Giời leo ở miệng, môi xuất hiện khi cơ thể bị căng thẳng, suy nhược hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Nếu không được phát hiện từ sớm và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể dẫn đến một số triệu chứng toàn thân như: đau đầu, mệt mỏi, sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết…
Bệnh giời leo ở miệng, môi là gì?
Bệnh giời leo (Zona thần kinh – shingles) là bệnh lý da liễu xuất phát từ sự tái hoạt động của virus varicella zoster thuộc chủng herpes zoster (nguyên nhân hình thành bệnh thủy đậu).
Thông thường, sau khi bệnh nhân điều trị bệnh thủy đậu thành công, virus sẽ tìm cách trú ẩn tại các dây thần kinh và tạm thời “ngủ đông.” Khi gặp điều kiện thuận lợi (thời điểm cơ thể mệt mỏi, suy nhược, căng thẳng), virus sẽ bắt đầu tái hoạt và tấn công gây bệnh.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh giời leo là sự xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, tập trung dọc đường đi của dây thần kinh. Không chỉ gây tổn thương ngoài da, tình trạng này còn kéo theo nhiều triệu chứng toàn thân kèm theo khác. Theo các chuyên gia, bệnh giời leo thường bùng phát ở miệng, môi, cổ, mắt, sau tai và sau lưng.
Bệnh giời leo ở miệng, môi là tình trạng vùng da xung quanh miệng (má, cằm, môi, nhân trung, bên trong khoang miệng) bị bỏng rát, sưng tấy, ửng đỏ, phát ban và nổi nhiều mụn nước li ti. Bệnh lý này có biểu hiện tương tự bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, các mụn nước của bệnh giời leo có kích thước nhỏ hơn và thường mọc thành từng chùm san sát.
Trong đa số trường hợp, bệnh giời leo ở miệng, môi không chỉ dẫn đến một số triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến yếu tố thẩm mỹ của khuôn mặt người bệnh.
Nguyên nhân hình thành và triệu chứng điển hình
Bệnh giời leo ở miệng, môi xuất hiện phổ biến ở những người chưa từng tiêm phòng vaccine thủy đậu. Bên cạnh đó, các đối tượng từng bị thủy đậu cũng rất dễ mắc phải bệnh lý này. Bởi sau khi họ chữa khỏi thủy đậu, virus vẫn tiếp tục tồn tại bên trong cơ thể ở dạng bất hoạt. Khi gặp được thời cơ thuận lợi, chúng hoàn toàn có thể “tỉnh dậy” gây bệnh sau nhiều tháng hoặc nhiều năm “ngủ đông”.
Bệnh giời leo ở miệng, môi dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng hay chốc mép. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết chính xác tình trạng này thông qua các dấu hiệu điển hình sau:
- Giai đoạn tiền triệu chứng: Sau 1 – 2 ngày tái hoạt đầu tiên, virus sẽ gây ra nhiều triệu chứng tương tự bệnh cảm như: sốt nhẹ, mệt mỏi, sợ lạnh, uể oải, nhức đầu. Trong khoảng thời gian này, chúng ta khó phân biệt bệnh giời leo với một số bệnh lý khác.
- Giai đoạn khởi phát: Sau khi trải qua giai đoạn đầu tiên, bạn có thể theo dõi triệu chứng và xác nhận liệu bản thân có đang mắc bệnh giời leo ở miệng, môi hay không. Lúc này, miệng, môi và các vùng da xung quanh xuất hiện nhiều dải ban nóng đỏ hoặc các mụn nước đau ngứa râm ran. Theo thời gian, những mụn nước này sẽ chuyển từ trạng thái mờ mờ, phồng nhẹ sang căng bóng, tích mủ và trắng đục.
- Giai đoạn toàn phát: 1 tuần sau đó, mụn nước bắt đầu vỡ ra kèm theo máu và mùi tanh. Tiếp theo, chúng từ từ khô lại, hình thành vảy cứng và không còn sưng phồng, tê đau. Khi lớp vảy trắng này biến mất, các vị trí tổn thương trên miệng, môi sẽ xuất hiện vết sẹo hơi mờ.
Như vậy, bệnh lý này sẽ khỏi hẳn chỉ sau 3 – 4 tuần. Tuy nhiên, nếu không may mắc phải biến chứng, bệnh giời leo ở miệng, môi có thể kéo dài đáng kể.
Bệnh giời leo ở miệng, môi có lây không? Có nguy hiểm không?
Như phần trên bài viết đã đề cập, bệnh giời leo ở miệng, môi do varicella zoster. Đây vốn là một nhánh của chủng virus herpes (nguyên nhân gây bệnh thủy đậu). Bệnh thủy đậu mang tính truyền nhiễm rất cao. Vậy còn bệnh giời leo thì sao?
Trên thực tế, bệnh giời leo có khả năng lây nhiễm thấp hơn hẳn so với bệnh thủy đậu. Đây không phải là căn bệnh dễ dàng lây lan từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, nếu chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu nhưng đã tiếp xúc trực tiếp với mụn nước, rất có thể bạn sẽ bị nhiễm bệnh thủy đậu (không phải bệnh giời leo).
Cả hai bệnh lý này chỉ mất đi khả năng lây nhiễm khi tất cả mụn nước đã khô đi hoàn toàn. Tóm lại, bệnh giời leo không lây lan trực tiếp nhưng virus gây bệnh thủy đậu thì có thể.
Hiện nay, ngành y tế chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong vì bệnh giời leo. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến biến chứng suy giảm thị lực – thính lực, liệt dây thần kinh mặt, viêm não, bội nhiễm…
Hơn nữa, những nốt mụn nước nhạy cảm còn khiến bệnh nhân ăn uống và giao tiếp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng lớn đến yếu tố thẩm mỹ.
Phương pháp điều trị bệnh giời leo ở miệng, môi
Thông thường, bệnh giời leo ở miệng, môi sẽ được chẩn đoán thông qua công tác thăm khám lâm sàng. Bên cạnh đó, để xác định chính xác nguyên nhân hình thành, bác sĩ chuyên khoa có thể thu thập thông tin tiền sử bệnh lý cũng như chọc dịch tiết để kiểm tra sự hiện diện của virus gây bệnh.
Bệnh lý này không chỉ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến yếu tố thẩm mỹ của khuôn mặt người bệnh. Vì vậy, để giảm thiểu tổn thương trên da và hạn chế để lại sẹo xấu, bạn cần chủ động điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, cụ thể:
Sử dụng thuốc Tây
Hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc hiệu với virus varicella zoster. Do đó, những loại thuốc được chỉ định trong quá trình chữa bệnh thường chỉ tập trung ức chế hoạt động của virus gây bệnh, cải thiện triệu chứng khó chịu và tăng cường sức đề kháng.
Các loại thuốc chữa bệnh giời leo ở miệng, môi phổ biến bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Những vị trí tổn thương trên môi, miệng có thể gây đau đớn, sưng viêm và sốt nhẹ. Để khắc phục các biểu hiện này, bệnh nhân có thể uống một số loại thuốc giảm đau, hạ thân nhiệt như: acetaminophen, ibuprofen, naproxen…
- Thuốc kháng virus: Nhóm thuốc này thường được chỉ định trong vòng 72 giờ từ khi bệnh lý biểu hiện thành triệu chứng. Các loại thuốc kháng virus như: acyclovir, famciclovir, valacyclovir giúp kìm hãm hoạt động của virus và hạn chế rủi ro xuất hiện biến chứng.
- Thuốc kháng histamin H1: Nếu vùng da tổn thương bị ngứa ngáy khó chịu, bạn có thể dùng các loại thuốc histamin H1 như: loratadin, cetirizin, fexofenadin, diphenhydramin, clorpheniramin… Lưu ý, nhóm thuốc này thường dẫn đến hiện tượng khô miệng và buồn ngủ trong quá trình sử dụng.
- Kem bôi capsaicin: Được tổng hợp từ trái ớt, hoạt chất capsaicin có khả năng giảm đau ngứa tại chỗ vô cùng hiệu quả. Loại kem này được chỉ định sau khi mụn nước đã tự vỡ và khô lại hoàn toàn. Lưu ý, việc tự ý sử dụng kem bôi capsaicin khi mụn nước chưa vỡ có thể gây đau rát, xót da, thậm chí bội nhiễm.
- Thuốc bôi gây tê: Loại thuốc này có thể cải thiện triệu chứng đau ngứa sau khi vết thương lành lại hoàn toàn.
- Thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân dùng thêm thuốc kháng sinh nếu vị trí tổn thương bị nhiễm trùng.
- Một số loại thuốc khác: Nếu bệnh giời leo ở miệng, môi gây đau nhiều, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống viêm chứa corticoid, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc chống co giật.
Thông thường, bệnh giời leo ở miệng, môi có phạm vi ảnh hưởng tương đối nhỏ và có thể đáp ứng tốt với thuốc điều trị.
Tự chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể chủ động chăm sóc tại nhà để hỗ trợ quá trình chữa bệnh và đề phòng biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là bốn cách xử lý bệnh giời leo ở miệng, môi tại nhà mà độc giả có thể dễ dàng áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần tham vấn y khoa trước khi tiến hành.
- Bôi hỗn hợp vaseline mật ong: Vaseline và mật ong nguyên chất đều chứa nhiều thành phần kháng sinh tự nhiên. Do đó, khi kết hợp chúng với nhau, chúng ta sẽ thu được một hỗn hợp lành tính, dịu nhẹ với khả năng ức chế quá trình lan rộng của bệnh giời leo. Bên cạnh đó, hỗn hợp này còn góp phần nuôi dưỡng làn da, xóa mờ thâm sẹo và se vảy vị trí tổn thương.
- Chườm đá: Những viên đá lạnh có thể hạ thấp nhiệt độ, gây tê, giảm nhanh kích ứng và cản trở hoạt động của virus gây bệnh. Bệnh nhân có thể bao bọc một vài viên đá bằng khăn sạch, sau đó nhẹ nhàng chườm lên vùng da cần điều trị.
- Đắp tỏi tươi hoặc nha đam: Với đặc tính kháng khuẩn vô cùng mạnh mẽ, tỏi tươi và gel nha đam có thể hạn chế sự lây lan của mầm bệnh và thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương. Đặc biệt, nha đam còn giúp đẩy lùi cảm giác châm chích, bỏng rát trên bề mặt da.
- Thoa sữa chua không đường: Sữa chua có công dụng xóa mờ thâm sẹo, diệt khuẩn và tái tạo tế bào. Bạn có thể dùng bông tăm thấm vào sữa chua, sau đó nhẹ nhàng thoa lên sang thương.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chữa lành và hồi phục vết thương. Nhiều loại thực phẩm có thể góp phần phòng chống tác nhân gây bệnh. Thế nhưng, một số loại thực phẩm khác lại khiến bệnh lý thêm nghiêm trọng và phức tạp.
Để rút ngắn thời gian điều trị, bạn cần xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, lành mạnh và tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Cung cấp đủ nước: Bệnh nhân nên bổ sung tối thiểu 2 lít nước/ngày. Nước giúp bạch cầu di chuyển trơn tru, dễ dàng, đồng thời thúc đẩy quá trình đào thải cặn bã qua hệ thống bài tiết, từ đó cải thiện sự trao đổi chất.
- Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất: Đây là hai dưỡng chất thiết yếu đối với sức khỏe tổng thể. Chúng ta có thể hỗ trợ cơ thể ức chế hoạt động của virus gây bệnh bằng cách dung nạp nhiều trái cây và rau xanh.
Thêm vào đó, người bệnh cần chú ý kiêng cữ một số thực phẩm có hại sau:
- Đường, tinh bột: Đường và tinh bột có thể chuyển hóa thành carb. Tuy carb là năng lượng tích cực nhưng dưỡng chất này đồng thời cũng có thể nuôi dưỡng virus gây bệnh. Vì vậy, trong thời gian điều trị, bạn hãy tạm thời tránh xa trà sữa, bánh kẹo, đồ ngọt…
- Rau muống, thịt gà, gạo nếp: Những loại thực phẩm này có thể gây đau nhức, phù nề.
- Đậu nành và chế phẩm từ đậu nành: Nhóm thực phẩm này giúp virus hoạt động mạnh mẽ.
- Nhóm thực phẩm giàu chất béo có hại: Thức ăn nhanh chính là thực phẩm giàu chất béo hàng đầu mà bạn buộc phải đưa vào “danh sách đen”. Với nhiều cholesterol xấu và carb dư thừa, chúng có thể cản trở hoạt động của hệ thống miễn dịch.
- Nhóm thực phẩm chứa nhiều axit arginine: Nhóm thực phẩm này góp phần thúc đẩy virus tấn công, gây bệnh. Do đó, bệnh nhân nên hạn chế dung nạp tối đa trong quá trình chữa bệnh.
- Các chất kích thích: Rượu bia, cà phê, thuốc lá, trà đặc, nước ngọt và các chất kích thích có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống thần kinh trung ương, đồng thời làm suy giảm số lượng bạch cầu bên trong cơ thể.
Biện pháp phòng tránh bệnh giời leo ở miệng, môi
Tiêm chủng vaccine thủy đậu càng sớm càng tốt được xem là phương pháp ngăn ngừa bệnh giời leo an toàn, hiệu quả nhất. Loại vaccine này có thể được tiêm ngay từ khi chúng ta còn nhỏ. Nếu đã tiêm phòng thành công, bạn có thể phòng tránh được cả bệnh thủy đậu lẫn bệnh giời leo.
Ngoài ra, độc giả cần:
- Hạn chế tiếp xúc và dùng chung vật dụng với những người đang mắc bệnh giời leo
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, thường xuyên cắt móng tay – chân và rửa tay cẩn thận bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
- Tập thể dục – thể thao chăm chỉ, điều độ
- Duy trì lịch trình làm việc – nghỉ ngơi hợp lý
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ
- Cung cấp đầy đủ lượng nước thiết yếu cho cơ thể
- Tăng cường bổ sung trái cây, rau xanh
Bài viết đã cung cấp những thông tin cần biết về bệnh giời leo ở miệng, môi. Nhìn chung, bệnh lý này không quá nguy hiểm và không đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, để ngăn ngừa biến chứng phức tạp, khó lường, bạn cần đảm bảo tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa cũng như thường xuyên thăm khám để được hỗ trợ kịp thời, đúng cách.