Silicone được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật nâng mũi vì nhiều ưu điểm khác nhau, tuy nhiên tình trạng vôi hóa trên bề mặt vật liệu độn bằng silicone có thể xảy ra khi nó được đặt quá lâu ở mũi và càng đặt lâu thì nguy cơ vôi hóa sẽ càng cao.
Trước khi phát hiện một khối vôi hóa cứng ở trên sống mũi, bệnh nhân thường sẽ thấy ngứa và khó chịu vùng này. Và khi tình trạng vôi hóa xảy ra, sự mềm mại ban đầu ở miếng độn silicone sẽ dần biến mất thay vào đó miếng độn sẽ trở nên cứng lại ở dưới da và mô mềm làm tăng khả năng gây biến chứng. Mũi bệnh nhân lúc này trông có thể sẽ bị lệch vì biến dạng co thắt và bệnh nhân có thể dễ dàng cảm nhận được miếng độn silicone qua da.
Một miếng độn bị vôi hóa sẽ hình thành bề mặt cứng hơn, ghồ ghề hơn, tăng kích thích cho bề mặt da và hằn lộ bề mặt ghồ ghề không trơn mịn này qua da. Tình trạng vôi hóa có thể nặng hơn theo thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mũi bệnh nhân, buộc phải phẫu thuật chỉnh sửa lại.
Vôi hóa thường xảy ra ở mặt trên của miếng độn silicone đặt ở sống lưng nhưng cũng có thể xảy ra ở mặt trong của bao xơ (như hình dưới).
Hiện tượng vôi hóa được chứng minh có liên quan đến những kích thích cơ học và tổn thương mô xung quanh, tức là sau khi đặt miếng độn silicone vào mũi, mũi càng bị tác động nhiều từ bên ngoài, mô xung quanh càng bị tổn thương thì nguy cơ miếng độn bị vôi hóa sẽ càng nhiều. Các nghiên cứu cũng tin rằng, quá trình vôi hóa xảy ra dần theo thời gian, ngay cả ở những trường hợp không xảy ra biến chứng gì.
Nguyên nhân silicone bị vôi hóa sau khi nâng mũi
Cơ chế vôi hóa ở miếng độn silicone hiện vẫn đang là vấn đề được tranh luận nhiều tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn dến tình trạng này là do đặc tính vốn có của silicone, rằng bề mặt miếng độn giàu silicone thì sẽ có nhiều khả năng bị vôi hóa hơn so với bề mặt miếng độn không có silicone.
Bên cạnh đó, tác động cơ học kéo dài từ bên ngoài cộng với các phản ứng viên nhiễm cũng có thể là nguyên nhân gây ra vôi hóa, vì những vấn đề này gây ra tình trạng lắng đọng canxi photphat.
Các nghiên cứu cũng tin rằng, tình trạng vôi hóa xảy ra theo thời gian, vì miếng độn càng được đặt lâu trong mũi thì các phản ứng viêm và phản ứng với vật liệu bên ngoài của bao xơ mềm bao quanh miếng độn càng tăng lên. Và chính tình trạng này có thể khiến miếng độn silicone bị biến dạng do co thắt bao xơ. Lúc đó hiện tượng vôi hóa có thể xảy ra khi miếng độn bị tiếp xúc với máu trong suốt một thời gian dài.
Cách khắc phục khi mũi xơ cứng, vôi hóa
Mũi bị vôi hóa, xuất hiện khối u cứng lộ rõ sẽ bắt buộc phải phẫu thuật chỉnh sửa lại. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ rạch lại và loại bỏ hoàn toàn toàn miếng độn silicone cũ và bao xơ xung quanh. Và do mũi bị xơ cứng và thiếu mô da trầm trọng nên các bác sĩ thường chọn đặt một miếng ghép mỡ - da để thay thế cho miếng độn.
Tuy nhiên với những trường hợp nhẹ nếu lượng mô da vẫn phù hợp bác sĩ có thể lựa chọn thay thế miếng độn silicone cũ bằng miếng ghép từ sụn sườn để nâng lại sống mũi, đồng thời kết hợp đặt thêm mô sinh học megaderm để tạo lớp đệm giữa sụn nâng mũi và da mũi, tránh nguy cơ mỏng da lộ sống về sau.
Tóm lại, silicone được biết đến là an toàn, dễ xử lý và thường được sử dụng trong nâng mũi Châu Á. So với túi độn silicone sử dụng trong nâng ngực, biến chứng vôi hóa ở miếng độn silicone trong nâng mũi rất hạn chế, và thường xảy ra sau khi đã nâng mũi được nhiều năm. Các trường hợp phát hiện vôi hóa thường đã nâng mũi được 10, 20 năm, thậm chí là 50 năm, một số trường hợp phát hiện sớm thì khoảng hơn 5 năm. Mặc dù không phải là biến chứng phổ biến, tuy nhiên bệnh nhân khi chọn nâng mũi bằng silicone cũng nên cân nhắc đến các tác dụng phụ về lâu dài của chất liệu này cũng như nguy cơ vôi hóa.