Kiểm soát triệu chứng ung thư buồng trứng giai đoạn cuối

3 năm trước 38

Khi đã lan sang các cơ quan khác trong cơ thể (di căn) thì không thể chữa khỏi ung thư được nữa. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Sống chung với ung thư buồng trứng giai đoạn cuối

Dù là bệnh ung thư nào thì ở giai đoạn đầu, việc điều trị cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều so với điều trị khi bệnh sẽ tiến triển sang các giai đoạn sau, đặc biệt là giai đoạn cuối. Tuy nhiên, rất ít trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu vì lúc này, bệnh hầu như không có bất kỳ dấu hiệu rõ rệt nào.

Mặt khác, khi tiến triển sang giai đoạn cuối thì ung thư buồng trứng lại gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Khi đã lan sang các cơ quan khác trong cơ thể (di căn) thì không thể chữa khỏi ung thư được nữa. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp nhất của ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và cách khắc phục.

Đau vùng chậu hoặc đau bụng

Triệu chứng đau vùng chậu hoặc đau bụng của ung thư buồng trứng có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu nhưng thường không được để ý đến vì xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng hoặc được cho là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối thì ung thư buồng trứng sẽ gây ra triệu chứng đau đớn dữ dội hơn nhiều ở vùng chậu và bụng.

Biện pháp khắc phục

Biện pháp phổ biến nhất để làm giảm triệu chứng đau là dùng thuốc. Ban đầu có thể chỉ cần dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), chẳng hạn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen.

Nếu không thể kiểm soát được các cơn đau bằng thuốc không kê đơn thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau nhóm opioid. Một loại thuốc phổ biến trong nhóm này là morphin. Thông thường, morphin được dùng dưới dạng thuốc đường uống.

Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau nhóm opioid khác còn có:

  • fentanyl (dạng miếng dán)
  • hydromorphone (Dilaudid)
  • methadone

Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân ung thư cũng có thể thử các liệu pháp điều trị khác để giảm đau như:

  • Châm cứu
  • Liệu pháp mát-xa
  • Các biện pháp thư giãn, chẳng hạn như ngồi thiền hay tập yoga

Táo bón

Nguyên nhân bị táo bón khi bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối có thể là do tắc ruột.

Các khối u lớn trong buồng trứng có thể chèn ép lên đường ruột và ngăn cản hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa. Điều này dẫn đến đau đớn và khó chịu, đặc biệt là khi ruột bị tắc nghiêm trọng.

Ngoài táo bón, tắc ruột còn có những biểu hiện khác như:

  • Cảm giác chướng bụng, bụng căng cứng
  • Buồn nôn và nôn
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Các dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn

Biện pháp khắc phục

Nếu táo bón là do khối u gây tắc ruột thì có nhiều biện pháp khắc phục khác nhau.

Có thể cần tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u, cắt bỏ phần ruột bị tắc nghẽn và tạo một lỗ mở tạm thời ra da (hậu môn nhân tạo) để đưa chất thải ra ngoài.

Ở nhiều người, hệ tiêu hóa vẫn hoạt động bình thường khi bị tắc ruột. Trong những trường hợp này thì có thể thử những biện pháp sau để cải thiện tình trạng táo bón:

  • Uống đủ nước
  • Ăn các món mềm, dễ tiêu hóa
  • Tập thể dục nhẹ nhàng

Một số loại thuốc thường được dùng để kiểm soát triệu chứng táo bón gồm có:

  • Thuốc nhuận tràng
  • Steroid để giảm viêm
  • Thuốc chống buồn nôn, chẳng hạn như ondansetron
  • Octreotide - một liệu pháp hormone kê đơn

Trong một số trường hợp, thuốc giảm đau nhóm opioid là nguyên nhân gây ra hoặc khiến cho tình trạng táo bón thêm nặng hơn. Nếu vậy thì cần báo với bác sĩ để thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc.

Đau thận

Đau thận là triệu chứng rất khó phát hiện vì giống với hiện tượng đau lưng thông thường.

Ung thư buồng trứng có thể lan rộng và di căn đến hệ tiết niệu. Khối u có thể chặn một hoặc cả hai niệu quản.

Niệu quản là ống có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Khi một hoặc cả hai ống niệu quản bị tắc thì nước tiểu sẽ không đến được bàng quang mà ứ lại tại thận và gây áp lực lên cơ quan này. Kết quả là người bệnh sẽ bị sưng và đau ở thận.

Cuối cùng, thận sẽ bị hỏng nếu không điều trị tình trạng tắc nghẽn và giảm áp lực.

Biện pháp khắc phục

Khi cả hai niệu quản bị chặn thì sẽ cần đặt ống thông để dẫn nước tiểu trong quá trình điều trị ung thư. Ống thông có thể được đặt bên trong cơ thể để dẫn nước tiểu từ thận vào bàng quang hoặc được đặt bên ngoài cơ thể để đưa nước tiểu từ thận ra ngoài.

Chướng bụng

Chướng bụng là dấu hiệu của ung thư buồng trứng ở bất kỳ giai đoạn nào và cũng là hiện tượng thường gặp hàng ngày do những nguyên nhân vô hại, ví dụ như ăn đồ lạ hay hành kinh. Đó là lý do tại sao nhiều người thường bỏ qua triệu chứng này.

Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối của ung thư buồng trứng, tình trạng chướng bụng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Các loại thuốc không kê đơn thường không có tác dụng mà phải dùng đến một số loại thuốc kê đơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tránh các nguyên nhân khiến tình trạng chướng bụng nặng thêm, ví dụ như các loại thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu.

Biện pháp khắc phục

Thuốc kê đơn octreotide có thể giúp làm giảm triệu chứng khó chịu do chướng bụng. Ngoài ra, nên tránh những nguyên nhân khác cũng gây chướng bụng như:

  • Đồ uống có ga
  • Thực phẩm chế biến
  • Những thực phẩm gây đầy hơi như rau họ cải, sản phẩm từ sữa, hành tỏi, khoai lang và các loại đậu

Nên vận động nhẹ nhàng thường xuyên để giảm đầy hơi, chướng bụng.

Sụt cân

Sụt cân không chủ đích là một biểu hiện thường gặp khác của ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.

Dù là bất kỳ giai đoạn ung thư nào thì cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể chống chọi với bệnh tật và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Tuy nhiên, cần ăn uống một cách lành mạnh, khoa học để bổ sung đủ chất dinh dưỡng chứ không chỉ cố gắng ăn nhiều để tăng cân.

Biện pháp khắc phục

Nếu bị chán ăn thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kích thích cảm giác thèm ăn. Ngoài ra có thể dùng các loại viên uống bổ sung để cung cấp những chất còn thiếu cho cơ thể. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại viên uống bổ sung nào.

Đi tiểu nhiều

Khi các tế bào ung thư phát triển, khối u sẽ to ra và bắt đầu chèn ép lên các cơ quan lân cận như bàng quang. Áp lực lên bàng quang và hệ tiết niệu sẽ dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều hơn bình thường và thường xuyên buồn tiểu gấp.

Biện pháp khắc phục

Nếu bị rò rỉ nước tiểu thì có thể dùng bỉm cho người lớn để ngăn nước tiểu thấm ra ngoài. Nếu bị tắc nghẽn trong đường tiết niệu do khối u thì sẽ cần tiến hành thủ thuật đặt ống thông để dẫn nước tiểu ra ngoài.

Cổ trướng

Phụ nữ bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối có thể bị cổ trướng – tình trạng tích tụ dịch trong khoang phúc mạc. Khoang phúc mạc là khoảng không gian giữa lớp màng bao phủ bề mặt trong của thành bụng (phúc mạc thành) và lớp màng bao phủ các cơ quan trong khoang bụng (phúc mạc tạng). Có nhiều nguyên nhân gây nên sự tích tụ dịch này.

Trong một số trường hợp, các tế bào ung thư buồng trứng di chuyển vào khoang phúc mạc và kích thích các mô xung quanh. Điều này gây nên tình trạng cổ trướng.

Các tế bào ung thư cũng có thể gây tắc nghẽn hệ bạch huyết và ngăn dịch chảy ra khỏi khoang phúc mạc. Điều này kết hợp với tình trạng sưng và chướng bụng khiến cho người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu.

Biện pháp khắc phục

Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị sẽ làm giảm các tế bào ung thư, từ đó giúp giảm sưng và tích tụ dịch.

Trong một số trường hợp sẽ cần tiến hành thủ thuật chọc dò dịch màng bụng để dẫn lưu dịch trong khoang phúc mạc ra ngoài và giảm tình trạng cổ trướng.

Tóm tắt bài viết

Khi bắt đầu nhận thấy những triệu chứng kể trên thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Những triệu chứng này cho thấy khả năng cao là ung thư đã tiến triển sang giai đoạn muộn và không thể chữa khỏi được nữa hoặc khả năng chữa khỏi là rất thấp nhưng vẫn có nhiều biện pháp để giảm bớt triệu chứng và giúp cho người bệnh dễ chịu hơn được phần nào.

Đọc toàn bộ bài viết