Phiên bản cải tiến của căng da mặt SMAS, tác động ở lớp sâu hơn, làm căng da mặt và giảm bớt dấu hiệu lão hóa ở phạm vi rộng hơn
Kỹ thuật căng da mặt Deep-plane
Kỹ thuật căng da mặt SMAS thông thường chỉ thao tác ở mặt phẳng bên trên SMAS - bên dưới da, khiến cho nó không có hiệu quả trẻ hóa vùng giữa mặt, cụ thể là các nếp nhăn sâu ở hai bên mũi-miệng, má chảy xệ. Để khắc phục điều đó, các kỹ thuật căng da mặt SMAS mở rộng được ra đời, một trong các phiên bản phổ biến nhất của nó là căng da mặt Deep-plane.
Căng da mặt Deep-plane lần đầu tiên được Hamra mô tả vào năm 1990 là phương pháp cải tiến của kỹ thuật SMAS. Deep-plane có nghĩa là mặt phẳng sâu, cụ thể là mặt phẳng nằm bên dưới lớp SMAS. Kỹ thuật này sẽ bóc tách SMAS lên sau khi bóc tách vạt da theo nhiều mức độ khác nhau, rồi trực tiếp giải phóng các dây chằng chắn giữ trên mặt và kéo căng tối đa các mô chảy xệ.
Bằng cách đặt toàn bộ áp lực lên lớp mạc cơ, kỹ thuật deep-plane sẽ cho phép bác sĩ khâu đóng vết mổ mà không làm căng da và đảm bảo kết quả lâu dài. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng có thể giải quyết tình trạng mỡ giả thoát vị, góp phần gây ra hiện tượng nhăn nheo trên mặt. Dẫu vậy, người ta vẫn tiếp tục tranh luận về việc kỹ thuật căng da mặt nào vượt trội hơn. Có những nghiên cứu chứng minh không có sự khác biệt trong thời gian dài về kết quả của SMAS và Deep-plane. Dù là thế nào, kỹ thuật căng da mặt deep-plane nếu được thực hiện đúng cách có thể tạo ra sự trẻ hóa đáng kể và bền vững cho vùng dưới và giữa của mặt.
Ai nên và không nên làm căng da mặt Deep-plane?
Những đối tượng có thể chọn kỹ thuật Deep-plane là:
- Những người mong muốn giải quyết vấn đề lão hóa ở vùng giữa mặt: Má chảy xệ, da gò má nhăn nheo, nếp gấp quanh mũi-môi...
- Hiểu rõ ca phẫu thuật và có mức độ kỳ vọng hợp lý: chi tiết, rủi ro biến chứng, kết quả có thể đạt được...
- Có sức khỏe nói chung tốt và có thể tuân thủ những yêu cầu của bác sĩ làm phẫu thuật.
Những đối tượng không phù hợp làm phẫu thuật:
- Da mặt lão hóa nhẹ, đặc biệt là vùng giữa mặt
- Cơ địa dễ bị tụ máu; bệnh nhân đang dùng các loại thuốc chống đông máu, thực phẩm bổ sung, thuốc bắc... và không thể ngừng trong thời gian làm phẫu thuật
- Người hút thuốc
- Người có bệnh nền được xem là không phù hợp để làm phẫu thuật
Quy trình thực hiện
Về căn bản Deep-plane khá giống kỹ thuật SMAS thông thường, điểm khác biệt lớn nhất chính là lớp SMAS và da sẽ được bóc tách thành một lớp, giải phóng dây chằng và kéo căng vạt da kèm SMAS lên vị trí cao hơn.
Deep-plane có thể được thực hiện khi chỉ gây tê tại chỗ, nhưng để bệnh nhân được thoải mái nhất có thể thì bệnh nhân nên được gây mê toàn thân hoặc gây mê tĩnh mạch. Sau khi gây mê, thuốc gây tê tại chỗ sẽ được tiêm vào dọc theo đường mổ đã định sẵn.
Đường rạch của Deep-plane giống với đường rạch mổ của các phương pháp SMAS khác: từ đường chân tóc thái dương kéo đến bình tai và vòng ra sau tai. Ở nữ thì vòng ra sau bình tai, ở nam giới thì rạch trước bình tai để tránh kéo vùng da mọc râu vào tai. Lúc này bác sĩ có thể tiến hành bóc tách luôn vào mặt phẳng deep-plane, hoặc bóc tách da trước. Về lý thuyết thì kỹ thuật căng da mặt deep-plane sẽ để SMAS và da dính thành một vạt thống nhất, tuy nhiên tùy vào trường hợp cụ thể và quan điểm của từng bác sĩ phẫu thuật, da có thể được bóc tách một ít hoặc sâu vào vùng giữa mặt.
Sau thao tác đó, bác sĩ tiến hành bóc tách lớp SMAS, nâng SMAS và da lên cùng lúc. SMAS được nhấc khỏi cơ cắn, giải phóng dây chằng cơ cắn da (masseteric ligament - nằm ở rìa trong của cơ cắn) và tiếp tục bóc tách về phía môi cho tới khi tìm thấy động mạch mặt. Ở phần trên, SMAS được bóc tách khỏi mép ngoài của cơ vòng mi mắt, rồi hướng vào vùng giữa mặt. Khi gặp dây chằng gò má thì giải phóng để nối thông phần bóc tách bên trên và bên dưới mặt. Tiếp tục bóc tách vào giữa mặt, hướng đến nếp gấp mũi-má, giải phóng dây chằng hàm trên để kết thúc thao tác bóc tách vùng giữa mặt.
Sau đó, lớp SMAS sẽ được kéo căng về phía sau và cố định bằng nhiều nút chỉ. Da thừa sẽ được cắt bỏ và khâu cố định cùng hướng với vạt da deep-plane để tạo ra đường khâu không bị căng.
Trước khi khâu kín vết mổ, bác sĩ có thể đặt một ống dẫn lưu nhỏ để tránh tụ dịch trong quá trình hồi phục. Thuốc kháng sinh sẽ được bôi lên vết rạch và bệnh nhân được cho đeo băng ép sau căng da mặt.
Biến chứng
Vạt da với mạch máu không bị gián đoạn, được tạo ra bởi kỹ thuật deep-plane, giúp làm giảm các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến phẫu thuật căng da mặt; tuy nhiên, các biến chứng sau vẫn có thể xảy ra:
- Hình thành khối máu tụ: khả năng xảy ra < 2%; phải được xử lý kịp thời để ngăn ngừa hoại tử vạt da.
- Nhiễm trùng: xảy ra trong ít hơn 1% trường hợp
- Da chùng: xảy ra dưới 3% các trường hợp; thường gặp nhất ở vị trí sau tai.
- Tổn thương dây thần kinh mặt: xảy ra trong ít hơn 1% các trường hợp (tương tự đối với phẫu thuật căng da mặt tiêu chuẩn)
- Tổn thương thần kinh tai lớn (Greater auricular nerve): xảy ra tới 7% các trường hợp (tổn thương dây thần kinh thường gặp nhất); làm tê dại dái tai
- Dị dạng tai Pixie: do kéo căng da dái tai quá mức trong quá trình ghép da
- Rụng tóc: có thể được ngăn ngừa bằng các vết cắt vát ở đường chân tóc và tránh rạch gần đường chân tóc
Sau phẫu thuật
Thuốc giảm đau là cần thiết sau phẫu thuật, vì nhiều bệnh nhân thường báo lại là họ bị đau quanh vết mổ trong 3-4 ngày. Để giảm thiểu tình trạng sưng nề và bầm tím, bệnh nhân nên đeo băng ép mặt liên tục trong 24 giờ đầu tiên, kê cao đầu trong một tuần (có thể là ngủ ngồi), và tránh hoạt động mạnh trong hai tuần. Bệnh nhân có thể dùng corticosteroid liều thấp, Arnica montana hoặc bromelain để giúp làm giảm vết bầm tím và tình trạng sưng, nhưng hãy trao đổi xin ý kiến của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu trở lại một ngày sau phẫu thuật để dẫn lưu dịch và tháo băng. Quay lại lần nữa sau bốn ngày và bảy ngày để đánh giá vết thương và cắt chỉ.