Hyosung TNC đầu tư nhà máy sản phẩm sinh học tỷ USD

5 tháng trước 45

Thứ bảy, 30/3/2024, 18:00 (GMT+7)

Hyosung TNC – công ty con của tập đoàn Hàn Quốc Hyosung rót gần một tỷ USD vào nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học, công suất 200.000 tấn tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thông tin này được lãnh đạo Hyosung TNC xác nhận tại "Hội nghị triển khai quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", sáng 30/3. Tại sự kiện, Hyosung TNC đã nhận giấy đăng ký đầu tư gần một tỷ USD cho dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO.

 Hyosung Viêt Nam

Ông Bea In Han - Tổng giám đốc Hyosung Đồng Nai (Chủ dự án Bio- BDO) nhận giấy chứng nhận chủ trương đầu tư. Ảnh: Hyosung Viêt Nam

Khoản đầu tư này cho phép xây dựng nhà máy Bio-BDO đầu tiên ở Việt Nam và châu Á của Hyosung TNC, với quy trình sản xuất bằng cách lên men đường có nguồn gốc từ mía, thay thế hoàn toàn nguyên liệu thô hóa thạch truyền thống như than đá. Sản phẩm Bio-BDO sau đó sử dụng để sản xuất sợi bio-spandex. Quy trình giúp thiết lập hệ thống sản xuất tích hợp theo chiều dọc cho bio-spandex, từ nguyên liệu thô cho đến sản phẩm sợi.

Sản phẩm của nhà máy tỷ USD này là Bio-BDO (Butanediol) - hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất sợi spandex. Bên cạnh sợi spandex, các ứng dụng của BDO có thể mở rộng sang lĩnh vực chế tạo nhựa kỹ thuật, bao bì phân hủy sinh học, đế giày dép, hợp chất công nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.

 Hyosung Việt Nam

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Phó chủ tịch Hyosung Group Lee Sang Woon bên lề hội nghị. Ảnh: Hyosung Việt Nam

Với quy trình khép kín, doanh nghiệp sẽ sản xuất Bio-BDO tại nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó kết hợp để sản xuất sợi spandex regen BIO tại nhà máy Spandex Đồng Nai.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, quyết định đầu tư nhà máy tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong kế hoạch thích nghi với sự chuyển dịch của thị trường vật liệu toàn cầu, hướng đến các sản phẩm bền vững.

Hệ thống sản xuất tích hợp bio-spandex được tối ưu hóa để phục vụ tệp khách hàng trong thị trường dệt may bền vững toàn cầu, bao gồm các thương hiệu và nhà bán lẻ ở châu Á, châu Âu và Mỹ.

 Hyosung Viêt Nam

Phó chủ tịch Lee Sang Woon phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hyosung Viêt Nam

Đại diện Tập đoàn từ Hàn Quốc kỳ vọng, hệ thống có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhờ việc đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô ổn định.

"Nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu có thể đảm bảo khả năng cạnh tranh về chi phí thông qua việc giảm phí vận chuyển và giảm thiểu tác động môi trường bằng cách tiết kiệm nhiên liệu vận chuyển", đại diện doanh nghiệp này nói.

Hiện, Hyosung TNC hợp tác với Geno để ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến cho phép doanh nghiệp này đẩy nhanh tiến độ dự án để có thể sản xuất và kinh doanh thương mại Bio-BDO với công suất 50.000 tấn một năm trong nửa đầu năm 2026 và 200.000 tấn một năm khi nhà máy vận hành đầy đủ.

Chia sẻ về tầm nhìn của doanh nghiệp, ông Hyun-Joon Cho, Chủ tịch Hyosung cho biết: "Lĩnh vực sinh học, chuyển đổi nguyên liệu hóa thạch truyền thống thành vật liệu thân thiện môi trường, sẽ trở thành trụ cột cốt lõi của Hyosung trong 100 năm tới".

Theo đó, nhà máy tại Việt Nam là một trong những bước đi chiến lược của Tập đoàn để tham gia thị trường vật liệu bền vững toàn cầu, dựa trên hệ thống sản xuất Bio-BDO và Bio Spandex nhất quán.

Hyosung Viêt Nam

Ông Kim Chi Hyung- CEO của Hyosung TNC tham dự hội nghị. Ảnh:Hyosung Viêt Nam

Được thành lập năm 1966, Tập đoàn Hyosung từ Hàn Quốc có thế mạnh ở đa lĩnh vực từ sợi spandex, nylon, đến các vật liệu kỹ thuật trong ô tô như tire cord, steel cord... Hiện, Hyosung đã đầu tư lũy kế hơn 4 tỷ USD vào các sản phẩm thế mạnh như sợi spandex và tire cord.

Năm 2007, Tập đoàn này đầu tư tại Việt Nam thông qua dự án nhà máy tại Đồng Nai. Đến nay, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc đã đặt cơ sở sản xuất tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Bắc Ninh với hơn 9.000 lao động.

Thảo Vân

Đọc toàn bộ bài viết