Không có chứng cứ vật chất, buộc tội bị cáo nhận hối lộ bằng cách nào?

8 tháng trước 50

Đâu là cơ sở nào để cơ quan tố tụng có thể buộc tội các bị cáo trong vụ án nhận hối lộ mà không có chứng cứ vật chất và lời khai thừa nhận?

Thời gian vừa qua, rất nhiều các vụ án liên quan đến các tội danh nhận hối lộ mà quan tố tụng đưa ra xét xử nhận được sự quan tâm của dư luận. Một trong những khía cạnh được chú ý là chứng cứ phạm tội trong vụ án dạng này. Bới nhiều bị cáo khi ra toà đã bác bỏ cáo buộc nhận tiền hối lộ. 

Vụ án mới đây được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử về vụ án sai phạm trong cấp phép lao động cho người nước ngoài, bị cáo Lê Minh Quốc Cường, cựu giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh  này cũng một mực phủ nhận cầm tiền hối lộ từ cấp dưới.

Góc nhìn luật gia - Không có chứng cứ vật chất, buộc tội bị cáo nhận hối lộ bằng cách nào?

Hoàng Văn Hưng tại toà "chuyến bay giải cứu". 

Điển hình khác là phiên tòa “chuyến bay giải cứu”. Dư luận đặc biệt quan tâm đến bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an) với màn đối đáp phủ nhận chiếc cặp cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội đưa có chứa tiền. 

Nhiều người theo dõi các vụ án nhận hối lộ tương tự thường đặt ra câu hỏi: Vậy chứng cứ buộc tội ở đâu? Chứng cứ như vậy đã rõ ràng hay chưa? 

Trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết Nối, đoàn luật sư Tp. Hà Nội) cũng cho rằng, người dân thắc mắc như vậy không có gì là lạ. Vì thực tế, chứng cứ thuyết phục và rõ ràng nhất là chứng cứ vật chất hoặc "lời khai nhận tội".

Trước hết, chứng cứ vật chất được hiểu là những căn cứ được ghi nhận trên các văn bản, tài liệu, ghi âm, ghi hình hoặc các vật chứng. Nếu bên đưa hối lộ ghi âm lai, thì file ghi âm này chính là chứng cứ vật chất.

Góc nhìn luật gia - Không có chứng cứ vật chất, buộc tội bị cáo nhận hối lộ bằng cách nào? (Hình 2).

Toà xét xử đại án Việt Á mới đây, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cũng phản bác cáo buộc nhận 50 nghìn USD của Việt Á. Bị cáo chỉ thừa nhận số tiền 100 triệu đồng từ Phan Quốc Việt.

Khi sử dụng chứng cứ còn phải xem xét ý nghĩa "chứng minh" tức là có làm rõ được hành vi phạm tội hay không? Nếu có chứng cứ vật chất thì rõ ràng việc chứng minh hành vi phạm tội dễ dàng hơn nhiều.

Ngoài ra, chứng cứ là lời khai nhận tội của bị can/bị cáo được coi là căn cứ vững chắc nhất, có ý nghĩa chứng minh rõ ràng hành vi nhận hối lộ. Yếu tố lời khai sẽ được xem xét có phù hợp lời khai của bị hại, người làm chứng không.

Theo luật sư Hùng, cơ quan tố tụng vẫn buộc tội được các bị cáo dù không có chứng cứ vật chất, không có lời khai nhận tội của bị cáo. 

Bởi, thông thường vụ án nhận hối lộ các cơ quan tố tụng vận dụng yếu tố "niềm tin nội tâm", tức đánh giá khả năng thực hiện hành vi phạm tội là có, việc chứng minh dù chưa rõ ràng, nhưng lại có các chứng cứ gián tiếp như: lời khai của người làm chứng, bị hại, xác định các yếu tố bất thường để kết tội.

Có thể hiểu vì có các hành vi, lời khai, quá trình đối chất…nên có cơ sở khẳng định đủ căn cứ kết tội đối với bị cáo. Có lẽ xuất phát từ đặc thù, loại tội phạm, thực tế khách quan nên để đảm bảo việc đấu tranh, phòng ngừa, xử lý hành vi phạm tội nên cơ quan tố tụng cố gắng vận dụng, đánh giá trên tổng thể các dấu hiệu tương đối, dùng phương pháp tư duy logic, phán đoán để đưa ra kết luận buộc tội với bị cáo.

“Chắc chắn những quan điểm này sẽ còn rất nhiều tranh luận, đánh giá của các bên, nhất là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Vì thế, về lâu dài chúng ta cũng cần có sự nghiên cứu, đánh giá, xây dựng các cơ chế, cách thức hoặc cơ quan tố tụng trước khi khởi tố vụ án này cũng nên thận trọng hơn nữa, cố gắng thu thập chứng cứ vật chất rõ ràng để làm căn cứ buộc tội. Như thế người bị bắt, buộc tội mới tâm phục, khẩu phục và phải chịu sự trừng trị của pháp luật”, vị luật sư nêu ý kiến.

Hội thảo “Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính Phủ) tổ chức, TS Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác đấu tranh xác định chứng cứ trong vụ án nhận hối lộ gặp nhiều khó khăn. 

Nguyên nhân bởi người phạm tội trong lĩnh vực này thường có chức vụ, có hiểu biết chuyên sâu, nắm được những kẽ hở pháp luật. Đặc biệt, tội phạm tham nhũng thường được phát hiện sau khi đã hoàn thành hành vi phạm tội một thời gian dài, điều này giúp đối tượng có đủ điều kiện chuẩn bị phương án đối phó, xóa dấu vết, hợp thức hoá tài liệu, thậm chí bỏ trốn…

    Cùng chuyên mục

     Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế

    Án Tây-Luật Ta: Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế

    Chủ nhật, 25/02/2024 | 07:44

    Trong một cuộc điều tra do Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) tại Praha (Cộng hòa Séc) dẫn đầu, 36 cuộc khám xét đã được tiến hành trong ngày 19/2 và 10 nghi phạm đã bị bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến các hợp đồng công cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện

       

    Nổi bật trong ngày

     Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế

    Án Tây-Luật Ta: Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế

    Chủ nhật, 25/02/2024 | 07:44

    Trong một cuộc điều tra do Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) tại Praha (Cộng hòa Séc) dẫn đầu, 36 cuộc khám xét đã được tiến hành trong ngày 19/2 và 10 nghi phạm đã bị bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến các hợp đồng công cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện

    Đọc toàn bộ bài viết