Hút mỡ là một thủ thuật vô cùng phổ biến, tuy nhiên không phải không có hạn chế. Để khắc phục những hạn chế của hút mỡ truyền thống, nhiều phương pháp mới ra đời để hỗ trợ quá trình hút mỡ, nhằm đem lại kết quả tốt tương tự nhưng hạn chế tối đa biến chứng, đau đớn sau phẫu thuật.
Một trong những công nghệ mới nhất hiện nay chính là các công cụ hút mỡ hỗ trợ laser, phổ biến nhất là Smart Lipo và Slim Lipo (mới hơn).
Vai trò của laser trong hỗ trợ hút mỡ
Tùy vào bước sóng được chọn mà có loại laser sẽ phá hủy mỡ, có loại sinh nhiệt để kích thích co da, có loại kết hợp cả hai. Các bác sĩ sẽ điều chỉnh bước sóng tùy theo mục đích và nhu cầu, hoặc kết hợp lần lượt các loại laser để có được kết quả tối ưu.
Cơ chế chính trong tương tác giữa laser và mô chính là sinh nhiệt, vừa tạo ra tổn thương tạm thời và tổn thương vĩnh viễn cho tế bào. Ở mức năng lượng thấp, tế bào mỡ chịu tổn thương tạm thời thông qua hiện tượng sưng phồng lên (tăng tận 100 µm đường kính). Nhiệt sản sinh do laser làm thay đổi mức cân bằng Na+ và K+ của màng tế bào, cho phép dịch ngoài tế bào tự do di chuyển vào bên trong tế bào mỡ. Ở mức năng lượng cao, người ta quan sát thấy sự phá hủy của tế bào mỡ, đồng thời gelatin hóa sợi collagen và bịt kín các mạch máu nhỏ. Sự phá hủy màng tế bào giải phóng lipit khỏi mô mỡ, dẫn đến hiện tượng hóa lỏng mỡ, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo – hút bỏ mỡ. Laser có thể hóa lỏng mỡ mà không cần đến tác động vật lý gây thương tổn từ động tác sọc sọc ống cannula như hút mỡ truyền thống nên ít gây thương tổn, chảy máu, đau đớn hơn.
Thêm vào đó, hiệu ứng nhiệt của laser có thể khiến da co lại nếu làm nóng ở vùng bên dưới da (cách khoảng ~5mm). Các bác sĩ đã ước lượng được, thông qua quan sát, mức độ nhiệt lý tưởng để da trên bề mặt co lại và nhận thấy bước sóng được dùng không quan trọng bằng cường độ và số lượng laser được sử dụng.
Một trong những tác dụng phụ dễ phạm phải nhất trong quá trình hút mỡ hỗ trợ laser chính là tổn thương do nhiệt. Bác sĩ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát nhiệt trong quá trình thực hiện, bao gồm liên tục đo nhiệt độ, sờ nắn và đôi khi là chườm mát ngay sau khi thực hiện để hạ nhiệt kịp thời. Nhiệt độ không nên vượt quá 38-40 độ, nếu nhiệt độ bề mặt cao hơn 47 độ, thì vùng da sẽ bị tổn thương, tức bị bỏng, phồng rộp, nhẹ thì bị dúm do làm mất thẩm mỹ. Bác sĩ thiếu kinh nghiệm rất dễ gặp phải hiện tượng này, chính vì vậy việc chọn lựa người thực hiện phẫu thuật càng thêm quan trọng đối với hút mỡ hỗ trợ laser.
Chỉ định của hút mỡ công nghệ laser
Mục đích chính của hút mỡ có hỗ trợ laser là tạo đường nét cơ thể thông qua việc hóa lỏng mỡ tại một vùng, cũng như làm co da thông qua quá trình sản sinh collagen mới (neocollagenesis). Hút mỡ laser được chỉ định cho bất kỳ vùng nào có mỡ thừa cứng đầu không mong muốn, cùng làn da với mức độ chảy xệ vừa phải.
Hút mỡ hỗ trợ laser là công cụ lý tưởng cho các ca chỉnh sửa, đặc biệt với những bệnh nhân có vùng da lồi lõm sau một thủ thuật nào đó (tạo hình thành bụng chẳng hạn...); hoặc với những vùng mỡ nhỏ còn sót lại từ ca hút mỡ trước hoặc các thủ thuật tạo hình cơ thể khác. Hiệu ứng bịt kín mạch máu, hạn chế xuất huyết cũng khiến hút mỡ hỗ trợ laser thích hợp với các ca hút mỡ thể tích lớn.
Bác sĩ sàng lọc bệnh nhân lý tưởng cho phương pháp này thông qua các tiêu chí: gầy, khỏe mạnh và có những ổ mỡ thừa độc lập, loại bỏ được. Những người có quá nhiều mỡ rất có thể sẽ không thấy được kết quả quá khác biệt và mọi bệnh nhân nên được nhắc nhở về việc hút mỡ hỗ trợ laser không phải là biện pháp thay thế cho chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh.
Ngoài ra, bác sĩ cũng cần xác định độ lỏng lẻo của da. Mặc dù có khả năng làm co nhẹ da, nhưng nếu da chảy xệ quá trầm trọng thì phương pháp này có thể sẽ không đem lại vùng da bên trên phẳng mượt như mong muốn. Có thể dùng bài kiểm tra kéo-thả để đánh giá độ đàn hồi của da: dùng ngón cái và ngón trỏ túm nhẹ lấy da, hơi kéo rồi thả ra. Nếu co lại ngay lập tức thì da đàn hồi tốt, còn co lại chậm tức là đàn hồi kém. Những dấu hiệu khác cho thấy da đã bị hư tổn là hiện tượng sần sùi vỏ cam, các vết nhăn nhỏ và tổn thương quang hóa (tổn thương do ánh sáng mặt trời).
Quá trình hút mỡ laser
Tất cả ca hút mỡ có hỗ trợ laser đều được thực hiện với bệnh nhân ngoại trú. Trước khi tiến hành, bệnh nhân được cho sử dụng thuốc giảm đau, chống lo âu, sau đó cơ thể được chuẩn bị để làm phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ ở vùng làm hút thông qua kỹ thuật tiêm dung dịch tumescent. Sau đó tiến hành rạch một đường rộng 1-2 mm. Thông qua lỗ nhỏ này, một ống laser siêu bé 1mm được luồn vào lớp mỡ dưới da, tiến hành quá trình phá vỡ mỡ bằng laser. Trong quá trình sử dụng laser, cả đội ngũ phẫu thuật và bệnh nhân đều đeo đồ bảo hộ mắt.
Muốn phá hủy mỡ tối đa thì cần phân bố đồng đều laser để đạt đến nhiệt độ tối ưu cho việc loại bỏ mỡ. Bác sĩ sẽ luồn ống laser vào lớp hạ bì, di chuyển nó song song với bề mặt thông qua động tác kéo ra-đâm vào tầm 10-15 lần rồi chuyển sang vùng lân cận. Tiếp tục lặp lại quá trình cho tới khi toàn bộ mỡ ở vùng cần hút đã được xử lý xong. Trong lúc làm phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng tay không thuận tiếp xúc với vùng đang được điều trị, vừa để hỗ trợ kiểm soát đầu ống laser, vừa để cảm nhận nhiệt độ của da. Nếu cảm thấy da ấm tức là đã đạt đến nhiệt độ tối ưu (~40 độ C).
Mỡ sau khi được hóa lỏng có thể được hút bằng ống cannula đường kính nhỏ hoặc mát-xa đẩy ra ngoài. Phương pháp hút thường được dùng cho những ca xử lý nhiều mỡ và ở vùng dễ tiếp cận, còn với những ca hút ít mỡ và ở những chỗ khó tiếp cận (đầu gối, cánh tay...) thì phương pháp mát-xa sẽ được áp dụng. Sau đó là chèn băng gạc vào vết mổ để thấm dịch rỉ nếu có và mặc đồ bó nịt/băng ép/gen nịt cho bệnh nhân.
Ưu và nhược điểm của hút mỡ laser
Ưu điểm
Qua nhiều năm phát triển, hút mỡ hỗ trợ laser thể hiện rõ nhiều lợi ích.
- Thời gian hồi phục ngắn có lẽ là lợi ích được quảng bá rộng rãi nhất. Qua tổng hợp 2000 ca bệnh, bác sĩ nhận thấy đa số bệnh nhân trở lại hoạt động thường ngày trong vòng 1,5 ngày.
- Hút mỡ hỗ trợ laser có thể loại bỏ đau, bầm tím và sưng nề hậu phẫu. Nguyên nhân có thể là nhờ việc mạch máu và mạch bạch huyết bị đốt nên co nhỏ lại. Thêm vào đó, việc hóa lỏng mỡ bằng ống laser nhỏ (~1mm) cũng hạn chế thương tổn trong giai đoạn hút mỡ sau đó, thậm chí ở những vùng nhỏ thì bác sĩ sẽ không hút mà mát-xa đẩy mỡ ra ngoài, càng góp phần làm giảm thương tổn.
- Là một thủ thuật hút mỡ khá an toàn. Theo báo cáo đánh giá 573 ca hút mỡ hỗ trợ laser, không bệnh nhân nào gặp biến chứng toàn thân, chỉ một người bị nhiễm trùng và được điều trị bằng kháng sinh uống và bốn bệnh nhân bị bỏng (nguyên do nhiệt tích tụ quá nhanh ở một vùng). Trong đó có 19 ca cần chỉnh sửa, tức tỉ lệ chỉnh sửa là 3,5 %, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 12-13% trong các báo cáo về hút mỡ từ trước.
- Khả năng làm co da, đã được nhiều người xác nhận và kiểm chứng, có lẽ là ưu điểm lớn nhất của hút mỡ laser. Báo cáo nhận định, nhiệt độ lý tưởng bên trong nên ở mức 48-50 độ C, còn bên ngoài nên ở mức 38-40 độ C để đảm bảo kết quả tốt và an toàn. Bệnh nhân nên nhớ rằng hiện tượng da co lại vẫn tiếp tục tiếp diễn trong vòng vài tháng sau điều trị laser do bản chất chậm chạp của quá trình sản sinh collagen mới.
Nhược điểm
Mặc dù có khá nhiều ưu điểm hấp dẫn, nhưng vẫn tồn tại những bất cập trong hút mỡ hỗ trợ laser.
- Đắt hơn và khó tìm bác sĩ. Chi phí cho máy móc sẽ làm tăng chi phí phẫu thuật và không phải cơ sở nào cũng cung cấp loại hình điều trị này.
- Phụ thuộc lớn vào tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ. Trong nhiều bài nghiên cứu, các tác giả đều nhận định những biến dạng và biến chứng thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu khi bác sĩ mới sử dụng máy hút mỡ hỗ trợ laser. Sau một thời gian làm quen thì tỉ lệ biến chứng/biến dạng đường nét giảm đi nhanh chóng.
- Do sự chênh lệch giữa mức nhiệt tối ưu để thúc đẩy sản xuất collagen và mức nhiệt gây bỏng lớp biểu bì-hạ bì, nên bệnh nhân rất dễ bị bỏng.
- Thường không được thực hiện riêng (đặc biệt với những vùng rộng) vì lo ngại không điều trị triệt để, thay vào đó phương pháp này thường được áp dụng kèm theo hút mỡ truyền thống. Do đó thời gian làm phẫu thuật sẽ kéo dài hơn.
Quá trình hồi phục sau hút mỡ laser
Qúa trình hồi phục sau hút mỡ hỗ trợ laser đa phần là tương tự như các thủ thuật hút mỡ khác, nhưng có lẽ nhanh hơn.
Bạn sẽ được khuyên hoặc yêu cầu mặc băng ép/đồ nịt/gen nịt liên tục trong ít nhất từ 1 tuần đến 1 tháng ngay sau hút mỡ.
Trong vòng 8 ngày đầu sau hút mỡ hỗ trợ laser, bệnh nhân cần tránh hoạt động thể chất mạnh (đặc biệt với những động tác gây sốc đột ngột). Đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định vài buổi vật lý trị liệu, chủ yếu là với những ca không hút mỡ hóa lỏng, để hỗ trợ loại bỏ mỡ. Những buổi điều trị này thường diễn ra trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.
Ngay sau khi vừa làm phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể quan sát thấy ngay tác động co da nhờ laser. Hiệu ứng này sẽ còn tiếp diễn và dần trở nên rõ rệt hơn trong vài tháng sau. Ngoài ra, nhờ hiệu ứng nhiệt làm co mạch, nên hạn chế được xuất huyết, bầm tím và sưng nề, dẫn đến thời gian hồi phục ngắn hơn.
Kết luận
Hút mỡ hỗ trợ laser là một phương pháp mới với nhiều lợi ích rõ ràng, đặc biệt nó giúp làm căng da với độ chảy xệ vừa phải mà không cần làm phẫu thuật. Ngoài ra cần kể đến thời gian hồi phục nhanh chóng, đem lại nhiều tiện lợi cho bệnh nhân.
Tuy nhiên kỹ thuật này vẫn đang không ngừng cải thiện để khắc phục những mặt hạn chế của chính nó. Kinh nghiệm sử dụng công cụ hút mỡ hỗ trợ laser của bác sĩ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và biến chứng sau phẫu thuật. Chính vì vậy việc chọn đúng bác sĩ là yếu tố tối quan trọng nếu muốn một ca phẫu thuật vừa thành công vừa an toàn. Chúng tôi khuyên bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ về chứng chỉ, bằng cấp của bác sĩ, đánh giá của bệnh nhân và thời gian bác sĩ đã sử dụng công nghệ này, cũng như uy tín của cơ sở làm phẫu thuật thẩm mỹ, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.