Gen Z Việt - những người sinh năm 1997-2012 - chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Với việc thời gian và không gian giao tiếp trở nên hạn hẹp, nhu cầu tìm kiếm mối quan hệ qua mạng của các bạn trẻ này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Mặc dù ứng dụng hẹn hò hứa hẹn sẽ giúp người dùng tìm kiếm mối quan hệ ý nghĩa, Gen Z lại đang gặp phải những trải nghiệm khác xa so với kỳ vọng ban đầu. Thay vì tạo ra cơ hội cho một mối quan hệ đáng giá, nhiều người trẻ cảm thấy thất vọng, cô đơn khi sử dụng các ứng dụng này.
Hiện thực xấu xí
Theo khảo sát từ AppsFlyer, có tới 65% ứng dụng hẹn hò đã bị gỡ bỏ trong vòng một tháng, với 90% người dùng nói lời chia tay chỉ sau một tuần sử dụng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Gen Z Việt không còn mấy mặn mà với các ứng dụng hẹn hò. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thanh Trà (22 tuổi, Hà Nội) cho biết, rất khó để có một mối tình chân thật trên các nền tảng này, bởi ai cũng nắm trong tay rất nhiều lựa chọn.
"Thời gian sử dụng app (ứng dụng), mình nhắn tin cùng lúc với 6-7 người. Nếu ai sau vài ngày không trò chuyện, mình sẽ hủy tương hợp và tiếp tục quẹt (tìm kiếm) các đối tượng khác.
Việc này chỉ vui ban đầu vì các app hẹn hò tạo môi trường cho mình kết nối với những mối quan hệ mới. Tuy nhiên, chúng khó để đi lâu dài vì tại nền tảng online (trực tuyến), người dùng dễ dàng từ bỏ đối tượng đang làm quen nếu thấy không thú vị", nữ sinh nói.
Thực tế, sự nở rộ của các ứng dụng hẹn hò giúp cho giới trẻ mở rộng môi trường để tìm kiếm nhiều mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, việc có quá nhiều đối tượng khiến cho họ không thể tập trung tìm hiểu kỹ càng, tạo ra tâm lý không có mối này sẽ... có mối khác.
Bên cạnh đó còn là suy nghĩ "đứng núi này trông núi nọ". Dù đã tìm kiếm được người phù hợp, một số bạn trẻ vẫn tiếp tục quẹt để tìm được người tốt hơn. Vì vậy, Gen Z khó bắt đầu bước vào một mối quan hệ nghiêm túc, gắn bó lâu dài.
Trang Dazed từng ví người dùng của các ứng dụng hẹn hò như những "món hàng", khi họ thường không quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ lâu dài và có thể dễ dàng bỏ qua nhau để tìm kiếm đối tác mới. Điều này đã gây ra cảm giác không an tâm, đánh mất lòng tự trọng của một số người.
Một thực tế khác là Gen Z có xu hướng đào thải những ứng dụng hẹn hò và nguyên nhân đến từ cách cư xử chưa trưởng thành.
Hồng Nhung (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể về trải nghiệm sử dụng app hẹn hò: "Một lần, mình tìm được một bạn nam rất hợp gu, có nhiều sở thích, điểm chung. Cả hai đã nói chuyện rất nhiều, có hôm hai đứa nhắn tin với nhau đến sáng, cũng gặp gỡ 1-2 lần trực tiếp đi ăn uống.
Tuy nhiên mấy ngày sau, bạn đó biến mất luôn mà không rõ lý do, nhắn tin cũng không trả lời nữa. Sau sự việc đó, mình khá sốc, xóa app luôn để tránh tiếp tục gây tổn thương cho bản thân".
Thời nay, giới trẻ có một thuật ngữ khá nổi tiếng là "Ghosting", chỉ hành vi đột ngột chấm dứt mọi giao tiếp và tránh tiếp xúc với người khác mà không có bất kỳ cảnh báo hay giải thích rõ ràng nào. Đây được coi là hiện tượng phổ biến trên ứng dụng hẹn hò. Việc biến mất không lý do có thể khiến cho nhiều người hoài nghi, tự trách bản thân đã làm gì sai để bị đối xử như vậy.
Người sử dụng ứng dụng hẹn hò thường phải đối mặt với không ít tình huống như cảm thấy khó mở lời để chấm dứt cuộc trò chuyện, việc nói ra sẽ khiến chàng trai/cô gái xa lạ nào đó bị tổn thương... Vì vậy, họ chọn cách im lặng để cho đối phương tự hiểu vấn đề.
Một số bạn trẻ còn phàn nàn về sự giả mạo và không trung thực trong hồ sơ của những người hẹn hò. Hình ảnh và mô tả thường không phản ánh đúng về người dùng, khiến cho quá trình tìm kiếm một nửa còn lại trở nên mất thời gian, khó khăn hơn. Một số trường hợp còn gặp phải tình trạng quấy rối trực tuyến hay lạm dụng thông tin cá nhân, gây ra những vấn đề về an toàn và sự tự tin của người sử dụng.
Thậm chí, Gen Z cũng cảm thấy áp lực từ việc "tự quảng cáo" bản thân trên các ứng dụng này. Họ cần luôn tìm cách gây ấn tượng và thu hút các đối tác tiềm năng trong một khoảng thời gian ngắn, với sự hạn chế của hồ sơ trực tuyến.
Có thể thấy, đằng sau vẻ ngoài sáng láng, hấp dẫn của thế giới ảo là những câu chuyện không hề màu hồng. Gen Z Việt đang dần nhận ra rằng, ứng dụng hẹn hò có thể mang lại cơ hội gặp gỡ và kết nối nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro cùng sự thất vọng.
Gen Z đi đâu để tìm một nửa của mình?
Thay vì dành thời gian trên điện thoại để duyệt qua các hồ sơ trực tuyến, Gen Z quyết định dành thời gian và năng lượng cho việc phát triển bản thân. Họ tham gia vào những hoạt động xã hội, khám phá sở thích cá nhân...
Bên cạnh đó, người trẻ cũng không từ bỏ việc tìm kiếm mối quan hệ mà chọn cách tiếp cận khác biệt. Không cần dựa vào ứng dụng hẹn hò, họ chủ động tham gia vào các sự kiện xã hội, hội họp bạn bè hoặc tham gia các câu lạc bộ, nhóm sở thích để gặp gỡ người mới...
Số khác lại quay về cách hẹn hò "thời ông bà" bằng cách đi chơi với người có mối quan hệ thân thiết, biết rõ các thông tin cá nhân, cuộc sống của nhau như bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… hay nhờ người thân, bạn bè giới thiệu.
Nguyệt Thu (27 tuổi, Hà Nội) - Minh Quý (27 tuổi, Cần Thơ) đều đang làm trong ngành truyền thông. Cả hai từng nhờ gặp gỡ và làm việc với nhau trong một dự án rồi bén duyên trở thành vợ chồng.
"Tôi làm sáng tạo nội dung, còn chồng tôi làm thiết kế. Chúng tôi lúc đầu chỉ đơn thuần là đồng nghiệp hợp tác, từ công việc bắt đầu thấy ở nhau nhiều điểm chung, sở thích cá nhân, suy nghĩ... Ở anh, tôi cảm nhận được sự an toàn, những điều tìm kiếm ở một nửa còn lại rồi trở thành nàng dâu Cần Thơ lúc nào không hay", Nguyệt Thu tâm sự.
Cách hẹn hò này nghe có vẻ lỗi thời nhưng lại giúp cho các bạn trẻ cảm thấy chân thật, tiết kiệm thời gian và giảm bớt sự lo lắng, nghi ngờ với những người xa lạ trên nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, nhiều Gen Z đã biết tận dụng tài khoản cá nhân để tạo ra "hồ sơ hẹn hò" cho mình.
Về cơ bản, mạng xã hội là nền tảng kết nối những người có cùng quan điểm và mối quan tâm đến những vấn đề tương tự. Bởi các ứng dụng trực quan như Facebook, Instagram... cho phép người trẻ có đánh giá chân thực, khách quan về tính cách của mọi người trong cả một quá trình dài - thứ mà ứng dụng hẹn hò không làm được.
Thực tế, Gen Z hiện nay không hoàn toàn ủng hộ hay phản đối việc tham gia các ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Các bạn trẻ luôn cố gắng tìm cách sử dụng công nghệ một cách thông minh và xây dựng kết nối nhiều mối quan hệ chất lượng, chân thực trong cuộc sống.
Diễm Quỳnh