Luật Đất đai (sửa đổi): Nguồn lực để phát triển bền vững

10 tháng trước 49

(PLO)- Với nhiều điểm mới, đột phá, Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp bất thường lần 5 sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững đất nước.

Khái quát lại kết quả của kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - một luật rất khó và phức tạp - là đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

“Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1-1-2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất...” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Dự luật này khi lấy ý kiến nhân dân thì có tới hơn 12 triệu ý kiến đóng góp. Mà nói như ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật này thì các ý kiến của nhân dân, đòi hỏi của Quốc hội, cử tri… là rất cao. Thách thức thẩm tra vì vậy là rất lớn vì nhiều khi chỉ “nghiên cứu để tiếp thu một ý kiến đại biểu Quốc hội cũng phải đọc, thảo luận có khi mất cả nửa buổi”.

Tất nhiên, cũng giống như khi thông qua Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng được đón nhận nhiệt liệt và kỳ vọng rất cao. Bởi Luật Đất đai nào thì cũng có những đột phá phù hợp với bối cảnh thời điểm ấy.

Luật Đất đai 2013 có năm đột phá quan trọng là: Cấp sổ hồng cho đất diện tích dưới 30 m2; mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp; bảng giá đất sẽ điều chỉnh theo giá thị trường; gia hạn nộp tiền sử dụng đất trong 24 tháng; đảm bảo quyền lợi khi thu hồi đất… Tuy vậy, những đột phá ấy còn bị ràng buộc bởi các quan hệ kinh tế - xã hội rất khác nhau, đặc biệt là lợi ích của ba bên là: Nhà nước, người sử dụng đất và chủ thể muốn tiếp cận đất - doanh nghiệp.

luat-dat-dai-bam-nut.jpg Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: QH

Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng có năm điểm mới, mà theo cơ quan thẩm tra, là để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; thu hồi đất quy định chặt hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo hướng đa mục đích; tài chính đất đai tách bạch rõ ràng, ổn định; quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính.

Bất kể một luật nào được ban hành đều phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng luật đất đai mỗi lần sửa đổi đều được quan tâm nhiều hơn vì đất đai vốn là tư liệu sản xuất cơ bản, quan trọng nhất của xã hội.

Tất nhiên, để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống thì còn nhiều việc phải gấp rút làm. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết. Hy vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ sớm trở thành nguồn lực để đất nước phát triển bền vững.

CHÂN LUẬN

Đọc toàn bộ bài viết