Hoại tử mỡ là gì?
Hoại tử mỡ là tình trạng lành tính (không phải ung thư) và không tăng nguy cơ phát triển ung thư. Nó có thể xảy ra khi một người gặp phải chấn thương ở một vùng mô mỡ, Thuật ngữ “hoại tử” nghĩa là các tế bào đã chết, mặc dù không phải những khối u ung thư, nhưng vẻ ngoài lại rất giống một tổn thương ung thư. Hoại tử mỡ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có mô mỡ trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở vú và không phải bất kỳ trường hợp hoại tử mỡ nào cũng cần điều trị.
Triệu chứng của hoại tử mỡ
Vùng hoại tử mỡ có thể sẽ có cảm giác như những khối u nhỏ, cứng, tròn và thường không đau, nhưng ở một số người cũng có thể cảm thấy hơi tấy đau. Vùng da xung quanh u cục này có thể trông sẽ đỏ, bầm tím hoặc hơi lõm. Đối với vùng vú, đôi khi hoại tử mỡ có thể khiến núm vú bị kéo thụt vào. Thông thường khi một người bị tổn thương mô, các tế bào bị tổn thương sẽ chết đi và cơ thể thay thế chúng bằng mô sẹo. Những đôi khi, ở một vùng hoại tử mỡ, các tế bào mỡ chết đi và thay vì cứng thành mô sẹo, chúng lại tan ra, lượng mỡ tan ra này sẽ tụ lại ở một vị trí sau đó cơ thể bạn sẽ tạo một lớp canxi (vôi hóa) bao quanh nó, kết quả là hình thành nên một u nang chứa dịch dầu gọi là nang dầu. U nang ở vú thường không cần điều trị hay theo dõi gì, hầu hết chúng sẽ tự biến mất và không có gì phải lo lắng. Nếu u nang lớn hoặc gây khó chịu, bác sĩ có thể yêu cầu rút dịch lỏng này ra bằng cách dùng kim và ống tiêm.
Nguyên nhân gây hoại tử mỡ
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm chấn thương kín (chấn thương đụng dập) hay tổn thương mô mỡ (điều này có thể xảy ra trong các vụ tai nạn xe hơi, khi dây an toàn thít vào người bệnh nhân); hay phẫu thuật hoặc xạ trị ở một vùng nào đó trên cơ thể.
Chẩn đoán hoại tử mỡ
Nếu một người cảm nhận được một khối u và nghi ngờ đó là hoại tử mỡ thì bác sĩ thường sẽ yêu cầu chụp chiếu, điều này sẽ xác định xem khối u này có phải là ung thư hay không, hay là do một nguyên nhân cơ bản nào khác.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra tiền sử sức khỏe cũng như thể chất của bệnh nhân. Nếu ai đó có tiền sử bị chấn thương hoặc xạ trị thì điều đó có thể giúp bác sĩ xác định vùng đang cần chẩn đoán có thể là hoại tử mỡ.
Một số phương pháp chụp chiếu bác sĩ có thể sử dụng bao gồm:
- Chụp X quang: chụp X quang vú có thể được sử dụng để nhìn rõ vùng hoại tử mỡ. Đôi khi hình ảnh dầu chụp được có thể có vẻ ngoài đặc biệt khiến cho các bác sĩ dễ dàng nhận ra đó là hoại tử mỡ. Tuy nhiên một số người có thể có sẹo hoặc có vẻ ngoài bất thường, trong trường hợp này bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện kỹ thuật chụp chiếu khác.
- Siêu âm: công nghệ siêu âm sử dụng sóng âm thanh để phản chiếu hình ảnh của các mô bên dưới. Siêu âm có thể đặc biệt hiệu quả trong việc xác định u nang không hoàn toàn rắn và có thể có thành phần dầu.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Công nghệ này sử dụng nam châm cực mạnh để tạo ra sóng từ tính tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Đôi khi bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân tiêm thuốc cản quang để làm cho các vùng hoại tử mỡ dễ dàng xuất hiện hơn.
Hoại tử mỡ có thể có nhiều hình dạng khác nhau sau khi chụp chiếu. Trong một số trường hợp bác sĩ không thể khẳng định chắc chắn một hoặc nhiều vùng hoại tử mỡ đó chắc chắn không phải là ung thư. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết, trong đó sẽ lấy mẫu mô từ khu vực bị ảnh hưởng và kiểm tra các tế bào xem có sự hiện diện của ung thư không.
Điều trị hoại tử mỡ
Có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các khối u hoại tử mỡ lớn, mặc dù trong nhiều trường hợp các quy trình can thiệp xâm lấn là không cần thiết. Một vùng hoại tử mỡ hoàn toàn có thể biến mất mà không cần phải điều trị. Massage mạnh vùng này cũng có thể làm tan và khiến u cục cứng biến mất.
Tuy nhiên nếu một vùng hoại tử mỡ đặc biệt gây khó chịu cho bệnh nhân thì bác sĩ có thể thực hiện một số kỹ thuật loại bỏ như:
- Chọc hút bằng kim: Nếu vùng hoại tử mỡ là u nang dầu thì bác sĩ sẽ đưa một mũi kim mỏng, rỗng vào và hút phần dầu ra. Điều này thường sẽ làm cho khối u biến mất.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Nếu vùng hoại tử là mô sẹo cứng, khối u lớn hơn hoặc ở vị trí khó thực hiện với thủ thuật chọc hút thì bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ bằng phẫu thuật.
Hoại tử mỡ vú sau phẫu thuật
Hoại tử mỡ vú là các tế bào mỡ không thể sống được sau khi mô vú bị tổn thương hoặc thiếu máu cục bộ, và những tế bào mỡ này sẽ được thay thế bằng mô sẹo hoặc nang dầu và biểu hiện như những nốt sần. Hoại tử mỡ vú có nhiều nguyên nhân và ý nghĩa khác nhau, đánh giá kỹ tiền sử bệnh nhân là điều bắt buộc để có thể đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
Nguyên nhân phổ biến nhất của hoại tử mỡ vú là do phẫu thuật vú gần đây, tuy nhiên ở những bệnh nhân không phẫu thuật, ung thư hoặc chấn thương cơ học với mô vú thường là thủ phạm. Hoại tủ mỡ vú có thể gây nhầm lẫn với bệnh lý ác tính trên hình ảnh chụp chiếu, nó cũng có thể dẫn đến hình dạng thẩm mỹ vú không đẹp, không mong muốn.
Phụ nữ bị hoại tử mỡ ở vú có thể bị:
- Dịch chảy ra từ núm vú
- Đau vú
- Đổi màu hoặc lõm da vú
- Núm vú thụt vào trong (đây cũng không phải trường hợp hiếm gặp)
Tuy nhiên đôi khi có thể cũng không có triệu chứng rõ ràng nào.
Giải phẫu vú
Ở vú của chúng ta có 3 cấu trúc ba gồm: da, mô dưới da và vô vú. Phần lớn lượng máu cung cấp cho vú là đến từ các động mạch ngực phía bên. Yếu tố này là rất cần thiết, đặc biệt trong quá trình phẫu thuật thu nhỏ ngực và/hoặc tái tạo ngực, vì do sự chuyển mạch và thiếu máu cục bộ trong quá trình phẫu thuật mà sau đó có thể dẫn đến hoại tử mỡ ở vú. Dẫn lưu bạch huyết theo một dòng chảy đơn hướng, từ các mạch dưới da và nội mô sâu, hướng đến các hạch bạch huyết vú ở nách và bên trong. Mặc dù phần lớn nguồn cung cấp máu đến từ động mạch vú bên trong, nhưng chỉ có 4% dòng chảy bạch huyết đi đến các hạch bạch huyết vú bên trong, còn đa phần (97%) dòng chảy bạch huyết hướng đến các hạch bạch huyết ở nách.
Nguyên nhân gây hoại tử mỡ ở vú
Hoại tử mỡ phổ biến nhất là do chấn thương vú (21 đến 70%), chọc hút bằng kim hoặc sinh thiết, điều trị chống đông, xạ trị và nhiễm trùng vú. Các yếu tố cá nhân của bệnh nhân như hút thuốc, béo phì, tuổi già, cũng như điều trị ung thư vú (xạ trị, hóa trị và cắt bỏ vú) đặc biệt liên quan đến gia tăng hoại tử mỡ ở vú. Hoại tử mỡ cũng có thể liên quan đến bất kỳ thủ thuật phẫu thuật nào ở vú và có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú/tái tạo vú vì gây biến dạng bầu ngực hoặc nghi ngờ tái phát ung thư.
Các trường hợp xảy ra hoại tử mỡ trong phẫu thuật vú
Hoại tử mỡ sau ghép vạt tự do tái tạo vú
Ghép vạt tự do là phương pháp được áp dụng nhiều cho tái tạo vú sau phẫu thuật cắt bỏ. Trong quy trình ghép vạt tự do, các mạch máu sẽ bị ngắt kết nối trong quá trình di chuyển, do dó được gọi là “tự do”, sau đó được nối lại với một động mạch và tĩnh mạch mới tại hoặc gần vị trí nhận bằng kỹ thuật vi phẫu. Tái tạo vú bằng vạt nhánh xuyên động mạch thượng vị dưới sâu – DIEP là kỹ thuật ghép vạt tự do phổ biến hiện nay. Việc tạo ra một vạt da để ghép vào vú rất phức tạp và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Có nhiều yếu tố dẫn đến hoại tử mỡ trong tái tạo vú bằng ghép vạt. Tuy nhiên nguyên nhân chính của vấn đề này là do thiếu máu cục bộ - hoặc là do dòng máu động mạch không đủ hoặc dòng máu chảy ra từ tĩnh mạch yếu gây thiếu máu cục bộ và hoại tử mỡ ở chính vạt da ghép. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hoại tử mỡ trong tái tạo vú bằng vạt tự do có liên quan đến nguồn cung cấp máu và trọng lượng của vạt. Các yếu tố khác cho thấy làm tăng tỉ lệ hoại tử mỡ trong trường hợp này bao gồm hút thuốc, loại vạt, xạ trị trước khi tái tạo cũng như kinh nghiệm của bác sĩ. Nhiều bác sĩ yêu cầu bệnh nhân bỏ thuốc là 8 tuần trước khi phẫu thuật.
Hoại tử mỡ sau thu gọn ngực/cắt bỏ u vú (Lumpectomy)
Có nhiều kỹ thuật có thể thu gọn kích cỡ vú. Quy trình này có thể được thực hiện chỉ dựa trên kỹ thuật hút mỡ, tuy nhiên kỹ thuật này chủ yếu dành cho phụ nữ trẻ có độ đàn hồi da cao. Nếu nguồn cung cấp máu bị gián đoạn đáng kể trong quá trình thực hiện thì hoại tử mỡ có thể xảy ra. Với các kỹ thuật thu gọn ngực qua đường mổ, thì lượng mô vú bị cắt bỏ đi có liên quan trực tiếp đến tỉ lệ hoại tử mỡ. Tức là cắt bỏ càng nhiều mô vú thì tỉ lệ hoại tử mỡ càng cao.
Hoại tử mỡ sau cấy mỡ tự thân vào ngực
Cấy mỡ tự thân được thực hiện bằng cách lấy mỡ qua kỹ thuật hút mỡ từ một vùng trên cơ thể, sau đó tiêm cấy vào vùng khác. Cấy mỡ tự thân đặc biệt hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng biến dạng đường viền vú trong tái tạo vú, ngoài ra cấy mỡ còn giúp cải thiện chất lượng da xung quanh sau khi xạ trị hoặc cắt bỏ mô vú, giảm khả năng nhìn thấy túi độn ở những bệnh nhân có lượng mỡ dưới da và mô vú tự nhiên thấp và làm đầy các vùng lõm da do cắt bỏ vùng hoai tử mỡ vú trước đó.
Hoại tử mỡ là tình trạng thường thấy sau khi cấy mỡ tự thân vì nguồn cung cấp máu vào lượng mỡ cấy là nhẫu nhiên, dựa vào khả năng khuếch tán và tạo mạch vào mô xung quanh của các tế bào mỡ cấy. Tỉ lệ hoại tử mỡ được đánh giá sau cấy mỡ tự thân là từ 2 đến 18%. Không phát hiện các yếu tố như độ tuổi, chỉ số khối cơ thể, hút thuốc, xạ trị, vị trí lấy mỡ hoặc các kỹ thuật khác nhau có liên quan đến tỉ lệ hoại tử mỡ trong trường hợp này. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy sự phá hủy tế bào mỡ liên quan trực tiếp đến thời gian sử dụng mỡ, do đó mỡ sau khi được lấy ra và tinh lọc nên được tiêm cấy vào ngực càng sớm càng tốt.
Hoại tử mỡ sau phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú
Tình trạng này xảy ra do sau phẫu thuật để lại một lượng nhỏ mô mỡ vú mà không có nguồn cung cấp máu gây hoại tử do thiếu máu cục bộ. Khối mỡ hoại tử này thường có thể sờ thấy và có thể nhầm lẫn với tụ máu, tụ dịch, vôi hóa da, mô xơ, áp xe, phù nề, hoặc tái phát ung thư vú. Trong những trường hợp này, thời gian là yếu tố rất quan trọng để đánh giá xác định bệnh. Thông thường tái phát ung thư vú xảy ra sau 1 đến 5 năm đầu sau phẫu thuật, trong khi đó hầu hết các tình trạng hoại tử mỡ đều xảy ra trong vòng chỉ vài tuần đến vài tháng sau phẫu thuật.
Hoại tử mỡ sau xạ trị vú
Các vạt mỡ có tỉ lệ hoại tử cao sau khi vú được xạ trị. Tỉ lệ mắc có liên quan đến liều phóng xạ cũng như lượng mô được chiếu xạ. Các nghiên cứu cho thấy sự gia tăng hoại tử mỡ vú sau khi thực hiện liệu pháp phóng xạ ở những người cũng được điều trị hóa trị liệu bằng thuốc adriamycin.
Các phương pháp điều trị hoại tử mỡ vú
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, hoại tử mỡ và nang dầu thường không cần phải điều trị. Đôi khi hoại tử mỡ sẽ tự biến mất vì cơ thể chúng ta có thể phá vỡ, đào thải chúng theo thời gian.
Nếu gần đây bạn bị chấn thương vú hoặc đã phẫu thuật ngực và nghi ngờ bị hoại tử mỡ thì có thể chườm ấm và massage nhẹ nhàng. Tuy nhiên nếu hoại tử mỡ gây đau, bạn có thể phải uống Advil (ibuprofen) hoặc aspirin. Nếu bị đau nặng hãy yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau. Trong trường hợp vùng hoại tử mỡ to và gây khó chịu hoặc đau nặng thì có thể loại bỏ bằng cách chọc hút hoặc phẫu thuật cắt bỏ u.
Kỹ thuật chọc hút mỡ hoại tử
Bác sĩ sẽ đưa một mũi kim mỏng, rỗng vào vùng hoại tử mỡ và hút phần dầu ra. Điều này thường sẽ làm cho khối u biến mất. Kỹ thuật này rất đơn giản và thường chỉ được áp dụng cho các trường hợp hoại tử mỡ là u nang dầu. Sau điều trị bệnh nhân có thể chỉ sưng, bầm hoặc đỏ tạm thời ở vị trí đưa mũi kim vào, còn lại thường không có biến chứng nguy hiểm gì. Ngoài phương pháp chọc hút thì u nang dầu cũng có thể được phẫu thuật cắt bỏ.
Kỹ thuật cắt bỏ mỡ hoại tử
Kỹ thuật này được áp dụng giống như kỹ thuật cắt bỏ khối u vú. Sau khi vệ sinh vùng điều trị và gây tê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ rạch một đường để tiếp cận vùng mỡ hoại tử, sau đó cắt bỏ lấy ra rồi khâu đóng vết rạch. Tùy theo độ rộng, hay độ sâu của vùng cắt bỏ mà bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật khâu khác nhau. Tuy nhiên thông thường các bác sĩ sẽ khâu theo nhiều lớp để hạn chế tình trạng căng da tối đa, tránh biến dạng vú. Sau khi cắt bỏ bệnh nhân có thể bị bầm tím, sưng đau hoặc nhiễm trùng, mất cảm giác mô tạm thời. Khối mỡ hoại tử được cắt ra nếu cần có thể được đem đi sinh thiết để xác định chính xác không phải là tế bào ung thư.