Nguyên Nhân Gây Rụng Lông Mày Và Cách Điều Trị

4 năm trước 21

Giống như tóc, lông mày cũng có thể bị rụng và thưa đi hoặc ngừng phát triển. Bạn có thể gặp phải vấn đề này vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân gây rụng lông mày và các phương pháp điều trị.

Nguyên nhân rụng lông mày

Nếu một hoặc cả hai bên chân mày đều bị thưa thì đó có thể là do nhiễm trùng, vấn đề về da, thay đổi nội tiết tố hoặc hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Bên cạnh đó, thiếu hụt dinh dưỡng, tổn thương hoặc căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến độ dày của chân mày.

Chỉ khi xác định được nguyên nhân thì mới có thể tìm ra phương pháp điều trị thích hợp để giúp ngăn ngừa, đảo ngược hoặc giảm thiểu tình trạng rụng lông mày.

Rụng lông từng vùng

Rụng lông từng vùng hay từng mảng (alopecia areata) là một bệnh tự miễn mà khi mắc phải, hệ miễn dịch nhận nhầm một phần cơ thể là kẻ thù và bắt đầu tấn công. Khi bị rụng lông từng vùng, hệ miễn dịch nhắm vào các nang lông, làm chậm hoặc tạm ngừng quá trình mọc lông.

Có một số dạng rụng lông/tóc khác nhau như:

  • Rụng lông/tóc từng vùng: gây ra những mảng rụng ngẫu nhiên.
  • Rụng lông tóc toàn thể (alopecia universalis) là tình trạng lông, tóc rụng trên toàn cơ thể.
  • Rụng lông/tóc xơ hóa trước trán: gây hình thành sẹo ở da đầu, dẫn đến hói và rụng lông mày.
  • Rụng lông/tóc cũng có thể ảnh hưởng đến cả móng tay và móng chân.

Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Cơ thể con người cần các chất dinh dưỡng, bao gồm các chất cung cấp năng lượng (như carbohydrate, protein, chất béo), axit amin và axit béo, vitamin và khoáng chất. Một số trong những chất dinh dưỡng này có tác dụng duy trì và ảnh hưởng đến sự phát triển của lông/tóc, do đó, sự thiếu hụt bất kỳ chất nào trong số này đều có thể gây ra rụng lông mày hay rụng tóc.

Việc thiếu hụt vitamin A hoặc kẽm có thể làm chậm sự phát triển của tế bào và cản trở quá trình sản xuất bã nhờn (dầu) trong da. Một số sự thiếu hụt khác cũng có thể gây rụng lông/tóc còn có:

  • Thiếu hụt biotin (vitamin B7)
  • Thiếu hụt vitamin C (ảnh hưởng đến sự sản sinh phát triển collagen)
  • Thiếu sắt
  • Thiếu vitamin E, B12 và vitamin D
  • Thiếu cystein
  • Thiếu hụt axit béo omega-3

Bệnh chàm (viêm da cơ địa)

Bệnh chàm hay viêm da cơ địa là một tình trạng viêm da gây ngứa, đỏ, chảy nước và kích ứng. Bệnh này là do hệ miễn dịch nhạy cảm quá mức và có thể xảy ra dưới dạng bùng phát một lần hoặc mãn tính trong thời gian dài.

Vì các nang lông nằm bên trong da nên bệnh chàm có thể cản trở sự phát triển của lông.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn mà trong đó các tế bào da phát triển, nhân lên với tốc độ nhanh đến mức hình thành nên những vảy da dày, đỏ và gây đau. Điều này cản trở hoạt động của các nang lông và ngăn chặn sự mọc lông.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là một vấn đề về da do tiếp xúc với các chất độc hại, chất gây dị ứng hoặc chất kích thích. Người bị viêm da tiếp xúc thường cảm thấy ngứa hoặc có cảm giác nóng rát. Nếu bệnh này xảy ra ở vùng gần lông mày thì tình trạng viêm có thể ức chế sự phát triển của lông.

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã thường là một vấn đề diễn ra liên tục. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra vấn đề này là do một loại nấm hoặc do tuyến bã nhờn sản xuất quá nhiều dầu bên trong da. Viêm da tiết bã thường có biểu hiện là nhiều gàu, ngay cả ở lông mày.

Hắc lào

Hắc lào hay bệnh lác đồng tiền gây ra các mảng da đỏ, ngứa, lồi lên, có dạng hình tròn kèm theo hiện tượng rỉ nước và mụn nước. Khi những mảng da này xuất hiện ở lông mày thì sẽ gây rụng lông và tạo nên một mảng không có lông.

Vấn đề về tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp là một nguyên nhân phổ biến gây rụng lông mày và rụng tóc. Tuyến giáp là nơi sản xuất các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất.

Khi tuyến này sản xuất quá nhiều (cường giáp) hoặc quá ít hormone (suy giáp), cơ thể sẽ mất cân bằng và một số quá trình bình thường sẽ bị gián đoạn, bao gồm cả sự phát triển của lông/tóc.

Suy giáp thường có biểu hiện là cơ thể mệt mỏi, tăng cân và hội chứng sương mù não, trong khi những người mắc bệnh cường giáp thì lại thường có triệu chứng là tim đập nhanh, mắt lồi và sụt cân.

Cả hai loại bệnh tuyến giáp này đều gây rụng lông mày. Cụ thể, khi mắc bệnh suy giáp, bệnh nhân thường bị rụng lông mày ở một phần bên ngoài (phần đuôi chân mày gần với tai).

Các triệu chứng khác của bệnh về tuyến giáp còn có:

  • Da khô, nhợt nhạt hoặc da ẩm, mịn như nhung
  • Sưng ở cổ
  • Tóc khô và dễ gãy
  • Da đầu khô, ngứa
  • Móng dày, khô, giòn
  • Tình trạng rụng tóc/lông do bệnh tuyến giáp thường chỉ là tạm thời và sẽ mọc trở lại khi chức năng tuyến giáp về lại mức bình thường.

Bệnh Hansen

Bệnh Hansen hay bệnh phong là do vi khuẩn gây ra và có biểu hiện là những vết loét trên da. Bệnh phong thể u (lepromatous leprosy) thường gây tổn thương và rụng lông khắp nơi trên cơ thể, tê và yếu chi.

Căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng là một nguyên nhân dẫn đến những thay đổi sinh lý, ví dụ như làm giảm lượng oxy đến các nang lông và gây thay đổi nội tiết tố, góp phần gây rụng lông mày.

Mang thai và sinh nở

Mang thai và sinh nở là những giai đoạn ảnh hưởng đến nội tiết tố và các khía cạnh sinh hóa khác của cơ thể. Những thay đổi này có thể gây xáo trộn chu kỳ tăng trưởng tóc/lông và gây ra rụng lông.

Rụng lông TE

Rụng tóc/lông TE hay telogen (telogen effluvium) là tình trạng rụng lông bất thường xảy ra khi chu kỳ phát triển bình thường của tóc/lông bị gián đoạn do nội tiết tố hoặc những thay đổi khác trong cơ thể.

Sự lão hóa

Cả nam giới và phụ nữ đều sẽ gặp phải hiện tượng tóc và lông ở nhiều vùng trên cơ thể mỏng đi từ độ tuổi 40 vì đây là lúc mà nồng độ estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới giảm dần.

Nhổ lông hoặc dùng hóa chất gây hại

Việc nhổ lông mày liên tục sẽ gây ra tổn thương cho nang lông và cuối cùng lông có thể ngừng mọc ở những vị trí này. Ngoài ra, việc sử dụng những hóa chất gây hại ví dụ như mỹ phẩm trang điểm hay thuốc nhuộm kém chất lượng trong thời gian dài cũng có thể gây ra vấn đề tương tự.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách dùng hóa chất ngăn chặn tất cả những tế bào đang phân chia nhanh chóng trong cơ thể và bao gồm cả nang lông. Đó là lý do tại sao nhiều người bị rụng tóc/lông trong thời gian điều trị bằng phương pháp này.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có đi kèm tác dụng phụ tiềm ẩn là gây rụng tóc/lông. Một số ví dụ về những loại thuốc này gồm có:

  • Acitretin - một loại retinoid được sử dụng để điều trị các vấn đề về da như bệnh vẩy nến.
  • Valproic acid - một loại thuốc điều trị động kinh và rối loạn lưỡng cực.

Do bệnh di truyền

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng một số bệnh di truyền có thể dẫn đến rụng lông mày. Những bệnh này gồm có:

  • Chứng loạn sản da: Đây là một nhóm các vấn đề ảnh hưởng đến da, tóc, móng và răng. Chứng bệnh này gây tình trạng rụng và thưa tóc, lông mày, lông mi và lông ở các vùng cơ thể khác.
  • Hội chứng Netherton: Đây là hội chứng ảnh hưởng đến da, tóc và hệ miễn dịch. Chứng bệnh này có thể khiến tóc/lông yếu và dễ gãy. Hội chứng Netherton thường hiện diện ngay từ khi sinh ra.

Nguyên nhân khác

Những nguyên nhân ít phổ biến khác gây rụng lông mày còn có:

  • Xạ trị
  • Bệnh amyloidosis
  • Bệnh sarcoid
  • Bỏng hóa chất
  • Tổn thương da
  • Lupus ban đỏ dạng đĩa
  • Hội chứng nghiện giật lông
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy
  • Bệnh u sùi dạng nấm
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy
  • Bệnh giang mai

Điều trị rụng lông mày

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây rụng lông mày mà sẽ cần điều trị bằng các phương pháp dưới đây:

  • Minoxidil (Rogaine): đây là loại thuốc bôi không kê đơn với công dụng điều trị nội tiết, dành cho cả nam và nữ. Thuốc này có tác dụng khôi phục lại sự tăng trưởng bị ức chế do nội tiết tố và phát huy hiệu quả sau thời gian vài tháng sử dụng.
  • Corticosteroid dạng bôi, tiêm hoặc dạng viên uống: được dùng để điều trị rụng tóc/lông từng vùng, bệnh chàm, viêm da hoặc bệnh vẩy nến bằng cách giảm viêm và đáp ứng miễn dịch.
  • Châm cứu: Phương pháp này có thể cải thiện tình trạng rụng lông/tóc từng vùng bằng cách làm giảm sự tấn công của hệ miễn dịch lên nang lông và kích thích lưu thông máu.
  • Dầu thầu dầu: là một biện pháp điều trị tự nhiên, lâu dài để kích thích sự mọc lông/tóc. Các chất trong dầu thầu dầu tác động lên một số hormone trong cơ thể và có thể kích thích các nang lông/tóc.
  • Anthralin: thường được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến, anthralin là một chất chống viêm và dẫn xuất tự nhiên của anthraquinon. Thuốc này thường được chỉ định cho những người bị rụng lông mày do phản ứng viêm.
  • Bổ sung dinh dưỡng bằng các loại viên uống bổ sung chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và axit béo omega-6. Phương pháp này có hiệu quả chống rụng lông/tóc ở cả phụ nữ và nam giới.
  • Đối với các trường hợp mà nguyên nhân gây rụng lông là do sự rối loạn hormone thì cần điều trị bằng các loại thuốc kê đơn ví dụ như hormone kích thích tuyến giáp, estrogen hoặc testosterone.
  • Phục hồi bằng phương pháp cấy lông mày: Cũng tương tự như phương pháp cấy tóc, quy trình này được thực hiện bằng cách lấy một mảng da ở một vị trí có nhiều lông và cấy các nang lông vào vùng lông mày bị thưa.
  • Bimatoprost (Latisse): thường được sử dụng để điều trị rụng tóc/lông kiểu TE nhưng cũng có thể dùng cho các dạng rụng tóc/lông khác bằng cách kéo dài chu kỳ phát triển của lông để lông có thời gian mọc dài hơn. Thuốc này còn có tác dụng kích thích mọc lông mi nhưng hiện Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA vẫn chưa chính thức phê chuẩn mục đích sử dụng này.
  • Ngoài các phương pháp kể trên thì có thể chỉ đơn giản khắc phục lông mày thưa hay không có lông mày bằng cách dùng chì kẻ mày hàng ngày hoặc nếu muốn có kết quả lâu dài thì có thể phun xăm (vĩnh viễn) hoặc điêu khắc lông mày (bán vĩnh viễn).

Ngăn rụng lông mày

Đôi khi, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng rụng lông mày từ trước khi vấn đề xảy ra. Có thể đi khám bác sĩ và làm xét nghiệm máu để xác định xem bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ rụng tóc/lông nào hay không.

  • Cần bổ sung nhiều protein nạc, trái cây và rau củ trong chế độ ăn hàng ngày. Tìm cho mình những cách để thư giãn và giảm căng thẳng, chẳng hạn như mát xa hoặc ngồi thiền.
  • Không được nhổ lông mày hoặc sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất mạnh cho vùng lông mày. Nên bôi một chút Vaseline lên lông mày trước khi dùng thuốc tẩy tóc hoặc thuốc nhuộm, tretinoin (Retin -A), hydroquinone và axit glycolic.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy bắt đầu bị rụng lông mày thì nên đi khám để xác định nguyên nhân. Bác sĩ sẽ xác định chính xác các triệu chứng khác nếu có và làm các phương pháp xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân gốc rễ gây vấn đề rồi sau đó đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp.

Lời kết

Rụng lông mày có thể là do nhiều nguyên khác nhau gây nên, bao gồm nội tiết tố, bệnh tự miễn hoặc do tổn thương. Các lựa chọn điều trị gồm có dùng thuốc, các sản phẩm dạng bôi cho đến các liệu pháp thay thế và thủ thuật thẩm mỹ.

>>> Tham khảo: Các kiểu tóc đẹp dành cho tóc dài

Đọc toàn bộ bài viết