Hoại tử sau tạo hình thành bụng

3 năm trước 23

Hoại tử là mô chết do bị thiếu máu, dẫn đến những biến dạng thẩm mỹ không mong muốn, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Hoại tử là biến chứng không mong muốn sau tạo hình thành bụng. Hoại tử da có thể rất đáng sợ, thường để lại hậu quả thẩm mỹ đáng tiếc và gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bệnh nhân. Hiểu về hoại tử, nguyên nhân và cách phòng tránh sẽ giúp bệnh nhân bảo vệ bản thân tốt hơn, cũng như tránh được những cảm xúc tiêu cực có thể có hại cho quá trình hồi phục.

Hoại tử sau tạo hình thành bụng là gì?

Tổn thương không thể hồi phục và cuối cùng sẽ dẫn đến chết tế bào được gọi là hoại tử. Đây là hiện tượng chết tế bào không kiểm soát, dẫn đến sưng cơ quan tế bào, vỡ màng sinh chất và giải phóng chất nội bào vào mô xung quanh dẫn đến tổn thương mô. Bệnh nhân có thể có cảm giác đau, nhưng khi tế bào bắt đầu bị hoại tử, các dây thần kinh cũng ngừng hoạt động và vùng đó bị mất cảm giác.

Hoại tử sau tạo hình thành bụng có thể đưa chia thành bốn loại:

  • Hoại tử mỡ
  • Hoại tử da
  • Hoại tử rốn
  • Viêm cơ mạc hoại tử

Hoại tử mỡ

Đây là hiện tượng mô mỡ chết do tổn thương hoặc thiếu máu, và dần bị thay thế bởi mô sẹo. Biểu hiện của hoại tử mỡ là cảm giác cứng sờ được dưới da, hoặc có các cục cứng lổn nhổn bên dưới lớp bì. Hoại tử mỡ có thể tự biến mất nếu nhẹ, tuy nhiên vẫn có các biện pháp phẫu thuật để can thiệp khi cần thiết.

Hoại tử vạt da

Vị trí dễ bị hoại tử nhất là vùng chính giữa vết mổ ngang mép bụng dưới, vì đó là điểm được cung cấp máu cuối cùng và cũng là nơi chịu nhiều lực căng kéo nhất. Thậm chí một số bác sĩ còn nhận định việc bị hoại tử một chút ở vùng giữa là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Các biểu hiện của hoại tử vạt da:

  • Ban đầu vùng bị hoại tử sưng đỏ, lan nhanh
  • Da bong tróc hoặc nhăn lại ở phạm vi xung quanh
  • Sau đó da có thể chuyển màu tối đen
  • Kèm theo hiện tượng lở loét
  • Có thể có mùi khó chịu
  • Có thể có dịch tiết ra.

Nhiều trường hợp hoại tử da và hoại tử mỡ xảy ra đồng thời, bạn nhìn thấy các dấu hiệu hoại tử da trước, rồi cảm nhận được vùng đó cứng lại (là dấu hiệu của hoại tử mỡ ẩn bên dưới).

Hoai tu vat daQuá trình chữa hoại tử ở bệnh nhân sau tạo hình thành bụng
C - 3 tuần kể từ khi phẫu thuật; D - Sau 4 tuần, E - Sau 8 tuần; F - sau 3 tháng; Ảnh cuối: Kết quả cuối cùng

Hoại tử rốn

Rốn có thể chết sau tạo hình bụng, cuống rốn được giữ lại để cung cấp máu nuôi rốn, nhưng đôi khi lượng máu này không đủ và các dấu hiệu hoại tử da xuất hiện quanh rốn. Khi vấn đề này xảy ra, nó sẽ làm chậm quá trình hồi phục. Bạn có thể sẽ phải làm thêm phẫu thuật và rất có thể rốn của bạn sẽ không còn hình dạng bình thường được nữa. Mặc dù vậy đây vẫn là một biến chứng rất ít khi gặp.

Viêm cân mạc hoại tử (Necrotizing fasciitis)

Đây là một dạng nhiễm trùng dẫn đến hoại tử mô. Nó có đặc trưng là nhiễm trùng sưng viêm lan nhanh và mạnh, gây hoại tử mô dưới và và mạc cơ trên diện rộng. Nhiễm trùng trong trường hợp này nhìn chung không ăn vào cơ và lớp da bên trên. Tuy nhiên ở giai đoạn sau, các mạch máu dưới da bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng hình thành các cục máu đông, chặn máu đến lớp bì, kéo theo lóp da bên trên cũng bị hoại tử. Ở giai đoạn đầu các biểu hiện của biến chứng này không rõ ràng, nhiễm trùng mạc cơ và mô mềm có thể trông như ban đỏ trên bề mặt da, không có viền rõ ràng, không sưng, nóng, da trông bóng loáng hay đau ở vùng đó. Biến chứng này tiến triển rất nhanh và bất thình lình, nó cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong sau tạo hình thành bụng.

Hoại tử nói chung nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Nhiều trường hợp có thể khỏi mà không cần can thiệp phẫu thuật và không để lại sẹo quá nghiêm trọng.

Phương pháp chẩn đoán

  • Thông qua các biểu hiện lâm sàng
  • Kết quả xét nghiệm
  • Chụp X-quang (đối với hoại tử mỡ)

Với các biện pháp trên, bác sĩ sẽ chẩn đoán được thể loại và tình trạng tiến triển của hoại tử.

Tác hại của hoại tử

Tác hại lớn nhất của hoại tử là làm xấu vết sẹo, hoặc tạo ra một vết sẹo trầm trọng hơn. Điều đó vừa làm giảm hiệu quả thẩm mỹ của ca phẫu thuật, vừa khiến mức độ hài lòng của bệnh nhân sụt giảm theo. Ngoài ra, trong nhưng trường hợp nặng, hoại tử có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, đặc biệt là viêm cơ mạc hoại tử.

Nguyên nhân dẫn đến hoại tử

Thiếu máu

Thiếu máu là nguyên nhân chính dẫn đến hoại tử (chết mô) sau tạo hình bụng. Do trong quá trình làm phẫu thuật, bác sĩ cần tách lớp da và cơ và di chuyển vị trí các tổ chức, điều này khiến cho một phần mạch máu nuôi dưỡng da, mô dưới da bị cắt đứt, kéo theo lượng máu đến các mô này cũng giảm theo. Tế bào không được nuôi dưỡng sẽ chết, gây ra vùng hoại tử.

Nhiễm trùng

Đa phần nhiễm trùng không gây hoại tử da và các mô xung quanh. Tuy nhiên nhiễm trùng có thể khiến các mao mạch trong phạm vi ảnh hưởng bị tắc nghẽn bởi các cục máu đông. Điều đó làm chết các mô được nuôi dưỡng bởi các mạch máu này.

Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị hoại tử

  • Ca phẫu thuật càng xâm lấn thì nguy cơ hoại tử càng cao: Các ca phẫu thuật như tạo hình thành bụng mở rộng sẽ có nguy cơ cao hơn so với các ca tạo hình bụng toàn phần hoặc tạo hình bụng mini. Tương tự, khi kết hợp thủ thuật này với các phương thức phẫu thuật thẩm mỹ khác (hút mỡ, nâng mông, nâng ngực...) thì nguy cơ rủi ro nói chung và nguy cơ bị hoại tử nói riêng sẽ tăng lên.
  • Vệ sinh: Vệ sinh trước, trong và sau phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh nhiễm trùng.
  • Hút thuốc: Nicotin trong thuốc lá làm mạch co nhỏ lại, hạn chế máu đưa oxy và dinh dưỡng đến các mô. Sau phẫu thuật, thiếu máu tới da là hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ gây hoại tử.
  • Béo phì: Qua quan sát, bệnh nhân béo phì có xu hướng gặp nhiều biến chứng hơn và tỉ lệ gặp biến chứng hoại tử cũng cao hơn.

Phương pháp điều trị hoại tử

Đa số các ca hoại tử sau tạo hình thành bụng rơi vào trường hợp nhẹ, thường được phát hiện và điều trị kịp thời, nên vùng gặp vấn đề sẽ lành mà không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên với những ca hoại tử nặng, khi tình trạng mô chết lan rộng, hoặc khi bị viêm cơ mạc hoại tử, thì bệnh nhân cần được điều trị bằng các biện pháp mạnh tay hơn.

Để chữa hoại tử, bác sĩ sẽ:

  • Cắt bỏ mô hoại tử, đôi khi dẫn đến loại bỏ mô trên diện rộng
  • Dùng kháng sinh điều trị

Hiện nay, biện pháp khâu đóng vết mổ bằng áp lực âm sẽ giúp thu nhỏ diện tích da bị cắt bỏ nhất có thể, để vết sẹo sau khi mổ có kích thước nhỏ nhất, cũng như giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục.

Phòng tránh hoại tử như thế nào?

Bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân giảm nguy cơ bị hoại tử, thông qua việc:

  • Sàng lọc bệnh nhân cẩn thận. Thông báo rõ ràng và đầy đủ cho bệnh nhân về nguy cơ họ có thể bị hoại tử, đặc biệt là đối với bệnh nhân béo phì, có tiền sử sử dụng thuốc lá thường xuyên... Ngoài ra, những người có vết sẹo lớn ở bụng trước khi phẫu thuật cần cân nhắc nguy cơ bị hoại tử. Sẹo của họ có thể gây ra tình trạng
  • Đưa ra các chỉ dẫn cần thiết và đầy đủ. Những loại thuốc cần tránh, cần làm những gì trước và sau phẫu thuật... đều là những vấn đề cần được trao đổi kỹ càng và đảm bảo bệnh nhân đã nắm rõ trước khi tiến hành phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bác sĩ và bệnh nhân cũng nên xác nhận lại các vấn đề cần tuần thủ.
  • Hiểu nguy cơ hoại tử và cố gắng hạn chế việc cắt đứt hệ thống mạch máu thông qua phương pháp bóc tách đứt quãng vạt da sao cho vừa đủ để căng da. Ngoài ra, bác sĩ nên lưu ý bảo vệ nhánh mạch máu đâm xiên quanh rốn bằng mọi giá.
  • Đảm bảo vệ sinh tuyệt đối trước, trong và ngay sau ca tạo hình thành bụng.

Vì bệnh nhân không thể kiểm soát các yếu tố này, nên việc chọn một bác sĩ có uy tín, tay nghề cao tại các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hay bệnh viện lớn đáng tin tưởng, là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn cho chính cá nhân người bệnh. Bệnh nhân nên dành thời gian tìm hiểu về bác sĩ, các đánh giá của những bệnh nhân trước, vào trang web hoặc trang cá nhân của bác sĩ để xem ảnh trước – sau phẫu thuật của các bệnh nhân trước... Bệnh nhân hoàn toàn có thể xin tư vấn nhiều lần, để trao đổi và tìm hiểu cách làm việc của bác sĩ, trước khi quyết định tin tưởng và chọn bác sĩ làm phẫu thuật cho mình. Ngoài ra, trong quá trình trao đổi, bệnh nhân nên chủ động hỏi rõ về những vấn đề cần lưu ý và những nguyên tắc cần tuân thủ.

Những điều bệnh nhân nên làm

Đối với những việc mà bệnh nhân có thể tự thực hiện để đảm bảo mình không bị hoại tử:

  • Đảm bảo vạt da được cấp máu đầy đủ. Hiện tượng da bị lạnh, tái là biểu hiện thiếu máu cần xử lý ngay. Vấn đề có thể là do mạch máu bị tắc, gen nịt bụng quá chật hoặc bệnh lý. Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để được kiểm tra. Nếu là do gen nịt, tạm thời nới lỏng và quay lại gặp bác sĩ để lấy cỡ vừa vặn hơn.
  • Tuyệt đối không hút thuốc.
  • Giữ vệ sinh. Sử dụng nước muối sinh lý hoặc xà phòng và nước lã để làm sạch vết mổ. Thay băng dán vết mổ định kỳ (theo chỉ dẫn của bác sĩ).
  • Lưu ý các dấu hiệu của hoại tử và báo lại cho bác sĩ ngay nếu có nghi ngờ. Việc tuân thủ lịch tái khám cũng sẽ giúp bác sĩ theo dõi bệnh nhân liên tục để kịp thời phát hiện các biểu hiện đáng ngờ.
Đọc toàn bộ bài viết