BRCA1 và BRCA2 là các gen mã hóa protein ức chế khối u. Đột biến gen BRCA có thể khiến cơ thể tạo ra các protein này một cách không chính xác. Điều này làm cho các protein không thể thực hiện nhiệm vụ.
Gen là đơn vị cơ bản của di truyền, mang thông tin xác định các đặc điểm độc nhất của mỗi người. Những đặc điểm này được di truyền từ bố mẹ. Gen được tạo nên từ DNA (deoxyribonucleic acid).
Những thay đổi vĩnh viễn trong chuỗi DNA của một gen được gọi là đột biến. Một số đột biến gen ví dụ như đột biến gen BRCA di truyền qua các thế hệ trong gia đình và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Vì vậy, làm sao để biết mình có mang đột biến gen này hay không? Và nếu có thì cần làm thế nào?
Đột biến gen BRCA là gì?
Không phải lúc nào các tế bào trong cơ thể cũng được tạo ra và chết đi theo chu kỳ được lập trình sẵn. Đôi khi, các tế bào trở nên bất thường, phát triển quá nhanh hoặc DNA bị hỏng. Một số protein nhất định, được gọi là protein ức chế khối u, xuất hiện khi những điều bất thường này xảy ra và giải quyết vấn đề bằng cách làm chậm sự phát triển của tế bào, sửa chữa DNA bị hỏng và thậm chí chỉ đạo một số tế bào không bình thường ngừng hoạt động hoàn toàn.
BRCA1 và BRCA2 là các gen mã hóa protein ức chế khối u. Đột biến gen BRCA có thể khiến cơ thể tạo ra các protein này một cách không chính xác. Điều này làm cho các protein không thể thực hiện nhiệm vụ.
Ung thư xảy ra khi các tế bào phát triển vượt tầm kiểm soát hoặc DNA bị hỏng. Các bệnh ung thư thường gặp nhất ở những người mang đột biến gen BRCA là ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Mặc dù đột biến gen BRCA không phổ biến nhưng có thể di truyền.
Mỗi người có hai bản sao của đột biến gen BRCA1 và BRCA2, một từ bố và một từ mẹ. Nếu bố hoặc mẹ mang một đột biến gen BRCA thì con sẽ có 50% nguy cơ mang đột biến gen đó.
Nếu đã biết một thành viên ruột thịt trong gia đình mang đột biến gen BRCA hoặc nếu đáp ứng các khuyến nghị sàng lọc thì nên làm xét nghiệm di truyền để kiểm tra xem có mang các đột biến gen hay không. Phương pháp xét nghiệm này sử dụng mẫu máu hoặc mẫu nước bọt để phát hiện sự hiện diện của đột biến gen và thường có kết quả sau khoảng một tháng.
Nguy cơ ung thư khi mang đột biến gen BRCA
Theo một nghiên cứu trên JAMA, khoảng 72% phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và 69% phụ nữ có đột biến gen BRCA2 sẽ mắc ung thư vú trước tuổi 80. Trong khi đó, khả năng mắc ung thư vú trung bình của tất cả phụ nữ trong suốt cuộc đời là khoảng 12%.
Đột biến gen BRCA còn làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Một nghiên cứu tương tự đã cho thấy rằng khoảng 44% phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 và 17% phụ nữ mang đột biến gen BRCA2 sẽ mắc ung thư buồng trứng trước tuổi 80. Khả năng mắc ung thư buồng trứng trung bình ở tất cả phụ nữ trong suốt cuộc đời chỉ là 1.3%.
Không chỉ có ung thư vú và ung thư buồng trứng, đột biến gen BRCA còn làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác, gồm có ung thư ống dẫn trứng, ung thư tuyến tụy, ung thư phúc mạc (lớp màng bao phủ bề mặt của khoang bụng và các cơ quan bên trong) cũng như là ung thư da. Những nam giới mang đột biến gen BRCA cũng có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những người không có đột biến gen.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc mang đột biến gen BRCA không có nghĩa là sẽ bị ung thư mà chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhiều người dù có đột biến gen BRCA nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường.
Đột biến gen BRCA và chủng tộc
Vì đột biến gen BRCA có di truyền nên nguy cơ mang đột biến gen này sẽ phụ thuộc vào chủng tộc. Những người có gốc Do Thái Ashkenazi có nguy cơ cao mang đột biến gen BRCA. Người Hà Lan, Pháp Canada, Iceland và Na Uy cũng có khả năng mang đột biến gen này cao hơn so với những nước khác.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 trên tạp chí Cancer đã đánh giá mối liên hệ giữa chủng tộc và đột biến gen BRCA thì nhận thấy rằng những phụ nữ gốc Phi hoặc Mỹ Latinh có tỷ lệ mang đột biến gen BRCA, đặc biệt là BRCA1 cao hơn.
Chủng tộc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ đến gặp bác sĩ để tư vấn và làm xét nghiệm di truyền. Cụ thể, một nghiên cứu gần đây trên tạp chỉ Cancer đã chỉ ra rằng bác sĩ thường ít tư vấn và làm xét nghiệm di truyền để tìm đột biến gen BRCA cho những phụ nữ da đen và phụ nữ gốc Tây Ban Nha hơn so với các nhóm chủng tộc khác.
Ai nên làm xét nghiệm?
Để kiểm tra các yếu tố làm tăng nguy cơ mang đột biến gen BRCA, bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ sàng lọc để thu thập thông tin về tiền sử cá nhân và gia đình. Cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi như:
- Bạn hoặc người thân có từng được chẩn đoán ung thư vú trước tuổi 50 hoặc trước khi mãn kinh không?
- Bạn hoặc người thân có từng bị ung thư ở cả hai bên vú không?
- Bạn hoặc người thân có từng bị cả ung thư vú và ung thư buồng trứng không?
- Có người thân nào trong nhà mang đột biến gen BRCA không?
Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì sao?
Đối với những phụ nữ nhận được kết quả dương tính sau khi làm xét nghiệm di truyền tìm đột biến gen BRCA thì cần tiến hành các phương pháp sàng lọc cũng như là các thủ thuật để làm giảm nguy cơ mắc ung thư.
Sàng lọc ung thư vú
- Bắt đầu tự khám vú từ năm 18 tuổi
- Khám lâm sàng tuyến vú 6 - 12 tháng một lần, bắt đầu từ tuổi 25
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú hàng năm (hoặc chụp nhũ ảnh) bắt đầu ở tuổi 25.
- Chụp MRI vú hàng năm và chụp nhũ ảnh trong độ tuổi từ 30 - 75
- Cân nhắc chụp nhũ ảnh 3D nếu có thể
- Sau 75, việc sàng lọc sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp
Giảm nguy cơ ung thư vú
- Nói chuyện với bác sĩ về việc phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú dự phòng
- Cân nhắc dùng thuốc để giảm nguy cơ ung thư vú
Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng
- Cắt bỏ cả hai buồng trứng và ống dẫn trứng trong độ tuổi từ 35 đến 40 và sau khi hoàn thành việc sinh con để phòng ngừa ung thư buồng trứng (cắt buồng trứng dự phòng). Điều này giúp làm giảm đến 90% nguy cơ mắc ung thư.
- Với những phụ nữ mang đột biến gen BRCA2 thì có thể hoãn lại việc phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng dự phòng cho đến tuổi 40 - 45 vì độ tuổi trung bình khởi phát ung thư buồng trứng ở những người này thường muộn hơn từ 8 - 10 năm so với ở người mang đột biến gen BRCA1.
- Sàng lọc ung thư buồng trứng định kỳ bằng phương pháp siêu âm qua đường âm đạo và xét nghiệm máu tìm kháng nguyên ung thư 125 (CA-125) là phương pháp chưa được chứng minh nhưng có thể được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ bắt đầu trong độ tuổi từ 30 đến 35.
Chỉ cắt bỏ ống dẫn trứng là chưa đủ để giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, phụ nữ mang đột biến gen BRCA cũng nên sàng lọc những bệnh ung thư khác như ung thư tuyến tụy hay ung thư da.
Ung thư tuyến tụy
Sàng lọc ung thư tuyến tụy được thực hiện bằng hai phương pháp là:
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (magnetic resonance cholangiopancreatography - MRCP) là một loại chụp cộng hưởng từ đặc biệt được sử dụng để kiểm tra tuyến tụy, gan, túi mật, ống mật và ống tụy.
- Siêu âm nội soi (endoscopic ultrasound - EUS) đưa một ống nội soi nhỏ với đầu dò siêu âm xuống thực quản đến dạ dày. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát được tuyến tụy.
Ung thư hắc tố
Ung thư hắc tố là dạng nguy hiểm nhất trong số các bệnh ung thư da nhưng có thể ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm bằng những biện pháp như:
- Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hắc tố.
- Thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ ung thư hắc tố, chẳng hạn như kiểm tra da toàn thân hàng năm và hạn chế tiếp xúc với nắng.
Nam giới mang đột biến gen BRCA cũng nên sàng lọc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt định kỳ. Có hai phương pháp được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là khám trực tràng bằng tay và xét nghiệm PSA.
Tóm tắt bài viết
Hiểu về những nguy cơ khi mang đột biến gen BRCA là điều rất quan trọng. Nếu như có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào nêu trên thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về việc làm xét nghiệm di truyền. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa.
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng thì cũng nên làm xét nghiệm xem có mang một trong hai đột biến gen BRCA hay không. Việc này giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và ngăn ngừa ung thư cho các thành viên khác trong gia đình.