Hiểu cách sẹo hình thành sẽ giúp bệnh nhân chủ động hỗ trợ vết mổ liền thành vết sẹo thẩm mỹ nhất, giúp họ càng thêm hài lòng với vòng hai của mình.
Sẹo là một phần quan trọng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy không ảnh hưởng quá lớn đến mức độ an toàn của ca phẫu thuật, nhưng sẹo lại có ảnh hưởng trực tiếp lên mức độ hài lòng của bệnh nhân và độ thành công của ca phẫu thuật. Sau tạo hình thành bụng, một vết sẹo đẹp là một vết sẹo mảnh, mờ, dẹt và dễ dàng che kín. Có như thế, bệnh nhân mới dễ dàng cảm thấy tự tin khi diện những bộ đồ tôn lên đường nét mới của mình.
Các vết sẹo có thể gặp sau tạo hình thành bụng
Ngoài các vết sẹo cơ bản thường gặp, bệnh nhân làm tạo hình thành bụng cũng có thể có những vết sẹo đặc biệt để có thể đáp ứng mục tiêu thẩm mỹ của từng ca bệnh cụ thể. Dưới đây là một số hình dáng sẹo thường gặp và sẹo đặc biệt:
Sẹo chạy theo mép dưới bụng
Đây là vết sẹo đặc trưng, cơ bản mà bệnh nhân nào cũng sẽ có sau tạo hình thành bụng. Một đường sẹo hơi cong cong nằm ở mép trên vùng mu sau khi cắt bỏ da thừa. Ở một số người, sẹo có thể nằm thấp sát mép bên dưới, còn với một số khác thì sẹo có thể phải nằm cao hơn. Độ cong của sẹo cũng không nhất quán. Thông thường, vết sẹo sẽ hơi cong nhẹ ở hai đầu gần hông, giống như miệng cười, nhưng tùy vào cấu tạo giải phẫu của từng người mà vết sẹo có thể cong mạnh hơn, tạo một đường cung rõ nét.
Độ dài sẹo của từng kỹ thuật tạo hình thành bụng cũng có sự khác biệt lớn:
- Sẹo của tạo hình bụng mini thì ngắn nhất, thường dài bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn độ dài mép trên vùng mu một chút. Chính kích thước ngắn này giúp cho vết sẹo của kỹ thuật mini đôi khi trông như một đường thẳng.
- Sẹo của tạo hình thành bụng toàn phần thì dài hơn, kéo từ hông bên này sang hông bên kia.
- Sẹo của tạo hình thành bụng mở rộng là dài nhất, kéo dài cả ra sau lưng và tạo thành một vòng tròn bao quanh cơ thể.
Sẹo nhỏ quanh rốn
Sẹo này xuất hiện khi làm tạo hình thành bụng toàn phần, mở rộng, hoặc mini có dời rốn. Để căng da cho vùng bụng trên, bác sĩ cần rạch tách rốn khỏi lớp da bên trên, sau đó khâu lại vào vị trí mới, từ đó tạo ra một đường sẹo nhỏ xung quanh rốn. Tạo hình thành bụng mini hoặc phiên bản mini hạ rốn sẽ không có sẹo quanh rốn. Đây là vết sẹo khó giấu, muốn sẹo này đẹp thì chỉ có thể nhờ vào tay nghề của bác sĩ là chính. Tuy vậy, thời gian càng trôi qua thì vết sẹo này càng chìm vào vùng rốn và ít gây chú ý hơn giai đoạn đầu.
Sẹo đặc biệt
Một số biến thể của thủ thuật thu gọn bụng sẽ để lại những vết sẹo đặc biệt, khác với vết sẹo thường gặp của tạo hình thành bụng.
- Sẹo chữ T ngược (hoặc sẹo dọc): Trong một số trường hợp, để cắt bỏ được nhiều da nhất, bác sĩ phải tạo ra một đường khâu dọc. Vết sẹo dọc kết hợp với vết sẹo cong ngang cơ bản tạo ra sẹo chữ T ngược, nằm ở mép dưới bụng.
- Sẹo ngang nằm ở đường chân ngực – sẹo chữ T xuôi: Trong trường hợp bệnh nhân chỉ cần căng da hoặc thắt cơ bụng trên, họ có thể chọn rạch ở đường chân ngực và kéo da theo chiều từ dưới lên trên, tạo ra vết sẹo chữ T, với đường sẹo ngang nằm ẩn trong nếp gấp dưới bầu vú. Nếu ca đó cần rạch dọc, thì sẽ để lại vết sẹo hình chữ T xuôi.
- Sẹo từ các biến chứng: tụ dịch, tụ máu, hoại tử là những biến chứng có tỉ lệ cao nhất sau tạo hình thành bụng. Bênh nhân buộc phải rạch mổ như biện pháp cuối cùng để đối phó với những ổ tụ dịch, tụ máu cứng đầu. Còn hoại tử sẽ để lại một mảng sẹo xấu xí ở chỗ mô bị chết, mức độ lan rộng và độ sâu của sẹo còn tùy thuộc vào phạm vi vùng bị hoại tử.
Quá trình lành sẹo
Có thể mất đến 2 năm sau phẫu thuật để sẹo ngừng phát triển, nhưng nhìn chung, sẹo sẽ liền hoàn toàn sau 6 tháng. Vết mổ sẽ trải qua 3 giai đoạn liền sẹo chính.
Giai đoạn 1, giai đoạn sưng viêm
Ban đầu sẽ có hiện tượng sưng viêm, mạch máu sẽ giãn nở mang huyết tương tới vết thương để chống nhiễm trùng. Các cục máu tơ huyết và các mô liên kết bắt đầu hình thành giữa hai mép vết mổ đóng kín, nối chúng lại với nhau. Quá trình này diễn tra ngay từ những giờ đầu sau ca mổ và kéo dài trong khoảng 2-4 ngày.
Giai đoạn 2, giai đoạn tăng sinh
Nguyên bào sợi sẽ tăng sinh ở khu vực vết thương để sản xuất collagen. Collagen tiếp tục hình thành trong 2 tuần, kéo miệng vết thương liền lại. Các mạch máu nhỏ và mao mạch sẽ hình thành để giúp chữa lành vết thương. Tùy vào cơ địa mỗi người mà cơ chế sản xuất collagen diễn ra khác nhau. Nếu collagen sản xuất không đủ, sẽ gây ra sẹo lõm. Nếu collagen được sản xuất quá nhiều, gây tích tụ dày đặc, gây sẹo lồi, sẹo phì đại.Giai đoạn này bắt đầu trong khoảng 4-5 ngày và có thể kéo dài 3-4 tuần.
Giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng trong quá trình lành vết thương, giai đoạn tái tạo
Lúc này sẹo gần như đã liền da chắc chắn, nhưng các hoạt động tạo sẹo và chữa lành vết thương vẫn tiếp diễn bên dưới da. Số lượng nguyên bào sợi giảm xuống, mật độ mạch máu thưa dần, các bó collagen xơ cứng. Giai đoạn này thường bắt đầu 3 tuần sau phẫu thuật và kéo dài tới khoảng 6 tháng sau phẫu thuật. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 40 – 60 ngày kể từ ngày lành thương, quá trình tạo sẹo diễn ra mãnh liệt nhất và gần như quyết định kích thước và mức độ của vết sẹo tồn tại trên da.
Các giai đoạn hình thành sẹo không tách biệt mà thường diễn ra chồng chéo với nhau. Giai đoạn tăng sinh có thể bắt đầu trước khi giai đoạn sưng viêm kết thúc và tiếp tục diễn ra ngay cả khi giai đoạn tái tạo bắt đầu. Bản thân giai đoạn tái tạo cũng tiếp tục diễn ra ngay cả khi đã tháo chỉ và bỏ băng gạc. Vì lý do này, bệnh nhân cần coi việc chăm sóc vết mổ là một quá trình liên tục, với mục tiêu dài hạn là giảm hình thành sẹo ngay từ đầu để có được vết sẹo đẹp nhất.
Thế nào là một vết sẹo lý tưởng
Những đặc điểm của một vết sẹo lý tưởng, phù hợp thẩm mỹ gồm có:
- Đường sẹo mảnh, nhỏ
- Ít gây chú ý
- Nằm thấp dưới mép quần lót.
- Nên có màu sắc và đường nét tương đương với vùng da xung quanh
- Không gây méo mó, biến dạng những tổ chức lân cận
- Không lõm, không lồi
Những vấn đề về sẹo có thể gặp phải
Vị trí cao
Có những lúc nếu đặt vết sẹo mổ thấp nằm sát mép trên vùng mu lại không giúp bệnh nhân đạt được kết quả thẩm mỹ đẹp tổng thể của vùng bụng. Lúc này, bệnh nhân phải chọn các phương án khác và có thể họ sẽ phải chấp nhận đẩy vết sẹo lên cao để làm tạo hình thành bụng.
Sẹo tối màu
Không che chắn dễ dẫn đến tình trạng vùng da sẹo đổi màu sậm hơn so với vùng da xung quanh, khiến vết sẹo càng thêm nổi bật.
Sẹo phì đại
Đặc trưng của sẹo phì đại là nó mọc “cao, gồ” hơn so với vùng da xung quanh, nhưng không lan ra mà nằm gọn trong phạm vi vết mổ. Khi vết mổ bị kéo căng quá mức, sẹo có thể lan rộng và tăng về mặt kích cỡ những không lan rộng ra xung quanh. Về mặt lâm sàng, sẹo phì đại thường có màu đỏ và phát triển từ 3-6 tháng. Đa số sẹo phì đại sẽ bắt đầu bớt đỏ và thu nhỏ kích cỡ vào tầm tháng thứ 6, quá trình đó sẽ tiếp tục kéo dài trong vòng 2 năm cho đến khi bề mặt nhô lên dần phẳng ngang với bề mặt da lân cận. Tuy vậy, những vết sẹo phì đại nghiêm trọng có thể gây đau và ngứa ngáy, cần dùng thuốc để chữa trị.
Có rất nhiều biện pháp khác nhau có thể được áp dụng để chữa sẹo phì đại. Ví dụ như sử dụng các sản phẩm kem bôi chứa silicon, tiêm steroid, liệu pháp áp lực... Nếu tất cả các biện pháp trên đều thất bại, thì bệnh nhân có thể chọn phẫu thuật để cải thiện vết sẹo.
Sẹo lồi
Sẹo lồi thường xuất hiện khi vết thương thường xuyên bị căng kéo mạnh. Thêm vào đó, sẹo lồi thường là đặc điểm di truyền tính trội và phổ biến với người Châu Á, Châu Phi nhiều hơn các chủng tộc khác. Đặc điểm phân biệt sẹo lồi với sẹo phì đại là sẹo lồi tiếp tục lan rộng ở đoạn cuối của giai đoạn tái tạo, giữa tháng thứ 6 và tháng thứ 18. Sẹo lồi mọc lan ra khỏi phạm vi vết mổ ban đầu, chuyển sang màu đỏ hoặc nâu khiến nó nổi bật hẳn lên so với vùng da xung quanh.
Nhìn từ góc độ sinh học, sẹo lồi là sản phẩm của sự dư thừa collagen. Thông thường sẹo sẽ dừng hình thành và các mô sẽ trải qua quá trình chết sinh học ở mép vết thương, điều này cũng diễn ra với sẹo phì đại ở đoạn cuối của giai đoạn tái tạo. Còn mô sẹo lồi thì tái tạo không ngừng nghỉ mặc dù mạng lưới da đã thừa đủ chắc chắn để gắn kết vết thương. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, người ta vẫn chưa tìm ra được ngyên nhân cho hiện tượng này.
Khác với sẹo phì đại, sẹo lồi có thể tái phát sau khi ngừng tiêm steroid và bệnh nhân sẽ cần can thiệp phẫu thuật.
Sẹo tai chó
Nguyên nhân dẫn đến sẹo tai chó luôn là do quá trình phẫu thuật. Do tính toán nhầm độ dài hai mép vết mổ, hoặc do kỹ thuật khâu kém, bác sĩ sẽ tạo ra sẹo tai chó xấu xí. Muốn chữa loại sẹo này cần phẫu thuật cắt bỏ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả liền sẹo
Một số yếu tố góp phần quyết định diện mạo của vết sẹo sau khi lành là:
- Tay nghề của bác sĩ: Từ việc tính toán vị trí rạch mổ, thiết kế vết mổ, khâu đóng, lựa chọn công cụ dán vết mổ... đều có ảnh hưởng lớn và có tác động trực tiếp đến vết sẹo.
- Lực tác động lên vết sẹo: Vết sẹo chịu nhiều lực kéo căng trong quá trình hồi phục sẽ dễ bị giãn rộng hoặc gặp các vấn đề về hồi phục khác.
- Nguồn cung cấp máu sau phẫu thuật: Người ta vốn đã biết, sau phẫu thuật, nếu vùng có vết mổ có nguồn cung cấp máu dồi dào, thì nó sẽ lành thành vết sẹo đẹp.
- Yếu tố di truyền và tiền sử lành vết thương kém: Những bệnh nhân vốn từng gặp vấn đề với việc lành vết thương (vết thương thành chậm, gặp biến chứng...); những người có người thân với tiền sử bị sẹo lồi – phì đại; hoặc bản thân họ từng bị loại sẹo này trong quá khứ; thì có khả năng rất cao sẽ gặp lại vấn đề này một lần nữa.
- Tuổi tác: Da của người lớn tuổi thường chùng nhão hơn, nên vết mổ ít bị căng so với làn da khỏe mạnh, vì vậy những bệnh nhân lớn tuổi ít có khả năng gặp sẹo phì đại hơn.
- Biến chứng: Biến chứng như tụ dịch, hoại tử... sẽ để lại dấu vết trên da, gia tăng số lượng hoặc làm trầm trọng vết sẹo mổ.
- Giới tính: Nam giới thường dễ bị sẹo kém thẩm mỹ hơn nữ giới.
Những biện pháp giúp sẹo liền đẹp
- Sử dụng băng dán vết thương để làm giảm lực căng lên vết mổ trong vòng ít nhất ba tháng kể từ ca phẫu thuật.
- Tránh căng kéo sẹo: Nếu sẹo càng chịu ít áp lực, cụ thể hơn là lực kéo tách hai mép vết mổ xa nhau, thì sẹo liền càng mảnh và đẹp. Bạn có thể đảm bảo điều này thông qua việc chú ý tới các cử động và hành động của mình, sao cho giảm sức căng kéo lên vết mổ nhiều nhất có thể. Việc nằm, ngồi trong tư thế co người, đi lại cong lưng chính là một biện pháp tránh sử dụng vùng bụng để giảm áp lực. Ngoài ra, băng ép và gen nịt bụng có thể ôm ép, cố định vạt da, giúp giảm phần nào lực tác động. Bạn nên chú ý vận động, di chuyển nhẹ nhàng, nhất là trong giai đoạn đầu khi vết mổ mới bắt đầu liền lại. Mang vác nặng cũng là điều nên tuyệt đối tránh. Mát-xa chỉ nên bắt đầu sau khi vết mổ đã liền chắc chắn và nên được thực hiện nhẹ nhàng, từ tốn.
- Tránh hút thuốc: Khói thuốc gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nói chung và hạn chế máu đưa đến các mô. Điều này gia tăng đáng kể nguy cơ bị hoại tử da, một biến chứng không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe và mà sau đó nó còn thường để lại một vùng sẹo rộng, lõm.
- Giữ ẩm: Các mô hồi phục tốt hơn trong môi trường với độ ẩm thích hợp, vì vậy bệnh nhân được khuyên sử dụng một số loại kem giữ ẩm sau tạo hình thành bụng. Thường là kem hoặc dầu chứa silicon vì đây là chất được chứng minh là có tác động cải thiện vết sẹo. Ngoài ra còn một số loại kem khác như kem Arnica giúp hỗ trợ giảm bầm tím, cũng có thể được sử dụng như kem dưỡng ẩm. Tóm lại bạn nên chuẩn bị một sản phẩm dưỡng ẩm thích hợp, không quan trọng là loại nào, và bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Giữ vệ sinh: Bạn cần cẩn thận giữ sạch vết mổ để tránh nhiễm trùng và dẫn đến những biến chứng đáng tiếc mà có thể khiến vết sẹo khó lành hoặc lành một cách không thẩm mỹ. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc xà phòng và nước máy, nhưng nên tránh sử dụng cồn hoặc các sản phẩm chứa iodide (cồn đỏ). Một số phòng khám sẽ giúp bệnh nhân thay băng và làm sạch vết mổ trong giai đoạn đầu.
- Che chắn: Hãy che chắn vùng sẹo khỏi ánh nắng mặt trời, khi sẹo đã lành bạn có thể dùng kem chống nắng (kể cả khi ở trong nhà hay mặc quần áo). Vì vùng da đang hình thành sẹo rất nhạy cảm với ánh nắng, bạn có thể dễ bị rám nắng hơn, dễ dẫn đến ung thư da, nhưng quan trọng hơn vết sẹo sẽ chuyển màu sậm hơn vĩnh viễn. Vậy nên, tốt nhất hãy ngăn ngừa những nguy cơ này ngay từ đầu và dùng kem chống nắng phổ rộng.
-
Ăn uống đầy đủ, lành mạnh. Bệnh nhân không nhất thiết phải kiêng bất kỳ món gì, ngoại trừ những thực phẩm gây kích ứng, dị ứng. Hãy trao đổi trước với bác sĩ để biết cụ thể bạn cần tránh món gì.
Các biện pháp chỉnh sửa sẹo
Khi gặp những vết sẹo không mong muốn, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp phẫu thuật và không phẫu thuật để cải thiện hình dạng vết sẹo. Những biện pháp này giúp nâng cao thẩm mỹ của vết sẹo, chứ không xóa hay hoại bỏ vết sẹo hoàn toàn.
Biện pháp không phẫu thuật
Những biện pháp chỉnh sửa sẹo không áp dụng phẫu thuật có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc bôi: Tình trạng sẹo tối màu có thể được cải thiện với hydroquinone, a-xít Kojic... Sử dụng các sản phẩm có chứa silicon không chỉ ngăn ngừa mà còn giúp cải thiện đường nét, kết cấu và màu sắc của vết sẹo.
- Dùng laser để đốt mô sẹo, làm giảm mức độ phát triển và màu sắc đỏ của vết sẹo.
- Cryotherapy (áp lạnh): Sử dụng nhiệt độ thấp để kiểm soát sẹo lồi lõm. Mặc dù theo nghiên cứu số lượng nhỏ bệnh nhân, thì biện pháp này có đem lại tác dụng giảm đén 80% kích thước sẹo ở 79,5% bệnh nhân; tuy nhiên, do con số khảo sát nhỏ nên chưa thể coi là dữ liệu đáng tin cậy.
- Các biện pháp khác: sóng siêu âm, dòng điện cực dương và các loại băng áp lực cũng được sử dụng để điều trị sẹo.
Biện pháp có phẫu thuật
Trong trường hợp những biện pháp trên không có tác dụng, thì phẫu thuật rạch mổ chỉnh sửa sẹo là cần thiết. Biện pháp này chỉ nên được áp dụng sau khi vết sẹo đã hoàn toàn trưởng thành, sau khoảng 1 năm là lý tưởng nhất. Vết sẹo có thể được chỉnh sửa bằng cách rạch và khâu theo đường thẳng, đường rạch chữ Z, chữ W...