Hiện nay ngoài phương pháp đặt túi độn, để nâng mông bệnh nhân còn có một lựa chọn khác là cấy mỡ mông. Hai quy trình này đều có những ưu và nhược điểm riêng, do đó khi so sánh để lựa chọn bệnh nhân sẽ rất dễ bối rối.
Nâng mông bằng túi độn là một trong những quy trình làm tăng độ nhô mông đạt hiệu quả và thành công cao. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phù hợp với phương pháp này. Nếu không lựa chọn đúng ngay từ đầu có thể kết quả đạt được sau đó sẽ khiến cả bệnh nhân và bác sĩ không hài lòng.
Ưu điểm của phương pháp này là mang lại kết quả độn mông ổn định nhanh hơn so với cấy mỡ mông (BBL). Ở phương pháp BBL, mỡ sẽ cần thời gian để “sống sót” được ở vùng mông, và những tế bào mỡ không thể tồn tại được sẽ khiến mông bị nhỏ đi so với khi mới cấy, do đó bệnh nhân có thể cần cấy nhiều lần mới đạt được kích cỡ mông như mong muốn. Ngoài ra, kết quả nâng mông bằng túi độn cũng duy trì bền vững và lâu hơn, do túi mông giữ nguyên kích cỡ ban đầu.
Vây đối tượng nào phù hợp với nâng mông bằng túi độn?
Bệnh nhân phù hợp nhất với phương pháp này là những người muốn tăng độ nhô hoặc thể tích mông nhưng lại gầy hoặc rất gầy, hầu như không có mỡ thừa tích tụ ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, do đó không thể có đủ mỡ tự thân để chọn cấy mỡ mông. Những bệnh nhân có lượng mỡ thừa đủ thì có thể chọn cấy mỡ mông để vừa kết hợp hút mỡ, tạo hình cho các vị trí khác trên cơ thể, vừa sử dụng mỡ đó để cấy vào mông, cải thiện tổng thể hình dáng.
Một yêu cầu rất quan trọng nữa đó là cơ mông chỉ bị chảy xệ hoặc lỏng lẻo ở mức tối thiểu. Vì túi độn sẽ được đặt vào vị trí trong cơ, do đó cơ mông càng to, càng săn chắc thì càng đảm bảo tốt nhiệm vụ bị “khóa” túi độn ổn định tại vị trí, tránh được các biến chứng như lộ túi, di lệch hay chảy xệ. Những trường hợp cơ mông quá lỏng lẻo có thể sẽ cần phải kết hợp với nâng mông chảy xệ.
Ngoài ra, bệnh nhân chọn phương pháp này cũng phải là những người có cái nhìn tích cực và mục tiêu thực tế về kết quả đạt được. Đảm bảo sức khỏe tốt, không mắc các tình trạng y tế làm giảm khả năng lành thương hoặc tăng nguy cơ phẫu thuật, đồng thời cũng phải là những cá nhân cam kết duy trì lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng và tập luyện đều đặn, phù hợp.
Đối tượng nào không phù hợp với nâng mông bằng túi độn?
Những bệnh nhân có đủ lượng mỡ để thực hiện hút mỡ và cấy chuyển mỡ vào mông sẽ phù hợp với phương pháp BBL hơn.
Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử nhiễm trùng trong quá khứ hoặc hiện tại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng túi độn cũng không phải là đối tượng phù hợp với đặt túi độn mông. Vì khác với mỡ tự thân là mô của chính cơ thể bệnh nhân nên có độ tương tích 100%, túi độn khi đặt vào cho dù bằng chất liệu an toàn đến mức nào thì vẫn là vật liệu bên ngoài, do đó bản chất đã có nguy cơ nhiễm trùng, đào thải. Việc bệnh nhân đã có tiền sử nhiễm trùng sẽ càng gây khó khăn hơn cho quy trình này.
Những bệnh nhân da lỏng lẻo hay cơ mông chảy xệ quá mức do giảm cân nhiều hoặc do thực hiện quy trình nối tắt dạ dày (gastric bypass surgery – được thực hiện nhằm mục đích giảm cân, trong đó bác sĩ sẽ thu nhỏ kích thước dạ dày cỡ bằng 1 quả trứng để bệnh nhân cảm thấy nhanh no hơn). Ở những bệnh nhân này có thể sẽ cần kết hợp nâng mông chảy xệ với đặt túi độn mông và cấy mỡ mông.
Những bệnh nhân hút thuốc, có các vấn đề y tế phức tạp như mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hay huyết khối hoặc bị coi là béo phì với chỉ số BMI > 30 cũng không phải là đối tượng nên đặt túi độn mông. Các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân ngừng hút thuốc ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, kiểm soát tốt tình trạng bệnh lý và đạt cân nặng cơ thể lý tưởng trước khi tiến hành quy trình này.
Bên cạnh đó, những phụ nữ mới sinh con cũng không thể thực hiện quy trình này luôn, cần phải chờ ít nhất 6 – 9 tháng để da và mô mềm co săn lại trước khi cân nhắc thực hiện.
Những lưu ý khi chọn nâng mông bằng túi độn
Để đạt được kết quả thành công, an toàn và bền vững, bệnh nhân khi chọn phương pháp này cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên chọn đặt túi độn ở vị trí TRONG CƠ. Mặc dù với vị trí này quá trình phẫu thuật sẽ phức tạp hơn, hồi phục cũng đau đớn hơn nhưng đây là vị trí lý tưởng nhất để duy trì ổn định túi độn cũng như tránh các biến chứng. Nếu đặt túi mông ở trên cơ, khoang chứa lỏng lẻo sẽ dễ khiến túi độn dịch chuyển quá mức và chảy xệ, còn đặt dưới cơ sẽ dễ làm tổn thương đến dây thần kinh tọa, gây đau mông và chân. Vị trí trong cơ vừa đảm bảo khoang chứa chắc chắn vừa tách biệt túi độn với các cấu trúc quan trọng vùng mông.
- Tránh chọn túi mông size quá to. Size và hình dạng túi độn nên phù hợp với cơ thể và tốt nhất nên được chọn sau khi đã đo mông tỉ mỉ. Mông là vùng tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể như đi đứng, ngồi, nằm hay tập luyện, do đó việc chọn túi độn quá to mặc dù mang lại kết quả ấn tượng nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nhiều hơn.
- Vẫn duy trì các bài tập cơ mông bình thường sau phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân có quan niệm sai lầm rằng sau khi đặt túi độn nếu tập luyện có thể khiến túi bị chảy xệ làm hỏng kết quả. Tuy nhiên sự thật không phải vậy, sau khi mông hoàn toàn ổn đinh (từ 6 tháng đến 1 năm) bệnh nhân có thể trở lại các bài tập mông với cường độ như trước phẫu thuật để tập cơ mông. Việc tập luyện sẽ khiến cơ nở ra hoặc săn chắc hơn càng duy trì kết quả tốt hơn. Đặt túi độn không cản trở hay gây ảnh hưởng gì đến hoạt động thể dục thể thao của bệnh nhân sau đó.
- Chọn bác sĩ cẩn thận. Đây là yếu tố tiên quyết để bạn có được kết quả an toàn và thành công. Hãy chọn một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm thực hiện quy trình này, tìm kiếm và xem ảnh của bệnh nhân cũ mà bác sĩ cung cấp và xem đánh giá của họ về ông/bà ấy
- Tuyệt đối tuân thủ theo chế độ chăm sóc tiền/hậu phẫu của bác sĩ. Việc này cũng một phần quyết định thành công của ca phẫu thuật. Chẳng hạn như việc chăm sóc vết mổ đúng cách hay duy trì tư thế nằm, ngồi đúng cách sẽ giúp bạn tránh tối đa nguy cơ nhiễm trùng cũng như rách vết mổ, giúp quá trình lành thương nhanh hơn.