Ngực dính liền là gì?
Ngực dính liền (symmastia) là tình trạng xảy ra khi hai bầu ngực dính lại với nhau và mất đi khe ngực (còn được gọi là thông khe ngực). Đây là một biến dạng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật đặt túi độn ngực và thường là hậu quả do bóc tách khoang chứa túi độn không chính xác, mà cụ thể là hai khoang chứa được tạo quá rộng vào bên trong (về phía xương ức), khiến hai túi độn dịch chuyển vào giữa và nằm quá sát nhau, đến mức mà lớp da bên trên tách ra khỏi thành ngực.
Mặc dù hầu hết phụ nữ khi phẫu thuật nâng ngực đều muốn hai bầu ngực căng tròn và nằm sát nhau để tạo khe ngực khít nhưng khi xảy ra biến chứng này thì hai bên ngực lại sát nhau đến mức dính liền và hoàn toàn không còn khe ngực.
Ở đa số phụ nữ thì hai bầu ngực tự nhiên thường không chạm vào nhau. Chiều rộng đáy của bầu ngực được xác định bằng khoảng cách giữa bờ bên trong (sát với xương ức) và bờ bên ngoài (sát với nách). Khoảng cách giữa hai bầu ngực hay độ rộng của khe ngực chính là khoảng cách giữa bờ trong của ngực trái và bờ trong của ngực phải. Khoảng cách này ở mỗi người là khác nhau. Nhiều phụ nữ có khe ngực khít là nhờ bầu ngực có chiều rộng đáy lớn và khoảng cách hẹp giữa hai ngực nên có thể dễ dàng đẩy sát lại với nhau bằng cách mặc áo lót nâng ngực. Ngực càng lớn thì càng dễ tạo khe ngực khít. Ngoại trừ những phụ nữ có bộ ngực quá lớn và khoảng cách giữa hai bên ngực rất hẹp thì rất hiếm người có khe ngực khít tự nhiên khi không mặc áo lót.
Biến dạng ngực dính liền sau nâng ngực bằng túi độn có thể được chia thành hai loại là ngực dính liền “thật” và ngực dính liền “giả”. Ngực dính liền thật xảy ra khi hai bầu ngực nằm quá gần nhau và vùng da ở giữa ngực (trên xương ức) thực sự bị tách ra khỏi bề mặt xương còn ngực dính liền giả là khi hai bầu ngực có khoảng cách bình thường và chỉ bị đẩy lại sát nhau khi mặc một số loại áo nhất định.
Ngực dính liền thật
Để hiểu được nguyên nhân gây biến dạng ngực dính liền thật sau nâng ngực bằng túi độn thì trước hết cần biết quá trình tạo khoang chứa túi độn và túi độn được giữ cố định bằng cách nào. Túi độn ngực có thể được đặt ở vị trí bên trên cơ ngực (subglandular) hoặc dưới cơ ngực (submuscular). Ngực dính liền thật có thể xảy ra ở cả hai vị trí đặt túi độn này do hai lỗi cơ bản sau:
- Khoang chứa túi độn được tạo ra quá rộng về phía xương ức
- Túi độn quá lớn so với thành ngực khiến cho phần bên trong của hai bầu ngực nằm quá sát nhau
Để biết thêm thông tin về vị trí đặt túi độn dưới cơ và trên cơ, bạn có thể đọc bài viết này.
Đặt túi độn trên cơ
Khi túi độn được đặt trên cơ thì mô vú được tách ra và nâng lên khỏi cơ ngực lớn. Vùng bên trong của bầu ngực có rất ít mô vú. Do đó mà phần khoang chứa túi độn ở vị trí này chủ yếu chỉ được che phủ bởi da. Điểm bám của da vào xương ức chính là “rào cản” duy nhất để ngăn hai túi độn/bầu ngực nằm quá sát nhau.
Nếu bác sĩ bóc tách khoang chứa túi độn quá rộng vào giữa hoặc nếu da bị kẽo giãn quá mức (thường xảy ra khi sử dụng túi độn quá cỡ) thì hai túi độn sẽ dịch chuyển lại gần nhau và dẫn đến biến dạng ngực dính liền, kể cả khi dùng túi độn có kích cỡ phù hợp với kích thước ngực. Đây là một trong các nhược điểm của việc đặt túi độn trên cơ.
Ngực dính liền cũng có thể xảy ra do sử dụng túi độn quá lớn so với ngực khiến cạnh bên trong của hai túi độn nằm quá gần nhau. Túi độn quá cỡ còn khiến cho bầu ngực nhô sang hai bên quá nhiều so với thành ngực hoặc nằm quá thấp/quá cao trên ngực. Đôi khi, ngực dính liền xảy ra do sự kết hợp của cả hai lỗi, bao gồm cả bóc tách khoang chứa quá rộng vào giữa và chọn túi độn quá lớn so với kích thước ngực.
Đặt túi độn dưới cơ
Giống như các cơ khác, cơ ngực lớn cũng có hai điểm bám vào cấu trúc xương trong cơ thể, một là nguyên ủy (điểm bám của cơ vào cấu trúc xương cố định) và hai là điểm bám tận (điểm bám của cơ vào cấu trúc xương có cử động). Nguyên ủy của cơ ngực là dọc theo rìa xương ức và khoảng 5 – 8cm bên trên của khung xương sườn, gần đáy xương ức. Điểm bám tận của cơ là phần trên của xương cánh tay. Vùng cơ ở giữa hai điểm bám này được gắn vào thành ngực nhờ lớp màng mô mỏng, cho phép cơ chuyển động linh hoạt trong quá trình co thắt và thả lỏng. Lớp mô này có thể dễ dàng được tách ra để đặt túi độn ngực vào bên dưới.
Trong quá trình phẫu thuật, nếu bác sĩ giữ lại điểm bám của cơ vào xương ức thì cơ ngực sẽ giữ cho túi độn không bị dịch chuyển lệch vào trong. Đây là một trong nhiều ưu điểm của vị trí đặt túi độn dưới cơ.
Mặt khác, nếu bác sĩ cắt và giải phóng điểm bám của cơ với xương ức thì sẽ chỉ có lớp da mỏng che phủ lên phần bên trong của bầu ngực (có thể gây biến dạng, làm xuất hiện đường lõm ngang ở bầu ngực sau phẫu thuật) và lớp da này có thể bị tách khỏi thành ngực (giống như khi đặt túi độn trên cơ) rồi dẫn đến biến dạng ngực dính liền. Nếu ngực dính liền xảy ra khi đặt túi độn trên cơ thì có thể khắc phục một cách đơn giản bằng cách chuyển túi độn xuống dưới cơ. Còn nếu ngực dính liền xảy ra khi túi độn được đặt dưới cơ thì việc xử lý sẽ phức tạp hơn.
Ngực dính liền giả
Ngực dính liền “giả” là tình trạng mà hai bầu ngực vẫn ở vị trí bình thường khi đứng thẳng hoặc khi không mặc áo ngực và chỉ khi mặc áo lót, bikini và áo ôm sát thì hai bầu ngực mới được đẩy sát lại gần nhau, tạo cảm giác ngực dính liền. Điều này thường xảy ra khi bờ dưới của cơ ngực được giải phóng quá xa về bên trên và làm mất đi lớp “rào chắn” ngăn hai túi độn dịch chuyển vào bên trong. Do đó mà khi mặc một số loại áo ôm sát thì hai túi độn được đẩy vào quá gần nhau. Việc tạo khoang chứa chưa đủ rộng sang hai bên (về phía nách) hoặc đặt túi độn quá lớn sẽ làm tăng lực tác động lên túi độn và càng đẩy chúng sát lại với nhau, khiến cho vấn đề trở nên nặng hơn. Túi độn bị lệch về phía dưới cũng có thể làm tăng mức độ ngực dính liền do lúc này, túi độn nằm thấp hơn so với điểm bám của cơ ngực trên xương ức và do đó, cơ ngực không thể giữ hai túi độn cách xa nhau.
Khắc phục biến dạng ngực dính liền sau nâng ngực bằng túi độn
Ngăn ngừa biến dạng ngực dính liền
Dù là bất kỳ vấn đề nào thì tốt nhất vẫn là tránh để xảy ra ngay từ đầu. Mặc dù ngực dính liền là một dạng sai lệch túi độn và có thể xảy ra với bất kỳ ca phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn nào nhưng có một số cách đơn giản để tránh xảy ra vấn đề này.
- Không đặt túi độn quá lớn: Nếu túi độn có đường kính quá rộng so với ngực, thì có thể túi độn sẽ lệch sang hai bên hoặc lệch về phía giữa thành ngực. Nếu túi độn chỉ bị lệch vào trong do lỗi tạo khoang chứa thì phần bên trong của bầu ngực sẽ phình quá mức và núm vú sẽ bị hướng ra hai bên. Còn nếu do túi độn quá lớn so với ngực thì núm vú sẽ vẫn hướng về phía trước như bình thường nhưng hai bầu ngực sẽ nằm quá gần nhau, đặc biệt là trong những trường hợp túi độn được đặt trên cơ ngực.
- Giữ tối đa điểm bám của cơ ngực vào xương ức: Khi túi độn được đặt dưới cơ thì điểm bám của cơ sẽ đóng vai trò là “rào cản” ngăn hai túi độn sát lại quá gần nhau. Việc giải phóng điểm bám của cơ dọc theo xương ức sẽ làm cho hai túi độn dồn lại vào giữa.
Khắc phục biến dạng ngực dính liền
Ngực dính liền khi đặt túi độn trên cơ
Nếu túi độn được đặt trên cơ ngực thì việc khắc phục biến dạng ngực dính liền sẽ khá đơn giản. Trong quá trình phẫu thuật đặt túi độn, khoang chứa được tạo ra ở dưới mô vú và trên cơ ngực. Khi bóc tách mô để tạo khoang chứa, càng đến gần rìa của bầu ngực thì lượng mô vú sẽ càng mỏng và khi chạm đến rìa thì sẽ chỉ còn da bao phủ trên cơ. Khi bóc tách quá mức về phía giữa thành ngực thì sau này, khi khoang chứa tiếp tục mở rộng thêm, túi độn sẽ dịch chuyển lại quá gần xương ức. Nếu bóc tách đến tận rìa ngoài của xương ức thì lớp da bên trên có thể tách khỏi bề mặt xương. Khi điều này xảy ra ở cả hai bên ngực thì hai túi độn sẽ nằm quá sát nhau. Rìa bên trong của hai bầu ngực sẽ chạm vào nhau và do da đã tách khỏi xương ức nên hai bên ngực sẽ dính vào nhau.
Nếu túi độn được chọn có đường kính đáy bằng hoặc nhỏ hơn một chút so với đường kính đáy của bầu ngực thì có khả năng túi độn vẫn sẽ nằm ở vị trí chính giữa ngay dưới bầu ngực. Chỉ khi có lực tác động từ bên ngoài thì hai bầu ngực mới dính lại vào giữa còn lúc bình thường thì điều này sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ bóc tách khoang chứa quá rộng rồi đặt túi độn quá lớn vào cho vừa thì túi độn có thể sẽ dịch chuyển vào giữa thành ngực và nâng lớp da lên khỏi xương ức kể cả khi không có lực tác động.
Lúc này, kết quả sẽ là một bộ ngực dính liền. Tuy nhiên, việc khắc phục vấn đề này cũng tương đối đơn giản. Giải pháp là đặt túi độn xuống dưới cơ ngực để ngăn cản túi di chuyển về phía giữa ngực. Cơ ngực nằm dọc theo toàn chiều dài của xương ức và khi đặt túi độn xuống bên dưới thì điểm bám của cơ vào xương sẽ giúp giữ cho túi ở vị trí chính xác mà không dịch chuyển lệch vào trong. Vì vậy, giải pháp cho những trường hợp bị biến dạng ngực dính liền và túi độn được đặt trên cơ là tháo túi độn, tạo một khoang chứa mới ở dưới cơ và chuyển túi độn vào. Ngoài ra có thể khâu đóng khoang chứa cũ để ngăn túi độn trượt trở lại vị trí ban đầu. Cuối cùng, nếu không bị co thắt bao xơ, như trong trường hợp ví dụ ở trên thì một phần bao xơ hình thành quanh túi độn có thể đóng vai trò hỗ trợ cơ ngực lớn giữ túi độn ở đúng vị trí.
Ngực dính liền khi đặt túi độn dưới cơ
Trong trường hợp này, việc khắc phục biến dạng ngực dính liền sẽ phức tạp hơn một chút vì túi độn đã được đặt ở dưới cơ. Giống như các cơ khác, cơ ngực cũng có nguyên ủy (điểm bám vào cấu trúc xương cố định) và điểm bám tận (điểm bám vào cấu trúc xương có cử động). Nguyên ủy của cơ ngực là toàn chiều dài của xương ức và một vài cm bên trên của khung xương sườn. Điểm bám tận của cơ này là phần trên của xương cánh tay. Khi tạo khoang chứa túi độn bên dưới cơ ngực thì bác sĩ chỉ tách điểm bám của cơ ở phần trên của khung xương sườn, nguyên tắc là không tách cơ ngực khỏi xương ức (tuy nhiên có thể bóc tách điểm bám cơ ở 1 – 2cm ở phần dưới của xương ức vẫn OK). Khi điểm bám của cơ bị tách quá nhiều khỏi xương ức trong quá trình phẫu thuật thì túi độn sau đó có thể dịch chuyển lệch vào giữa ngực. Bình thường, khi mô vú và da ngực giãn ra sau phẫu thuật thì túi độn sẽ tụt xuống dưới nhưng trong trường hợp này thì hai túi độn sẽ dịch chuyển lại quá gần nhau.
Điểm bám cơ dọc theo xương ức với vai trò giữ cố định túi độn giờ đã không còn. Hầu hết các bác sĩ đều khắc phục vấn đề này bằng cách khâu đóng phần bên trong (gần xương ức) của khoang chứa túi độn và bóc tách rộng thêm sang hai bên để giữ hai túi độn xa nhau. Cách này cũng có tác dụng nhưng lại đi kèm một số điểm hạn chế. Thứ nhất là có thể gây cảm giác không thoải mái vì chỉ khâu cần xuyên qua lớp mô rắn trên thành ngực để giữ chắc mũi khâu. Kim khâu không thể đi xuyên qua xương sườn nên sẽ phải sử dụng lớp mô liên kết (lớp mô bên trên) của cơ gian sườn. Thứ hai là hiệu quả của phương pháp này thường không được bền lâu. Chỉ khâu có thể bị lỏng hoặc đứt, đặc biệt là khi có áp lực từ túi độn.
Một giải pháp nữa là thay túi độn nhỏ hơn và mở rộng khoang chứa sang hai bên nhưng cách này chỉ khả thi khi hai bên thành ngực còn chỗ để có thể nới rộng khoang chứa, nếu không thì bầu ngực sẽ nhô quá nhiều sang hai bên thành ngực và trông không tự nhiên.
Cách tốt nhất để xử lý ngực dính liền khi đặt túi độn dưới cơ là tạo một khoang chứa mới cũng ở bên dưới cơ. Vì lúc này đã không còn điểm bám cơ để giữ cho túi độn ở vị trí bình thường nên cần phải tách bao xơ/mô sẹo khỏi bề mặt bên dưới của cơ ngực, nhưng chỉ tách đến vị trí của điểm bám trước đây là dừng lại. Đây được gọi là khoang chứa ở vị trí “neo-subpectoral” (dưới cơ ngực và trên bao xơ), giúp giữ cho túi độn ở vị trí ổn định. Quá trình phẫu thuật này được thực hiện bằng cách bóc bao xơ khỏi mô vú và cơ rồi tạo khoang chứa mới có kích thước phù hợp và sau đó đặt túi độn vào. Bằng cách đặt bên trên bao xơ cũ, túi độn sẽ không thể trượt trở lại vào vị trí trước đây. Với cách này thì sẽ không cần phải phụ thuộc vào chỉ khâu (vốn rất dễ bị lỏng khi khâu xuyên qua lớp mô mỏng hoặc bị đứt do áp lực từ túi độn). Kỹ thuật này có tỷ lệ thành công cao và quá trình thực hiện cũng không quá phức tạp.
Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm