Kỹ thuật tạo hình thành bụng không đặt ống dẫn lưu là gì?

3 năm trước 30

Kỹ thuật không dẫn lưu vẫn đảm bảo ngăn ngừa tụ dịch, cho phép bệnh nhân đi lại sớm hơn, mà không có những khó chịu và bất tiện của ống dẫn ngoại lai.

Tác dụng của ống dẫn lưu

Ống dẫn lưu thường là loại ống tròn trắng, nhỏ và dài, làm từ nhiều chất liệu khác nhau và được sử dụng với mục đích đưa dịch từ trong cơ thể ra ngoài. Một đầu ống được cắm vào trong cơ thể, nằm giữa cơ và da, một đầu nằm ở bên ngoài cơ thể. Đầu bên ngoài có thể để hở và dẫn lưu tự nhiên (nhờ trọng lực) hoặc có bầu hút áp lực âm, đa phần các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân áp dụng phương án thứ hai.

Sau tạo hình thành bụng, vì những yếu tố như dịch truyền vào cơ thể, hệ thống thoát dịch tự nhiên (mạch bạch huyết) bị đình trệ, nên bệnh nhân có nguy cơ hình thành tụ dịch, tạo ra ảnh hưởng bất lợi cho quá trình hồi phục. Với tác dụng liên tục dẫn dịch dịch ra ngoài (máu, huyết tương và có thể có cả mủ) nên ống dẫn lưu sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành tụ dịch và giúp bệnh nhân hồi phục thuận lợi hơn. Trên thực tế, ống dẫn lưu thực sự phát huy đúng tác dụng như kỳ vọng, là trợ thủ tốt trong việc ngăn ngừa cũng như xử lý ổ tụ dịch đối với các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

Ống dẫn lưu được sử dụng trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Có bác sĩ nói là cần sử dụng trong khoảng 1-2 tuần, bệnh nhân có thể phải dùng lâu hơn hoặc ngắn hơn tùy trường hợp. Bác sĩ căn cứ vào khối lượng dịch chảy ra để biết khi nào có thể rút ống dẫn, nếu khối lượng ít hơn 30ml trong vòng 1-2 ngày thì có thể rút. Tuy nhiên, có những bác sĩ rút ống sớm hơn hoặc có những quy tắc khác của riêng họ.

Tại sao không sử dụng ống dẫn lưu?

Mặc dù có hiệu quả, nhưng ống dẫn lưu vẫn có những bất lợi rõ ràng, ví dụ như:

  • Gây khó chịu: Đa số bệnh nhân đặt ống dẫn lưu đều gặp phải cảm giác từ khó chịu đến châm chích và đau tại chỗ. Họ cảm thấy rất nhẹ nhõm khi được rút ống, chỉ còn cơn đau nhẹ, âm ỉ của ca phẫu thuật.
  • Bất tiện: Ống dẫn lưu gây vướng víu khi di chuyển, nhân viên bệnh viện phải giữ ống dẫn trong lúc bệnh nhân nghiêng người sang một bên để đứng dậy sau phẫu thuật. Bệnh nhân cũng sợ làm ống dẫn tuột ra nên họ từ chối di chuyển hoặc phàn nàn là bị đau nặng. Điều này khiến bệnh nhân ngại di chuyển sớm và thường xuyên, một điều vô cùng bất lợi đối với chính sự an toàn của bệnh nhân
  • Kém hiệu quả: Ống dẫn lưu có xu hướng bị tắc nghẽn do có cục máu đông hoặc các mô vụn lọt vào đường ống. Hệ thống hút kín (ống dẫn lưu có gắn bầu hút áp lực) cứ qua một thời gian lại hay bị hỏng, mất lực hút, không hoạt động; bệnh nhân phải học cách tự sử dụng sao cho đúng.
  • Có thể tạo thêm sẹo.
  • Lo ngại về việc khiến vết mổ bục chỉ.
  • Trên lý thuyết, việc sử dụng ống dẫn lưu có thể tạo ra môi trường để vi khuẩn sinh sôi, mặc dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng về việc bị nhiễm trùng do ống dẫn lưu. Rủi ro này càng tăng khi thời gian sử dụng ống càng kéo dài.
  • Có thể khiến bệnh nhân phải ở lại bệnh viện lâu hơn. Mặc dù vậy, một số bác sĩ cho rằng đây không phải một bất lợi đáng kể, vì bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được chăm sóc bởi những y tá, bác sĩ có chuyên môn trong giai đoạn khó khăn nhất của quá trình hồi phục.

Thêm vào đó, chưa có quy chuẩn nào được đưa ra cho việc sử dụng ống dẫn lưu. Mỗi bác sĩ có một quy định riêng và sử dụng tùy theo hiểu biết và kinh nghiệm của họ. Thời điểm rút ống cũng không có quy định rõ ràng, nó có thể căn cứ vào màu sắc và khối lượng dịch chảy ra. Chưa kể, bạn vẫn có khả năng bị tụ dịch sau khi rút ống dẫn lưu. Tụ dịch vẫn là một trong những biến chứng phổ biến nhất cho dù các bác sĩ vẫn sử dụng ống dẫn lưu sau khi làm phẫu thuật.

Tóm lại, ống dẫn lưu đa phần vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ dẫn lưu dịch của nó, nhưng nó gây những bất tiện rõ ràng cho bệnh nhân, vậy nên các biện pháp thay thế ra đời để cải thiện trải nghiệm hậu phẫu cho người bệnh.

Những biện pháp thay thế ống dẫn lưu

Khâu giảm căng tịnh tiến (hay còn gọi là khâu ép, khâu giảm căng vạt da xuống mạc cơ...) là kỹ thuật đầu tiên được đưa ra nhằm thay thế ống dẫn lưu. Kể từ đó đến nay đã có một số biện pháp khác được đưa ra với cùng một mục đích, đó là hạn chế những bất tiện của ống dẫn. Các biện pháp thay thế thường có điểm chung là có tác dụng loại bỏ không gian trống giữa vạt da và cơ, từ đó loại bỏ nơi để dịch có thể tích tụ và hạn chế hình thành tụ dịch.

Khâu giảm căng tịnh tiến

Khâu giảm căng là phương pháp khâu nhiều điểm để “dính” vạt da xuống lớp cơ bụng bên dưới, giúp ngằn ngừa việc hình thành tụ dịch thông qua việc loại bỏ không gian trống. Nó cũng giúp tránh được tình trạng da bị tách ra và trượt bên trên cơ khi bạn vận động và di chuyển; vừa tránh cơ thể sản sinh thêm chất trung gian sưng viêm làm tăng nguy cơ tụ dịch, vừa giúp lớp da bị cắt mau chóng liền lại, đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Công đoạn khâu giảm căng được thực hiện ngay trước khi khâu đóng vết mổ và sau khi đã hoàn thành hết các công đoạn khác.

Về kỹ thuật khâu cụ thể của phương pháp này thì mỗi tài liệu viết một khác, và các bác sĩ cũng có những phương pháp khác nhau để thực hiện. Về quy tắc chung, bác sĩ sẽ đặt một mũi khâu đầu tiên ở vị trí đã định (VD: dưới xương ức đối với bụng trên, ngang rốn đối với bụng dưới...), sau đó dùng tay kéo vạt da xuống một vị trí thấp hơn để thực hiện mũi khâu thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư... Cứ tiếp tục như thế cho đến khi vạt da đã được kéo căng xuống mép rạch bên dưới. Để khâu kín cả vạt da thì bác sĩ thường cần 5-6 đường khâu dọc như thế, một đường dài chính giữa bụng – kéo từ xương ức đến mu, bốn đường dọc ở hai bên bụng, mỗi bên hai đường khâu. Có những tài liệu lại gợi ý khâu dọc theo mép ngoài của cơ thẳng bụng ở bụng trên và tạo thành hai nhánh ngang ở bụng dưới, để tránh gây vết lõm kém tự nhiên. Tuy nhiên phương pháp này dường như không phổ biến bằng kỹ thuật 5 đường khâu theo mô tả bên trên.

Trong quá trình khâu, bác sĩ dùng tay để kéo da và cảm nhận độ sâu, độ căng của chỉ khâu. Chỉ khâu nên đâm kha khá vào lớp mạc cơ, nhưng không nên đâm quá sâu vào lớp hạ bì da vì như thế sẽ tạo ra vết lõm trên bề mặt da. Sau khi khâu, bạn thường sẽ không cảm nhận được vị trí các mũi khâu, không có sự gồ lên hay lõm xuống. Hoặc bạn vẫn có thể cảm nhận lờ mờ, nhưng độ lồi lõm không rõ ràng, theo các bác sĩ tình trạng đó sẽ biến mất theo thời gian. Nếu điểm đặt mũi khâu bị lõm quá mức, bác sĩ có thể loại bỏ chỉ khâu và sửa lại cho hợp lý.

Lưu lại lớp mạc cơ Scarpa (Scarpa fascia)

Khi nhìn vào mặt cắt ngang của bụng, bên trên cùng (hay nằm ở lớp ngoài cùng) sẽ là lớp da, bên dưới nó là mỡ, dưới nữa là mạc cơ. Lớp mạc cơ này lại được chia làm mạc cơ trên (Camper) và mạc cơ sâu (Scarpa). Chính ở lớp mạch cơ này hiện hữu một hệ thống mạch bạch huyết dồi dào, với nhiệm vụ không ngừng dẫn lưu dịch. Khi thực hiện bước bóc tách da, kỹ thuật tiêu chuẩn sẽ bóc tách hết lớp mạc cơ, cắt đứt các mao mạch bạch huyết. Điều đó khiến hệ thống bạch huyết bị gián đoạn sau phẫu thuật và không dẫn lưu được dịch ứ đọng, dần dẫn đến tụ dịch.

Với biện pháp thay thế, bác sĩ sẽ giữ lại lớp mạc cơ Scarpa (hoặc một số tài liệu ghi là giữ lại lớp mỡ sâu nhất) để lưu lại các “ống dẫn lưu” bạch huyết tự nhiên của cơ thể, từ đó loại bỏ việc phải dùng ống nhân tạo. Lớp Scarpa được mô tả là mỏng như một tờ giấy, vì vậy giữ lại lớp này cũng không gây ảnh hưởng đến độ dày thành bụng. Theo tài liệu mô tả, kỹ thuật này sẽ giữ lại lớp Scarpa ở bụng dưới, còn bụng trên vẫn bóc tách đến tận lớp cơ.

Mặc dù được một số bác sĩ xếp nó vào nhóm biện pháp để thay thế ống dẫn lưu, nhưng phương pháp này vẫn thường được áp dụng cùng lúc với đặt ống dẫn nhân tạo. Điều này có thể là do một số bác sĩ xem việc giữ lại lớp Scarpa như một kỹ thuật bổ trợ nhằm giảm biến chứng, chứ không phải để thay thế hoàn toàn ống dẫn lưu. Costa-Ferreira và đồng nghiệp đã nghiên cứu về tác dụng của phương pháp này trong những ca có dùng ống dẫn lưu và đưa ra kết luận: Việc để lại lớp Scarpa mỏng có đem lại lợi ích tích cực cho bệnh nhân, vì nó làm giảm tổng thể tích dịch được dẫn lưu ra ngoài, giảm thời gian phải dùng ống dẫn lưu và giảm thời gian nằm viện.

Hút mỡ “toilet”

Toilet liposuction, tạm dịch là hút mỡ “toilet”, một thuật ngữ lạ và ít khi bắt gặp. Nó dùng để nhắc đến kỹ thuật sử dụng ống hút mỡ cannula để hút dịch thừa ra khỏi vùng đã làm phẫu thuật. Đây là kỹ thuật có thể được áp dụng trong các ca kết hợp tạo hình thành bụng và hút mỡ.

Bác sĩ Medha Anand Bhave mô tả kỹ thuật này như sau: Ống cannula để lại những đường hầm trong lớp mô bụng khi chúng được cắm vào cơ thể để hút mỡ. Tận dụng những đường hầm đó, trong lúc làm tạo hình thành bụng, các bác sĩ cắm lại ống cannula vào đó và bật chế độ hút. Bác sĩ không thực hiện động tác đâm ra rút vào như khi hút mỡ, nên lớp mỡ không bị ảnh hưởng gì, còn dịch gian bào sẽ được hút ra ngoài. Bác sĩ Bhave lưu ý là cần chú ý đặc biệt tới vùng hông và mấu chuyển để ép được nhiều dịch nhất có thể. Thao tác này được lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình làm phẫu thuật và trong lúc khâu vết mổ. Theo bác sĩ, phương pháp này cho phép giảm lượng dịch dư thừa trong cơ thể ngay từ ban đầu, từ đó giảm nguy cơ dịch tích tụ và không cần đến ống dẫn lưu. Băng ép là một phần tử quan trọng trong kỹ thuật này, bác sĩ nhấn mạnh việc bệnh nhân cần duy trì mặc băng ép trong 4 ngày sau phẫu thuật để cơ thể hấp thụ nốt phần dịch còn lại.

Dùng keo dán sinh học

Keo dán sinh học fribin, hay mới hơn là TissuGlu, được dùng để dán kín khoảng trống giữa da và cơ theo nghĩa đen. Keo được bôi lên lớp mạc cơ ngay trước công đoạn khâu kín vạt da, sau đó da được kéo xuống và áp chặt vào cơ. Có những bác sĩ dàn đều keo dán khắp vùng bụng, nhưng có những người chọn dán ở một số điểm nhất định để cố định da. Phương pháp bôi keo áp dụng rất tiện lợi và nhanh chóng, không khiến ca phẫu thuật kéo dài thêm thời gian như khâu giảm căng hoặc hút dịch.

Lưu ý, keo dán sinh học vẫn thường được dùng kết hợp với đặt ống dẫn lưu, thay vì thay thế nó hoàn toàn. Đây có thể là biện pháp “phòng hờ” hoặc là cách làm của bác sĩ. Theo quan sát, khi dùng keo dán, lượng dịch chảy ra thấp hơn đáng kể so với khi không dùng. Lượng dịch thấp khiến quá trình tái hấp thụ diễn ra nhanh hơn, đồng thời giảm nguy cơ bị tụ dịch.

Ưu và nhược điểm của tạo hình thành bụng không dẫn lưu

Ưu điểm

  • Tránh bất tiện cho bệnh nhân: Ống dẫn lưu là dụng cụ hữu ích và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng nó đem lại những bất tiện nhất định cho bệnh nhân sau tạo hình thành bụng. Áp dụng kỹ thuật không dẫn lưu sẽ giúp bệnh nhân không phải bận tâm tới việc giữ sạch ống dẫn lưu, không phải xử lý dịch rỉ gây bẩn, không phải chịu những cảm giác khó chịu mà ống dẫn mang lại. Điều đó sẽ giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái hơn trong giai đoạn hồi phục sau ca mổ.
  • Hiệu quả: Nghiên cứu cho thấy tác dụng của các biện pháp thay thế không kém hơn so với khi dùng ống dẫn lưu, tức là khả năng bị tụ dịch vẫn có, nhưng hiệu quả ngang bằng mà không phải chịu đựng việc đặt ống dẫn dịch.
  • Sẹo đẹp: Phương pháp khâu giảm căng và keo dán sinh học sẽ giúp phân tán lực khỏi vết mổ, lúc này lực sẽ chia đều cho các mũi khâu ép hoặc các điểm có keo dán. Vết mổ không bị căng nhiều, sẽ hạn chế khả năng hình thành sẹo xấu, sẹo lồi... Kết quả đem lại cho bệnh nhân vết sẹo mảnh, nhỏ và thẩm mỹ.
  • Đẩy nhanh tốc độ hồi phục: Những biện pháp cố định vạt da (khâu giảm căng, keo dán da) sẽ ngăn ngừa lớp da bị xê dịch, trượt khỏi vị trí, giúp da liền lại với cơ nhanh hơn nên thời gian hồi phục không kéo dài.

Nhược điểm

  • Tốn thời gian: Ngoài keo dán không gây tốn thời gian, các biện pháp còn lại khiến thời gian phẫu thuật kéo dài thêm khá nhiều, đặc biệt là khâu giảm căng. Thời gian càng lâu, rủi ro càng cao.
  • Vẫn có khả năng bị tụ dịch: Các biện pháp thay thế không có tác dụng 100%, bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị tụ dịch và cần được điều trị rút dịch hoặc phẫu thuật.

Quy trình thực hiện tạo hình thành bụng không dẫn lưu

Tạo hình thành bụng không dẫn lưu có các bước giống như kỹ thuật thông thường, nhưng công đoạn đặt ống dẫn sẽ được thay thế bằng phương pháp thay thế mà bệnh nhân và bác sĩ đã đồng ý từ trước khi làm phẫu thuật. Một số bước được thực hiện trong quá trình thu gọn bụng là:

  1. Đánh dấu vị trí phẫu thuật.
  2. Một số bác sĩ sử dụng dung dịch epinephirne kèm dung dịch Ringer (Natri clorid + Kali clorid + Canxi clorid) để bơm vào vùng bụng, giúp hạn chế chảy máu, phân tán nhiệt từ dao điện tránh gây tổn thương nhiệt và tăng nguy cơ tụ dịch.
  3. Có thể kết hợp hút mỡ trước khi tiến hành bóc tác da.
  4. Bóc tách vạt da khỏi lớp cơ bên dưới, giải phóng rốn. Nếu áp dụng biện pháp bảo vệ lớp Scarpa thì bác sĩ sẽ thực hiện ở bước này.
  5. Khâu thắt cơ nếu có chỉ định. Lúc này bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê tác dụng kéo dài để giúp bệnh nhân giảm đau trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.
  6. Cắt bỏ da – mỡ thừa. Tạo lỗ rốn mới.
  7. Sử dụng các biện pháp ép vạt da để không còn cần dùng tới ống dẫn lưu nữa.
  8. Khâu vết mổ và dán lại.

Quy trình này có thể thay đổi tùy theo từng ca cụ thể, ví dụ như bác sĩ có thể làm thêm hút mỡ trước khi khâu vết mổ.

Chọn sử dụng ống dẫn lưu hay không sử dụng?

Bài viết đã nhắc đến tác dụng – bất tiện của việc đặt ống dẫn lưu, cũng như chỉ ra một số mặt lợi và mặt bất cập của biện pháp không dùng ống dẫn. Vậy biện pháp nào là tốt nhất?

Câu trả lời là: không có biện pháp nào là tốt nhất, mỗi kỹ thuật đều có ưu điểm riêng của chúng. Nếu không dùng ống dẫn lưu là tốt nhất thì tất cả các bác sĩ đã áp dụng cách này, nếu dùng ống dẫn là tốt nhất thì không ai chọn bỏ nó đi. Việc quyết định dùng phương án nào sẽ tùy thuộc vào sở trường của bác sĩ, có người xử lý tốt với các biện pháp thay thế nhưng có những bác sĩ tin tưởng và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn khi họ sử dụng ống dẫn lưu. Hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ của bạn và nêu rõ mong muốn của mình, nếu bạn muốn thực hiện tạo hình thành bụng không dẫn lưu nhưng bác sĩ cho rằng họ không thể đáp ứng yêu cầu của bạn, thì bạn có thể tìm một bác sĩ khác phù hợp với bạn hơn. Hoặc nếu bạn tin tưởng vào tay nghề và độ uy tín của bác sĩ, thì bạn có thể chọn phương án họ đưa ra.

Đọc toàn bộ bài viết