Gần đây xảy ra một số vụ án mà nạn nhân đều là những cô gái trẻ. Sau khi mất tích bí ẩn, nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng tử vong. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn chuyên gia tội phạm học.
- Thưa ông, 2 cô gái trẻ mất tích và đều được phát hiện bị sát hại ngay trong phòng trọ trước và sau Tết ở Hà Nội và TP.HCM. Qua theo dõi, ông có nhận xét gì về điểm chung của 2 vụ án?
2 vụ án án này cũng không khác nhiều so với những vụ án đã xảy ra thời gian qua liên quan đến giết người cướp tài sản.
Ở đây, các đối tượng đã cùng lúc xâm hại đến 2 khách thể rất quan trọng được Luật Hình sự bảo vệ, đó là tính mạng của con người và quyền sở hữu của cá nhân.
Một điểm nữa, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất quyết liệt, phạm tội đến cùng và tìm mọi cách để che giấu hành vi phạm tội bằng cách giấu xác, phân xác gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Qua đó, chúng ta thấy, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm của tội phạm đang có diễn biến phức tạp.
- Trong cả hai vụ án này, sau khi gây án, hung thủ đã thực hiện những hành vi nhằm che giấu tội phạm. Trong vụ cô gái bị sát hại dã man ở quận Cầu Giấy, kẻ thủ ác đã giấu xác trong tủ bếp. Còn vụ ở Thủ Đức, hung thủ phân xác nạn nhân đem đi phi tang. Theo Đại tá, diễn biến tâm lý tội phạm từ khi nảy sinh ý đồ gây án đến khi tìm cách xoá dấu vết có thể lý giải ra sao?
Trong 2 vụ án này, đầu tiên là các đối tượng bằng mọi cách đạt được mục đích của mình. Trong đó, mục đích đầu tiên của các đối tượng phạm tội là chiếm đoạt tài sản để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ, nhu cầu vật chất và nhu cầu khao khát đạt được mong muốn mà đối tượng chưa có. Chính vì vậy, các đối tượng suy nghĩ, tính toán làm thế nào đó tìm được nạn nhân để thực hiện được hành vi gây án.
Điều 2, khi gây án, các đối tượng thực hiện hành vi giết người nhằm che giấu thông tin dễ bị phát hiện, điều tra, xử lý.
Có một vấn đề liên quan đến tâm lý, sau khi sát hại người xong, các đối tượng muốn đánh lạc hướng điều tra của cơ quan công an, gây khó khăn cho cơ quan điều tra nhằm thoát tội. Cho nên, các đối tượng đã phân xác, giấu xác,… Đây chính là diễn biến nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội.
- Có thể nói, hành vi của các đối tượng mang tính bộc phát nhiều hơn có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng, thưa ông?
Nếu nhìn vào hai vụ án này chúng ta thấy tính bộc phát không cao mà ở đây rõ ràng đã có xu hướng để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản. Và để chiếm đoạt tài sản này, các đối tượng đã tìm "con mồi" phù hợp với điều kiện của mình. Từ đó, tính toán cách thức để gây án và cách thức che giấu hành vi phạm tội.
Cho nên, tính bộc phát giống như mâu thuẫn tức thời, dẫn đến hành vi phạm tội trong hai vụ án này rõ ràng rất thấp.
- Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, nhiều loại hình tội phạm gia tăng. Cụ thể, số vụ giết người tăng 12,65%, số vụ cướp tài sản tăng 44,4%, số vụ cướp giật tăng 17,68%,…Ông nhận xét gì về những con số vừa nêu?
Trước hết chúng ta thấy rằng, con số thống kê này làm chúng ta rất lo lắng. Bởi, đây là những loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội và nạn nhân. Cho nên sự gia tăng này rất cần phải được kéo giảm và ngăn chặn.
Theo tôi, trong thời gian qua, đặc biệt sau tình hình COVID-19, phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của nước ta mà nhiều nước trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Nhiều nơi công ăn việc làm khó khăn, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, nhu cầu của con người ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới tác động vào, những biến động suy thoái toàn cầu, những hiện tượng xã hội tiêu cực trong đời sống xã hội,…tác động vào nhận thức, tâm lý, tình cảm, hành vi của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Cho nên, trong một thời điểm có thể có một số loại tội phạm như chúng ta vừa thống kê tăng đột biến. Và đó, chính là câu hỏi đặt ra để chúng ta cần phải tính toán, suy nghĩ, đấu tranh kéo giảm nó, để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho người dân.
- Nhìn từ vụ án cô gái mất tích rồi bị sát hại cho thấy hung thủ có thể là người quen, cũng có thể là người lạ. Một câu hỏi rất quan trọng đặt ra, làm thế nào để nhận ra dấu hiệu của tội ác, cần nâng cao ý thức cảnh giác để không rơi vào tình huống nguy hiểm?
Đây là một câu hỏi, tôi cho rằng rất quan trọng. Để nhận diện người có hành vi tội ác thực sự là một công việc không đơn giản, quan trọng là chúng ta phải có vốn kiến thức, kỹ năng để quan sát hành vi, thái độ, mục tiêu họ đặt ra với mình trong quá trình giao tiếp và những hành vi khuất tất để qua đó chúng ta có ý thức cảnh giác.
Đối với những vụ việc như vừa rồi, chúng ta phải thấy rằng, mỗi một người phải tự có một cách, phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác khi giao tiếp, tiếp xúc với người lạ, những người quen biết qua mạng, hoặc những người có những nhu cầu không lành mạnh.
Trong tội phạm học có yếu tố nạn nhân. Nạn nhân đừng biến mình thành nạn nhân tự nguyện, hoặc đưa vào tình thế bất lợi. Chẳng hạn như trường hợp cô gái quản lý nhà trọ ở Hà Nội. Nếu chỉ mới quen biết qua mạng hoặc qua điện thoại, một mình dẫn đối tượng đến một toà nhà vắng vẻ như thế, là tự mình đưa mình vào tình huống nguy hiểm.
Hoặc quen biết qua mạng như cô gái ở TP.HCM rồi bỏ nhà đi,... như vậy, chính chúng ta đang tự biến mình thành nạn nhân. Hoặc đi một mình trong đêm tối, mang nhiều tài sản... tất cả những thứ đó, chứng minh mình không có kỹ năng để nhận biết vấn đề.
- Theo ông, cần có những giải pháp căn cơ nào để giảm thiểu loại tội phạm giết người, cướp của này?
Tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực, trong thời đại nào cũng xuất hiện và quốc gia nào cũng có. Vấn đề là chúng ta giảm thiểu ở mức độ nào và ở loại tội phạm nào?
Để có giải pháp, tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta phải thấy vai trò của gia đình. Bởi, gia đình là pháo đài để bảo vệ các giá trị. Gia đình phải quản lý, giáo dục con em mình về đạo đức, lối sống, nhân cách, hành vi,… để tạo cho các em có một nền tảng, hay nói cách khác là một sự đề kháng đối với hành vi lệch chuẩn, tiêu cực, trái pháp luật. Nếu một khi chúng ta giáo dục trong một gia đình tốt, sẽ có sản phẩm tốt ra xã hội, tránh những tiêu cực.
Thứ hai, giáo dục về kỹ năng, ý thức để chỉ ra cho những người trẻ để thấy hành vi của họ phải trả giá về tương lai, tính mạng, sức khoẻ,….
Thứ ba, theo tôi gia đình cũng như môi trường xã hội phải giáo dục để các em nhận thức được hành vi đúng sai, nâng được các giá trị tốt, thấy và biết lên án, căm thù, phê phán, tránh xa những hiện tượng và hành vi tiêu cực.
Bên cạnh đó, công tác quản lý rất quan trọng. Quản lý từ trong gia đình, không thể buông thả để cho các em muốn hành động thế nào thì hành động,….Ra ngoài xã hội, trật tự xã hội cũng cần phải có những thiết chế, để làm sao đi vào nề nếp.
Xã hội càng trật tự thì tội phạm càng giảm, xã hội càng thiếu trật tự, hành vi vô kỷ luật, bất chấp pháp luật, coi thường pháp luật, kỷ cương nó sẽ xuất hiện. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần có công tác xử lý, xử lý cũng cần phải kịp thời, xử lý cũng cần nghiêm minh đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Xử lý cũng là hình thức răn đe, giáo dục.
Một hình thức nữa là công tác truyền thông, truyền thông là tạo sức ép của xã hội lên hành vi tiêu cực. Đồng thời, truyền thông cũng đưa vào nhận thức để người ta hành động đúng đắn hơn. Những biện pháp đó, tôi cho rằng tác động vào nhận thức, tâm lý, tình cảm, hành vi, để làm sao khơi dậy những hành vi tốt, hạn chế tiêu cực.
Vụ án gần đây gây rúng động dư luận là trường hợp cô gái L.T.T.L 21 tuổi - quê Thanh Hóa bị giết hại trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nghi phạm được xác định là Hoàng Minh Hào (20 tuổi, quê Bắc Giang). Chị L. được gia đình báo mất liên lạc từ ngày 7 Tết. Hiện, Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án Giết người, cướp tài sản. Cái chết đau lòng của cô gái đã để lại xót thương cho gia đình và xã hội.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, chị Vi Thị T., ( 25 tuổi quê Đồng Nai) đã mất tích bí ẩn tại phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức. Vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, quê Tiền Giang) là hung thủ đâm chết chị T., cướp tài sản và thực hiện hành vi hiếp dâm. Đáng chú ý, sau khi gây ra tội ác, Khoa đã dùng dao phân tử thi thành nhiều phần, bỏ vào túi mang đi phi tang.
Phương Lan - Nguyễn Hiền(VOV)