Kiến trúc sư 9X Việt mê nhà cũ, kể lý do rời Berlin và Paris đầy bất ngờ

8 tháng trước 26

Sau 14 năm học tập, làm việc và sinh sống tại châu Âu, kiến trúc sư Trung Mai (Mai Hưng Trung) sinh năm 1990 tự hào nhất về thành tựu là kiến trúc sư người châu Á đầu tiên giành giải thưởng Europan, giải thưởng quy hoạch kiến trúc lớn nhất tại châu Âu giành cho các kiến trúc sư dưới 40 tuổi, trong 3 kỳ liên tiếp 2019, 2021 và 2023.

Tháng 6/2023, Trung Mai trở về Việt Nam. Mới đây, anh được nhiều người biết đến hơn với dự án cải tạo nhà máy xe lửa Gia Lâm thành trung tâm triển lãm, tổ hợp sáng tạo.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Trung Mai nói lý do anh từ bỏ châu Âu, quay về Việt Nam lập nghiệp. Anh nói Hà Nội là nơi phù hợp nhất để anh có thể áp dụng những gì đã học cho việc cải tạo, làm mới những công trình xưa cũ, giúp công trình đó có ý nghĩa nhất định.

Kiến trúc sư 9X Việt mê nhà cũ, kể lý do rời Berlin và Paris đầy bất ngờ - 1

Kiến trúc sư Trung Mai là kiến trúc sư người châu Á đầu tiên giành giải thưởng Europan - Giải thưởng quy hoạch kiến trúc lớn nhất tại châu Âu giành cho các kiến trúc sư dưới 40 tuổi - trong 3 kỳ liên tiếp 2019, 2021 và 2023 (Ảnh: Trung Mai).

Ở Berlin hay Paris làm kiến trúc rất khó

Sinh sống và học tập tại Pháp một thời gian dài, lý do vì sao anh quyết định trở về Việt Nam để lập nghiệp?

- Tôi cho rằng đây không phải thời điểm tốt nhất để mình có thể phát triển một doanh nghiệp về kiến trúc ở châu Âu do các bất ổn về chính trị, kinh tế.

Thêm nữa, những thành phố ở Berlin (Đức) hay Paris (Pháp), gần như không có công trình xây mới. Đó là những thành phố đã phát triển bền vững, cả thành phố đã trở thành di tích. Trong nội đô Paris, gần như không tòa nhà nào được xây cao hơn tháp Eiffel. Tất cả cao ốc đều được rời ra xa trung tâm.

Khi không thể xây mới như vậy, làm kiến trúc rất khó dù tôi không hoàn toàn cổ súy cho việc xây mới các công trình vì 40% phát thải CO2 ra môi trường gây ra hiệu ứng nhà kính là do xây dựng.

Hơn nữa kiến trúc chỉ thật sự có giá trị khi nó giải quyết được những vấn đề xã hội, môi trường. Ở đâu mà điều đó càng cấp bách thì kiến trúc bạn tạo ra càng có ý nghĩa. Cùng một sự đầu tư về ý tưởng và chất xám nhưng đặt ở những hoàn cảnh địa lý và xã hội khác nhau sẽ tạo ra những phản hồi khác nhau. 

Kiến trúc sư 9X Việt mê nhà cũ, kể lý do rời Berlin và Paris đầy bất ngờ - 2

Dự án triển lãm tại nhà máy xe lửa Gia Lâm được thực hiện bởi kiến trúc sư Trung Mai và các cộng sự (Ảnh: Trung Mai).

Lý do nào anh chọn nhà máy xe lửa Gia Lâm để phát triển dự án triển lãm?

- Như đã nói ở trên, tôi không cổ súy việc xây mới các công trình vì tốn kém và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thay vì xây mới một khu để làm trung tâm sáng tạo, triển lãm, tại sao chúng ta không cải tạo một nơi là 22ha trống trơn, không có hoạt động gì. Chắc gì các công trình xây mới đã đẹp và bền bằng những cấu trúc công nghiệp này.

Sâu xa hơn, tôi từng có một dự án nghiên cứu về tất cả nhà máy ở Hà Nội. Tôi cùng các cộng sự của mình nghiên cứu kỹ lưỡng về tất cả nhà máy ở đây, bắt đầu từ nhà máy Rạng Đông sau vụ cháy xảy ra vào năm 2019. Rồi sau này phát triển thành một dự án lớn về tất cả nhà máy.

Một nhà máy độc lập sẽ không thể tồn tại bởi nó nằm trong hệ sinh thái công nghiệp của cả thành phố. Tôi đã hoàn thành dự án nghiên cứu này sau 2 năm, cùng các cộng sự từ Canada, Mỹ, Pháp.... Không đơn thuần là dự án nghiên cứu lịch sử, chúng tôi tìm hiểu câu chuyện về nhà máy, rằng nó đã góp phần hình thành bản chất và tập tính của đô thị cũng như những con người sống trong đó. 

Sau đó, tôi mong muốn mang nghiên cứu này của tôi tới rộng hơn cho mọi người thì tôi nghĩ đến việc tổ chức triển lãm tại nhà máy bởi vì nếu chỉ công khai trên các nền tảng thì lượng người tiếp cận khá hẹp. Tôi bắt đầu đi tìm nhà máy và cuối cùng là dự án nhà máy xe lửa Gia Lâm ra đời.

Quá trình lên ý tưởng đến triển khai thì cũng khá khó khăn. Việc kết nối với nhà máy không hề dễ dàng. Tôi đã nhờ tới sự hỗ trợ từ UNESCO và Sở Văn hóa Hà Nội để có thể kết nối và phát triển ý tưởng thành hiện thực.

Đây là dự án bước đệm trước khi anh quyết định về Việt Nam?

- Không hẳn. Tôi không lên kế hoạch trước nhiều như vậy, mọi thứ diễn ra khá là tùy hứng. Đơn giản là tôi thấy đã đến lúc cần về. Quyết định về của tôi là về để có nhiều hơn các hoạt động có tính cộng đồng và vật lý vì khi nghiên cứu thì có thể làm ở xa nhưng thực hành kiến trúc thì buộc phải ở gần.

Kiến trúc sư 9X Việt mê nhà cũ, kể lý do rời Berlin và Paris đầy bất ngờ - 3

Kiến trúc sư Trung Mai muốn phát triển những công trình xưa cũ thành không gian có tính tương tác, mang lại ý nghĩa nhất định (Ảnh: Trung Mai).

Ở Hà Nội thật ra không cần làm gì quá to lớn, chỉ cần làm đúng đã có thể tạo ra ý nghĩa...

Anh từng nói rằng anh muốn về Việt Nam vì anh nghĩ rằng anh cần làm gì đó cho Hà Nội? Cụ thể như thế nào?

- Hà Nội là nơi cho tôi nhiều cảm hứng, khiến tôi nghĩ rằng bộ não của mình có nhiều phản ứng hóa học hơn. Cũng bởi vì Hà Nội là nơi có rất rất nhiều vấn đề đô thị, trong đó có ô nhiễm về mọi thể thức và giác quan. Hà Nội là một đô thị không thực sự theo quy chuẩn và trật tự như những đô thị cùng quy mô với nó.

Hà Nội không chỉ có vấn đề về không khí, nước, đất mà còn là vấn đề về thị giác, cảnh quan đô thị. 

Tôi có thể miêu tả bằng từ "hỗn loạn" với một giọng điệu khách quan nhất. Hà Nội là chất liệu cho tôi trên hành trình này vì quy hoạch, kiến trúc và đô thị chỉ thực sự có ý nghĩa khi có thể thay đổi một đô thị có vấn đề thành một nơi đáng sống. Nếu tôi không làm ắt hẳn cũng sẽ có người khác làm.

Tôi không muốn nói rằng mình về nước để đóng góp, có lẽ tôi chưa vĩ đại đến thế và thật ra ở thời của tôi thì việc đi nước ngoài cũng có thể coi là phổ cập, không cần phải là tầng lớp tinh hoa hay tinh túy gì. Bởi vậy tôi chưa bao giờ ngộ nhận việc tôi đi hay ở sẽ ảnh hưởng gì tới cục diện chung. Tôi về nước đơn giản vì ở đây có nhiều tài nguyên cũng như cảm hứng cho tôi hay bất cứ người làm sáng tạo hay nghiên cứu nào khai thác. 

Ở Hà Nội, thực ra không cần làm gì quá to lớn, chỉ cần làm đúng đã có thể tạo ra ý nghĩa rất lớn với cộng đồng rồi.

Kiến trúc sư 9X Việt mê nhà cũ, kể lý do rời Berlin và Paris đầy bất ngờ - 4
Kiến trúc sư 9X Việt mê nhà cũ, kể lý do rời Berlin và Paris đầy bất ngờ - 5

Dự án thiết kế để chuyển đổi công năng của biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo thành nơi trao đổi văn hóa Pháp - Việt (Ảnh: Trung Mai).

Đâu là những vấn đề anh cảm thấy nhức nhối nhất của Hà Nội?

- Tôi nghĩ là vấn đề về mặt xã hội. Nhà cao tầng, xe hơi... hay những thứ có thể phát triển rất nhanh như tài chính, kinh tế, giải trí nhưng những giá trị về văn hóa có vẻ như chưa kịp bắt nhịp cùng.

Những câu chuyện xung quanh hàng nước vỉa hè vẫn như vậy, hệ giá trị của xã hội mối lo toan và những quy chuẩn dường như vẫn không hề thay đổi. Những câu chuyện vẫn xoay quanh cá nhân, thay vì cộng đồng, cái tôi thay vì cái ta...

Ai cũng có quan tâm đến việc sắm cho mình một bộ áo giáp. Nhà lầu xe hơi không chỉ là phản ánh vị thế xã hội mà còn là một hình thức sơ đẳng nhất để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Những điều bình thường nhất lại trở thành một món hàng xa xỉ. Việc hít thở không khí trong lành cũng dần trở thành ước mơ của người dân Hà Nội. Bạn phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để được hít thở trong lành, như việc mua nhà gần hồ, mua máy lọc không khí hay bỏ tiền đi du lịch ở một nơi xa. 

Điều anh mong muốn nhất trên hành trình này là gì?

Tôi mong rằng mọi nghiên cứu và thực hành kiến trúc của tôi đều có cơ hội được đưa vào cuộc sống và góp phần nhỏ vào việc làm thay đổi các hệ giá trị mà chúng ta đang hướng tới.

Rằng việc đóng góp vào nền công nghiệp văn hóa hay sự phát triển cộng đồng, đóng góp vào cái ta cũng đáng để khao khát và đạt được như việc vun đắp cho cái tôi. Giá trị của một cá thể có thể được nhìn dưới những lăng kính khác, đa dạng hơn là những tích lũy tư bản và địa vị xã hội.

Mai Hưng Trung sinh năm 1990, tốt nghiệp trường THPT Hà Nội Amstesdam, sau đó du học Pháp ngành Kiến trúc, Quy hoạch tại Trường đại học Ecole nationale supérieure d'architecture Paris-Malaquais, kỹ sư xây dựng tại đại học Toulouse Paul Sabatier.

Anh theo học bằng thạc sĩ về cảnh quan và quy hoạch tại Trường Leibniz Universitat Hannover (Đức) và dành nhiều năm làm việc tại các văn phòng quy hoạch tại Paris.

Đọc toàn bộ bài viết