Ngoài ra phụ nữ đặt túi độn trên cơ (dưới tuyến vú) cũng có nguy cơ mắc phải hơn là đặt ở vị trí dưới cơ hoặc dưới cân cơ (fascia).
Trong nhiều năm, các nghiên cứu đã ủng hộ quan điểm đặt túi độn vỏ nhám ở vị trí trên cơ sẽ giúp giảm tỉ lệ co thắt bao xơ. Tuy nhiên một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Phẫu thuật Thẩm mỹ Aesthetic surgery Journal vào tháng 09/2019 đã bác bỏ hướng dẫn cũ này. Sau khi so sánh 526 trường hợp nâng ngực lần đầu được thực hiện trong khoảng từ năm 2010 đến 2017, với túi độn là túi gel silicon dáng tròn vỏ nhám hoặc vỏ trơn được đặt ở trên cơ (dưới tuyến vú), các tác giả kết luận, “túi vỏ trơn được đặt trên cơ (dưới tuyến vú) không làm tăng đáng kể nguy cơ co thắt bao xơ so với túi vỏ nhám”.
Các bác sĩ hiện đang giả thuyết rằng tình trạng nhiễm khuẩn tại thời điểm phẫu thuật góp phần gây co thắt bao xơ. Trong nghiên cứu được nói đến ở trên, các tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng kỹ thuật vô trùng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn túi độn, đồng thời lưu ý rằng đây ngu cơ co thắt bao xơ.
Các trường hợp co thắt bao xơ nặng đòi hỏi phải phẫu thuật chỉnh sửa và tình trạng tái phát co thắt bao xơ sau chỉnh sửa cũng có thể xảy ra. Nhiều bác sĩ đều nói rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu về nguyên nhân và cách phòng ngừa tình trạng này.
Vỡ túi độn ngực
Vỡ túi độn ngực – tình trạng xuất hiện vết rách và lỗ hổng trên túi độn có thể xảy ra khi túi độn đã được đặt trong một thời gian dài, hoặc có thể là do co thắt bao xơ hoặc do chấn thương hoặc áp lực tác động mạnh (ví dụ: tai nạn xe hơi). Tỉ lệ vỡ túi độn được báo cáo sau 10 năm khác nhau tùy theo từng loại và nhãn hiệu túi, dao động từ 3.9% đến hơn 16%.
Vỡ túi nước muối
Với túi độn được làm đầy bằng nước muối, vỡ sẽ rất rõ vì nhìn vú sẽ bị giảm kích thước rõ rệt sau vài ngày đến vài tuần. Dung dịch nước muối này sẽ được cơ thể hấp thụ và túi độn bị xẹp cuối cùng cũng sẽ được gỡ ra thay bằng túi khác. Túi nước muối bị vỡ không có hại nhưng có thể khiến bệnh nhân khó chịu vì họ bỗng nhiên cần độn thêm vào dưới áo ngực cho đến khi thay thế túi vỡ.
Vỡ túi gel silicon
Tình trạng vỡ túi gel silicon được gọi là “vỡ trong im lặng” vì không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào” – mặc dù vậy các bệnh nhân vẫn có thể nhận thấy sự khác biệt ở độ gắn kết của gel silicon hoặc hình dạng bầu vú. Túi gel silicon hiện đại được làm bằng chất liệu gel chống rò rỉ có độ kết dính cao cho phép nó vẫn duy trì hình dạng khi bị rách. Vì thế bất kì chút gel nào rách ra cũng đều nằm trong bao xơ bao quanh túi độn. Nhưng trong những trường hợp hiếm, gel silicon có thể thoát ra đi vào mô vú hoặc xa hơn nữa, điều này khiến cho việc loại bỏ vô cùng khó khăn và đôi khi là không thể. Các thế hệ túi gel silicon trước đây từng được biết đến đã bị rò rỉ qua lớp vỏ bên ngoài của chúng.
Việc nâng cấp cả về thiết kế lớp vỏ bên ngoài cũng như chất liệu gel ở bên trong đã hạn chế đáng kể tỉ lệ rò rỉ gel. Nếu gel silicon này vẫn rỉ ra thì các bác sĩ cho rằng rất có thể nó sẽ bị kẹt ở lớp bao xơ bao quanh túi độn. Mặc dù silicon là một chất trơ đã được sử dụng an toàn trong nhiều thiết bị y học suốt nhiều thập kỳ nhưng chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu khoa học đầy đủ về phản ứng của cơ thể với silicon đã bị “rỉ ra” ở những phụ nữ khác nhau.
FDA khuyến cáo những phụ nữ đặt túi gel silicon nên chụp cộng hưởng từ sau 3 năm phẫu thuật và cứ 2 năm 1 lần sau đó để kiểm tra sự ổn định của túi độn. Chi phí cho các lần chụp cộng hưởng từ này thường không được bảo hiểm hỗ trợ chi trả, thông tin này không phải lúc nào bệnh nhân cũng được nói rõ cho biết trong quá trình tư vấn.
Tuy nhiên, Mary Gingrass- bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Nashville phát biểu trong phiên điều trần về các Thiết bị phẫu thuật thẩm mỹ và thiết bị y tế nói chung của FDA vào ngày 25/03/2019 cho biết, những khuyến cáo về chụp MRI là không thực tế. Dữ liệu lâm sàng và kinh nghiệm thực tế cho thấy, các bác sĩ không yêu cầu và bệnh nhân cũng không chụp MRI theo định kỳ như này. Bà kêu gọi FDA thay đổi khuyến nghị của mình, chuyển sang thành siêu âm độ phân giải cao vì như thế thực tế hơn, đỡ tốn kém và thậm chí còn hiệu quả hơn chụp MRI. Ban hội thảo FDA hiện đang xem xét các công nghệ khác và có thể sẽ thay đổi khuyến nghị của mình.
Các bệnh nhân có thể phát hiện ra tình trạng vỡ trong im lặng này bằng cách tự mình thực hiện thói quen kiểm tra định kỳ và thông báo với bác sĩ của họ khi có biểu hiện kích ứng, sưng đau, hoặc nổi cục cứng. Túi độn bị vỡ cần được thay thế hoặc gỡ bỏ - những quy trình phẫu thuật này thường không được bảo hiểm hỗ trợ chi trả.
Bóng mờ trên phim X quang vú
Bóng mờ trên phim chụp X quang vú (mammography) sẽ khiến cho việc phát hiện sớm ung thư vú trở nên phức tạp hơn, căn bệnh mà nhiều phụ nữ mắc phải. Hãy báo với kỹ thuật viên X quang rằng bạn có đặt túi độn và đảm bảo họ có kinh nghiệm trong việc chụp X quang vú có túi độn. Thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ về việc siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.
Ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ liên quan tới túi độn ngực (BIA-ALCL)
BIA-ALCL - một loại U lympho non Hodgkin được tìm thấy trong các mô sẹo và dịch xung quanh túi độn, là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở cả hai loại túi gel silicon và túi nước muối vỏ nhám. Năm 2011 FDA đã xác nhận có thể có mối liên quan giữa túi độn ngực với ALCL và năm 2016 Tổ chức Y tế Thế giới cũng xác nhận điều này.
Tính đến ngày 303/09/2019, Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ (ASPS) đã công nhận 293 trường hợp mắc BIA-ALCL ở Mỹ và tổng cộng 779 người trên toàn thế giới, với 33 trường hợp tử vong được biết đến. Với hơn 10 triệu phụ nữ đặt túi độn ngực, nguy cơ này được cho là khá thấp (với tỉ lệ từ 1 trên 2207 ca cho đến 1 trên 86029 ca, theo ASPS, nhưng một số người bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân cho rằng, tình trạng BIA-ALCL có thể chưa được phát hiện chẩn đoán hết.
BIA-ALC được chẩn đoán như nào?
BIA-ALC thường có biểu hiện đau dai dẳng và/hoặc sưng ở gần túi độn do tích tụ dịch lỏng. Để chẩn đoán đòi hỏi phải tiến hành sinh thiết hoặc lấy mẫu dịch lỏng từ vú, sau đó gửi mẫu này đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đáng chú ý là căn bệnh này có thể mất từ 8 – 10 năm để phát triển.
Điều trị BIA-ALCL như nào?
Trong giai đoạn đầu, việc tháo bỏ túi độnvà cắt bỏ bảo xơ xung quanh đã được chứng minh là có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh ung thư này. Trong những trường hợp tế bào ung thư đã tấn công vào các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác khác thì bệnh nhân cũng phải điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.
Những loại túi độn nào có liên quan đến BIA-ALCL?
Các thông tin cho thấy, tất cả các trường hợp bị BIA-ALCL từng đặt túi độn đều có liên quan đến túi vỏ nhám. Chưa từng có trường hợp nào được xác minh với đặt túi độn vỏ trơn.
Tại phiên điều trần của FDA, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng túi độn vỏ nhám nhiều có diện tích bề mặt càng rộng thì càng dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây ra các phản ứng viêm được cho là dẫn đến bệnh BIA-ALCL. Túi độn Biocel của Allergan với bề mặt nhám thô nhiều nhất có liên quan đến 481 trong tổng số 573 trường hợp mắc BIA-ALCL đã được xác nhận.
Vì lý do này, ngày 24/07/2019 FDA đã yêu cầu Allergan thu hồi loại túi độn Biocell cũng như các túi giãn mô (túi giãn da) của họ trên toàn cầu.
Theo yêu cầu của FDA, Allergan đã ban hành lệnh thu hồi trên toàn thế giới các sản phẩm túi độn Biocell vỏ nhám bao gồm cả túi gel silicone và túi nước muối Natrelle, túi Natrelle Inspira, túi Natrelle 410 và các túi giãn da Natrelle.
Động thái này được thực hiện sau khi các loại túi độn vỏ nhám của công ty này bị đưa ra khỏi thị trường Châu Âu vào tháng 12/2018 và vào tháng 05/2019 ở Canada. Úc cũng đã đình chỉ Allergan bán các thiết bị túi độn vỏ nhám vào tháng 07/2019.
Tại thời điểm này FDA không khuyến nghị gỡ bỏ hay thay thế loại túi độn này ở những bệnh nhân hiện không có bất kỳ triệu chứng gì, nhưng bất cứ ai có lý do để tin rằng túi độn vỏ nhám của mình đang gây vấn đề gì đó thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức.
Trong khi khoảng 90% túi độn hiện đang được sử dụng tại Mỹ là túi vỏ trơn, một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ vẫn đang dùng túi vỏ nhám tuyên bố rằng, loại túi này mang lại những ưu điểm độc nhất so với đồng loại vỏ trơn của nó. Tất cả túi hình giọt nước đều có vỏ nhám và nhiều bác sĩ dựa vào thiết bị này để tạo dáng ngực cho những người phụ nữ có lượng mô vú tự nhiên quá ít cũng như để khắc phục tình trạng bất đối xứng hay những dị tật bẩm sinh (như vú thể ống). Cũng như một đại diện của hãng Mentor Worldwide đã lưu ý trong phiên điều trần của FDA rằng, túi độn vỏ nhám thường mang lại ưu điểm ít xê dịch và bị xoay hơn so với túi trơn khi nó có hình giọt nước.
Nhiều bác sĩ cho biết, họ đã ngừng dùng túi độn vỏ nhám vì số lượng các ca mắc ALCL tiếp tục gia tăng. Trước đó túi độn hình giọt từng là lựa chọn ưa thích của họ trong các ca tái tạo vú vì nó giúp tạo độ đầy đặn rất đẹp cho cực trên vú mà không bị nhăn hay gợn sóng. Mặc dù vậy, theo họ túi độn chỉ là 1 yếu tố góp phần vào ca phẫu thuật tái tạo, hoàn toàn có thể đạt được kết quả đẹp tự nhiên mà không cần đặt bất kỳ túi độn nào.
Dù loại túi độn của bạn là gì thì cũng hãy chú ý đến bộ ngực của mình và gọi cho bác sĩ phẫu thuật ngay nếu có bất kỳ điều gì có vẻ không ổn.
Túi độn bị nhăn, gợn sóng
Tình trạng túi độn bị nhăn hoặc gợn sóng có thể xảy ra nếu bao xơ phủ trên túi độn dính vào bề mặt da hoặc nếu khoang chứa túi độn quá to khiến cho túi độn dễ dàng xê dịch. Túi nước muối thường dễ bị nhăn hơn túi gel silicone. Những đặc điểm bất thường về kết cấu này có thể thấy rõ nhất ở những phụ nữ gầy không có nhiều mô vú, nhất là nếu đặt túi độn cỡ to.
Để khắc phục tình trạng này cần phẫu thuật chỉnh sửa, đôi khi có thể sử dụng mô sinh học (Màng khung da không tế bào - ADM) hoặc lưới phẫu thuật nhân tạo để cung cấp hỗ trợ nhiều hơn và ngăn chặn tình trạng mô xơ bám dính vào bề mặt da vú. FDA hiện đang đánh giá và vẫn chưa chấp thuận việc sử dụng lưới trong phẫu thuật nâng ngực và tái tạo ngực. Chúng ta vẫn chưa có dữ liệu về ảnh hưởng của lưới đối với các biến chứng phát triển theo thời gian.
Bệnh túi độn là gì?
Một chủ đề về độ an toàn của túi độn ngực đang nổi lên đó là bệnh túi độn (BLL - breast implant illness) một thuật ngữ được sử dụng để mô tả lên đến 100 triệu chứng mà hàng ngàn bệnh nhân đã báo cáo sau khi đặt túi độn. Những triệu chứng này bao gồm hội chứng sương mù não, mệt mỏi, đau khớp, lo lắng, rụng tóc, mùi cơ thể và rối loạn giấc ngủ, cùng với nhiều triệu chứng khác nữa. BLL là một chủ để chính đã được thảo luận trong cuộc điều trần về Thiết bị phẫu thuật thẩm mỹ và thiết bị y tế nói chung vào tháng 03/2019 của FDA.
Bệnh túi độn có thật không?
Hiện tại Bll không phải là một căn bệnh được công nhận về mặt y khoa vì các bác sĩ vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của nó.
Bản thân Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Melinda Haws – dẫn đầu đội chuyên gia điều tra về Bll của Hiệp hội Thẩm mỹ Hoa Kỳ ASPS chia sẻ rằng, cô ấy hiện cũng đã đặt túi độn và vẫn muốn giới thiệu mẹ mình đi đặt nếu bà bị ung thư vú và cần tái tạo lại bầu ngực. Cô cũng sẽ vẫn ủng hộ con gái mình một khi con bé đủ lớn để đặt túi độn nếu con bé muốn làm thế. Tuy nhiên cô cũng đã điều trị cho một số phụ nữ rất thông minh và đầy lý trí, những người tin rằng họ bị bệnh túi độn. Cô đã tháo bỏ túi độn của họ ra và nhiều người trong số họ cảm thấy khỏe hơn hẳn. Nhưng hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về BLL do đó vẫn chưa thể kết luận được gì. Khác với BIA-ALCL, không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán được Bll. Cách tốt nhất có thể làm đó là loại trừ các nguyên nhân khác và xem các triệu chứng BLl có cải thiện sau khi đã gỡ bỏ túi độn hay không.
Trong khi đó, ASERF – bộ phận nghiên cứu của Hiệp hội thẩm mỹ, hiện đang nghiên cứu về BLL và độ an toàn của túi độn ngực, cho biết, vẫn không có dữ liệu nhất quán nào về tỉ lệ phần trăm phụ nữ cảm thấy tốt hơn sau khi gỡ bỏ túi độn ngực. Và các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa phát hiện ra những thông tin quan trọng như: loại túi độn mà những phụ nữ báo cáo gặp phải các triệu chứng BLL, có bao nhiêu phụ nữ có tiền sử bị dị ứng hoặc rối loạn tự miễn.
Các nghiên cứu cũng không tìm hiểu về nhóm phụ nữ không đặt túi độn nhưng cũng bị các triệu chứng tương tự. Trong khi đó những triệu chứng này đã được báo cáo bởi những phụ nữ liên quan đến tất cả các loại túi độn, cả túi nước muối và túi gel silicon, cả túi vỏ trơn và vỏ nhám, cả túi còn nguyên vẹn và đã vỡ. Khó hiểu hơn nữa là, các bác sĩ chỉ ra rằng những triệu chứng tương tự cũng thường được phàn nàn bởi những người không đặt túi độn.
Bệnh do túi độn phổ biến như nào?
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Allen Gabriel ở Vancouver cho rằng, các bệnh nhân có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh tự miễn có thể sẽ có phản ứng mạnh hơn đối với bất kỳ vật thể bên ngoài nào được đặt vào trong cơ thể họ, vì vậy họ nên biết rằng họ có nguy cơ bị phản ứng cao hơn.
FDA cũng thừa nhận điều này trong một tuyên bố gần đây về độ an toàn của các thiết bị y khoa, “Đại đa số bệnh nhân được cấy ghép thiết bị y khoa đều không có phản ứng bất lợi. Tuy nhiên ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy một số ít bệnh nhân có thể có phản ứng sinh học với những loại vật liệu nhất định trong các thiết bị cấy ghép đặt vào trong cơ thể. Chẳng hạn như phát triển các phản ứng viêm và thay đổi mô, gây ra tình trạng đau đớn và gây ra các triệu chứng khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ”.
Bạn có nên tháo bỏ túi độn không?
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng liên quan đến bệnh túi độn và đang cân nhắc tháo bỏ túi độn thì tốt nhất là nên tư vấn với một vài bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có trình độ. Và hãy cảnh giác trước những mức giá cao hơn bình thường khi thực hiện những quy trình này. Một số bác sĩ đang tính phí quá cao cho quy trình loại bỏ túi độn và bao xơ quanh túi độn và các kỹ thuật bổ sung. Thậm chí những kỹ thuật này có nguy cơ gây ra các vấn đề khác như phù bạch huyết (mô bị sưng lên do tích tụ dịch bạch huyết).
Nghiên cứu về độ an toàn của túi gel silicon nói gì cho đến nay?
FDA phê duyệt túi gel silicone từ năm 2006 đến năm 2013 dựa trên những nghiên cứu được thực hiện bởi chính các nhà sản xuất túi độn trên hàng trăm phụ nữ trong suốt 4 năm. Những phê duyệt sẽ còn được bổ sung, thay đổi phụ thuộc vào 6 nghiên cứu nữa vẫn đang được tiến hành bởi mỗi nhà sản xuất, bao gồm một nghiên cứu thực hiện trên hơn 40.000 phụ nữ trong hơn 10 năm.
Tháng 03/2019, FDA đã ban hành cảnh báo về việc một số nhà sản xuất túi độn không tuân thủ yêu cầu, bằng chứng là “đối tượng nghiên cứu ít, dữ liệu ít, và tỉ lệ theo dõi thấp trong các nghiên cứu bắt buộc thực hiện sau khi túi độn của họ đã được phê duyệt”.
Tại phiên điều trần của FDA vào tháng 03/2019 những người bảo vệ quyền lợi bệnh nhân và một loạt các chuyên gia y tế nổi tiếng đã nhấn mạnh độ an toàn của túi độn cũng như nhu cầu cấp thiết cần thực hiện các nghiên cứu tiêu chuẩn hơn, mở rộng đối tượng bệnh nhân hơn, theo dõi, theo sát bệnh nhân tốt hơn, trong thời gian lâu hơn, theo dõi chi tiết hơn các triệu chứng và cần thiết phải có một nhóm kiểm soát chặt chẽ hoạt động này. Các nhà quản lý và các bác sĩ phẫu thuật cần dữ liệu tốt hơn để đánh giá mức độ rủi ro từ các loại túi độn khác nhau, những bệnh nhân nào có khả năng có nhiều triệu chứng hơn và làm thế nào để tránh biến chứng một cách tốt nhất.
Cho đến khi những câu hỏi này được giải đáp bởi các nghiên cứu khoa học, các bác sĩ bây giờ vẫn cần tiếp tục có những cuộc trò chuyện chi tiết với bệnh nhân về độ an toàn của túi độn, bao gồm cả các nguy cơ và những lợi ích đã được biết đến để bệnh nhân có thể đưa ra lựa chọn của mình sau khi đã được giải thích đầy đủ.
Bệnh nhân tái tạo vú nên biết những gì về độ an toàn của túi độn?
Tái tạo vú sau phẫu thuật cắt bỏ mô tuyến vú có thể tạo lại bầu vú đã bị cắt bỏ do ung thư. Phương pháp tái tạo phổ biến nhất ngày nay là sử dụng túi độn ngực. Như đã được lưu ý trong 1 nghiên cứu vào năm 2015 “Phương thức tái tạo vú đã được thay thế từ kỹ thuật tái tạo tự thân (dùng vạt mô) chuyển sang các kỹ thuật dùng túi độn, với mức tăng đáng kể (hơn gấp đôi) kể từ năm 1998”.
Hãy ghi nhớ những điểm dưới đây về độ an toàn của túi độn nếu bạn đang có kế hoạch thực hiện phẫu thuật tái tạo vú.
Tỉ lệ biến chứng khi đặt túi độn ngực có xu hướng cao hơn ở những trường hợp tái tạo vú bằng túi độn (IBBRs) so với các trường hợp nâng ngực thông thường
Bác sĩ Horton, Mỹ giải thích rằng, với quy trình nâng ngực, nguồn cung cấp máu chỉ bị gián đoạn ở mức tối thiểu, do đó máu vẫn lưu thông bình thường đến mô – điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữa lành cũng như chống lại nhiễm trùng. Ngược lại, tái tạo vú bằng túi độn thường liên quan đến việc cắt bỏ hoàn toàn mô tuyến vú, điều này làm giảm đáng kể nguồn cung cấp máu đến mô, do đó làm chậm quá trình chữa lành và khiến cho khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể kém hơn nếu bị tiếp xúc với vi khuẩn. Hãy nhớ rằng: tình trạng co thắt bao xơ có liên quan chủ yếu đến vấn đề nhiễm khuẩn.
Ngoài vấn đề liên quan đến khả năng lưu thông máu, bác sĩ Horton còn chỉ ra rằng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú còn có thể được thực hiện sai theo bất kỳ cách nào đó, tất cả đều có thể làm ảnh hưởng đến kết quả tái tạo vú sau đó và tăng tỉ lệ phải phẫu thuật lại.
Trong phiên điều trần của FDA, JoAnn Kuhne – đại diện hãng sản xuất túi độn Sientra đã chia sẻ dữ liệu về độ an toàn của túi độn trong thời gian dài của gần 1800 bệnh nhân và hơn 3500 thiết bị, dữ liệu này được lấy từ nghiên cứu PAC (nghiên cứu thực hiện sau khi túi độn được phê duyệt) thực hiện trong suốt 10 năm của hãng này. Trong nhóm bệnh nhân tái tạo vú lần đầu, cô giải thích, “tỉ lệ co thắt bao xơ dao động khoảng 16%, tỉ lệ vỡ được báo cáo ở mức 16,5% và phẫu thuật lại khoản 48%”. (Tỉ lệ phẫu thuật lại này cũng tương sự như tỉ lệ báo cáo từ các nhà sản xuất túi độn khác: Nghiên cứu chuyên sâu của Allergan trích dẫn tỉ lệ này là 53%). Mặc dù những con số này phản ánh tình trạng túi độn của các thương hiệu cụ thể nhưng chúng cũng mang đến một ý tưởng chung về nguy cơ sau phẫu thuật tái tạo vú bằng túi độn.
Tái tạo vú sử dụng túi độn vỏ trơn giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc BIA-ALCL
Một hoặc hai thập kỷ trước, có đến 20% ca tái tạo vú sử dụng túi độn vỏ nhám hoặc túi giãn da. Con số này bây giờ đã giảm xuống còn dưới 5% ở Mỹ. Lý do là vì những thông tin, dữ liệu thu thập được phản đối việc sử dụng túi độn vỏ nhám – cộng thêm việc túi gel silicon có độ kết dính cao, vỏ trơn cho hiệu quả rất cao. Hiện tại do lo ngại mắc ALCL nên còn rất ít bác sĩ phẫu thuật dùng túi vỏ nhám, mặc dù căn bệnh này rất hiếm gặp.
Bác sĩ Horton cho biết, bà không còn dùng túi độn vỏ nhám nào nữa. Tất cả các các bệnh nhân tái tạo vú bằng túi độn của bà đều được đặt túi dáng tròn, vỏ trơn ở trên cơ, ngay tại vị trí của mô vú trước khi bị cắt. Horton cam kết với bệnh nhân rằng chưa có trường hợp nào được xác nhận mắc ALCL khi đặt túi vỏ trơn và họ cũng sẽ không có nguy cơ phát triển một loại ung thư mới nào do quy trình tái tạo vú của mình.
Nếu cần sử dụng một túi giãn mô để tạo khoảng trống cho túi độn sau đó đặt vào, thì sẽ dùng loại không phải vỏ nhám (mặc dù thiết bị này chỉ được đặt trong cơ thể trong một thời gian ngắn – thường là dưới 1 năm - vì đã có các báo cáo về những trường hợp mắc ALCL liên quan đến đặt túi giãn mô vỏ nhám rồi đặt túi độn vỏ trơn. Những nhiều bác sĩ nói rằng, họ hiếm khi dùng túi giãn mô trong tái tạo vú. Bác sĩ Kalus cho biết, ông chỉ dùng chúng ở chưa đến 10% bệnh nhân – chỉ những người vú nhỏ muốn tái tạo ngực to hơn đáng kể - và trong những trường hợp này ông chỉ dùng túi giãn mô có bề mặt trơn.
Xạ trị và hóa trị có thể làm tăng các nguy cơ nhất định liên quan đến phẫu thuật tái tạo vú
Theo bác sĩ Horton, liệu pháp xạ trị gây hình thành sẹo vĩnh viễn ở các mạch máu nhỏ trong mô, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (sau phẫu thuật) vì cơ thể không có nguồn cung cấp máu bình thường đến vùng này. Các vùng được xạ trị nên được để dịu xuống trong ít nhất 6 tháng trước phẫu thuật để những tổn thương như tấy đỏ và sưng nề do xạ trị tiêu giảm đi. Cơ thể sau đó sẽ bước vào giai đoạn tổn thương mạn tính do xạ trị, trong đó mô sẽ hơi cứng hơn và co lại. Thông thường những mô được chiếu xạ quá nhiều cần được thay thế bằng mô khỏe mạnh từ bất kỳ vị trí nào khác hoặc quá trình giãn mô cần được tiến hành thật chậm để tránh nhiễm trùng hoặc rách vết thương.
Bà cho biết thêm, theo thống kê xạ trị có liên quan đến tỉ lệ co thắt bao xơ cao hơn ở những bệnh nhân đặt túi độn. Xạ trị sẽ làm co nhỏ lớp da bao quanh bầu vú và núm vú, làm cho vú bị xạ trị có phần ngồi cao hơn và có cảm giác cứng hơn một chút so với vú không bị xạ trị.
Nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Phẫu thuật Tái tạo và Thẩm mỹ Plastic and Reconstructive Surgery đã tìm hiểu sự khác biệt giữa tình trạng co thắt bao xơ do xạ trị và co thắt bao xơ không do xạ trị. Nghiên cứu lưu ý rằng, ở ngực bị ảnh hưởng bởi xạ trị trước đó không chỉ bao xơ bao quanh túi độn bị căng chặt và lớp da vú bên ngoài cũng căng chặt. Các nguyên nhân và cách điều trị có thể khác nhau, vì vậy hãy đảm bảo thảo luận nguy cơ này với bác sĩ của bạn trước khi phẫu thuật.
Hóa trị làm tổn hại đến thống miễn dịch, khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Do đó, theo bác sĩ Horton, phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và tái tạo vú bằng túi độn hoặc vạt mô thường bị trì hoãn ít nhất 4 đến 6 tuần sau khi hóa trị liệu xong hoặc khi số lượng bạch cầu đã bình thường và bệnh nhân thấy đỡ mệt mỏi hơn.
Mô sinh học (Màng khung da vô bào – ADM) cũng thường được sử dụng trong tái tạo vú nhưng hiện vẫn còn gây tranh cãi
ADM (Acellular dermal matrices) là các cấu trúc hỗ trợ được tạo ra (hoặc có nguồn gốc) từ các vật liệu khác nhau bao gồm vi khuẩn, động vật, xác chết con người (lưới làm từ polyme tổng hợp thường cũng được gộp chung vào loại này). Những vật liệu này trở thành chủ đề nóng bỏng trong cuộc điều trần của FDA vào mùa xuân năm ngoái chủ yếu là vì chúng đã trở thành vật cố định được sử dụng trong phẫu thuật tái tạo vú trong khi lại chưa được FDA chấp thuận cho sử dụng ở vú.
Joe Nielsen một nhà sinh vật học thuộc bộ phận quản lý các thiết bị phẫu thuật ở FDA đã lưu ý trong phiên điều trần rằng, “FDA vẫn chưa cho phép hoặc phê duyệt bất kỳ vật liệu mô sinh học nào được chỉ định cụ thể dùng trong các quy trình phẫu thuật ngực, và chúng tôi tin rằng cần phải xét nghiệm lâm sàng và tiền lâm sàng để đánh giá đầy đủ về tính an toàn, hiệu quả cũng như rủi ro – lợi ích của mô sinh học khi sử dụng trong phẫu thuật ngực”.
Theo McGuire, ADM hiện đang được sử dụng trong 80% các ca tái tạo vú và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các trường hợp đặt túi độn trên cơ, vì chúng giúp che túi độn làm giảm nguy cơ nhìn thấy túi độn. Khi túi độn được đặt dưới cơ, ADM cho phép nâng cơ lên khỏi thành ngực và cho phép bác sĩ phẫu thuật bơm phồng túi giãn mô nhiều hơn tại thời điểm cắt bỏ tuyến vú, để làm căng đầy da hơn và bảo tồn dáng vú tốt hơn.
Trong khi một số nghiên cứu cho thấy ADM có liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng và tụ dịch nhiều hơn, thì bác sĩ McGuire nói rằng, những vấn đề này có thể được giảm thiểu bằng các kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt và cũng giảm thiểu được khi bác sĩ thực hiện là người giàu kinh nghiệm sử dụng ADM và khi chính các sản phẩm này đã có chất lượng ngày càng tốt hơn. Ngoài ra có vẻ như tình trạng co thắt bao xơ cũng ít hơn khi sử dụng ADM.
Tuy nhiên một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ như Horton khi bày tỏ quan điểm về việc sử dụng ADM ở những bệnh nhân tái tạo vú lại cho rằng, “ADM là một vật thể bên ngoài – một mảnh mô có mạch máu – mà bạn đưa vào một môi trường có nguy cơ bị đào thải với nguồn cung cấp máu dễ bị ảnh hưởng sau khi cắt bỏ tuyến vú …Điều đó có vẻ không giống với cách làm của tôi. Tôi không tin ADM không thể thiếu cho sự thành công của một ca phẫu thuật tái tạo vú”.
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về tất cả các mối nguy cũng như lợi ích liên quan đến ADM trong quá trình tư vấn của mình.