Năm 2020, tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều trận sạt lở kinh hoàng gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hạ tầng giao thông.
Sạt lở làm các tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH5 đi các xã vùng cao của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tan hoang. Trong khi đó, các nhà thầu thi công ì ạch khiến việc đi lại của người dân vốn đã khó càng thêm khó.
Thi công ì ạch
Giải quyết tình trạng trên, tỉnh Quảng Nam giao huyện Phước Sơn đầu tư các dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường này nhằm phục vụ việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, đã gần bốn năm sau sạt lở, các tuyến đường vẫn chưa thể hoàn thành. Người dân nóng lòng chờ đi trên những con đường mới, trong khi các nhà thầu thì thi công ì ạch.
Theo UBND huyện Phước Sơn, dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1 (xã Phước Kim - xã Phước Thành) có chiều dài tuyến 18,66km, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2023. Tuy nhiên, đến nay khối lượng mới chỉ thực hiện khoảng 40% giá trị hợp đồng.
Tuyến đường ĐH2 (xã Phước Thành – xã Phước Lộc) dài 8,37km, tuyến đường ĐH5 (xã Phước Công - xã Phước Lộc) khởi công giữa năm 2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 nhưng hiện nay mới thi công đạt 35% khối lượng.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho hay các nhà thầu chủ yếu làm cầu, cống. Phần đường nhà thầu mới chỉ thi công một vài chỗ, khả năng chậm tiến độ rất cao.
Theo ông, mỗi khi thời tiết mưa bão, bà con nhân dân rất lo lắng, đặc biệt là khi đau ốm, bệnh tật cần di chuyển để chăm sóc y tế.
“Mỗi lần họp cử tri bà con kiến nghị rất nhiều. Hiện nay, bà con rất quan tâm đến đường sá, muốn nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để thuận tiện việc đi lại”, ông Phức nói.
Thừa nhận thiếu quyết liệt
Trả lời PV, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định các dự án này đều chậm tiến độ, chưa đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết và chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
“Đứng về phía nhân dân, chúng tôi thấu hiểu sự bất tiện của đồng bào khi lưu thông trên các tuyến đường này. Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi thừa nhận sự thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện và đại diện chủ đầu tư”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, các nhà thầu thi công các tuyến ĐH này đều liên danh từ 1 đến 4 nhà thầu, có doanh nghiệp năng lực tốt, làm có trách nhiệm. Nhưng cũng có doanh nghiệp năng lực hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm đối với hợp đồng đã ký kết.
Chủ tịch huyện Phước Sơn cũng cho hay, năm 2022, địa bàn huyện mưa nhiều. Nguồn cung và giá vật liệu tăng cao trong năm 2023. Cả ba tuyến đều sạt lở nặng nên việc vận chuyển vật liệu, phương tiện khó khăn, chi phí tăng cao…
“Tuy vậy, khi đã đấu thầu và ký kết hợp đồng thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm với hợp đồng đã ký kết. Thời gian thi công vẫn còn từ 8 đến 10 tháng nữa, UBND huyện đã và đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2024”, ông Trung khẳng định.
Nói về giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, ông Trung cho hay sẽ giao các đơn vị tăng cường theo dõi, bám sát hiện trường để đôn đốc các nhà thầu tăng cường thêm nhân lực, thiết bị, máy móc. Triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng ca để tận dụng triệt để thời tiết thuận lợi đầu năm 2024.
Đà Nẵng: Đường kiểu mẫu ở khu dân cư bị xe ben làm hư hỏng
(PLO)- Chủ đầu tư đã cam kết và UBND huyện đã thống nhất phương án sau khi làm xong dự án sẽ sửa chữa hoàn trả lại tuyến đường nguyên trạng.
THANH NHẬT