Bánh coóc mò
Nhắc đến đặc sản Bắc Kạn không thể không kể đến bánh coóc mò, tiếng Tày có nghĩa là sừng bò. Cũng bởi món bánh này có vẻ ngoài giống sừng bò nên được người dân địa phương gọi với cái tên lạ tai như vậy.
Nguyên liệu chính để làm bánh coóc mò gồm gạo nếp thơm và lạc đỏ, bên ngoài bọc lá dong hoặc lá chuối giống như nhiều món bánh dân dã khác. Muốn bánh ngon, người bản địa phải tỉ mỉ từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến khi chế biến, gói bánh.
Bánh coóc mò từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn vào Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam lần thứ V (năm 2021 - 2022) (Ảnh: Thùy Dương)
Bánh coóc mò được làm từ loại nếp ngon nhất mà bà con vùng núi cao trồng trên nương nên có hương vị thơm ngon đặc trưng, ăn nhiều không ngán. Món bánh này cũng thường được du khách mua về làm quà biếu bạn bè, người thân khi có dịp du lịch Bắc Kạn.
Bánh pẻng phạ (bánh trời)
Một món bánh khác cũng nổi tiếng không kém ở Bắc Kạn, từng lọt Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam lần thứ V (năm 2021 - 2022) đó là bánh pẻng phạ (theo tiếng Tày) hay còn gọi là bánh trời.
Bánh có hình tròn, được làm từ các nguyên liệu gồm gạo nếp, rượu trắng, chè mạn và đường mía với kích thước nhỏ chừng quả nhãn. Nếu có cơ hội thưởng thức, thực khách không khỏi trầm trồ trước hương vị lạ miệng, khó tả của món bánh này: vị cay nồng của rượu hòa quyện với vị ngọt của đường, vị chát nhưng thơm của nước chè mạn và vị béo bùi của bột nếp.
Không chỉ xuất hiện trong các mâm lễ cúng đón năm mới, lễ mừng xuống đồng của người Tày ở Bắc Kạn, món bánh này còn trở thành thứ đặc sản để bà con địa phương tiếp đón, chiêu đãi khách quý đến nhà.
Bánh gio
Bánh gio (hay còn gọi bánh tro) là loại bánh đặc trưng của bà con dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi một trong những nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh này là gio.
Gio dùng làm bánh thường được đốt từ thân cây sim, tầm gửi hay vỏ chuối…, sau đó đem đi lọc lấy nước tro màu vàng nâu. Phần tro thu được phải mịn, sạch, rồi đem hòa với nước vôi có nồng độ thích hợp. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận để nước tro không bị đậm quá khiến bánh có vị chát, hay nhạt quá sẽ làm bánh bị nhão mất ngon.
Gạo gói bánh cũng phải chọn loại nếp rẫy vừa thơm vừa dẻo. Lá gói bánh phải là lá chít bánh tẻ để bánh có màu vàng sáng và dễ bóc, khi ăn có mùi thơm đặc trưng.
Bánh ngải
Bánh ngải có mặt ở nhiều tỉnh thành Tây Bắc song bánh ngải của người Tày ở Bắc Kạn được nhận xét là có hương vị đặc trưng và phổ biến hơn, được nhiều du khách tìm mua thưởng thức.
Tuy món bánh này được làm từ lá ngải nhưng trải qua quá trình chế biến kỳ công nên rất dễ ăn, hòa quyện giữa vị thơm dẻo của bột nếp, vị mát, hơi tê tê không hề đắng của ngải cứu, vị ngọt của đường và vị bùi béo của vừng.
Trước đây, người Tày thường làm bánh ngải vào những dịp lễ tết quan trọng nhưng ngày nay, món bánh này đã trở nên phổ biến, được thực khách miền xuôi ưa chuộng mua về làm quà cho gia đình, bạn bè, người thân.