Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, TP hiện có 16 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) với 776 trường mầm non, 1.177 nhóm, lớp độc lập tư thục. Đến nay đã có 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên của các KCX, KCN, cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân.
Tuy nhiên, nhiều công nhân không lựa chọn trường công để gửi con.
Không đáp ứng về giờ giấc
Dù lo lắng nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, công nhân tại TP Thủ Đức, vẫn chấp nhận gửi con vào trường tư vì trường mầm non công lập không giữ thứ Bảy. Trong khi công việc của cả hai vợ chồng chị làm ngày này nên chị không thể xin nghỉ việc để trông con.
Còn bé Diễm, con gái của chị Lê Thị Thúy Kiều, công nhân làm việc tại TP Thủ Đức, luôn là người cuối cùng rời trường. Bởi chị Kiều thường tăng ca, còn bình thường thì 18 giờ chị mới kết thúc công việc. Vì thế dù rất muốn gửi con ở trường mầm non công lập để giảm bớt chi phí, an tâm làm việc nhưng chị đành chịu.
“Hai mẹ con lên TP làm việc, giấy tờ tùy thân còn ở dưới quê nên cũng khó gửi vào trường công. Hơn nữa, trường công thường phải đón con vào giờ hành chính. Do đó, dù không muốn tôi vẫn phải cho con học ở trường tư. Nhiều khi đến đón thấy còn mỗi một mình con ở trường cũng xót nhưng đành phải chấp nhận. Hiện mỗi tháng chi phí gửi bé hơn 3 triệu đồng, khoản tiền này đã được chủ trường giảm do tôi là mẹ đơn thân” - chị Kiều chia sẻ.
Thấu hiểu được cái khó của công nhân khi gửi con vào trường công lập do đó nhiều chủ trọ trên địa bàn TP sẵn sàng cho công nhân nhập hộ khẩu hoặc làm tạm trú dài hạn. Dù được hỗ trợ nhưng nhiều công nhân vẫn chọn gửi con ở trường tư.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giám sát về chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại KCX, KCN, vào ngày 17-8, bà Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tạo, quận Bình Tân, cho hay điều kiện để công nhân gửi con vào trường rất đơn giản chỉ cần tạm trú trên địa bàn phường hoặc quận. “Tuy nhiên đa phần công nhân chọn gửi con ở các nhóm trẻ độc lập, tư thục vì gần nhà. Mặt khác, vị trí của trường hơi bất lợi, đặt ở KCN không gần khu dân cư. Hơn nữa, các nhóm lớp linh hoạt về thời gian giữ trẻ. Tại trường cũng tổ chức giữ trẻ ngoài giờ nhưng chỉ có bảy trẻ đăng ký. Nhà trường vận động giáo viên hỗ trợ phụ huynh một cách miễn phí” - bà Hiền nói.
Làm sao thu hút?
Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ giữ trẻ là con của công nhân tại KCX, KCN trên địa bàn. Trường Mầm non 30-4 khi đó là trường duy nhất của quận Bình Tân, TP.HCM thực hiện đề án giữ trẻ ngoài giờ, từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 và thứ Bảy.
Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30-4, cho hay sau một năm gián đoạn do dịch COVID-19, năm học 2022-2023, trường tiếp tục triển khai lĩnh vực giữ trẻ ngoài giờ, kể cả thứ Bảy (từ 6 giờ 45 đến 17 giờ 30) để công nhân yên tâm làm việc. Năm học này có 68 phụ huynh đăng ký gửi trẻ ngoài giờ. Số lượng này cao hơn so với chỉ tiêu quận Bình Tân đặt ra.
“Việc giữ trẻ ngoài giờ chỉ đến 17 giờ 30 hoặc có thể kéo dài thêm 30 phút đến 18 giờ. Bởi bậc mầm non có đặc thù, giáo viên phải có mặt trước 6 giờ 15 để chuẩn bị công tác đón trẻ. Các cô phải ở trường từ 6 giờ 15 đến 18 giờ. Vì thế, việc giữ trẻ sau 18 giờ khó có thể thực hiện do cô giáo khó có thể đảm bảo sức khỏe để chăm trẻ tốt hơn nữa còn vướng nhiều vấn đề. Trong khi hầu hết công nhân thường kết thúc công việc lúc 18 giờ, thậm chí phải tăng ca đến 20 giờ” - bà Toàn nói thêm.
Về vấn đề này, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tại các KCX, KCN đều xây dựng các trường mầm non công lập để tạo điều kiện cho công nhân gửi con. Việc TP thực hiện chính sách giữ trẻ ngoài giờ cũng nhằm mục đích để công nhân yên tâm làm việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các trường mầm non công lập khó đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân.
“Bởi công nhân thường phải tăng ca đến 19, 20 giờ trong khi đó các trường công lập không thể đáp ứng việc giữ trẻ vào khung giờ này vì vượt quá khung giờ Luật Lao động quy định. Chúng ta không thể thực hiện do không có cơ chế. Sau này Sở GD&ĐT TP sẽ xây dựng một số cơ chế dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Khi chúng ta xây dựng được những dịch vụ này theo Nghị định 105 tức là giờ ăn của trẻ, giờ đưa đón trẻ, giữ trẻ ngoài giờ là dịch vụ sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công nhân” - bà Điệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo trưởng Phòng Giáo dục mầm non, khi xây dựng cơ chế trên chắc chắn các đơn vị sẽ bị áp lực vì các thông tư quy định đan xen lẫn nhau như Luật Lao động quy định làm việc vượt giờ ra sao, liệu giáo viên có đồng ý giữ ngoài giờ. Do đó, trong quá trình xây dựng phải xem xét nhiều mặt để phù hợp nhất.
Các kiến nghị, đề xuất đáng lưu ý
Bà LƯƠNG THỊ HỒNG ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM:
Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục
Tại các KCX, KCN ngoài các trường mầm non công lập, còn có các trường mầm non tư thục, nhóm độc lập có thể đáp ứng được thời gian gửi con của công nhân. Sở GD&ĐT TP.HCM luôn chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện phải hỗ trợ, quan tâm đến nhóm lớp này về chất lượng giáo dục cũng như đội ngũ nhân sự.
Sở cũng có kế hoạch đầu tư về chuyên môn đối với nhóm trẻ này để chất lượng các nhóm lớp này ngày càng xích lại gần với các trường công.
Mặt khác, trong năm học này, sở đặt ra mục tiêu đẩy mạnh đổi mới trong quản lý bằng chuyển đổi số. Qua mã định danh của các trẻ, tất cả nội dung của trường sẽ được thực hiện số hóa. Từ đó, Sở GD&ĐT có thể nắm bắt được các hoạt động của các trường và có những chấn chỉnh kịp thời nếu các trường hoạt động chưa đúng.
Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động tại các nhóm lớp về đội ngũ, chất lượng cũng như chế độ giáo viên tại các lớp này. Làm sao nâng chất nhóm lớp này để công nhân có thể yên tâm công tác.
.............................
Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Làm sao thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục
Để phát triển giáo dục, Nhà nước không thể lo hết do đó đòi hỏi sự chung tay cả xã hội, trong đó có sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh. Đối với các trường tại các KCN cần phải lưu ý vì lương công nhân không nhiều trong khi tiền để đóng theo cơ chế xã hội hóa càng ngày càng tăng.
Chúng tôi muốn hướng đến xã hội hóa chính là trách nhiệm xã hội của chính các doanh nghiệp đang sử dụng lực lượng lao động là công nhân, phải làm sao thu hút để họ cùng tham gia chăm lo trường lớp. Chúng ta phải làm sao tăng tỉ lệ doanh nghiệp và giảm tỉ lệ đóng góp của công nhân. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm.
............................
Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:
Cần luật hóa trách nhiệm chứ không chỉ kêu gọi
Trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án trường mầm non tại các KCX, KCN gặp khó do vướng mắc tại một số nghị định. Cụ thể, Nghị định 36 của Chính phủ về KCX, KCN và khu kinh tế quy định “không có dân cư sinh sống trong KCX, KCN“. Do đó, KCX, KCN hình thành và được Bộ Xây dựng phê duyệt không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động...
Từ đó, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường lớp mầm non ngoài công lập tại các KCX, KCN. Cần “luật hóa” trách nhiệm của các doanh nghiệp, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi khiến hiệu quả không như mong đợi.
Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của đoàn thể và của nhà đầu tư từ ưu đãi, vay vốn, đất đai; chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT. Thực tế, ngoài mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thì các dự án giáo dục chưa được hưởng hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư…
NGUYỄN QUYÊN