Màng phổi là một phần quan trọng trong đường hô hấp, có vai trò như phần đệm của phổi, giúp giảm ma sát giữa phổi và khoang ngực xương sườn.
Màng phổi là gì?
Màng phổi là một màng thanh mạc, gồm hai lớp. Lớp màng phổi tạng, bao phủ phổi, dây thần kinh, mạch máu, phế quản và lớp màng phổi thành ngực. Không có sự kết nối giải phẫu giữa khoang màng phổi trái và phải. Dịch trong khoang màng phổi, thông thường ở mức 10 – 20ml giúp phổi di chuyển dễ dàng và phồng lên khi hít vào. (1)
Cấu tạo màng phổi
Cấu tạo màng phổi bao gồm một màng thanh mạc – lớp tế bào vảy đơn giản (trung biểu mô) được hỗ trợ bởi mô liên kết. Mỗi màng phổi lại được phân chia thành hai phần:
- Màng phổi tạng: bao phủ toàn bộ bề mặt phổi
- Màng phổi thành: bao phủ bề mặt các thành của lồng ngực.
Tại rốn phổi, màng phổi tạng quặt ngược ra để liên tiếp với màng phổi thành. Khoang màng phổi nằm ở giữa hai lớp màng, chứa dịch lỏng.
Màng phổi thành bao phủ bề mặt bên trong khoang ngực, dày hơn màng phổi nội tạng và được chia nhỏ theo phần cơ thể mà nó tiếp xúc:
- Màng phổi trung thất: bao phủ mặt bên của trung thất (phần trung tâm của khoang ngực, chứa một vài cơ quan).
- Màng phổi cổ: đường kéo dài của khoang màng phổi vào cổ.
- Màng phổi sườn: bao phủ mặt trong của xương sườn, cơ liên sườn và sườn.
- Màng phổi cơ hoành: bao phủ bề mặt ngực (trên) của cơ hoành.
Màng phổi tạng bao phủ bề mặt bên ngoài của phổi, kéo dài đến các rãnh liên thùy. Màng phổi tạng liên tiếp với màng phổi thành tại rốn phổi (nơi vào ra của các thành phần cấu tạo phổi).
Khoang màng phổi chứa dịch huyết thanh với hai chức năng cụ thể. Dịch huyết thanh bôi trơn các bề mặt của cơ quan này, cho phép chúng trượt lên nhau. Chức năng thứ hai là tạo ra sức căng bề mặt, giúp kéo màng phổi tạng và màng phổi thành lại với nhau. Điều này đảm bảo khi lồng ngực nở thì phổi cũng nở ra và chứa đầy không khí. (2)
Phía trước và phía sau của khoang màng phổi không được phổi lấp đầy hoàn toàn mà tạo thành các hốc. Trong mỗi khoang màng phổi có hai hốc:
- Hốc cơ hoành: nằm giữa màng phổi cơ hoành và màng phổi sườn.
- Hốc sườn trung thất: nằm giữa màng phổi trung thất và màng phổi sườn, phía sau sau xương ức.
Các hốc này có vai trò quan trọng về mặt lâm sàng vì là nơi chứa chất lỏng (nếu chất lỏng tích tụ quá nhiều sẽ gây tràn dịch màng phổi).
Vị trí màng phổi
Trong giải phẫu học cơ thể người, màng phổi bao quanh phổi, gồm: màng phổi thành che phủ mặt bên trong lồng ngực, trung thất, mặt trên cơ hoành và màng phổi tạng dính vào nhu mô phổi, lách vào khe gian thùy phổi. Màng phổi thành được phân bố các dây thần kinh cơ hoành và dây thần kinh liên sườn. (3)
Chức năng màng phổi
Cấu tạo màng phổi rất cần thiết cho quá trình hô hấp, cung cấp chất bôi trơn cùng lớp đệm cần thiết để phổi hít vào, thở ra. Khoang bên trong cơ quan này chứa khoảng 10 – 20ml dịch, giúp làm giảm ma sát khi phổi giãn ra/co lại.
Dịch màng phổi có kết cấu dính nhẹ, giúp kéo phổi ra ngoài khi hít vào thay vì trượt vòng trong khoang ngực. Dịch màng phổi còn tạo ra sức căng bề mặt giúp duy trì vị trí phổi dựa vào thành ngực.
Màng phổi còn có vai trò phân chia các cơ quan khác trong cơ thể, ngăn chúng can thiệp vào chức năng của phổi và ngược lại. Màng phổi khép kín nên có thể ngăn chặn sự lây lan của tình trạng nhiễm trùng đến và đi từ phổi. (4)
Các bệnh màng phổi thường gặp
Một số yếu tố như quá nhiều dịch, tổn thương chức năng này… có thể gây suy yếu chức năng hô hấp của phổi và những bệnh lý nguy hiểm.
1. Viêm màng phổi
Viêm màng phổi là tình trạng màng bao quanh phổi đang bị viêm. Nguyên nhân phổ biến là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc bệnh tự miễn (ví dụ: Lupus, viêm khớp dạng thấp).
Bệnh viêm màng phổi xảy ra khiến bề mặt màng bị dính và thô ráp. Thay vì trượt lên thì lại dính vào nhau gây ra những cơn đau nhói khi thở, ho hoặc hắt hơi. Cơn đau có thể nghiêm trọng hơn khi hít sâu, hít không khí lạnh; khi thay đổi tư thế hoặc di chuyển. Những triệu chứng khác của bệnh viêm màng phổi bao gồm ớn lạnh, sốt, chán ăn.
2. Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi xảy ra khi khoang màng phổi tích tụ quá nhiều chất lỏng, vượt quá mức bình thường. Lúc này, khả năng hô hấp của người bệnh có thể suy giảm từ nhẹ đến nặng. Suy tim sung huyết (tim hoạt động kém hiệu quả, suy giảm chức năng bơm máu) là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi. Những nguyên nhân khác, bao gồm chấn thương phổi, ung thư phổi (ở khoảng một nửa số trường hợp gặp chứng tràn dịch màng phổi).
Tràn dịch màng phổi có thể ở mức độ nhẹ (chỉ có thể phát hiện thông qua kỹ thuật chụp CT hoặc chụp X-quang ngực) hoặc nặng và chứa nhiều lít chất lỏng. Những triệu chứng thường gặp gồm có ho khan, đau ngực, khó thở sâu, khó thở, nấc dai dẳng.
3. Tràn dịch màng phổi ác tính
Tràn dịch màng phổi ác tính là tình trạng dịch chứa tế bào ung thư. Bệnh thường liên quan đến bệnh ung thư phổi hoặc ung thư vú đã di căn đến phổi.
4. Ung thư trung biểu mô màng phổi
Ung thư trung biểu mô màng phổi là một dạng ung thư màng phổi. Nguyên nhân thường gặp là do phơi nhiễm với amiăng. Các triệu chứng bao gồm khó thở, đau ở vai, ngực hoặc lưng dưới, khó nuốt, sưng cánh tay và mặt.
5. Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi (xẹp phổi) có thể phát triển khi không khí tích tụ bên trong khoang màng phổi. Tràn khí màng phổi có thể đến từ các yếu tố như mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), phẫu thuật ngực, chấn thương. Ngoài triệu chứng khó thở, có thể xuất hiện tiếng Crepitus (âm thanh tanh tách bất thường phát ra ở dưới da cổ và ngực), gọi là tràn khí dưới da.
Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng phổi bị xẹp mà không có nguyên nhân rõ ràng. Nam thanh niên gầy, cao có nguy cơ bị tràn khí màng phổi tự phát cao hơn. Nữ giới cũng có thể mắc bệnh này. Những yếu tố rủi ro bao gồm: rối loạn mô liên kết, hút thuốc, lặn biển, bay… Tình trạng tràn khí màng phổi có thể tự hồi phục nhưng đôi khi cần tiến hành chọc dò cơ quan này để hút không khí tích tụ ra khỏi khoang màng phổi.
6. Tràn máu màng phổi
Tràn máu màng phổi là tình trạng khoang màng phổi có chứa đầy máu, thường xảy ra do chấn thương hoặc phẫu thuật ở ngực. Hiếm khi tình trạng tràn máu màng phổi có thể xuất hiện một cách tự nhiên do bị vỡ mạch máu. Triệu chứng chính của bệnh là cảm thấy nặng nề hoặc đau ở ngực. Các triệu chứng khác bao gồm khó thở, nhịp tim nhanh, sốt, da nhợt nhạt, đổ mồ hôi lạnh. Khi gặp những dấu hiệu này, người bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Các câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến các bệnh lý ở cơ quan này:
1. Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm đến tính mạng không?
Tràn dịch màng phổi là vấn đề nghiêm trọng nhưng có thể điều trị hiệu quả. Tình trạng này có thể được gây ra bởi một số bệnh lý, bao gồm ung thư. Nếu không được chữa trị, chất lỏng có thể tiếp tục tích tụ và tác động nghiêm trọng, gây suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
2. Dày màng phổi có nghiêm trọng không?
Dày màng phổi có nghiêm trọng không còn phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Vì nhiều vấn đề có thể làm dày màng phổi nên điều quan trọng là phải được bác sĩ thăm khám, đánh giá và chữa trị bằng phương pháp phù hợp.
3. Khám bệnh màng phổi ở đâu tốt?
Người mắc bệnh ở màng phổi nên sớm đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ thăm khám các bệnh lý màng phổi nói riêng và hệ hô hấp nói chung được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn.
Với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm, chu đáo, tận tình, trang thiết bị, máy móc hiện đại (như máy đo chức năng hô hấp HI 801, máy đo đa ký hô hấp Alice NightOne, ống nội soi màng phổi ống mềm kèm phụ kiện LTF-160, ứng dụng các hệ thống chụp Xquang, CT, MRI hiện đại bậc nhất…), Khoa Nội tổng hợp đã giúp nhiều người bệnh khám và chữa trị thành công các bệnh lý tại hệ hô hấp nói chung và màng phổi nói riêng, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có thể đặt lịch hẹn để tiết kiệm thời gian khi đến thăm khám, chữa bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Màng phổi giúp hoạt động hô hấp diễn ra dễ dàng và hiệu quả. Một số tình trạng bệnh lý như tràn dịch màng phổi, viêm màng phổi… có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó, ngay khi có dấu hiệu, triệu chứng đáng ngờ, người bệnh cần đi thăm khám sớm.