Niềng răng được coi là an toàn, tuy nhiên, bất kỳ can thiệp nào tới cơ thể cũng kèm theo một vài nguy cơ nhỏ.
Cho dù bạn đang tìm kiếm phương pháp niềng răng cho con nhỏ hay đang xem xét các lựa chọn điều trị cho người trưởng thành, điều quan trọng là phải nắm được thông tin để cân nhắc giữa rủi ro/lợi ích của việc điều trị trước khi đưa ra quyết định.
Dưới đây là một số nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra khi niềng răng.
Dị ứng
Tỷ lệ này hiếm gặp, tuy nhiên không phải không có. Nếu cơ địa của bạn nhạy cảm, dễ bị dị ứng, hãy cho bác sĩ biết thông tin này. Một số khí cụ chỉnh nha được làm từ thép không gỉ kết hợp với titan và có thể kích thích sự nhạy cảm với Niken. Dị ứng Niken thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Khi biết bạn dễ bị dị ứng với Niken, bác sĩ sẽ có hướng điều chỉnh loại khí cụ cho phù hợp. Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng với latex, cũng cần thông báo với bác sĩ. Như vậy, trong suốt quá trình thăm khám cho bạn, bác sĩ sẽ không sử dụng găng tay latex hoặc bất kỳ dụng cụ nào có chứa thành phần latex để tránh gây dị ứng cho bạn.
Tổn thương nha chu (Viêm lợi)
Duy trì vệ sinh răng miệng tốt là điều quan trọng đối với tất cả mọi người và nó đặc biệt quan trọng đối với những người đang điều trị chỉnh nha. Khi đeo niềng, răng và các mô mềm khó làm sạch hơn bình thường do có hệ thống mắc cài, dây cung,… gắn trên răng. Nếu như bạn vệ sinh răng miệng kém thì khả năng cao sẽ bị viêm lợi, thậm chí là nhiễm trùng lợi. Điều này ảnh hưởng tới tốc độ dịch chuyển của răng (răng dịch chuyển chậm hơn và kéo dài thời gian điều trị). Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tình trạng nhiễm trùng có thể gây ra tổn thương không hồi phục đối với các mô mềm nâng đỡ răng.
Hãy đảm bảo bạn duy trì được thói quen tốt vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khỏe mạnh và luôn theo sát các hướng dẫn của bác sĩ chỉnh nha để ngăn chặn viêm/nhiễm trùng lợi. Làm sạch răng định kỳ tại phòng khám 2 lần/năm cũng giúp ích cho quá trình niềng răng của bạn rất nhiều. Ngoài ra, bạn có thể tìm máy tăm nước (rất thịnh hàng, đa dạng mẫu mã,..) để làm sạch răng và các kẽ răng dễ dàng hơn.
Tổn thương men răng (Mất khoáng bề mặt men răng)
Mất khoáng bề mặt men răng có thể xảy ra trong quá trình chỉnh nha, đặc biệt với các khí cụ chỉnh nha cố định như niềng răng mắc cài. Biểu hiện là có các đốm trắng xuất hiện trên thân răng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là đường, thực phẩm ngọt đi kèm với ý thức làm sạch răng kém. Đường có trong thực phẩm, đồ uống sẽ thâm nhập vào men răng và bắt đầu quá trình phân hủy. Nếu hiện tượng này kéo dài, lâu ngày có thể dẫn tới sâu răng, xuất hiện dưới các đốm trắng hoặc các vết ố vàng trên răng.
Bác sĩ chỉnh nha sẽ thường xuyên kiểm tra răng miệng để phát hiện các vấn đề và xử lý kịp thời. Vì thế, bạn sẽ được điều trị sớm nhất có thể.
Thêm vào đó, để giảm thiểu nguy cơ này, bạn nên tránh ăn uống các thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường. Thường xuyên chải răng 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa Flour và súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng có Flour.
Chầy xước, loét mô mềm
Khi mới bắt đầu niềng răng, các mô mềm (môi, má, lợi) sẽ cảm thấy đau và xuất hiện một số vết chầy xước hoặc các vết loét nhỏ khi chúng tiếp xúc trực tiếp với dây cung, mắc cài. Điều này chỉ xảy ra trong khoảng vài ngày và sớm biến mất khi miệng của bạn đã quen với hình dạng của các khí cụ niềng răng.
Mẹo: Bạn hãy hỏi bác sĩ về sáp chỉnh nha. Loại sáp này dùng để gắn lên mắc cài, dây cung, giảm ma sát giữa miệng – hệ thống niềng răng và bảo vệ miệng của bạn khỏi tình trạng trên một cách dễ dàng.
Tái hấp thu chân răng (tiêu chân răng)
Áp lực đặt lên răng trong suốt quá trình chỉnh nha có thể gây tái hấp thu chân răng (chân răng ngắn hơn trước khi niềng), điều này có nghĩa là răng kém ổn định hơn. Rất khó để dự đoán rằng bạn có gặp phải vấn đề này hay không vì nó phụ thuộc vào tính nhạy cảm của cơ địa và yếu tố di truyền của mỗi người. Tiêu chân răng là một biến chứng phổ biến trong quá trình chỉnh nha nhưng có một số bằng chứng cho thấy: quá trình tiêu chân răng sẽ dừng lại khi các khí cụ chỉnh nha được tháo bỏ. Nhìn chung, tái hấp thu chân răng không gây ra hậu quả đáng kể, nhưng trong các trường hợp rất hiếm, nó có thể đe dọa đến tuổi thọ của răng.
Cứng khớp răng
Cứng khớp răng (ankylosis) là một bệnh lý hiếm gặp, mà trong đó, chân răng hợp nhất với xương, do đó sẽ không nhận được kết quả tốt từ niềng răng, đơn giản vì chiếc răng đó không thể dịch chuyển như các răng còn lại, dẫn đến sự sắp xếp răng khác nhau, gây hở kẽ răng. Tình trạng này thuộc về cơ địa, không liên quan tới kỹ thuật hay trình độ của bác sĩ chỉnh nha.
Khi gặp răng cứng khớp không thể dịch chueyern, bác sĩ sẽ nhổ hoặc cấy chân răng nhân tạo sau khi tháo niềng hoặc phẫu thuật di chuyển cả khối xương ổ.
Chân răng bị bật ra khỏi xương hàm
Nguy cơ này hiếm gặp, nguyên nhân do bác sỹ sử dụng lực quá mạnh, di chuyển răng nhanh khiến chân răng di chuyển không theo mong muốn và dễ bật chân răng khỏi xương hàm.
Điều quan trọng là bệnh nhân nên kiên nhẫn tuân thủ đúng phác đồ điều trị, không nên “đốt cháy giai đoạn” để giảm tối đa các biến chứng.
Tái phát
Răng có khả năng cao sẽ dịch chuyển về vị trí ban đầu nếu như bạn không đeo hàm duy trì sau khi tháo niềng. Điều đó có nghĩa là răng dễ bị chen chúc, lộn xộn, thưa răng hoặc hô vẩu, sai khớp cắn trở lại.
Đeo hàm duy trì sau này là việc cần thiết, bạn nên tự giác thực hiện và nên đeo ít nhất 8 tiếng mỗi ngày để giữ gìn được kết quả tốt.
Điều trị thất bại
Điều trị thất bại có liên quan đến các mục tiêu điều trị ban đầu đặt ra và phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bác sĩ chỉnh nha và phòng khám thực hiện. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào ý thức hợp tác của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.