Mạng ảo nhưng 'sát thương' là thật!

1 năm trước 47

(PLO)- Nhiều trường hợp người bị tấn công trên mạng xã hội phải ngậm đắng nuốt cay, cắn răng chịu đựng và chọn cách im lặng để tự bảo vệ mình…

Không phải bao giờ những hành vi “ném đá”, thóa mạ người khác trên mạng xã hội cũng ngay lập tức bị pháp luật trừng trị. Có trường hợp người bị tấn công phải ngậm đắng nuốt cay, cắn răng chịu đựng và chờ cho thời gian qua mau để mọi thứ chìm trong quên lãng…

Một trong những người phải ngậm đắng nuốt cay ấy có lẽ là Hoa hậu Ý Nhi khi cô và gia đình chọn cách im lặng, “rút êm” để tự bảo vệ mình. Tính cho đến khi một nữ đại biểu Quốc hội lên tiếng, chưa có cá nhân nào bị xử lý, trong khi những hành vi “ném đá” tập thể trong vụ này quá ư kinh sợ, hãi hùng.

nem-da-tren-mang.jpg

Nhiều người hẳn chưa quên vụ án Nguyễn Phương Hằng. Trong vụ đấy, những nạn nhân của bà Hằng (mà cơ quan tố tụng xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã phải sống trong trạng thái u uẩn, uất ức thế nào suốt thời gian dài bị bà này réo tên chửi bới, vu vạ đủ điều. Phải là người có “thần kinh thép” mới vượt qua được những giai đoạn khủng hoảng ghê sợ ấy để chờ ngày pháp luật ra tay. Và rồi, cái ngày ấy cũng đã tới; trắng - đen cũng đã rõ ràng; mọi chuyện giờ xem như đã tạm khép lại…

Nhưng sự đời không phải chuyện nào cũng có cái kết công bằng. Và mặc dù pháp luật có đầy đủ quy định, chế tài để xử lý những người có hành vi “ném đá”, song không phải lúc nào nạn nhân cũng chọn cách gửi đơn tố cáo, nhờ cơ quan pháp luật bảo vệ mình. Có không ít nạn nhân đã phải lặng lẽ, âm thầm chịu đựng, bởi có khi như thế vết thương dễ liền da hơn việc đối diện với ồn ào, thị phi khi họ gửi đơn tố cáo. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân nghĩ rằng có khi chưa “được vạ” mà “má đã sưng”, thôi đành chọn cách lặng im để chờ “trend sau xô trend trước”.

nem-da-tren-mang-.jpg Hoa Hậu ý Nhi từng bị "ném đá" trên MXH thời gian qua

Mà trong thế giới phẳng này thì luôn có lắm trend xảy ra. Cứ mỗi lần có trend mới, người ta lao vào cắn xé, xổ xả bằng hàng trăm lời giáo gươm, cay độc. Yếu tố ẩn danh trong đám đông trên mạng xã hội khiến con người ta dễ trở nên ác độc hơn nhưng họ lại không hề ý thức được điều này. Bởi họ nghĩ họ đang nhân danh công lý, công bằng, đạo đức và lẽ phải, họ đang phán xử.

Và họ hồn nhiên ném đá, hồn nhiên buông lời cay nghiệt, hồn nhiên thực hiện hành vi độc ác. Chỉ có điều, với pháp luật thì không có chuyện “không biết nên không có tội”. Nếu nạn nhân lên tiếng tố cáo, những người “ném đá” sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định hiện hành.

Về công cụ pháp luật, Luật An ninh mạng quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng (Điều 8) và xử lý vi phạm pháp luật (Điều 9, theo hướng dẫn chiếu - tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý thế này hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế kia…).

Bộ luật Dân sự cũng quy định rất rõ quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Ở góc độ khác, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022) với mức phạt 5-10 triệu đồng. Nhưng có lẽ chế tài nặng nhất đối với người vi phạm đó là việc anh ta bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự) hay tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, người “ném đá”, bôi xấu người khác có thể bị xử lý về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331.

Mạng xã hội càng ngày càng không còn ảo nữa. Từ câu chuyện gõ phím nói “chủ tịch kênh kiệu” rồi bị phạt 5 triệu đồng đến nay đã là một bước dài trong thay đổi nhận thức về hành xử trên không gian mạng xã hội. Giờ đây chuyện bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự vì hành xử bậy trên không gian mạng đã không còn là chuyện lạ hay hiếm nữa. Vì vậy, mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi tham gia mạng xã hội, biết kiềm chế để không “ném đá” hại người và rước lấy rắc rối pháp lý cho chính bản thân mình.

THIỆN TÂM

Đọc toàn bộ bài viết