Thứ Hai, ngày 25/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
Biến loài vật hôi hám, bẩn thỉu trở thành “mỏ vàng”, người dân ở vùng quê này đã làm như thế nào?
Nhắc đến gián, nhiều người không khỏi cảm thấy ghê sợ bởi chúng thường gắn liền với hình ảnh bẩn thỉu, hôi hám và là vật trung gian truyền bệnh. Tuy nhiên, tại thôn Dương Gia ở Thanh Đảo (Trung Quốc), một mô hình nuôi gián với hơn 20.000 con đang dần được triển khai, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho ngành nông nghiệp địa phương.
Những căn nhà hoang đầy ắp... gián!
Khác xa với tưởng tượng về một trang trại chuyên nghiệp, điều hiện ra trước mắt phóng viên lại là một căn nhà hoang xơ xác nằm ẩn mình trong làng.
Những chiếc “chuồng” được xây từ mành để ngăn gián trốn thoát. “Ngoài ra, dân làng còn thực hiện các biện pháp phòng hộ toàn diện cho căn nhà để đảm bảo không có con nào lọt ra ngoài", anh Trương Thành Vũ, nhân viên ở đây vừa nói vừa mở mành cửa vào trong “chung cư của gián”.
Căn phòng tối tăm và ngập tràn mùi ẩm mốc nồng nặc. “Vì gián thích môi trường tối và yên tĩnh nên không cần sử dụng đèn. Mùi chúng ta ngửi thấy là do gián tiết ra, chứa pheromone, không gây hại cho người", anh Vũ giải thích.
Trong phòng, những tấm ván ép được xếp chồng lên nhau, tạo thành "khu nhà ngủ" cho loài gián. Nhìn kỹ vào khe hở và mặt ván, có thể thấy hàng đàn gián chen chúc, di chuyển. Khi ánh sáng xuất hiện, chúng vội vã tìm chỗ tối ẩn nấp, tạo nên tiếng sột soạt rờn rợn.
"Đây là tấm lợp xi măng. Loài gián ưa thích môi trường nhiều khe hở, và những tấm lợp xếp chồng lên nhau chính là nơi lý tưởng để chúng sinh sống và sinh sản”, anh Vũ cho biết. Hình ảnh đàn gián nhung nhúc khiến nhiều người không khỏi rùng mình, nhưng với anh Vũ, đây đã trở thành cảnh tượng quen thuộc.
“Gián châu Mỹ” và hàng loạt lợi ích bất ngờ
Loài gián được nuôi ở thôn Dương Gia không phải gián thường mà là gián châu Mỹ - loài có kích thước lớn hơn, khả năng sinh tồn mạnh mẽ và đặc biệt là không mang mầm bệnh. Loài côn trùng này có sức sống và khả năng sinh sản phi thường, ăn tạp và dễ nuôi. Nhờ những đặc điểm này, gián Mỹ được xem như một "kẻ dọn dẹp" tự nhiên cho rác thải nhà bếp.
Bên cạnh đó, chúng chứa hàm lượng protein cao, có thể được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, gián Mỹ còn được sử dụng trong y học và làm đẹp. Nhờ những lợi ích này, gián Mỹ có thể được bán với giá cao, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi.
Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, phần lớn các lực lượng lao động trẻ di cư ra thành phố nên ngày càng có nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Nắm bắt được thực trạng này, người dân trong làng đã biến những căn nhà đó thành mô hình nuôi gián mà chẳng cần trang thiết bị phức tạp. Với mô hình này, bất kỳ ai cũng có thể làm được.
Kết quả thử nghiệm trong giai đoạn đầu tiên cho thấy hiệu quả kinh tế rất khả quan. Chỉ trong vòng 1 năm, số lượng gián đã tăng từ 2.000 con ban đầu lên hơn 20.000 con. Anh Tiêu Xã Kiệt, người khởi xướng mô hình nuôi gián này lấy ví dụ: "Nếu một hộ gia đình sử dụng một căn phòng để nuôi gián, sản lượng thu hoạch mỗi năm có thể đạt 1.000 kg. Với giá thu mua hiện tại là 160NDT (521.000đ)/kg, thu nhập mỗi năm có thể lên đến 80.000NDT (260 triệu đồng)".
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Hương Nguyễn (Theo sina) ([Tên nguồn])