Đây là thắc mắc điển hình của các chị từng sinh con hoặc thừa cân đến thời “tam tuần”, đã dùng hết cách... đánh đuổi mà mỡ bụng vẫn kiên trì bám trụ. Rất nhiều chị đã áp dụng các phương pháp... vùi dập mỡ từ matxa, quấn nóng, thoa các loại thuốc tan mỡ, uống thuốc tiêu mỡ, tập thể dục thẩm mỹ... tốn khối tiền mà mỡ vẫn trơ trơ thách thức.
Tại sao mỡ cứ kéo đến vùng bụng?
- Lý do đầu tiên mà cả đàn ông, đàn bà đều biết: bụng là nơi lỏng lẻo nhất, nhiều vùng trống theo kiểu “quy hoạch treo”. Phụ nữ mang thai, cơ, da bị đẩy ra phía trước để chứa tử cung đang lớn dần theo tốc độ lớn của em bé. Sau khi bé ra đời, tử cung co lại, nhưng khoảng trống nơi bụng co lại không đáng kể nếu bạn không tập luyện.
- Lý do thứ hai, khi mang bầu hormon thai nghén đã tăng dự trữ mỡ chuẩn bị cho hai “nhà máy” vùng ngực sản xuất sữa. Một số chị ngại cho con bú ngực sẽ xấu, lại thêm các hãng sữa tích cực rót mật vào tai, thế là bà mẹ cắt khẩu phần của bé nhưng vẫn giữ chế độ bồi dưỡng để rồi vòng eo bị xóa sổ.
- Lý do thứ ba chả dính líu gì đến em bé. Với các bạn chưa lập gia đình, ra khỏi nhà là leo lên xe máy, đến cơ quan thì đóng đô trước computer, trưa rủ nhau ăn cơm hộp, tối về ăn một bữa no nê rồi leo lên giường “thăng” một giấc. Nhịp độ làm việc, ăn ngủ như thế làm năng lượng “đầu vào” lớn hơn “đầu ra” thì cơ thể buộc phải dự trữ dưới dạng mỡ phòng khi đói lòng và cơ thể chọn vùng bụng làm “nhà kho”!
Tập mà vòng eo không giảm?
Đây là câu hỏi của hầu hết các chị bụng to. Có chị “chỉ ăn có một chén cơm, tập đổ cả dòng họ mồ hôi” mà sao “vành đai mỡ” cứ trơ trơ trêu cợt. Chị tự kết luận “mỡ của tui bị chai”.
Có chị khênh đủ các thế hệ máy đánh tan mỡ bụng về nhà, tra tấn khối mỡ từ máy này sang máy kia. Khổ nỗi tập một mình thì nghị lực cao cỡ nào cũng bị hóa lùn sau... hai tuần, mặc đồ thấy “cục” mỡ có mềm nhưng vẫn đeo mình như cũ.
Hỏi bạn bè “hội bụng to” toàn gặp những cái lắc đầu: “Tớ cũng thế, chắc mỡ chúng mình bị chai!”.
Có thật là mỡ bị chai?
Mỡ dưới da xếp lại thành mô mỡ. Chúng được gọi đúng tên họ là triglycerid bao gồm glycerol và acid béo tạo thành. Khi bạn tập luyện, năng lượng do glycogen cung cấp mau chóng hết thì cơ thể sẽ phân hủy các phần tử triglycerid để có năng lượng.
Nếu bạn tập mà cân nặng, vòng eo không nhúc nhích thì bạn cần xem lại chế độ ăn và cách ăn. Nhiều bạn bỏ công sức tập cả năm nhưng không giảm nổi 100 gram chỉ vì bữa tối ăn quá nhiều.
Phụ nữ hay vun vén, tiếc của nên chồng con ăn không hết lại ráng ăn. Thế là năng lượng vừa mất đi trong buổi tập đã được bù lại gần như đủ. Đó là chưa kể thói quen ăn vặt, lúc cái bánh, khi cục kẹo, trà sữa hoặc nước ngọt, cà phê với nhiều sữa đặc có đường... Tôi thường nói với bệnh nhân: “Tất cả những gì bỏ vô miệng đều phải tính” như thế mới hiểu vì sao mình tăng cân.
Vậy tại sao có người ăn nhiều mà dáng người vẫn đâu ra đó?
Chuyện này chúng ta cũng thường gặp. Đó là do bộ tiêu hóa của họ “tiêu” không tốt và hấp thu chúng vào cơ thể cũng kém luôn. Có người than: “Ăn rõ nhiều mà chúng chạy đi đâu hết”. Người béo nhìn họ thì thèm khát vóc dáng, họ thì ngược lại muốn có tí mỡ để trông có da có thịt. Tạo hóa quả là thiếu công bằng.
Vậy thì nên như thế nào?
Khi bạn tập luyện mà vòng eo không giảm thì nên giảm ăn, đặc biệt là bữa tối. Bữa ăn nên đa sắc màu với nhiều loại rau bởi rau thuộc hành “mộc” trong khi béo, ngọt thuộc hành “thổ”.
Theo đông y, mộc khắc thổ nên sẽ loại trừ mỡ tốt hơn cả... Rau sẽ tạo cảm giác “nê tỳ”, tức là dạ dày căng làm bạn không đói. Cũng theo đông y, buổi sáng dương thịnh nên ăn nhiều, bữa tối dương suy nên ăn ít. Lý luận của y học cổ truyền từ xưa vẫn đúng với quan niệm y học hiện đại.
Cũng cần nhắc các bạn: mùa Vu lan nếu ăn những món chay nhiều dầu, nước cốt dừa và nhiều chất ngọt cũng dễ tăng cân không thua gì ăn mặn. Phụ nữ nên coi việc giữ gìn vóc dáng như một cuộc cách mạng mang tính “sống còn” của phái mình mới mong giữ được cái đẹp lâu dài.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn