Hút mỡ nên gây mê hay gây tê?

3 năm trước 26

Một trong những câu hỏi thường được đặt ra trước khi làm hút mỡ là phương pháp vô cảm nào sẽ được áp dụng: gây mê hay gây tê?

Bệnh nhân làm hút mỡ có thể được gây mê, gây tê hoặc kết hợp cả hai. Mỗi phương pháp vô cảm lại có ưu, nhược điểm và chỉ định riêng, tùy vào yêu cầu của ca hút mỡ, thể trạng và yêu cầu của bệnh nhân.  

Sàng lọc bệnh nhân

Gây mê hay gây tê đều có những rủi ro nhất định. Để đảm bảo độ an toàn cao nhất và tối ưu hóa kết quả phẫu thuật, bác sĩ cần sàng lọc bệnh nhân cẩn thận. Hạn chế rủi ro tức là chọn những bệnh nhân khỏe mạnh về mặt thể chất, không nhất thiết phải căn cứ vào năm tuổi. Nếu bệnh nhân cao tuổi nhưng sức khỏe tuyệt vời, họ vẫn có thể thực hiện hút mỡ an toàn.

Ngoài ra, bệnh nhân cần có tâm lý thích hợp đối với ca phẫu thuật. Họ phải có mức kỳ vọng phù hợp với thực tế. Bệnh nhân nào có ngưỡng chịu đau thấp, dễ phản ứng với những khó chịu nhỏ, sẽ khó điều trị hơn và cần được chú ý đặc biệt.

Kiểm tra đánh giá trước phẫu thuật

Đây là một bước để đảm bảo an toàn. Bệnh nhân sẽ được đánh giá về bệnh sử, kiểm tra sức khỏe, chú ý phát hiện những yếu tố có nguy cơ cao.

Những chủ đề đáng được đặc biệt quan tâm là:

  • Có tiền sử phản ứng bất lợi với thuốc
  • Có đang dùng thuốc điều trị nào thường xuyên hoặc ngắt quãng không
  • Các ca phẫu thuật trước và biến chứng đi kèm nếu có
  • Tất cả các trường hợp tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, hen suyễn, bệnh gan, thận...
  • Người hút thuốc lá
  • Tình trạng tim, phổi, thoát vị bụng-bẹn...

Bệnh nhân thường cần trải qua các bài xét nghiệm máu, xét nghiệm HIV, kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp với bệnh nhân đang dùng thuốc hỗ trợ tuyến giáp... Bệnh nhân có thể trạng lành mạnh có thể không cần chụp x-quang ngực-bụng, nhưng vẫn có thể được yêu cầu thực hiện nếu bác sĩ thấy cần thiết.

Tiền mê

Tiền mê là loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân trước khi tiến hành vô cảm. Trước khi tiến hành hút mỡ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống, tiêm hoặc truyền thuốc tiền mê. Mục đích của thuốc tiền mê là an thần, gây ngủ, giảm đau, giảm chuyển hóa, giảm tiết, ức chế phản xạ có hại, giảm tác dụng phụ của thuốc tê - thuốc mê, tăng tác dụng của thuốc tê - thuốc mê và phòng ngừa dị ứng.

Dung dịch Tumescent

Đối với hút mỡ, dung dịch tumescent được áp dụng trong gần như mọi ca phẫu thuật. Cho dù bạn làm hút mỡ truyền thống hay hút mỡ trợ lực, hút mỡ công nghệ laser, hút mỡ công nghệ sóng siêu âm..., cho dù là gây tê tại chỗ hay gây mê toàn thân, các bác sĩ đều sẽ đưa dung dịch tumescent vào lớp mỡ cần hút trước khi làm thủ thuật. 

Dung dịch Tumescent có tác dụng làm mô mỡ phồng lên và cứng hơn. Sự ra đời của tumescent cũng giảm mức độ mất máu của quá trình hút mỡ, từ 20-45% trong hút mỡ cổ điển xuống còn xấp xỉ 1% với hút mỡ tumescent. Dung dịch này thường bao gồm nước muối sinh lý, một loại thuốc gây tê (phổ biến nhất là lidocain), và epinephrine để giúp làm co mạch-giảm xuất huyết (có thể có các thành phần khác). Chính vì vậy nó cũng là công cụ gây tê tại chỗ phổ biến của phẫu thuật hút mỡ. 

Lidocain trong tumescent có công dụng gây tê và giảm đau. Với gây mê toàn thân, dung dịch tumescent cũng được sử dụng. Tuy nhiên có nghiên cứu chỉ ra rằng lidocain trong dung dịch tumescent, khi dùng chung với gây mê toàn thân, không đem lại nhiều lợi ích. Lidocain còn là nguyên nhân có thể gây ngộ độc thuốc tê (lidocain), thường phát tác chỉ khi bệnh nhân đã về nhà nên khó phát hiện. Vì vậy, có gợi ý cho rằng nên loại bỏ lidocain trong dung dịch nước muối sinh lý khi hút mỡ gây mê toàn thân để tránh hoàn toàn rủi ro ngộ độc lidocain. Đổi lại, bệnh nhân phải tăng liều thuốc giảm đau sau phẫu thuật, nhưng không đáng kể (tài liệu ghi nhận bệnh nhân chỉ phải uống thêm 1-2 viên giảm đau so với khi dùng lidocain).

Còn với gây tê tại chỗ, lidocain trong dung dịch tumescent đã đóng vai trò gây tê, giảm đau rồi. Bác sĩ có thể kết hợp sử dụng thuốc an thần, giảm đau, giãn cơ... để đạt được mức độ gây tê-gây mê thích hợp cho ca phẫu thuật.

Gây tê tại chỗ

Gây tê tại chỗ, hay gây tê cục bộ, là phương pháp áp dụng các tác nhân hóa học hoặc vật lý để ức chế tạm thời dẫn truyền xung động thần kinh để làm mất cảm giác đau ở một số vùng nhất định trên cơ thể. Bệnh nhân vẫn có ý thức trong lúc làm phẫu thuật.

Như đã nói ở trên, dung dịch tumescent với lidocain là công cụ gây tê tại chỗ đắc lực trong gần như mọi ca hút mỡ. Có thể bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhói khi mới tiêm dung dịch vào mô, sau khi lidocain phát huy tác dụng thì cảm giác đó sẽ qua đi. Tuy vậy bệnh nhân thường không phải chịu đựng cảm giác này vì sẽ có các phương pháp an thần, giảm đau hỗ trợ thêm. Dung dịch sẽ được đưa vào từ từ để tránh đau sốc lúc ban đầu và cũng là để tránh lidocain thấm quá nhanh vào máu. 

Trong quá trình gây tê tại chỗ, bệnh nhân sẽ phối hợp với bác sĩ để chỉ ra chỗ nào còn cảm giác đau, bác sĩ sẽ tiêm thêm dung dịch vào vùng đó để đạt được hiệu quả gây tê toàn diện. 

Bác sĩ và bệnh nhân sẽ tạm nghỉ để chờ dung dịch phát huy tác dụng hoàn toàn, trong khoảng là 20-30 phút. Các hoạt động hút mỡ sẽ tiến hành sau đó và bệnh nhân sẽ không cảm nhận được gì. 

Hiệu quả gây tê còn tiếp tục kéo dài (tận 18 tiếng) sau phẫu thuật, hạn chế tối đa khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy hút mỡ không cần dùng các loại thuốc gây tê tại chỗ khác có công hiệu lâu hơn (độc tính cao hơn lidocain)

Ưu điểm và nhược điểm của gây tê tại chỗ

Ưu điểm:

  • Hiệu quả gây tê tốt
  • Giảm tối đa mất máu
  • Thường không cần bác sĩ gây mê
  • Thời gian hồi phục ngắn
  • Chăm sóc hậu phẫu đơn giản
  • Thời gian tê sau phẫu thuật kéo dài (có thể lên đến 10 tiếng)
  • Vô cùng thích hợp với các ca hút mỡ nhỏ
  • Loại bỏ các tác dụng phụ khó chịu sau phẫu thuật của gây mê toàn thân
  • Hiệu quả với người không thể gây mê toàn thân
  • Dễ đạt kết quả tối ưu hơn vì người bệnh có thể thay đổi tư thế, giúp bác sĩ đánh giá vùng cần điều trị một cách tốt nhất.

Nhược điểm:

  • Có thể xảy ra trường hợp gây tê không hoàn thiện, khiến bệnh nhân bị đau. Giải pháp là chuyển sang an thần sâu, nhưng phương pháp này không khác gì gây mê toàn thân về mặt biến chứng, thời gian hồi phục và chi phí. Những trường hợp thế này đòi hỏi phải có bác sĩ gây mê có kinh nghiệm kiểm soát đường thở trong an thần sâu.
  • Cần thay đổi (một chút) về phương pháp phẫu thuật đối với bệnh nhân thức
  • Cần sự hợp tác của bệnh nhân
  • Cần thêm thời gian thẩm thấu (thời gian thuốc phát huy tác dụng tê đầy đủ)
  • Nếu mức độ an thần không đủ sẽ gây áp lực cho cả bác sĩ và bệnh nhân

Chỉ định của gây tê tại chỗ

  • Bệnh nhân yêu cầu
  • Hút mỡ thể tích nhỏ (ít hơn 5 lít). 
  • Những bệnh nhân chống chỉ định gây mê toàn thân.

Các biện pháp an thần kết hợp với gây tê tại chỗ

Trong thực tế, nhiều trường hợp gây tê tại chỗ thuần túy sẽ không đủ để giúp bệnh nhân trải qua một ca phẫu thuật suôn sẻ. Lúc này các biện pháp an thần, giảm đau phụ sẽ được kết hợp với gây tê tại chỗ để đảm bảo sự thoải mái tối đa cho bệnh nhân, với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu.

Tiêm bắp giảm đau, an thần 

Đôi khi bệnh nhân không chịu được sự khó chịu ban đầu khi bơm-tiêm một lượng lidocain lớn vào mỡ dưới da, hoặc quá căng thẳng trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được dùng thêm thuốc an thần và giảm đau thông qua phương pháp truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Một số bác sĩ thích tiêm bắp hơn truyền tĩnh mạch vì cách này giúp giảm đau lâm sàng tốt hơn. Thêm vào đó, vì tốc độ hấp thụ thuốc toàn cơ thể thấp hơn và tác dụng dược lý ban đầu của nó, nên tiêm bắp làm giảm trường hợp bị hạ huyết áp và giảm rủi ro ngừng thở.

An thần vừa phải thông qua truyền tĩnh mạch (conscious IV sedation)

Thuốc an thần được truyền qua tĩnh mạch để bệnh nhân có thể thư giãn nhưng vẫn duy trì được giao tiếp có chủ đích. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát cẩn thận, truyền an thần có thể gây mê.

Nếu có y tá dày dạn kinh nghiệm liên tục theo dõi tình trạng tim phổi thì có thể không cần thuê thêm bác sĩ gây mê, gây tê trong trường hợp bệnh nhân là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Rủi ro lớn nhất của phương pháp này là không phát hiện khi xảy ra tình trạng ức chế hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ phẫu thuật không được phép kiêm nhiệm vai trò theo dõi hô hấp và nhịp tim của bệnh nhân khi sử dụng phương pháp này.

Gây tê bằng khí N2O

Bệnh nhân có thể được cho hít khí N2O để giảm đau và tạo tác dụng an thần an toàn, hiệu quả. Một phương pháp hữu ích khi bệnh nhân không dung nạp tốt phương án gây tê tại chỗ đơn thuần. Khí này giúp giảm cảm giác đau rát và khó chịu lúc bơm dung dịch có lidocain vào cơ thể. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có thể tuân theo yêu cầu của bác sĩ, nhưng đồng thời họ sẽ có cảm giác lâng lâng, giảm nhận thức về cơn đau.

Tình trạng loạn cảm thường xuyên xảy ra. Mặc dù bệnh nhân hiếm khi bị nôn nhưng có thể họ sẽ có phản ứng tương tự như sắp nôn. Tuy có thể được kết hợp với gây tê tại chỗ, nhưng thường không cần dùng đến N2O một khi thuốc gây tê tại chỗ đã thẩm thấu đầy đủ.

Gây tê vùng

Gây tê ngoài màng cứng ở thắt lưng

Đây là một trong những thủ thuật gây tê được sử dụng rộng rãi trong hút mỡ, đặc biệt là hút mỡ vùng bụng. Nó có tác dụng tốt hơn phương pháp bơm dung dịch, bệnh nhân có thể làm phẫu thuật với mức an thần nhẹ. Tuy nhiên, gây tê ngoài màng cứng diện rộng thường gây hạ huyết áp, vì thế chỉ nên áp dụng cho bệnh nhân có dự trữ tim lớn.

Các chống chỉ định chính thức đối với gây tê ngoài màng cứng là:

  • Bệnh nhân từ chối
  • Các thay đổi trước đó của cột sống
  • Rối loạn đông máu
  • Huyết động không ổn định
  • Một số bệnh lý tim mạch
  • Nhiễm trùng tại điểm rạch luồn ống

Gây tê dưới màng nhện (gây tê tủy sống)

Gây tê dưới màng nhện là kỹ thuật gây tê hữu dụng đối với các ca hút mỡ vùng dưới rốn, có thời gian phẫu thuật ngắn hơn 3 tiếng. Trong những điều kiện trên, kỹ thuật này vừa hiệu quả, vừa ít biến chứng và tiết kiệm. Cũng như gây tê ngoài màng cứng, gây tê dưới màng nhện có thể gây ra tình trạng huyết động không ổn định, tuy nhiên hai phương pháp này có thể có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.

Mức độ tê và giãn cơ rất tốt và có hiệu quả trong 24 giờ đầu sau hút mỡ. Dung dịch tumescent nhưng không có lidocain được khuyên dùng khi gây tê dưới màng nhện để giảm chảy máu. Các chống chỉ định của gây tê dưới nhện cũng tương tự như gây tê ngoài màng cứng.

Gây mê toàn thân

Gây mê là phương pháp vô cảm nhằm mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác, các phản xạ, bằng các thuốc mê tác động trên thần kinh trung ương.

Tuỳ theo đường vào cơ thể của thuốc mê người ta chia ra làm 3 loại:

  • Gây mê qua đường hô hấp: bệnh nhân hít thuốc mê vào, thuốc đi qua phế nang vào máu.
  • Gây mê qua các đường khác: gây mê qua tĩnh mạch, gây mê qua bắp thịt
  • Gây mê phối hợp: dùng kết hợp nhiều phương pháp gây mê

Bệnh nhân sẽ không có ý thức trong lúc gây mê. Gây mê toàn thân không có nghĩa đơn thuần là ngủ mà nó làm tê liệt các cơ của cơ thể, bao gồm cơ hô hấp. Bác sĩ gây mê sẽ túc trực xuyên suốt quá trình để theo dõi dấu hiệu sinh tồn và hỗ trợ bạn thở thông qua các thiết bị chuyên dụng.

Bệnh nhân sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi từ vài giờ đến vài ngày sau khi tỉnh lại từ gây mê toàn thân. Thuốc gây mê nói chung có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung và phản xạ của bạn trong một hoặc hai ngày, vì vậy điều quan trọng sau mổ là có một người trưởng thành ở lại với bạn ít nhất 24 giờ sau khi phẫu thuật, nếu bạn được phép về nhà. Bạn cũng sẽ được khuyên tránh lái xe, uống rượu và ký bất kỳ văn bản pháp lý nào trong 24 đến 48 giờ.

Tử vong do gây mê toàn thân

Có những ca tử vong hiếm hoi liên quan đến hút mỡ xảy ra khi gây mê toàn thân. Điều này không phải là bởi gây mê toàn thân không an toàn, mà là vì số ca gây mê toàn thân nhiều hơn gây tê tại chỗ và tính chất của các ca gây mê toàn thân là rủi ro cao hơn. Những ca gây mê toàn thân thường là hút mỡ thể tích lớn, hút mỡ nhiều vùng cùng lúc và kết hợp với các phẫu thuật khác. 

Chỉ định của gây mê toàn thân

  • Bệnh nhân yêu cầu
  • Hút mỡ thể tích lớn, hút mỡ kết hợp nhiều vùng cùng lúc
  • Hút mỡ kết hợp với các thủ thuật khác (tạo hình thành bụng...)

Ưu điểm và nhược điểm của gây mê toàn thân

Ưu điểm:

  • Đáp ứng được thời gian phẫu thuật kéo dài
  • Không bị phân tâm bởi bệnh nhân
  • Phù hợp với bệnh nhân có tâm lý lo sợ, e ngại đối với phẫu thuật

Nhược điểm:

  • Tăng rủi ro gặp biến chứng
  • Chi phí cao hơn: cần bác sĩ gây mê, thuốc gây mê, thiết bị trợ thở và theo dõi dấu hiệu sinh tồn...
  • Cần nhịn ăn trước phẫu thuật
  • Tác dụng phụ khó chịu sau phẫu thuật

Các rủi ro liên quan đến gây tê, gây mê khi hút mỡ

Ngộ độc thuốc gây tê

Liều lượng 35 – 55 mcg/kg được chứng minh là an toàn trong hút mỡ, cao hơn rất nhiều so với liều lượng an toàn thông thường (7 mg/kg) khi dùng lidocain ở các vùng có nhiều mạch máu. Nguyên nhân là do lidocain trong hút mỡ thường được bơm vào lớp mỡ dưới da - nơi có khá ít mạch máu, cộng thêm tác dụng co mạch của epinephrine, khiến tốc độ khuyếch tán vào máu của lidocain chậm lại. Làm cho phần lớn lidocain được hút ra ngoài cùng mỡ trước khi ngấm hoàn toàn vào trong cơ thể.

Tuy vậy lidocain vẫn có thể gây ngộ độc. Ngộ độc Lidocain gây ảnh hưởng lên thần kinh và tim mạch. Trong đó, nguy hiểm nhất là methemoglobin huyết – là khi lidocain làm sắt trong máu mất khả năng mang oxy tới cho tế bào, kết quả có thể dẫn đến tử vong.

Sự hấp thụ thuốc gây tê cục bộ từ mô dưới da không giống nhau giữa các bệnh nhân, do đó không thể tính toán trước thời gian khởi phát triệu chứng ngộ độc lidocain. Mặc dù nồng độ lidocain trong máu thường đạt đỉnh từ 12-16 giờ sau lúc bơm dung dịch ban đầu, nhưng quá trình này có thể diễn ra trong vòng 2 giờ sau khi bơm (đặc biệt là nếu không dùng epinephrine đi kèm). Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ trong giai đoạn sau phẫu thuật.

Trong và sau gây tê gặp những dấu hiệu sau đây cần nghĩ ngay đến ngộ độc thuốc tê.

Dấu hiệu thần kinh trung ương

  • Dấu hiệu gợi ý: Đắng miệng, tê quanh miệng, ù tai, nhìn mờ.
  • Kích thích: Kích động, nói nhảm, lú lẫn, rung giật, co giật. 
  • Ức chế: Ngủ lơ mơ, đờ đẫn, hôn mê, hoặc ngưng thở. 

Dấu hiệu tim mạch (đôi khi là biểu hiện duy nhất của Ngộ độc thuốc tê) 

  • Rối loạn nhịp tim và hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim. 
  • Tụt huyết áp tiến triển. 
  • Ngừng tim.

Quá tải dịch truyền

Sự phổ biến của phương pháp tumescent đã giải quyết vấn đề mất máu, sốc giảm thể tích trong hút mỡ... nhưng lại đặt ra rủi ro về quá tải dịch truyền. Tính toán mức độ cơ thể hấp thụ tumescent càng khó hơn bởi dung dịch này sẽ được hút ra ngoài cùng với mỡ. Tuy vậy, nghiên cứu chỉ ra lên đến xấp xỉ 70% lượng dịch này không được rút ra ngoài, mà nằm lại trong cơ thể. Khi quá nhiều, lượng dịch dư thừa này có thể không nằm yên được ở khoảng gian bào để chờ được dẫn lưu khi mạch bạch huyết hồi phục. Thay vào đó, chúng có thể lan lên hệ thống tim và phổi, gây đau tim hoặc phù phổi – hai biến chứng nguy hiểm chết người. Những ca hút mỡ thể tích càng lớn thì càng cần dùng nhiều dung dịch tumescent, kéo theo nguy cơ quá tải dịch truyền tăng lên.

Để phòng tránh thì bác sĩ và đội ngũ phẫu thuật phải theo dõi cẩn thận mức độ cân bằng giữa dịch truyền vào và dịch thải ra của cơ thể.

Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt khá là phổ biến trong hút mỡ. Nó được định nghĩa là khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn 36 độ C. Mọi bệnh nhân được gây mê toàn thân đều sẽ gặp phải hạ thân nhiệt ở một mức độ nào đó. Để tránh gặp vấn đề này, bác sĩ sẽ theo dõi thân nhiệt của bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật; làm ấm các dung dịch trước khi đưa vào cơ thể; kiểm soát nhiệt độ phòng mổ; chuẩn bị chăn làm ấm cho bệnh nhân...

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một biến chứng nguy hiểm của hút mỡ, tuy tỉ lệ xảy ra chỉ xấp xỉ 1%, nhưng nó chiếm 23% trong tổng nguyên nhân tử vong sau hút mỡ. Huyết khối tĩnh mạch sâu là sự hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch nằm sâu bên trong chân. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân phải nằm bất động quá lâu, dẫn đến lưu thông máu kém.

Các yếu tố khác góp phần làm tăng rủi ro này có thể bao gồm: di truyền và khả năng đông máu của bệnh nhân; béo phì; tuổi cao... Rủi ro cao hơn khi bệnh nhân được gây mê toàn thân và trải qua ca phẫu thuật hút mỡ thể tích lớn, vì thời gian bất động lâu hơn.

Huyết khối tĩnh mạch sâu nếu không được phát hiện kịp thời có thể tách ra và chạy lên phổi, tim... dẫn đến tử vong sau hút mỡ.

Để đề phòng biến chứng nguy hiểm này, bệnh nhân có thể được cho dùng tất áp lực để co bóp trong, thậm chí sau, ca phẫu thuật. Đi lại sớm và thường xuyên sau hút mỡ cũng là một trong những biện pháp mà bệnh nhân có thể tự thực hiện để phòng ngừa.

Nôn nao-nôn mửa sau phẫu thuật

Đây là vấn đề chính liên quan đến gây mê toàn thân. Việc sử dụng thuốc giảm đau gây ngủ narcotics và N2O càng làm trầm trọng vấn đề. Tình trạng nôn nao sẽ gây bất lợi sau bất kỳ thủ thuật nào vì nó làm tăng huyết áp và có thể gây ra xuất huyết dưới da. Vì vậy, cần ngăn ngừa nôn nao-nôn mửa sau phẫu thuật để hạn chế tối đa việc huyết áp dao động.

KẾT LUẬN

Hút mỡ có thể được thực hiện khi gây mê, gây tê hoặc kết hợp. Không có bằng chứng nào chứng minh phương pháp nào vượt trội hơn phương pháp nào, mà chỉ có phương pháp nào phù hợp hơn cho từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, quyết định gây mê toàn thân hay gây tê tại chỗ còn tùy thuộc vào yêu cầu của ca bệnh và/hoặc yêu cầu của bệnh nhân. Bệnh nhân và bác sĩ cần trao đổi rõ ràng về ưu, nhược điểm và thống nhất về phương án phù hợp nhất cho ca hút mỡ.

Đọc toàn bộ bài viết