Du lịch tâm linh – Top 10 điểm đến ở khu vực Hà Nội

3 năm trước 26

Đã thành một nét đẹp truyền thống, những ngày đầu năm cho đến hết tháng Giêng, nhiều gia đình cùng đi lễ chùa để cầu may mắn, vạn sự tốt đẹp đến cho cả gia đình và người thân. Dưới đây là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất tại Thủ đô Hà Nội mà bạn có thể ghé thăm.

1. Chùa Trấn Quốc

  • Vị trí: Bên bờ hồ Tây, đường Thanh Niên, quận Tây Hồ. 
  • Ðặc điểm: Là ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội, có kiến trúc khá rộng và đẹp, có vườn tháp lớn.
Du lịch tâm linh

Khởi dựng từ thế kỷ 6, đời Lý Nam Ðế, chùa có tên là Khai Quốc (mở nước) và nằm ở phía ngoài đê Yên Phụ. Năm 1615 bãi sông bị lở sát vào chùa nên đã rời vào trong đê và nằm bên sóng nước Hồ Tây, chùa đổi tên nhiều lần: An Quốc, Trấn Quốc, Trấn Bắc…

Chùa có qui mô bề thế bao gồm ba nếp nhà tiền đường, thiên hướng, thượng điện nối liền thành hình chữ công (I), 2 dãy hành lang, gác chuông, nhà tổ và nhà bia. Trong chùa hiện còn 14 tấm bia đá ghi lại nhiều tư liệu quý và mô tả đầy đủ các quá trình tu tạo chùa. 

Đặc biệt chùa còn có vườn tháp lớn và rất nhiều tháp. Ở khuôn viên chùa có cây bồ đề xum xuê cành lá, đó là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Chùa Trấn Quốc với qui mô kiến trúc khá rộng, phong cảnh đẹp, một ngôi chùa nổi tiếng, kết hợp được vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc với vẻ đẹp thanh nhã của một thắng cảnh ven Hồ Tây hiện đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Những ngày đầu xuân, chùa Trấn Quốc xứng đáng là lựa chọn điểm đến du lịch tâm linh hàng đầu để bắt đầu một năm mới.

2. Chùa Quán Sứ

  • Vị trí: Số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Ðạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Ðặc điểm: Là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam.
Du lịch tâm linhẢnh: Hanoitv

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ 15 nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương; ngày nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội.

Nguyên xưa ở phường này chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống nước ta.

Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu tích khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại.

Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tất cả tinh hoa các đại già lam miền Bắc.

Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở nước ta mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Phải chăng vì ngôi chùa được xây dựng lại vào giữa thế kỷ 20 và vì chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Tổng hội Phật giáo Bắc Việt, nay là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi Quốc tự chung của các thiện nam tín nữ trên đất Việt.

Tam quan chùa kiểu ba tầng mái, chính giữa là lầu chuông. Đi qua một sân gạch nhỏ, bước lên 11 bậc thềm là tới chính điện, hình vuông, có hành lang bao quanh. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy.

Phía trong cùng, thờ ba vị Tam Thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ Phật Thích-ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng.

Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình.

Các nhà chính và nhà phụ chùa Quán Sứ đều rộng rãi. Nơi đây từng là trụ sở báo Đuốc Tuệ . Hiện nay chùa có giảng đường, thư viện, là nơi đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam).

Chùa Quán Sứ là một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua ở Thủ đô Hà Nội.

3. Đền Ngọc Sơn

  • Vị trí: Nằm trên đảo Ngọc Sơn thuộc hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. 
  • Đặc điểm: Tuy là một ngôi đền kiến trúc mới xong đền Ngọc Sơn lại là một điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc.
Du lịch tâm linhẢnh: didauchoigi

Đảo Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên đảo là Ngọc Tượng và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Tại đây đã có một ngôi đền được dựng lên để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Về sau lâu ngày ngôi đền bị sụp đổ.

Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 – 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thuỵ Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời Lê, cung Thuỵ Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ.

Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương đế quân vào thờ và đổi tên là đền Ngọc Sơn (Văn Xương là nhân vật đời Kiến Vũ, năm 25 – 55 sau công nguyên bên Trung Quốc, sau khi chết được phong là thần chủ về văn chương khoa cử).

Theo sách “Hà Thành linh tích cổ lục” thì ngay từ đời Lê, trên đảo Ngọc Sơn đã có đền thờ Quan Công, người nổi tiếng trung nghĩa đời Tam Quốc (Trung Quốc). Khi vua Lê và chúa Trịnh dùng hồ là nơi duyệt thuỷ quân thì đền được coi như một võ miếu.

Dân Hà thành đã đem tượng Đức thánh Trần thờ phối hưởng bên cạnh Quan Công. Nhưng “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” lại cho đó là tượng Lê Lai, công thần khai quốc đời Lê đã xả thân cứu chúa.

Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.

Trên núi Ngọc Bội cũ, ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là đài Nghiên, trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có hình ba con ếch đội.

Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: Nhất đài Phương Đình bút. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn.

Đền chính gồm hai ngôi đền nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút được đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá.

Phía nam có đình Trấn Ba (đình chắn song – ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hoá đương thời). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.

Các nhân vật được thờ trong đền ngoài Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo, còn thờ cả phật A Di Đà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt.

Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, tạo vẻ đẹp cổ kính, hài hoà, đăng đối cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hoà giữa con người và thiên nhiên.

Đền và hồ đã trở thành những chứng tích gợi lại những kỷ niệm xưa về lịch sử dân tộc, thức tỉnh niềm tự hào, yêu nước chính đáng cũng như tâm linh, ý thức mỗi người Việt Nam trước sự trường tồn của dân tộc.

4. Đền Quán Thánh

  • Vị trí: Đền Quán Thánh nằm ở góc đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) và phố Quán Thánh trông ra Hồ Tây (đời Lê thuộc đất phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía nam Hồ Tây).
  • Đặc điểm: Đền còn được gọi là Trấn Vũ Quan, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ – trấn hướng bắc của kinh thành Thăng Long.
Du lịch tâm linh

Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ. Sau khi dời Đô về Thăng Long, vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán – phúc thần của kinh thành.

Đền là một trong Thăng Long tứ trấn (4 vị thần trấn thành Thăng Long): thần Huyền Thiên trấn phía bắc, thần Bạch Mã trấn phía đông (đền Bạch Mã), thần Linh Lang trấn phía tây (đền Voi Phục), thần Cao Vương trấn phía nam (đền Kim Liên).

Trải qua đời Trần, đền có tu sửa nhiều lần. Năm 1677, đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trùng tu đền. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm và tặng một đồng tiền vàng cùng với một số vàng do các hoàng thân dâng cúng để đúc lại thành một cái vòng treo ở cổ tay tượng thần.

Năm 1856, bố chánh Sơn Tây, bố chánh Hà Nội, tri huyện Vĩnh Thuận đã tổ chức quyên góp trùng tu, sửa lại chính điện, đình điều hương, bái đường và gác chuông, làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái, đắp lại 4 pho tượng đại nguyên soái. Năm 1893 đền được tu sửa lớn như diện mạo ngày nay.

Đền Quán Thánh được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Quốc, bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Cổng ngoài của đền nằm trên lề đường Thanh Niên. Cổng có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh.

Ở hai bên là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng. Ở các mặt trước và sau của bốn cột trụ được trang trí bởi những cặp câu đối đỏ trông rất nổi bật.

Sau cổng ngoài là tam quan có cấu tạo như một phương đình. Điều đặc biệt, phía trên cổng giữa của tam quan đắp nổi tượng thần Rahu. Đây là vị thần trong thần thoại Ấn Độ, đã nuốt Mặt Trăng và Mặt Trời nên gây ra hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.

Một số đền ở Hà Nội cũng có sự hiện diện của thần Rahu bên ngoài cổng như đền Bạch Mã. Điều này nói lên phần nào sự hội nhập tín ngưỡng của người Việt Nam.

Tam quan của đền có ba cửa và hai tầng. Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1.5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông. Tiếng chuông này đã đi vào ca dao với những câu thơ đậm chất trữ tình:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.

Qua sân bái rộng – nơi sắp xếp đội ngũ chuẩn bị cho nghi thức lễ đền – là đến cửa bái đường. Ở bậc tam cấp trước bái đường có hai lư hương lớn. Tiếp đến là bàn để chuẩn bị đồ tế lễ. Ngoài hiên bái đường, bên trái đắp nổi tượng cọp xuống núi, bên phải đắp nổi tượng cá hóa rồng. Ngoài ra, ở bên phải có bảng giới thiệu lịch sử tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ.

Trước kia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được làm bằng gỗ, đến năm 1677 được đúc lại bằng đồng đen. Tượng cao 3,07m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Tượng thần được đặt ở hậu cung. Tượng có khuôn mặt vuông, râu dài, tóc xõa, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa. 

Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây hơn ba thế kỷ.

Tại nhà bái đường còn một pho tượng nhỏ hơn, cũng bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này do các học trò của ông đúc để ghi nhớ công ơn của thầy. 

Ngoài ra, trong đền còn có chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh (thế kỷ 17 – 18) do đô đốc Lê Văn Ngữ quyên tiền để đúc thành. Chiếc khánh có chiều ngang 1,25m, chiều cao 1,1m.

Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc trên cửa, cột, xà và hơn 60 bài thơ hoành phi câu đối viết bằng chữ Hán. Tác giả của các bài thơ này là những người đạt khoa bảng cao như: Thám hoa, Bảng nhãn, Bố chánh, Đốc học… trong đó có cả thơ của vua Minh Mạng. 

Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền, các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới… được chạm khắc một cách tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Cũng như đền đình Kim Liên, đền Quán Thánh là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Đền Quán Thánh là một di tích có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc, nằm bên bờ Hồ Tây cùng với tiếng chuông Trấn Vũ đã hòa nhịp vào thiên nhiên, góp phần tô điểm cho cảnh đẹp cổ kính, thơ mộng của vùng du lịch Hồ Tây – Hà Nội.

5. Chùa Hương

  • Địa điểm: xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội.
Du lịch tâm linhẢnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Quần thể Chùa Hương thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km.

Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ.

Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.

Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá.

Vách động có năm chữ Hán 南天第一峝 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Từ mồng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội Chùa Hương, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến chiêm bái.

Du khách có thể đi bằng đường bộ theo hành trình: Hà Ðông – Vân Ðình – Hương Sơn hoặc từ thị xã Phủ Lý ngược dòng sông Ðáy lên Bến Ðục – Yến Vĩ – Hương Sơn.

Theo tâm thức của người Việt Nam, Hương Sơn được coi là cõi Phật. Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm. Ngày 6 tháng giêng là ngày khai hội, có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến.

Hội trải rộng trên 3 tuyến, tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân. Hội chùa đông nhất từ 15 đến 20 tháng 2 (chính hội). Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập từng đoàn người lên lên, xuống xuống.

Du lịch tâm linh trảy hội chùa Hương không chỉ đi lễ Phật mà còn là có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp của biết bao hình sông thế núi, có cơ hội nhận biết bao công trình lớn nhỏ đặc sắc của di tích Hương Sơn đã trở thành di sản văn hoá của dân tộc.

6. Phủ Tây Hồ

  • Vị trí: Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  • Đặc điểm: Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Du lịch tâm linh - Phủ Tây Hồ

Nhìn trên bản đồ, Hồ Tây có hình giống như chiếc càng cua, nơi bán đảo nhô ra mặt nước, mỏm xa nhất, đẹp nhất, quanh năm dập dềnh sóng nước, êm ả mây trời, lảng bảng sương lam. Đây chính là nơi tọa lạc của Phủ Tây Hồ hay còn gọi là Phủ Mẫu Tây Hồ.

Tục truyền rằng: bà chúa Liễu Hạnh tên thật là Quỳnh Hoa – con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.

Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi.

Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì nàng không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.

Phủ Tây Hồ có quy mô không lớn lắm, nhưng ở vào vị trí mây nước hữu tình tuyệt đẹp, tạo ra cảm giác lâng lâng, thanh thoát cho khách hành hương mà trong lòng mang niềm tục lụy cần được giãi bày, cảm thông và giải tỏa.

Phủ thờ Ngọc Hoàng Thượng đế có Nam Tào Bắc Đẩu hầu hai bên, có tam Mẫu, đệ nhất là Mẫu Liễu Hạnh, đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn, đệ tam là Mẫu Thoải (tức là bà Chúa rừng và Bà chúa nước).

Vào đến sân, qua cái cổng có vòm cong, thấy ngay cây vối cổ thụ nằm nghiêng đã mấy trăm năm như con kỳ lân ngóng ra sóng gợn, còn trong phủ là vàng son, nhang khói, tượng Mẫu, tượng Bà Chúa Sơn Trang, tượng Cô, tượng Cậu, các quan…

Đến Phủ, không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện một ý nguyện cầu xin và giải tỏa nỗi niềm, thực hiện một nghi thức tâm linh… mà còn là để thư giãn tinh thần, thăm một cảnh đẹp, có nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng Thủ đô Kẻ Chợ, gặp một chút xưa giữa nay, và tạm lắng nay lại để man mác cùng xưa, ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp.

Vào các ngày 7-8-9 tháng 3 âm lịch và những ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, không chỉ những người Hà Nội, mà khách hành hương từ nhiều nơi khác cũng kéo nhau về du lịch tâm linh nơi đây, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều an lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình hồ Tây.

7. Đền Bạch Mã

  • Vị trí: 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Đặc điểm: Đây là một trong tứ Trấn – trấn Đông (cửa Đông) của kinh thành Thăng Long xưa.
Đền Bạch Mã

Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) – vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô, từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long và muốn mở rộng thành. Vua đã cho đắp thành nhưng hễ đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người đi hỏi dân chúng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước, vua bèn sai biện lễ cầu đảo.

Đêm ấy vua nằm mộng gặp thần tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp, tất sẽ thành công, ngay lúc đó, vua nhìn thấy một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất.

Hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành, đắp lũy, thành sau khi được xây xong rất chắc chắn, vững chãi.

Để tưởng nhớ công ơn của thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Từ đấy ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng và đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) có tên từ đó.

Trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, di tích được tu bổ trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc cũ.

Đền Bạch Mã là một công trình kiến trúc đẹp, điển hình như: tam quan, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm…

Tam quan có mặt bằng hình chữ nhật, gồm năm gian nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn và bốn bộ vì đỡ mái kiến trúc theo kiểu “chồng rường giá chiêng hạ bảy”, một số thanh rường chạm hoa văn hình học, gian giữa mở lối vào đền bằng cánh cửa gỗ lớn.

Đặc biệt, giữa xà hạ và xà trung của mỗi vì có hai tượng nghê lớn bằng gỗ hướng mặt vào lòng nhà. Ngay sát phía sau là kiến trúc phương đình với hệ thống “củng ba phương”, vừa có tác dụng chịu lực – đỡ góc mái, vừa có tác dụng dùng để trang trí và là nơi treo đèn lồng trong các dịp lễ hội. Bộ mái ở đây làm hai tầng, mỗi tầng bốn mái có các góc đao cong.

Ở đền Bạch Mã, kiến trúc lớn nhất là nhà đại bái. Nhà đại bái được chia thành năm gian với nền nhà được lát bằng đá xanh hình chữ nhật. Bộ khung đỡ mái nhà được làm bằng gỗ với hệ thống cột gỗ có kích thước khá lớn và chúng được kê lên chân các tảng đá hình tròn. Sáu bộ vì được kiến trúc theo hai kiểu: hai vì hồi kiến trúc theo kiểu “kẻ chuyền” còn bốn vì giữa kiến trúc theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ bảy”.

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của toà nhà này được thể hiện chủ yếu trên hai bộ vì gian giữa dẫn vào chính điện, chạm các hình tứ linh trên nền hoa văn xoắn, hình đầu rồng trên các đầu dư.

Tại đền Bạch Mã, hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng…

Là một trong “Thăng Long Tứ Trấn”, lại có vị trí đặc biệt thuận lợi cho loại hình du lịch tâm linh – văn hóa, đền Bạch Mã không chỉ có ý nghĩa tinh thần đối với người dân Hà Nội, khách du lịch tâm linh thập phương mà còn là nơi cung cấp nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu về chặng đường ngàn năm lịch sử của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.

Hàng năm, để tưởng nhớ thần Long Đỗ, cứ đến ngày 12 và 13/2 âm lịch, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ hội đền Bạch Mã với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao…

Đặc biệt, năm 2009, lễ hội được tổ chức theo đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm” – một trong những công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Năm 1986, đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Nội.

8. Chùa Phúc Khánh

  • Địa chỉ: 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội
Du lịch tâm linh

Chùa Phúc Khánh còn có tên Chùa Sở là 1 ngôi chùa lâu đời ở Hà Nội. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988.

Chùa được dựng vào thời Hậu Lê. Vào thời Lê, chùa là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Sau đó gặp hỏa hoạn bị hư hỏng hoàn toàn.

Có tài liệu cho chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên xây dựng lại với sự hỗ trợ của Đô đốc Trần Văn Lễ (thời Tây Sơn) đã từng ém quân ở chùa. Ông còn cho đúc quả đại hồng chung và pho tượng Cửu Long cúng chùa.

Chùa được trùng tu nhiều lần các năm 1853, 1921, 1932, 1935, 1940, 1993, 1996, 1998. Hòa thượng trụ trì Thích Trung Thứ đã cho kiến thiết ngôi chùa, làm cơ sở đào tạo tăng tài, điểm An cư kiết hạ hàng năm của chư Tăng vào năm 1940.

Dân làng đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa ngày nay vào năm 1950. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm và có 20 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao.

Chùa có 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 3 đại hồng chung, chuông cổ nhất đúc năm 1796; 14 bộ bao lam (cửa võng) và các đồ thờ khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án…

9. Chùa Một Cột

  • Vị trí: Phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Ðặc điểm: Chùa có kiến trúc độc đáo, được tạo dáng như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên.
Chùa Một Cột - Du lịch tâm linh

Chùa Một Cột có tên chữ là Diên Hựu (phúc lành dài lâu) được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông.

Tương truyền khi ấy vua Lý Thái Tông đã cao tuổi mà chưa có con trai nên nhà vua thường đến các chùa để cầu tự. Một đêm ông chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện lên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm.

Chùa Một Cột là một Quốc tự, liên quan tới vua sáng lập triều Lý, được xây dựng gần khu vực Tử Cấm thành, hàng tháng cứ rằm, mồng một vua đến đặt lễ cầu phúc.

Theo sử sách, chùa được xây lần thứ nhất năm 1049: “Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi, có người cho là điềm không lành.

Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Cho các nhà sư đi xung quanh tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu). Năm 1070 mùa xuân tháng giêng năm Thần Võ thứ 2, vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc vào phiến đá”.

Lần xây dựng thứ hai vào năm 1105, vua tu bổ chùa Diên Hựu: “Mùa thu tháng 9 làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu… Bấy giờ vua chữa lại chùa đẹp hơn chùa cũ, đào hồ Liên Hoa Ðài gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ”.

Bích trì đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây Bảo Tháp. Trước khi vào chùa còn có một phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng (khoảng 26m) trước cổng chùa. Chùa là một cụm kiến trúc bề thế, có ý tưởng độc đáo và thẩm mỹ đẹp đã bị chiến tranh tàn phá, trở thành um tùm rậm rạp thời giặc Minh”.

Thông qua nhiều tài liệu cổ cho biết chiếc cột thần kỳ cao tới 20m, trong đó có bia Sùng Diện Linh ở chùa Long Ðọi Nam Hà do Binh bộ thượng thư Nguyễn Công Bật viết đã mô tả và ghi chép tỷ mỷ việc xây tiếp chùa Một Cột: “Mở cửa chùa Diên Hựu tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô thủa trước, lo toan Thánh ý ngày nay.

Ðảo hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ trồi lên cột đá. Trên cột đá có một cánh hoa sen ngàn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm. Trong đền đặt pho tượng sắc vàng, ngoài hồ có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại có hồ Bích Trì, bắc cầu cong đi lại, ở sân trước hai cầu bên tả hữu xây bảo tháp lưu ly…”.

Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Chùa đã bị huỷ hoại, xây dựng lại nhỏ hơn so với nguyên mẫu, nhắc lại ở đây một thời đã có một cụm kiến trúc độc đáo.

Hiện nay chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước đi du lịch tâm linh tới cầu nguyện và tham quan.

10. Đền Dầm

Đền Dầm

Thuộc thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, đền Dầm có kiến trúc cổ, không gian thoáng đãng với cây cối và hồ nước. Cột đền được làm bằng gỗ, mái đền phủ những lớp ngói đã bạc màu thời gian.

Trong khuôn viên của đền còn trồng nhiều cây cổ thụ, trong đó có cây đa tới nay đã hơn 100 tuổi.

Hội đền Dầm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch, với nhiều nghi thức cũng như những hoạt động đặc sắc diễn ra tại ngôi đền như lễ rước nước, múa rồng, múa sư tử, kéo chữ…

Du lịch tâm linh đầu năm đến với đền Dầm, du khách tìm đến một mảnh đất thanh bình, linh thiêng, cầu mong cho một năm mới bình an, mạnh khỏe.

>> Top 10 khách sạn lớn nhất châu Á

Đọc toàn bộ bài viết