Liên quan đến vụ việc ngày 17/11, Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Thế Đông (Đại úy, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) để điều tra tội “Dùng nhục hình” theo quy định tại khoản 2, Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Trọng Tấn, Nguyễn Vũ Hiệp là Công an viên thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang; thi hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình điều tra đối với 2 bị can này.
Theo thông tin, Đại úy Đặng Thế Đông, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy cùng Hoàng Trọng Tấn, Nguyễn Vũ Hiệp đã có hành vi dùng nhục hình, tra tấn đối tượng tình nghi. Theo đó, trong quá trình làm việc với ông Vũ Đình H. (trú tại Thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang), Đông cùng 2 thuộc cấp đã có hành vi tát, bẻ tay ra sau lưng, dùng điếu thuốc đang cháy dí vào móng tay của ông H. gây cháy, bỏng móng tay.
Kết quả giám định tổn thương cơ thể sau đó cho thấy, ông H. bị thương tích 12%.
Trưởng Công an thị trấn dùng nhục hình sẽ đối diện với mức hình phạt nào?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Vũ Văn Biên, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư An Phước đánh giá: “Việc nhục hình của các cán bộ điều tra trong vụ việc này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã được quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015), Luật chuyên ngành có liên quan”.
Tội “Dùng nhục hình” quy định tại Điều 373 của Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015), được hiểu là hành vi của những người tiến hành tố tụng bao gồm những người như: Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra, Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân, Thẩm phán thuộc Tòa án nhân dân, Trưởng trại giam giữ, trại cải tạo và cũng có thể là Công an xã, phường trong khi hoạt động tư pháp, hải quan, kiểm lâm, thuế vụ (bắt giữ người khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền)…; có những hành vi như: tra tấn, đánh đập người bị điều tra, xét hỏi người bị giam giữ, tạm giam hoặc dùng những thủ đoạn tàn ác khác gây đau đớn về thể xác, gây tổn hại về sức khoẻ như bắt nhịn đói, nhịn khát, ăn cơm nhạt, không cho ngủ… hay bất kể một hành vi khác với những hành vi đã nêu trên, nhưng gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạn, không được pháp luật cho phép.
Trường hợp Đại úy Đặng Thế Đông, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy cùng với Hoàng Trọng Tấn, Nguyễn Vũ Hiệp (là Công an viên thị trấn Vĩnh Tuy) xác định rõ là đã có hành vi nhục hình người bị tình nghi tên H. Theo Thông báo kết luận giám định số 662a/VKSNDTC – C1 (P8) ngày 22/06/2020 ghi rõ: “Tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông H. tại thời điểm giám định là 12% (mười hai phần trăm). Cơ chế hình thành thương tích: Tổn thương các móng tay do tác động của nhiệt nóng. Sẹo dương vật do tác động của vật tày gây ra”.
Những hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng như vậy là những hành vi nhục hình, tra tấn, đánh đập một cách trái pháp luật, đã bị pháp luật cấm và không cho phép được thực hiện khi lấy lời khai của người bị tình nghi. Những người vi phạm Điều 373 của BLHS 2015 liên quan đến tội nhục hình sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tù như sau:
- Khoản 1: phạt tù từ 06 tháng – 03 năm;
- Khoản 2: phạt tù từ 02 năm – 07 năm;
- Khoản 3: phạt tù từ 07 năm – 12 năm;
- Khoản 4: phạt tù từ 12 năm – 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, khoản 5 của Điều 373 còn áp dụng thêm hình thức xử phạt: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm – 05 năm.
Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh phân tích thêm: Theo quy định của Bộ luật Hình sự, dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và một số lĩnh vực khác. Theo đó, người này đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo,…
Luật sư Thanh đánh giá, trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục, hạn chế tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động tố tụng, hoạt động tư pháp. Chẳng hạn như Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành năm 2015 và có hiệu lực vào đầu năm 2017 có rất nhiều quy định tiến bộ để ngăn ngừa những hành vi tiêu cực do người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra thực hiện nhằm vào người bị buộc tội, ví dụ như lắp camera giám sát hoạt động hỏi cung, lấy lời khai… Nhưng do vấn đề về kinh phí, về cơ sở vật chất nên đến nay chưa có nhiều nơi áp dụng mô hình này.
Hiện nay, theo luật thì quy trình, thủ tục tố tụng khá chặt chẽ, nếu làm theo khó mà gây tổn hại tới người tình nghi, người bị buộc tội. Tuy nhiên, nhiều lúc cán bộ chiến sỹ không tuân thủ nhưng cũng không bị xử lý nên mới có chuyện bức cung, nhục hình.
“Do vậy, để việc ngăn ngừa tình trạng này hiệu quả hơn, tôi thấy cần thiết phải ban hành chế tài đối với người cố tình vi phạm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử – điều mà hiện nay vẫn còn thiếu”, Luật sư Thanh kiến nghị.