Đắp mặt nạ được ví như bữa ăn thịnh soạn để bổ sung dinh dưỡng ngập tràn cho làn da. Tuy nhiên không phải đơn giản chỉ tháo miếng mặt nạ và đắp lên da. Mặc dù không cố gắng phức tạp hóa mọi chuyện, nhưng thực tế giới làm đẹp lại có rất nhiều câu hỏi xoay quanh về việc sử dụng mặt nạ. Đó là…
Tôi dùng ít nhất hai chiếc mặt nạ mỗi ngày – một để dưỡng trắng, một để dưỡng ẩm. Tính ra mỗi năm tôi có thể xài hết cả 600 chiếc mặt nạ – Phạm Băng Băng.
Câu hỏi 1: Khi nào nên đắp mặt nạ?
Bạn có thể sử dụng mặt nạ bất kể lúc nào trong ngày. Hoặc, đắp mặt nạ vào buổi tối sẽ đem lại cảm giác thư giãn cho giấc ngủ ngon đồng thời da có nhiều dưỡng chất hơn để thực hiện chức năng tái tạo về đêm.
Bên cạnh đó, những lúc làn da đa khô và thiếu ẩm là lúc bạn cần đắp mặt nạ nhất. Hoặc khi da kém tươi, mệt mỏi thì cũng có dùng mặt nạ giấy. Những lúc da sau khi điều trị công nghệ cao, xâm lấn hay kích ứng thì cũng có thể dùng mặt nạ có chức năng phục hồi với các thành phần như vitamin B5, rau má… Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia trước khi sử dụng mặt nạ. Những làn da mụn cũng có những loại mặt nạ giúp kháng viêm, giảm tấy đỏ và nhanh khô cồi mụn với các thành phần nổi trội như tràm trà, Salicylic acid…
Câu hỏi 2: Có cần sử dụng những sản phẩm gì trước khi đắp mặt nạ không?
Để có thể phát huy tốt công dụng của sản phẩm, thì bạn nên làm sạch da trước khi đắp mặt nạ. Cơ bản nhất sẽ là tẩy trang và rửa mặt; hoặc dùng thêm tẩy da chết. Khi lỗ chân lông thông thoáng thì các chất dinh dưỡng dễ dàng hấp thụ vào da hơn và không gây tình trạng dư ẩm/ tắc nghẽn khiến da nổi mụn.
Ngoài ra, có một số sản phẩm có thể dùng trước khi đắp mặt nạ để tăng cường khả năng hấp thụ của da. Thường là những sản phẩm tiền tinh chất, booster (tăng cường), nước thần hoặc những sản phẩm có chứa các chất hút ẩm (như Hyaluronic acid).
Câu hỏi 3: Đắp mặt nạ bao lâu là đủ?
Đối với các loại mặt nạ giấy, thời gian đắp đều được ghi trên bao bì sản phẩm. Thông thường, thời gian khuyến cáo sẽ từ 15 đến 20 phút, một số loại sẽ lên đến 30 phút. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách ước tính thời gian mặt nạ trên gia mà không nhất thiết phải đặt đồng hồ đếm ngược. Cụ thể là, hễ khi miếng mặt nạ vẫn còn ướt đẫm và không bị khô đi – đặc biệt ở vùng trán và mũi – thì bạn vẫn có thể để mặt mạ trên da.
Cách quan sát độ khô dần của mặt nạ giấy sẽ linh động hơn so với việc canh giờ. Bởi lẽ, với những làn da khô hoặc bạn đang sống trong môi trường hanh khô thiếu độ ẩm thì mặt nạ sẽ khô nhanh hơn – đôi khi chỉ khoảng 10 phút là miếng mặt nạ đã khô đi đáng kể. Lật ngược vấn đề, nếu sau 20 phút hoặc thậm chí 30 phút mà mặt nạ vẫn còn ướt đẫm thì bạn có thể đắp lâu hơn để có thể tận dụng tối đa công dụng của sản phẩm.
Song, đừng để miếng mặt nạ giấy trên da khô đi hoàn toàn. Bởi lẽ, khi miếng mặt nạ bắt đầu khô đi thì sẽ có hiện tượng hút ngược độ ẩm từ da vào mặt nạ. Điều này không những không mang lại ích lợi gì cho da, mà còn khiến da khô hơn sau khi đắp mặt nạ. Còn đối với mặt nạ rửa trôi như mặt nạ đất sét… thì thời gian thường thấy sẽ dao động từ 5 đến 15 phút. Hoặc, khi bạn thấy mặt nạ đất sét khô cứng trên mặt thì đã đến lúc rửa sạch đi.
Câu hỏi 4: Có cần rửa mặt sau khi đắp mặt nạ?
Đối với các mặt nạ rửa trôi như mặt nạ đất sét thì bạn cần phải rửa sạch với nước sau khi đắp. Tuy nhiên, với mặt nạ giấy thì việc rửa mặt sau khi đắp còn tùy vào độ ẩm của da sau khi sử dụng mặt nạ. Nếu sau khi đắp và để da khô trong khoảng 10 phút mà vẫn cảm thấy dính dớp, nặng mặt thì bạn có thể dùng xịt khoáng để làm loãng kết cấu tinh chất của mặt nạ vẫn còn lưu trên da. Rửa mặt đi đôi khi gây lãng phí những thành phần dinh dưỡng mà mặt nạ đã cung cấp cho da.
Nếu như sau 10 phút kể từ lúc tháo mặt nạ giấy, bạn thấy da thoải mái không có dấu hiệu dày bí nào thì không cần phải rửa mặt hay xịt khoáng cho da.
Câu hỏi 5: Sau khi đắp mặt nạ có cần dưỡng da không?
Nếu là mặt nạ rửa trôi thì bạn cần phải dưỡng da như bình thường. Còn với mặt nạ giấy thì tùy thuộc vào bạn. Đối với mặt nạ giấy có độ dưỡng ẩm cao hoặc đó là những ngày lười biếng, thì bạn không cần phải dưỡng ẩm gì thêm cho da. Tuy nhiên, bạn là người cầu toàn trong việc dưỡng da hoặc cảm thấy mặt nạ giấy vẫn chưa cung cấp đủ dưỡng chất cho da, thì bạn vẫn có thể bôi tinh chất, kem dưỡng ẩm ngay sau khi đắp mặt nạ.
Câu hỏi 6: Có nên đắp mặt nạ mỗi ngày không?
Nếu là những loại mặt nạ rửa trôi có tính năng làm sạch da thì bạn chỉ nên sử dụng 2-3 lần/tuần. Trong khi đó, một số loại mặt nạ rửa trôi mang tính cấp ẩm, phục hồi thì bạn có thể sử dụng mỗi ngày. Đối với mặt nạ giấy, nếu có đủ điều kiện và thời gian thì bạn có thể đắp mặt nạ mỗi ngày, thậm chí là vài miếng mặt nạ mỗi ngày vẫn được. Nữ diễn viên Phạm Băng Băng cũng đắp mặt nạ bất kể lúc nào cô có thể mà không quan tâm số lượng sản phẩm tiêu thụ mỗi ngày, mỗi tuần là bao nhiêu.
Ngoài những miếng mặt nạ giấy được đóng gói sẵn, bạn có thể đắp mặt nạ mỗi ngày với phương pháp lotion mask như Chizu Saeki có hướng dẫn, hoặc toner pad. Lotion mask là việc dùng các viên mặt nạ nén, bỏ vào dung dịch dưỡng ẩm và đắp trên da khoảng 3 đến 5 phút. Còn toner pad là những miếng bông cotton thấm đẫm dung dịch dưỡng da và đắp lên những vùng da cần được dưỡng ẩm.
Câu 7: Những cách nào giúp tối ưu việc đắp mặt nạ giấy?
Để nâng tầm trải nghiệm, bạn có thể cho mặt nạ giấy vào ngăn mát tủ lạnh để làm dịu cái oi bức của thời tiết; hoặc trước khi cắt gói mặt nạ thì hãy ngâm vào nước ấm giúp bạn tránh được cảm giác rét buốt vào những ngày lạnh giá.
Ngoài ra trong quyển “Thánh kinh dưỡng da” của Chizu Saeki, tác giả có chia sẻ việc dùng màng bọc thực phẩm quấn bên ngoài mặt nạ giấy để tối ưu hóa việc đắp mặt nạ. Bởi lẽ, màng bọc thực phẩm giúp ngăn mặt nạ bốc hơi dưỡng chất và tạo điều kiện ấm nóng để lỗ chân lông giãn nở nhằm hỗ trợ các thành phần dưỡng da thẩm thấu tốt hơn. Bên cạnh đó, một số tín đồ mê làm đẹp sẽ dùng thêm các loại máy để đẩy tinh chất sâu hơn vào da.
Một số loại mặt nạ giấy bạn có thể tham khảo:
Đắp mặt nạ được xem là liệu pháp thư giãn trong việc dưỡng da. Với những lời đáp cho các câu hỏi thường thấy trong việc đắp mặt nạ, ELLE mong rằng bạn sẽ nhận được lợi ích tốt nhất từ mặt nạ mang lại.