Ngày thơ - Hà Nội vắng vì mưa, TP HCM đông vui

8 tháng trước 40

Hàng trăm độc giả xem trình diễn thơ tại TP HCM. còn ở Hà Nội, lác đác người đến dự "Ngày thơ Việt Nam" do mưa lạnh 14 độ C.

Sáng sớm 24/2, đông đảo giới sáng tác lẫn công chúng dự sự kiện tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, quận 3, TP HCM với chủ đề Thành phố này, tôi đến tôi yêu. Sau tiếng trống khai mạc của ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy, chương trình bắt đầu với loạt tiết mục diễn ngâm thơ, ca hát.

 Mai Nhật

Khách mời, độc giả tại khu vực sân khấu chính của Ngày thơ ở TP HCM. Ảnh: Mai Nhật

Năm nay, ngày hội chú trọng tôn vinh sự hòa quyện trong thơ và nhạc. Các màn trình diễn đa phần là ca khúc được phổ thơ, đi vào đời sống người dân nhiều thập niên qua. Mở đầu, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện Bài ca đất phương Nam - ca khúc nhạc phim kinh điển được Lư Nhất Vũ phổ từ sáng tác của Lê Giang. Người mẹ Bàn Cờ là dòng tâm tình của sinh viên Nguyễn Kim Ngân trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam cuối thập niên 1960, do nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc. Ca khúc Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (nhạc: Phạm Minh Tuấn) vốn được Nguyễn Nhật Ánh viết từ những ngày tác giả tham gia lực lượng thanh niên xung phong.

Trích tiết mục diễn thơ "Dư đồ Tổ quốc" của nhà thơ Bảo Định Giang do nhà thơ Phạm Trung Tín ngâm

Trích tiết mục diễn thơ "Dư đồ Tổ quốc" (Bảo Định Giang) do nhà thơ Phạm Trung Tín ngâm. Video: Mai Nhật

Độc giả còn được nghe các tác giả kể hoàn cảnh ra đời của những bài nổi tiếng. Nhà thơ Hoài Vũ, 90 tuổi, hồi tưởng kỷ niệm năm 1968, khi ông vào Sài Gòn chiến đấu, bị sốt rét, phải nằm lại ở trạm giao liên Đồng Tháp Mười. Tại đây, ông gặp Lan - một giao liên vừa tròn đôi mươi, được cô chăm sóc như người thân. Năm 1971, khi ông quay lại, cả rừng tràm nơi đây đã xác xơ vì bom đạn tàn phá, Lan cũng hy sinh khi bị máy bay Mỹ đuổi bắn. Trước nấm mộ của Lan, ông viết nên bài thơ Đi trong hương tràm, sau này được nhạc sĩ Thuận Yến phổ thành ca khúc cùng tên. Mắt rưng rưng, Hoài Vũ ngâm lại những dòng thơ:

"Em gửi gì trong gió trong mây
Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp nơi mây hương tỏa bay.

Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay mầu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau...".

Phi Hùng hát "Bài thơ Đất phương Nam"

Nguyễn Phi Hùng hát "Bài ca Đất phương Nam" tại sự kiện. Video: Mai Nhật

Ngoài sân khấu chính, ban tổ chức dành không gian tôn vinh sức ảnh hưởng của thơ với thiếu nhi. Khu vực Thơ với tuổi thơ giới thiệu những sáng tác gần gũi với tâm hồn trẻ nhỏ của tác giả nhiều thế hệ, như Tre Việt Nam (Nguyễn Duy), Mùa lúa chín (Nguyễn Khoa Đăng), Mèo con đi học (Phan Thị Vàng Anh), Con sinh ra là để... (Nguyễn Phong Việt). Nhà thơ - giáo viên Nguyệt Thu cho biết suốt 30 năm dạy học, bà nhận ra giá trị giáo dục của thơ ca, giúp các em có thêm trí tưởng tượng phong phú, yêu thương, quan tâm đến mọi người.

"Tôi sẽ chẳng bao giờ quên những bài thơ gắn với thế hệ chúng tôi, như Nói với em (Vũ Quần Phương), Mẹ và cô (Trần Quốc Toàn), Trăng ơi từ đâu đến (Trần Đăng Khoa). Thực tế, các em bây giờ ít yêu thơ, dù là các sáng tác gần gũi trong sách báo. Nên chăng, cần có thêm các buổi giao lưu thơ di động với các trường để tặng sách, tuyên truyền mảng thơ nói về tình yêu thành phố, quê hương", bà Nguyệt Thu đề xuất.

Sự kiện năm nay vẫn giữ nhiều nét đặc trưng, như con đường giới thiệu những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, sân thơ trẻ - giới thiệu những tác giả triển vọng. Hơn 10 lều thơ được dựng lên từ các đơn vị góp phần làm nên sức sống thơ ca thành phố, như Trung tâm văn hóa TP Thủ Đức, câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn, Thơ ca Gò vấp, Thơ bên dòng kênh Đôi.

Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM - cho biết sau 22 năm, Ngày thơ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã trở thành lễ hội quốc gia. Năm nay, bà xúc động khi Ngày thơ được thành phố chú trọng, trở thành một trong những sự kiện văn hóa.

"Những câu thơ, bài thơ từ trang sách được đưa ra không gian cộng đồng. Giữa dòng chảy bộn bề, chừng ngột ngạt của cuộc sống, những câu thơ trở thành món quà của tình đất, tình người", bà Bích Ngân nói.

 Mai Nhật

Khu vực vẽ tranh chân dung tặng các nhà thơ của họa sĩ Lê Sa Long. Ảnh: Mai Nhật

Trước đó, tối 23/2, chương trình Lễ hội Nguyên Tiêu và Đêm thơ Việt Nam - do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức, diễn ra tại Công viên Văn Lang, quận 5. Đêm thơ gồm hai phần: Vần xưa vang bóngNhịp điệu giao hòa, giới thiệu các bài thơ đi cùng năm tháng, cùng các ca khúc phổ nhạc nổi tiếng, như chùm thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Gửi miền hạ Anh ở đầu sông, em cuối sông (thơ Hoài Vũ, nhạc Phan Huỳnh Điểu), Chút thơ tình người lính biển (thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Hoàng Hiệp).

Tại Hà Nội, sáng 24/2, thời tiết 14 độ C, mưa kéo dài suốt ngày, khiến sự kiện vắng hơn dự kiến. Năm thứ hai Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ ở Hoàng thành Thăng Long, thay cho địa điểm cũ là Văn Miếu - Quốc tử Giám. Buổi sáng, độc giả đa số tập trung dự tọa đàm thơ, diễn ra trong nhà. Trong tọa đàm, các diễn giả bàn về bản lĩnh nhà thơ thời xưa và nay, thu hút khoảng hơn 100 người. Buổi chiều, nhiều người trung niên, cao tuổi - đến đông hơn, tham gia một số hoạt động như đố thơ nhận quà.

 Giang Huy

Đường thơ dẫn vào Ngày thơ Việt Nam ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Giang Huy

Khuôn viên Ngày thơ được thiết kế thành đường thơ với những mầm lá cách điệu, trang trí với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay do ban tổ chức tuyển chọn.

Nhà ký ức là nơi hút khách tham quan nhất. Không gian giới thiệu tiểu sử, di sản văn học, một số kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ dân tộc, dựng theo kiến trúc nhà dài của người Tây Nguyên. Nhiều người dẫn theo con nhỏ, chiêm ngưỡng các kỷ vật thuộc sưu tập của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Quán thơ - nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn học, đố thơ, không hút nhiều lượt khách.

Sự kiện chính - Đêm thơ Nguyên tiêu - diễn ra lúc 19h. Khu vực sân khấu diễn ra sự kiện Đêm thơ, gồm nhiều tiết mục múa hát, đọc thơ của các tác giả trong nước và quốc tế. Á hậu Thụy Vân và MC Phan Đăng dẫn dắt chương trình.

Trước đó một ngày, mưa gió cũng khiến ban tổ chức gặp khó khăn khi thi công, bố trí không gian ngày hội. Năm ngoái, trời đổ mưa nhưng không lạnh sâu, lượt độc giả đến trảy hội đông hơn.

* Một số hình ảnh Ngày thơ ở Hà Nội

Ngày Thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào Rằm tháng Giêng tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành. Các năm qua, chương trình thu hút đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước. Năm ngoái, sự kiện trở lại sau hai năm phải hoãn vì dịch.

Mai Nhật

Đọc toàn bộ bài viết