Doanh nghiệp biếu quà quan chức: Bánh ít đi, bánh quy lại

1 năm trước 47

(PLO)- Tặng 3,4 tỉ đồng không thể nói là tình cảm, hay thích thì cho. Đó là bản chất của tham nhũng, của đưa và nhận hối lộ.

TAND TP.HCM vừa tuyên án vụ Hoàng Thị Thúy Nga (chủ tịch sáng lập NSJ Gro - nhà thầu) và hai cựu giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ. Đáng chú ý, tòa kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi xung quanh số tiền quà biếu 3,4 tỉ đồng mà bị cáo Nga đã biếu cho các quan chức khi đó…

Cụ thể, HĐXX nhận định việc đưa nhận số tiền 3,4 tỉ đồng của các bị cáo (nếu có) cũng xuất phát từ việc cựu giám đốc sở đã tạo điều kiện cho bị cáo Nga trúng thầu. Hành vi đưa nhận tiền (nếu có) là dấu hiệu của một tội phạm độc lập khác nên HĐXX đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ.

 HOÀNG GIANG

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga trong phiên tòa xét xử vụ vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ mới đây. Ảnh: HOÀNG GIANG

Pháp luật Việt Nam quy định rất nghiêm về việc biếu tặng quà nhằm tránh các hành vi tham nhũng, đưa, nhận hối lộ. Cụ thể, theo Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Nếu vì lý do công việc, quan hệ ngoại giao mà không từ chối được thì người nhận quà phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết phần quà đó.

Cạnh đó, Điều 27 Nghị định 59/2019 hướng dẫn: Quà định giá được như tiền, vật có giá thì khi nhận phải báo cáo với cấp trên trực tiếp rồi nộp ngân sách. Trường hợp ngay lúc nhận không biết giá trị của món quà mà mình nhận thì sau đó phải nhờ định giá, rồi gửi cho cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền xử lý. Tóm lại, đã có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước thì anh không được nhận bất cứ khoản lợi ích vật chất hay lợi ích phi vật chất nào cả.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia như Mỹ có quy định tổng thống được nhận phần quà không quá 375 USD. Nếu quà trên số tiền này thì người nhận phải bỏ tiền ra mua. Bà Hillary trong quá trình ngoại giao công vụ được tặng chuỗi ngọc màu đen từ chính phủ Myanmar, sau đó qua định giá xác định chuỗi ngọc có giá 1.000 USD nên bà phải bỏ tiền ra mua.

Hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Barack Obama được tặng rất nhiều quà nhưng ông không bỏ tiền ra mua bất kỳ món quà nào. Khi công du Saudi Arabia, ông được tặng bộ vòng vàng trắng trị giá 1,3 triệu USD. Ông đã nhận, sau đó mang về sung vào ngân sách.

Hay như Canada có quy định nếu quà dưới 200 USD thì thủ tướng được quyền nhận, trên giá trị này thì phải kê khai trong vòng 30 ngày. Năm 2018, thủ tướng của nước này nhận cặp kính trị giá 300 USD của thủ hiến một đảo ở Canada. Ông không kê khai trong vòng 30 ngày theo quy định, bị phát hiện và chịu phạt 100 USD.

Một khi doanh nghiệp biếu tiền cho quan chức, hẳn họ muốn quan chức tạo điều kiện để họ được việc gì đó. Tặng 3,4 tỉ đồng không thể nói là tình cảm, hay thích thì cho. Đó là bản chất của tham nhũng, của đưa và nhận hối lộ. Theo Điều 354 BLHS về tội nhận hối lộ: Người có chức vụ, quyền hạn bằng hành vi của mình hoặc thông qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận để thực hiện việc trên cơ sở đạt được mục đích của người đưa hối lộ cấu thành tội nhận hối lộ. Hành vi đưa 3,4 tỉ đồng là thủ thuật để Nga đạt mục đích. Đó là điều ai cũng dễ thấy.

Câu thành ngữ “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” nói về quan hệ có đi có lại, không ai cho không ai cái gì. Thành ngữ xét dưới hai góc độ. Thứ nhất: Những người ngang hàng nhau, trong sự đối đãi biết điều và quý mến nhau thì ngày lễ, tết, sinh nhật họ gửi phần quà, tấm bánh cho nhau với mong muốn mối quan hệ thêm thân tình.

Thứ hai: Ở góc độ một bên là doanh nghiệp, một bên là quan chức phụ trách lĩnh vực thì việc tặng cho sẽ tạo ra chủ nghĩa thân hữu, khi doanh nghiệp tặng quà cho anh thì có mục đích rất rõ ràng, cụ thể là đạt được lợi nhuận trong việc kinh doanh. Quan chức nhận quà khủng không thể nói là do doanh nghiệp thương quý mình mà tặng.

Xét về vị trí, nếu vị quan chức đó đã về hưu thì doanh nghiệp có đem 3,4 tỉ đồng đến tặng không? Giả dụ có tặng thì thói thường cũng sẽ nhờ vả người đó “nói giúp với anh Ba, anh Tư một tiếng” về vụ việc, dự án nào đó. Cho nên gói thầu do cơ quan của anh là chủ đầu tư, doanh nghiệp mang tiền đến biếu tặng, anh không thể vô tư nhận rồi nói người ta tự mang tới, có biết gì đâu. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức phụ trách lĩnh vực, hễ có cho tặng quà thì quan chức phải dè chừng, đừng nghĩ không ai biết đâu, đừng thấy “bỗng dưng có tiền ngại gì không nhận” rồi dính chàm, tù tội…

Ông bà ta có câu “Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày, đi qua vườn đào chớ sửa nón”, đại ý khuyên người ta không nên có những hành động gây hiểu nhầm. Khi đi qua vườn đào, dù mũ đội đầu có bị lệch cũng không nên giơ tay lên sửa mũ, sẽ bị nghi là hái trộm đào. Khi đi qua ruộng dưa, dù dép có bị đứt quai cũng đừng cúi xuống sửa, sẽ bị nghi là hái trộm dưa.

Nếu quan chức nào cũng chịu răn mình, tránh mọi trường hợp có thể bị hiềm nghi thì sẽ không có câu chuyện có dấu hiệu đưa, nhận hối lộ như vụ án này hay ở nhiều vụ khác.

Miếng pho-mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột; quan chức “bập” vào sao tránh khỏi tội tù!

TS CAO VŨ MINH

Đọc toàn bộ bài viết