“Đòn bẩy” thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng

7 tháng trước 43

“Đòn bẩy” thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng và nhu cầu thuê kho xưởng tăng cao là 2 nguyên nhân chính thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp gia tăng.

Nguồn cung bất động sản công nghiệp gia tăng

Theo Báo Đầu Tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng với hơn 4,29 tỷ đô la và nhu cầu thuê kho xưởng tăng cao là 2 nguyên nhân chính thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp gia tăng.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), đến cuối năm 2024, tổng nguồn cung bất động sản công nghiệp trọng điểm dự kiến đạt 1,4 triệu m2, gấp 1,3 lần nguồn cung năm 2023. Theo đó, miền Bắc dự kiến chào đón nguồn cung bất động sản công nghiệp và hậu cần mới lên tới 322.000 m2. Trước đó, JLL cũng đưa ra dự báo, năm 2024 phía Bắc sẽ có thêm 700.000 m2 nhà xưởng xây sẵn, đưa tổng nguồn cung tăng gấp 1,6 lần so với 2023.

Theo báo cáo trên, diện tích lấp đầy tăng trưởng tích cực so với năm 2023. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 bất động sản công nghiệp rơi vào giai đoạn ảm đạm, sau đó dần tăng trưởng ổn định trong 6 tháng cuối năm.

Bất động sản - “Đòn bẩy” thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng với hơn 4,29 tỷ đô la và nhu cầu thuê kho xưởng tăng cao là 2 nguyên nhân chính thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp gia tăng. Ảnh minh họa từ internet 

Ở miền Nam, theo Cushman & Wakefield, với việc điều chỉnh, công bố và phê duyệt Quy hoạch tổng thể tỉnh (giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050), nguồn cung mới đất khu công nghiệp sẽ không ngừng gia tăng trong giai đoạn 2024 - 2026 và dự báo sẽ vào khoảng 6.100 ha, giải quyết được tình trạng hạn chế về quỹ đất công nghiệp.

Thị trường nhà xưởng xây sẵn sẽ đón nguồn cung vào khoảng 2,2 triệu m2 trong giai đoạn này. Nhu cầu thuê xưởng trong tương lai sẽ được duy trì bởi cả các công ty sản xuất lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo sau làn sóng FDI sản xuất đổ vào Việt Nam.

Còn với thị trường nhà kho xây sẵn, dự kiến sẽ có khoảng 1,4 triệu m2 gia nhập thị trường. Bên cạnh các nhà bán lẻ, các đơn vị hậu cần bên thứ ba và thương mại điện tử, nhu cầu về kho bãi còn có sự tham gia của các nhà sản xuất và nhà phân phối.

Nhiều triển vọng từ doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm hơn 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.

Giới phân tích đánh giá, nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Đi kèm với đó là nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ tăng cao trong năm 2024.

Hiện cả nước có 412 khu công nghiệp đã thành lập, 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao. Cụ thể, theo CBRE, trong năm 2023, khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%, trong khi khu vực phía Nam đạt 92%. Điều này chứng tỏ, sức cầu đối với bất động sản công nghiệp vẫn luôn hiện hữu và tăng đều.

Dự báo cho đến cuối năm 2024, tài chính có thể vẫn hạn chế, khó có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra do các vấn đề về định giá đất, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất khu công nghiệp và tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này tạo cơ hội đặc biệt cho các khu công nghiệp đã có sẵn quỹ đất cho thuê lớn. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của mình khi nguồn cung còn hạn chế.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ trong các quý tiếp theo của năm 2024. Dựa trên cơ sở các Biên bản ghi nhớ đã ký kết và quỹ đất gần 150ha sẵn sàng cho thuê trong năm 2024, KBC đặt mục tiêu tổng doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt lần lượt 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, tăng gần 48% và 80% so với kết quả năm 2023. Đặc biệt, dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, được thông qua quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và khởi công trong quý I/2024, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực tăng trưởng dài hạn cho KBC.

Ngoài các dự án đã triển khai, phía công ty cho biết đang chuẩn bị quỹ đất KCN mới để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể, công ty đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để được phê duyệt dự án tại các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu… với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500ha đất KCN và 650ha đất khu đô thị.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Mã: BCM) có kế hoạch cho thuê diện tích lớn tại Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700ha từ quý I/2024, tăng cường doanh thu mảng cho thuê khu công nghiệp.

Năm 2024, trong dòng chảy của sự hồi phục kinh tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp lớn trở thành những động lực quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt ngành bất động sản tăng trưởng tích cực hơn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hợp tác kinh tế toàn cầu được thúc đẩy, các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, cơ hội mới đã mở ra cho các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, tạo ra giá trị lớn hơn cho cộng đồng và nhà đầu tư.

Đào Vũ (T/h)

       

    Nổi bật trong ngày

    Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD

    Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD

    Thứ 3, 26/03/2024 | 07:00

    Xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trong năm 2024 do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tiếp tục tăng trong khi nguồn cung hạn chế.

    Đọc toàn bộ bài viết