Cả hai phương pháp này đều giúp đôi mắt bạn trở nên trẻ trung hơn nhưng mỗi phương pháp sẽ phù hợp với từng đối tượng riêng.
Treo/nâng chân mày hay cắt mí là một trong những thắc mắc phổ biến của nhiều khách hàng muốn có đôi mắt to đẹp. Cả hai phương pháp này đều giúp đôi mắt bạn trở nên trẻ trung hơn nhưng mỗi phương pháp sẽ phù hợp với từng đối tượng riêng. Nếu chẩn đoán không chính xác và thực hiện cho sai đối tượng thì nguy cơ đạt được kết quả không mong muốn là rất cao.
Có một mẹo nhỏ mà người ta thường áp dụng nhanh khi lựa chọn đó là: Nếu bạn cảm thấy mình trông có vẻ “mệt mỏi” thì có lẽ bạn phù hợp với quy trình cắt mí/tạo mắt hai mí; nhưng nếu trông bạn có vẻ “giận dữ” thì có lẽ bạn phù hợp với quy trình nâng chân mày.
Tuy nhiên để chính xác, các bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố như: mức độ da chùng, bọng mỡ, đặc điểm nếp mí trên và vị trí của chân mày để lựa chọn phương pháp tạo mắt to phù hợp nhất cho khách hàng.
Chỉ định – đối tượng phù hợp
Cắt mí | Nâng/treo chân mày |
KHÔNG có nếp mí, mắt một mí, mí lót, nếp mí phụ… Hoặc đã có nếp mí (nhưng nếp mí không rõ do có nhiều da thừa và bọng mỡ) |
ĐÃ có nếp mí nhưng bị da chùng xệ xuống che khuất nếp mí |
Lông mày vẫn nằm ở đúng vị trí |
Lông mày nằm không đúng vị trí, bị xệ thấp xuống, dồn da và mỡ xuống mắt che lên nếp mí |
Vùng mí trên có nhiều da thừa và bọng mỡ cần cắt bỏ |
Vùng phía trên đuôi mắt hoặc phía dưới chân mày có da dư mỡ thừa |
Trường hợp nên cắt mí:
Trường hợp nên nâng chân mày:
Phẫu thuật treo chân mày
Ở nữ giới, chân mày thường nằm ở vị trí phía trên bờ ổ mắt, với phần đuôi hơi cong lên, còn ở nam giới vị trí chân mày nằm thấp hơn một chút. Theo thời gian, khi độ đàn hồi của da yếu đi do các yếu tố như tuổi tác, lão hóa và tác động từ các yếu tố bên ngoài, lông mày sẽ dần bị xệ thấp xuống, phẳng hơn, khiến tình trạng sụp mí, da mí mắt chảy xệ thêm nặng hơn, che mất đi nếp mí, khiến đôi mắt trông nhỏ hơn. Do đó, bác sĩ phải kiểm tra xem chân mày có bị xệ không trước khi tiến hành phẫu thuật cắt mí. Nếu có thì cần quyết định xem khách hàng có cần cắt mí không, hay chỉ cần nâng chân mày là đủ, hay phải kết hợp cả cắt mí cả nâng chân mày.
Với những trường hợp chân mày đã ở vị trí cao rồi mà lại tiến hành nâng chân mày thì sẽ khiến khách hàng lúc nào cũng có diện mạo như đang "ngạc nhiên" sau phẫu thuật.
Ưu/nhược điểm của phẫu thuật nâng chân mày
Ưu điểm
- Định hình lại cặp chân mày thấp hoặc bị chảy xệ, bất đối xứng
- Nâng cao chân mày, giúp khuôn mặt trông sáng sủa và trẻ trung hơn.
- Cải thiện biểu cảm của khuôn mặt.
- Tạo đôi mắt tự nhiên hơn mà không cần can thiệp trực tiếp vào vùng mí mắt
- Có thể cải thiện được tình trạng nếp nhăn ngang trán hay nếp cau mày
Nhược điểm
- Vì không can thiệp trực tiếp vào nếp mí nên không thể kết hợp xử lý được các vấn đề ở mí mắt như sụp mí hay hai bên mắt/nếp mí không đều
- Kết quả tạo đôi mắt to đẹp có thể không ấn tượng và không giữ được lâu
Quy trình nâng chân mày
Có nhiều kỹ thuật nâng chân mày, có thể nâng chân mày nội soi hoặc nâng chân mày qua đường đỉnh đầu để che giấu sẹo. Tuy nhiên với những trường hợp nâng chân mày để vừa khắc phục chân mày xệ vừa xử lý tình trạng da thừa đồn xuống làm che đi nếp mí, khiến mắt bị nhỏ hơn thì các bác sĩ thường áp dụng kỹ thuật rạch da trực tiếp ở phía trên chân mày (xem hình trên) hoặc ở phía dưới chân mày (xem hình dưới).
Bác sĩ sẽ rạch một đường ở viền trên hoặc dưới chân mày, qua đó bóc tách nâng cung mày lên, đồng thời kéo da xệ ở mí mắt lên, cắt bỏ da thừa, rồi treo cao và cố định chân mày bằng chỉ thẩm mỹ. Quy trình được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê và thường chỉ chưa đến 1 tiếng là sẽ hoàn tất.
Phẫu thuật cắt mí
Đối với những trường hợp lông mày vẫn ở vị trí phù hợp, nhưng mí mắt có nhiều da thừa và bọng mỡ hoặc mắt chưa có sẵn nếp mí thì cắt mí là lựa chọn phù hợp nhất. Tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể cắt mí qua đường rạch một phần hoặc cắt mí qua đường rạch toàn phần.
Ưu/nhược điểm của cắt mí
Ưu điểm
- Xử lý triệt để các vấn đề về da và mỡ thừa ở mí mắt trên, khắc phục được tình trạng hai bên nếp mí/mắt không đều
- Có thể điều chỉnh được vùng góc mắt trong bằng cách kéo dài đường rạch về phía này nếu bệnh nhân cần kết hợp mở góc mắt trong
- Kết quả tạo đôi mắt to đẹp ấn tượng và giữ được lâu
Nhược điểm
- Rạch trực tiếp lên mí mắt nên có nguy cơ sưng bầm và để lại sẹo lộ ở mí mắt
- Vì không can thiệp vào vùng chân mày nên không thể cải thiện được các vấn đề như nếp nhăn ngang trán hoặc nếp cau mày
Quy trình phẫu thuật cắt mí
Quy trình này cũng thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê, trong khoảng 60 phút. Sau khi đánh giá các yếu tố như da thừa, bọng mỡ và đánh dấu vị trí đường mổ, bác sĩ sẽ rạch và bóc tách cắt bỏ da, mỡ thừa và cuối cùng khâu cố định tạo nếp mí bằng chỉ nylon 6/0 hoặc chỉ tự tiêu nhanh 6/0 với kỹ thuật mũi khâu liên tục hoặc mũi khâu rời.
Kết hợp nâng chân mày và phẫu thuật cắt mí
Đôi khi có những bệnh nhân cần thực hiện kết hợp cả hai quy trình này mới đạt được kết quả như mong muốn. Đó là những người vừa có chân mày xệ, vừa có bọng mỡ và da thừa nhiều trên mí mắt. Bác sĩ có thể kết hợp thực hiện đồng thời hai quy trình này hoặc nâng chân mày trước rồi cắt mí sau. Quá trình thực hiện lâu hơn nhưng kết quả đạt được gần như giúp cải thiện 1/3 phía trên của khuôn mặt.
Tóm lại, nâng chân mày hay cắt mí, mỗi kỹ thuật sẽ đều có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân. Để biết chính xác mình phù hợp với phương pháp nào, bệnh nhân nên đi thăm khám bác sĩ trực tiếp, và điều quan trọng nhất là phải chọn cho mình bác sĩ uy tín có đầy đủ trình độ chuyên môn để đánh giá, lựa chọn kỹ thuật thực hiện chính xác ngay từ đầu.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm