Hút mỡ lưng: những điều cần biết

3 năm trước 20

Lưng không phải khu vực tích tụ ưa thích của mỡ ở cả nam và nữ, tuy nhiên không ít người gặp vấn đề với một tấm lưng dày, mất thẩm mỹ. Một khi đã cố gắng nhưng không thể giảm được mỡ lưng, thì hút mỡ có thể là một phương pháp an toàn, hiệu quả và nhanh chóng để giúp bệnh nhân đạt được đường nét cơ thể mong muốn.

Mục đích thẩm mỹ của hút mỡ lưng

Theo định nghĩa, hút mỡ là phẫu thuật thẩm mỹ sử dụng que hút mỡ để tạo ra đường nét đẹp như mong muốn của bệnh nhân. Đây không phải thủ thuật giảm cân, giảm mỡ, đó là điều mà bệnh nhân cần hiểu rõ trước khi quyết định làm.  Bệnh nhân cần tránh những mong đợi không thực tế, nếu không dễ dẫn đến những cảm xúc thất vọng, tiêu cực không đáng có sau phẫu thuật.

Đường nét lý tưởng cho vùng lưng của phụ nữ là hai đường cong đối trọng nhau: từ nách, hơi phình nhẹ ở hai mạn xương sườn, sau đó cong lõm vào cho đến khi gặp điểm bắt đầu của hông. Nối tiếp bằng đường cong lồi ra  ngoài ở vùng hông. Nhìn từ hai bên sẽ thấy được đường cong sinh lý tự nhiên của cột sống, hõm vào ở các đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng, cong ra ở các đốt sống lưng-ngực.

Đối với nam, tấm lưng chuẩn thẩm mỹ sẽ có dáng chữ V, để phô diễn vai rộng, hông thon và nhiều cơ bắp hơn. Lưng phải thon dần từ nách xuống đến mào chậu, gần như song song với cơ thang ở lưng. Cũng như lưng phụ nữ, khi nhìn từ bên hông, lưng của nam cũng sẽ cho thấy đường cong tự nhiên của cột sống.

Các vùng mỡ ở lưng

Lưng có thể được chia làm ba vùng mỡ chính:

  • Vùng mỡ thắt lưng-ụ hông
  • Vùng rãnh dọc theo cột sống
  • Cuộn mỡ dưới bra

Cách phân loại này cho phép xác định vấn đề và phương án tạo hình phù hợp với từng vùng thẩm mỹ. Hình dáng ở mỗi vùng được quyết định bởi cấu trúc cơ xương nằm bên dưới, mỡ tích tụ sẽ làm thay đổi đường nét ở những vùng này. Kết cấu mỡ ở lưng thường đặc, cứng hơn mỡ mềm ở những vùng như bụng dưới, hơn nữa lưng cũng có rất nhiều mô xơ dưới da, khiến việc hút mỡ lưng sẽ khó khăn hơn một phần. 

Vùng mỡ thắt lưng - ụ hông

  • Về mặt giải phẫu: Da ở vùng này khá dày, hiếm khi bị rạn nứt nên khả năng da co lại sau hút mỡ sẽ cao hơn. Vùng thắt lưng được chia ra làm tam giác thắt lưng trên (hợp thành bởi bờ dưới xương sườn 12, bờ ngoài cơ vuông thắt lưng, bờ trong cơ chéo bụng trong) và tam giác thắt lưng dưới (giới hạn dưới bởi mào chậu, bờ tự do của cơ rộng lưng, cơ chéo ngoài). Vùng thắt lưng trên dễ gặp tình trạng thoát vị hơn vùng thắt lưng dưới (nhưng tỉ lệ vẫn hiếm), vùng thắt lưng dưới nằm gần bề mặt hơn và mỡ thường tích tụ ở vùng này. Mỡ tích tụ ở thắt lưng sẽ che đi vùng tam giác thắt lưng và thường phân bổ theo phương chéo; mỡ ở vùng này cũng góp phần tạo ra hai ụ mỡ ở hai bên – hay còn gọi là ụ hông.
  • Trong lúc xử lý: Cần chú ý khả năng tồn tại thoát vị lưng khi hút mỡ. Cần xử lý vùng ụ hông cẩn thận và phá những vùng có mô xơ ở hai bên để da có thể co lại và tạo ra đường eo.
  • Thách thức: Hút mỡ ở vùng này tiềm ẩn nguy cơ thủng ruột nếu ống cannula vô tình đâm qua hai vùng tam giác thắt lưng – vốn là hai vùng yếu hơn phần còn lại trên lưng; có thể gặp tình trạng da mấp mô không đều, nếu bác sĩ hút quá gần bề mặt và phá hủy hệ mạch máu ở lớp hạ bì; và có khả năng bị mất đối xứng hai ụ hông vì hút mỡ không đều – tuy nhiên tình trạng này có thể dễ dàng sửa chữa bằng cách cấy mỡ hoặc hút thêm mỡ ở bên không cân xứng.

Vùng rãnh dọc theo cột sống

  • Về mặt giải phẫu: Da dính sát, dọc theo cột sống và tạo thành một rãnh giữa lưng cùng các vết hõm. Thường có một lớp mỡ đệm ở phần dưới, vùng xương cùng, nếu quá dày nó sẽ che đi đường cong phía sau.
  • Trong lúc xử lý: Hút mỡ thường được thực hiện ở vùng trước cùng (trước xương cùng) để tôn lên đường nét của bờ mông phụ nữ. Một số bệnh nhân có thể cần hút mỡ dọc rãnh giữa lưng nếu mỡ che khuất rãnh này. Cần để lại một chút mỡ ở vùng quanh cột sống để làm bật các khối cơ một cách có thẩm mỹ. 
  • Thách thức: Đây là cùng có nhiều mô xơ cứng, nên sẽ phải áp dụng nhiều lực hơn trong lúc hút mỡ và có thể gây tổn thương cho da hoặc dẫn đến gai đốt sống.

Cuộn mỡ dưới bra

  • Về mặt giải phẫu: Đây là vùng mỡ nằm ở vùng đai áo ngực. Bắt đầu từ mép dưới của ngực, độn ra và treo ở vùng dưới xương sườn, tạo thành một ngấn mỡ mất thẩm mỹ. Vùng da ở đây thì dày, còn lớp mỡ thì đặc cứng. Một số bệnh nhân có thể có nhiều ngấn mỡ cùng lúc.
  • Trong lúc xử lý: Vùng này thường dễ bị bỏ qua, hậu quả là nó trông nhức mắt sau phẫu thuật hoặc nó che khuất đường eo. Cần loại bỏ những nếp gấp giữa các ngấn mỡ hoặc bên dưới ngấn mỡ để tránh mỡ tích tụ lần hai.
  • Thách thức: Phẫu thuật hút mỡ ở tư thế nằm thẳng có nguy cơ gây tổn thương cho cơ lưng to và cuống mạch máu của nó, do cơ lưng to sẽ duỗi thẳng khi bệnh nhân nằm trên bàn mổ, vậy nên bác sĩ có thể vô tình chọc thủng lớp bề mặt của cơ này bằng ống cannula.

Ưu và nhược điểm của hút mỡ lưng

Ưu điểm

  • Nhanh chóng đạt được mục đích. Thay vì tập luyện hàng tháng thậm chí cả năm trời, hút mỡ chỉ mất một buổi là sẽ loại bỏ được lớp mỡ xấu xí. Tuy nhiên kết quả thẩm mỹ cuối cùng cần thời gian, và quá trình đó có thể mất đến 6 tháng.
  • Kết quả thẩm mỹ cao. Do da ở vùng này dày hơn so với các vùng khác, nên khả năng co lại sau hút mỡ cao hơn, nên dễ đem lại kết quả đẹp mắt. Tuy nhiên nếu hút mỡ quá thô bạo và quá gần bề mặt da thì có thể dẫn đến biến dạng lồi lõm bề mặt.
  • Có thể quay lại sinh hoạt, làm việc ngay. Bệnh nhân thường chỉ phải nghỉ ngơi trong vài ngày, tối đa 1 tuần là đã có thể quay lại làm việc, sinh hoạt gần như bình thường. Tuy nhiên quá trình hồi phục sẽ tiếp tục diễn ra trong 6 tháng nữa.

Nhược điểm

  • Bầm tím, sưng nề, đau có thể nặng hơn so với hút mỡ ở vùng khác. Do đây là vùng có nhiều mô xơ và mỡ ở đây thường đặc cứng chứ không mềm như những chỗ khác, vì vậy bác sĩ thường dùng nhiều sức hơn để hút mỡ, dễ dẫn đến nhiều tổn thương và chảy máu hơn. Từ đó có thể đoán là phản ứng sưng nề, bầm tím, đau sau phẫu thuật hút mỡ lưng sẽ cao hơn so với những vùng khác. Mức độ như thế nào sẽ tùy vào từng ca bệnh.
  • Chi phí cao hơn. Do đặc điểm đặc cứng, mỡ lưng thường không phản ứng với hút mỡ truyền thống, khiến các bác sĩ thường khuyên chọn hút mỡ trợ lực, hoặc các công nghệ hút mỡ khác, để tăng hiệu quả cho quá trình phẫu thuật. Việc áp dụng các công nghệ này sẽ đẩy chi phí phẫu thuật lên cao hơn.

Đối tượng phù hợp với hút mỡ lưng

Những người thích hợp làm hút mỡ ở lưng là những người có nhiều mỡ ở lưng, đặc biệt với những người thất bại trong việc giảm mỡ thông qua ăn kiêng và luyện tập, và có mong muốn làm thon gọn lưng. Ngoài ra, họ nên đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng da, sức khỏe tổng quát cũng như tâm lý tích cực, hợp tác với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

Quy trình thực hiện hút mỡ lưng

Quá trình tư vấn trước phẫu thuật sẽ giúp bạn hiểu bác sĩ sẽ thực hiện những gì để đạt được mục tiêu thẩm mỹ mà bạn mong muốn; biết được mình cần làm gì và cần mong đợi những gì trước – trong – sau phẫu thuật.

Trước ngày mổ đã định, bạn sẽ được cho chỉ dẫn về chế độ ăn, sử dụng thuốc kháng sinh, xà phòng sát khuẩn, ngừng một số loại thuốc. Chỉ định nghỉ ngơi và nhịn ăn vài tiếng trước khi làm phẫu thuật.

Vào ngày phẫu thuật, bạn đến cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Đội ngũ phẫu thuật sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình tiền mê, sau đó đưa bạn lên bàn mổ.

Bác sĩ sẽ rạch ở những vị trí đánh dấu trước, đây là chỗ sẽ luồn ống hút mỡ để tiếp cận lớp mỡ bên dưới da. Dung dịch tumescent cũng sẽ được bơm từ từ vào lớp mỡ bên dưới. Nó có tác dụng co mạch hạn chế chảy máu, gây tê tại chỗ, cũng như làm phồng mô để hút mỡ thuận tiện hơn. Bạn có thể cảm thấy đau nhói lúc mới đầu, mặc dù thuốc an thần có thể sẽ giúp bạn không phải cảm nhận điều đó. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn phối hợp chỉ ra những chỗ nào còn đau để biết mức độ dàn trải của dung dịch, bác sĩ sẽ bơm bổ sung vào những vị trí còn thiếu. Nghỉ 20-30 phút để dung dịch phát huy tác dụng. Nếu chỉ gây tê tại chỗ thì bạn sẽ tỉnh táo trong cả quá trình, thậm chí có người còn thoải mái sử dụng sách báo.

Quá trình hút mỡ sẽ diễn ra sau đó.

Với hút mỡ truyền thống, ống cannula được luồn qua các vết rạch, đâm vào lớp mỡ dưới da và hút từ lớp sâu nhất lên đến lớp gần bề mặt hơn. Bác sĩ sử dụng động tác sọc sọc ống để phá hủy liên kết mỡ và hút mỡ ra ngoài cùng lúc.

Hút mỡ trợ lực tức là ống cannula sẽ rung ở cường độ nhẹ, an toàn. Rung động của que hút mỡ này sẽ giảm sức lực mà bác sĩ phải bỏ ra, quy trình không khác hút mỡ truyền thống là mấy.

Các công nghệ hút mỡ khác như hút mỡ hỗ trợ laser (smart lipo, slim lipo...) hay hút mỡ hỗ trợ sóng siêu âm (VASER) sẽ sử dụng các thiết bị đặc biệt. Những thiết bị này tỏa ra laser và sóng siêu âm để phá hủy, hóa lỏng mỡ. Sau đó dùng ống cannula hút mỡ đã hóa lỏng ra ngoài như hút mỡ truyền thống.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ thẩm mỹ đã đạt được, cũng như lượng mỡ đã hút ra để dừng lại khi đạt mức vừa ý.

Sau đó, y tá sẽ giúp bạn làm sạch, mặc băng ép-gen nịt và đưa vào khu vực hồi sức. Với những ca hút mỡ nhỏ, bạn có thể ra về trong ngày. Còn với ca hút mỡ lớn thì tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể giữ lại theo dõi trong 24-48 giờ. Bạn nên sắp xếp sẵn phương tiện và người đưa đón, vì bạn sẽ không đủ tỉnh táo để tự ra về sau phẫu thuật.

Quá trình hồi phục

Hút mỡ thường được là phẫu thuật cho bệnh nhân ngoại trú, tức là bệnh nhân không cần ở lại bệnh viện để theo dõi mà có thể về nhà ngay trong ngày. Nhưng, tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ giữ lại để theo dõi 24-48 tiếng sau phẫu thuật.

Thời gian nghỉ ngơi của hút mỡ cũng khá ngắn, nhiều người có thể quay lại làm việc sau 3-7 ngày, cá biệt có những người chỉ cần nghỉ ngơi một ngày; ca hút mỡ càng lớn, càng nhiều vùng thì càng phải nghỉ ngơi lâu. Mặc dù có thể hoạt động bình thường, nhưng tình trạng sưng nề, đau, bầm tím vẫn sẽ kéo dài kể từ ngày đầu sau hút mỡ cho đến tận 6 tháng sau. Những khó chịu sau hút mỡ sẽ được kiểm soát bằng băng ép và thuốc.

Thường thì phần khó nhất sẽ nằm trong 2-6 tuần đầu, càng về sau cơ thể sẽ càng khỏe hơn và bạn sẽ càng nhìn thấy kết quả đẹp. Mốc 6 tháng là mốc thời gian trung bình mà bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau hút mỡ, có thể nhanh hơn, nhưng nếu hồi phục chậm hơn sau mốc thời gian này thì nên lưu tâm và trao đổi với bác sĩ.

Biến chứng sau hút mỡ lưng

Tất nhiên là ca phẫu thuật nào cũng sẽ có rủi ro gặp biến chứng. Những ca hút mỡ ở lưng sẽ có chung rủi ro biến chứng như các ca hút mỡ ở các vùng khác. Tuy nhiên do đặc điểm nhiều mô xơ, công đoạn hút mỡ lưng sẽ cần nhiều lực hơn, nên sưng nề, bầm tím, đau có thể sẽ cao hơn ở những vùng khác.

Những biến chứng thường gặp sau hút mỡ:

  • Sưng nề
  • Bầm tím, biến dạng màu da
  • Đau
  • Lồi lõm không đều (biến dạng đường nét)
  • Mất cân đối hai bên vùng thắt lưng.

Những biến chứng ít gặp hơn:

  • Tụ dịch
  • Tụ máu

Những biến chứng nguy hiểm hiếm gặp:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Thủng nội tạng
  • Nhiễm trùng
  • Hoại tử

Nhìn chung sau hút mỡ bạn sẽ thấy đau nhức âm ỉ, nhẹ, sưng nề, có thể bị cứng ở một số chỗ, bầm tím (đỏ đậm, đen, xanh, nâu, vàng), nhiệt độ cơ thể bình thường. Nếu thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường như đau đớn mạnh, sưng bất thường ở một điểm, lồi lõm không đều, đỏ tấy, nhiệt độ tăng cao... thì nên cảnh giác và thông báo sớm cho bác sĩ. Ngoài ra, tới tái khám đầy đủ sẽ cho phép bác sĩ chăm sóc và theo dõi tình trạng hồi phục của bạn một cách tốt nhất.

Những hoạt động nên làm khi hồi phục

  • Tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ về những điều cần làm sau phẫu thuật
  • Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Ăn uống cân bằng, hạn chế muối, uống nhiều nước
  • Đi lại thường xuyên, cứ sau vài tiếng thì đi lại nhẹ nhàng quanh nhà khoảng 10-15 phút
  • Hạn chế vận động mạnh ngay sau phẫu thuật
  • Duy trì mặc băng ép thường xuyên hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Đọc toàn bộ bài viết