Loạn sản cổ tử cung có nguy hiểm không

3 năm trước 37

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, loạn sản cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư.

Loạn sản cổ tử cung là gì?

Loạn sản cổ tử cung là tình trạng mà các tế bào khỏe mạnh ở cổ tử cung trải qua một số thay đổi bất thường. Cổ tử cung là phần nằm bên dưới của tử cung, dẫn vào âm đạo. Bộ phận này giãn ra trong quá trình sinh nở để cho phép thai nhi đi qua.

Khi bị chứng loạn sản cổ tử cung, các tế bào bất thường không phải là tế bào ung thư nhưng có thể phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện sớm và điều trị.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ung thư toàn diện Sidney Kimmel tại Đại học Johns Hopkins, mỗi năm chứng loạn sản cổ tử cung xảy ra ở 250.000 đến 1 triệu phụ nữ ở Hoa Kỳ, chủ yếu là những người trong độ tuổi từ 25 đến 35.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc đang giảm dần nhờ vắc-xin phòng HPV. Tỷ lệ nhiễm một các chủng HPV được ước tính đã giảm hơn 60% trong nhóm dân số nữ trẻ.

Nguyên nhân gây loạn sản cổ tử cung

HPV hay virus u nhú ở người (human papillomavirus) là nguyên nhân gây ra chứng loạn sản cổ tử cung. HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục và cho đến nay khoa học đã tìm ra hàng trăm chủng HPV khác nhau. HPV được chia ra làm hai nhóm là HPV nguy cơ thấp – thủ phạm gây ra mụn cóc sinh dục và HPV nguy cơ cao – nhóm virus gây ra những thay đổi tế bào có thể biến thành loạn sản cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.

Theo Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (Journal of the American Medical Association - JAMA), ước tính có 26.8% phụ nữ Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với một hoặc nhiều chủng HPV.

Các yếu tố nguy cơ loạn sản cổ tử cung

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung, một số trong đó chính là những yếu tố cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV:

  • Mắc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS
  • Đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch
  • Quan hệ tình dục với nhiều người
  • Sinh con trước 16 tuổi
  • Quan hệ tình dục trước 18 tuổi
  • Hút thuốc lá

Đeo bao cao su khi quan hệ tình dục sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HPV. Nhưng virus vẫn có thể lây truyền qua sự tiếp xúc da ở quanh bộ phận sinh dục – vùng không được bao cao su che phủ.

Chẩn đoán loạn sản cổ tử cung

Thông thường, loạn sản cổ tử cung không biểu hiện triệu chứng nhưng đôi khi có thể gây hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường. Trong trường hợp không có triệu chứng thì sự thay đổi ở tế bào chỉ có thể được phát hiện khi làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung).

Kết quả xét nghiệm Pap sẽ chỉ ra tổn thương biểu mô vảy (squamous intraepithelial lesion - SIL). Điều này có nghĩa là tổn thương mô tế bào hoặc loạn sản.

Có nhiều loại tổn thương biểu mô vảy khác nhau, gồm có:

  • Tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp (low-grade SIL - LSIL)
  • Tổn thương biểu mô vảy mức độ cao (high-grade SIL - HSIL)
  • Tế bào tuyến không điển hình (atypical glandular cell - AGUS)
  • Ung thư cổ tử cung

Trong nhiều trường hợp, LSIL tự biến mất. Bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm Pap sau khoảng vài tháng để theo dõi sự thay đổi của tế bào. Nếu bác sĩ cảm thấy bất thường hoặc có những thay đổi mức độ cao thì sẽ cần soi cổ tử cung.

Soi cổ tử cung là phương pháp bôi một loại dung dịch đặc biệt (dung dịch axit axetic) lên cổ tử cung và dùng máy soi cổ tử cung để có thể quan sát cận cảnh cổ tử cung. Dung dịch axit axetic làm cho các tế bào bất thường chuyển sang màu trắng và khác biệt với những tế bào khỏe mạnh xung quanh.

Sau đó, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ cổ tử cung rồi gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết. Nếu kết quả sinh thiết cho thấy dấu hiệu loạn sản thì sẽ được xác định là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (cervical intraepithelial neoplasia – CIN).

Có 3 loại tân sinh trong biểu mô cổ tử cung là:

  • CIN 1: loạn sản mức độ nhẹ
  • CIN 2: loạn sản mức độ vừa
  • CIN 3: loạn sản mức độ nặng hoặc ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ)

Ung thư biểu mô tại chỗ là giai đoạn mà tế bào ung thư chưa lan rộng xuống dưới lớp mô trên bề mặt.

Điều trị loạn sản cổ tử cung

Việc điều trị loạn sản cổ tử cung phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Chứng loạn sản mức độ nhẹ có thể không cần phải điều trị ngay vì có thể tự khỏi sau một thời gian. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm Pap 3 đến 6 tháng một lần để theo dõi.

Đối với CIN 2 hoặc 3 thì một số phương pháp điều trị gồm có:

Chứng loạn sản cổ tử cung có thể được phát hiện sớm nếu làm xét nghiệm Pap định kỳ. Có thể chữa khỏi loạn sản cổ tử cung nhưng vấn đề này có thể tái phát. Nếu không được điều trị thì chứng loạn sản cổ tử cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn và trở thành ung thư.

Phòng ngừa loạn sản cổ tử cung

Không có cách nào có thể tránh hoàn toàn nguy cơ nhiễm HPV, ngoại trừ không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không cần thiết phải làm như vậy. Có một số biện pháp để làm giảm nguy cơ nhiễm HPV và mắc chứng loạn sản cổ tử cung như sau:

  • Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục.
  • Tiêm vắc-xin HPV khi ở trong độ tuổi từ 11 đến 26.
  • Không hút thuốc lá.
  • Chỉ quan hệ tình dục khi đã đủ 18 tuổi.
Đọc toàn bộ bài viết