Nhiễm trùng sau nâng mông bằng mỡ tự thân

4 năm trước 24

Nhiễm trùng là một biến chứng có thể xảy ra sau bất kỳ quy trình phẫu thuật nào, trong đó bao gồm cả nâng mông bằng mỡ tự thân (BBL).

Và đây là một vấn đề thực sự khó có thể tránh khỏi hoàn toàn ngay cả khi bệnh nhân được thực hiện bởi một bác sĩ đầy đủ trình độ chuyên môn và phòng phẫu thuật, trang thiết bị hay quy trình thực hiện đảm bảo vô trùng tuyệt đối.

Theo các báo cáo, bệnh nhân cấy mỡ số lượng càng lớn thì tỉ lệ nhiễm trùng hoặc xảy ra các biến chứng khác càng cao hơn (>1000cc/mỗi bên mông). Cũng theo các báo cáo, tỉ lệ nhiễm trùng ở vùng hút mỡ trong quy trình nâng mông bằng mỡ tự thân rất thấp, lý do là vì vi khuẩn thường không sống tốt ở môi trường nhiều chất béo. Đây cũng chính là lý do mà dầu ăn thường không cần để trong tủ lạnh và có hạn sử dụng lâu. Ngoài ra trong quá trình hút mỡ chất lỏng và mô liên tục được loại bỏ nên bất kỳ vi khuẩn tiềm ẩn nào đi vào qua da hoặc lỗ chân lông trên da đều có thể bị loại bỏ trở lại.

Nhưng ở vùng cấy mỡ thì lại ngược lại: mỡ được đưa vào và ở lại bên trong mô mông luôn. Cơ thể chúng ta thường ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập rất hiệu quả với hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên để hệ miễn dịch hoặc kháng sinh hoạt động thì cần có một nguồn cung cấp máu tích cực đến những vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng. Trong khi đó, mỡ được thu lấy trong quá trình hút mỡ và cấy vào thì lại chưa có nguồn cung cấp máu, do đó những tế nào mỡ cấy này được coi là một nơi ẩn náu lý tưởng cho vi khuẩn mà hệ miễn dịch hay kháng sinh không thể tiếp cận được. Hơn nữa một lượng mỡ cấy qua thời gian không thể có được nguồn cung cấp máu thì sẽ không thể tồn tại và bị hoại tử. Mô hoại tử cũng lại chính là nơi trú ẩn tuyệt vời của vi khuẩn và là nơi nhiễm trùng có thể bùng phát mà hệ miễn dịch không thể kiểm soát được. Chưa kể mỡ cấy thường được tiêm sâu vào xuống dưới da, thậm chí là dưới cơ, điều này khiến cho việc phát hiện nhiễm trùng sớm càng trở nên khó khăn hơn.

Nhiễm trùng sau cấy mỡ mông thường xảy ra sớm, khoảng 2 – 3 tuần sau phẫu thuật hoặc trong vài tháng đầu và thường có các biểu hiện như: vùng mông nóng, tấy đỏ, sưng, đau tăng, thậm chí chảy dịch, có mủ, hoặc bệnh nhân bị sốt, ớn lạnh. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chọn các giải pháp xử lý khác nhau.

3

4

2

5Một số hình ảnh mông nhiễm trùng sau cấy mỡ

Nguyên nhân gây nhiễm trùng sau cấy mỡ mông

Nhiễm trùng ở các bệnh nhân cấy mỡ mông có thể do nhiều các yếu tố khác nhau bao gồm: 

  • Do các vị trí vết rạch để đưa mỡ vào nằm gần vùng hậu môn, trực tràng, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị lây lan vi khuẩn từ các vùng này. Chưa kể những vết rạch trên mông này mặc dù nhỏ nhưng thường được để hở để chất lỏng thoát ra. Mặc dù điều này giúp tạo kết quả tốt nhất có thể nhưng vết thương hở bao giờ cũng dễ bị nhiễm trùng hơn so với vết thương kín.
  • Do các giai đoạn thu lấy, chuẩn bị và cấy mỡ không đảm bảo vô trùng
  • Do đưa một lượng mỡ quá lớn vào mông và/hoặc cấy một lượng quá lớn vào cùng một vị trí gây chèn ép, áp lực, khiến các tế bào mỡ khó có được nguồn máu nuôi và bị hoại tử nhưng cơ thể không kịp hấp thụ đi, gây ra tình trạng nhiễm trùng. Mô hoại tử chính là nơi trú ẩn tuyệt vời của vi khuẩn.
  • Do da ở vị trí cấy mỡ bị tổn thương trong quá trình tiêm cấy mỡ dẫn đến giảm khả năng trong vai trò làm hàng rào ngăn chặn vi khuẩn
  • Do bệnh nhân chăm sóc hậu phẫu không tốt, vệ sinh kém hoặc gây áp lực đến vùng mông sớm. Việc gây áp lực có thể làm giảm khả năng sống sót của mô mỡ cấy, dẫn đến nguy cơ hoại tử mỡ và nhiễm trùng càng cao hơn.

Các biện pháp xử lý nhiễm trùng sau cấy mỡ mông

Tùy từng tình trạng và dấu hiệu nhiễm trùng mà bác sĩ có thể xử lý khác nhau. Nếu bệnh nhân chỉ mới có biểu hiện tấy đỏ, sưng, đau bất thường thì chỉ cần điều trị bằng cách uống hoặc tiêm kháng sinh. Một số trường hợp nặng hơn đôi khi cũng cần lấy dịch, nuôi cấy để tìm vi khuẩn gây bệnh, qua đó lựa chọn được loại kháng sinh phù hợp nhất cho bệnh nhân.

6Bệnh nhân bị nhiễm trùng nghiêm trọng và được rạch da, dẫn lưu dịch mủ

Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, xuất hiện ổ áp xe, tấy đỏ, chảy dịch mủ thì ngoài dùng kháng sinh cũng bắt buộc phải rạch da để dẫn lưu dịch mủ. Một khối áp xe (hay một tổ chức viêm nhiễm) tuyệt đối không được chọc hút mà phải được phẫu thuật để dẫn lưu ra, điều này sẽ giúp ngăn ngừa tối đa nguy cơ lây lan vi khuẩn.

Sau khi rạch da và dẫn lưu có thể sẽ gây biến dạng đường viền mông nếu ổ nhiễm trùng ở vị trí sâu dưới da (xa bề mặt da). Ngoài ra các vết rạch để dẫn lưu dịch nhiễm trùng cũng không thể được khâu lại mà thường cần để hở. Điều này có thể sẽ để lại sẹo và gây biến dạng đường viền. Tuy nhiên, dù là vấn đề gì thì việc xử lý triệt để nhiễm trùng, loại bỏ ổ viêm, áp xe cho bệnh nhân là điều cần ưu tiên trước tiên. Các vấn đề sau đó đều có hướng giải quyết. Ví dụ, bệnh nhân có thể cấy mỡ lại hoặc đặt túi độn mông để cải thiện đường viền mông, hoặc sử dụng các liệu pháp laser để làm mờ, giảm sẹo.

Làm gì để ngăn ngừa nhiễm trùng sau nâng mông bằng mỡ tự thân?

Có một số tình trạng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Chẳng hạn như hút thuốc làm chậm quá trình lành thương và tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng khác bao gồm cả nhiễm trùng. Hay bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và bệnh nhân mắc bệnh này cũng thường có nhiều khả năng bị nhiễm trùng sau phẫu thuật hơn. Hay chế độ dinh dưỡng kém trước và sau phẫu thuật làm ảnh hưởng đến quá trình lành thương cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy bệnh nhân cần tuyệt đối ngừng thuốc trước và sau phẫu thuật 6 tuần, khai báo rõ lịch sử y tế, các bệnh lý nền nếu có cho bác sĩ, và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh. 

Khi chuẩn bị cấy mỡ nâng mông, mỡ cấy cũng luôn phải được rửa sạch bằng nước muối và tưới/ngâm dung dịch kháng sinh để đảm bảo tuyệt đối vô trùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần áp dụng kỹ thuật tiêm vi giọt để giúp tăng cơ hội tiếp cận được nguồn cung cấp máu và khả năng tồn tại cho các tế bào mỡ cấy. Nếu mỡ cấy không có được nguồn máu nuôi, và không thể tồn tại chúng sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng nếu không được cơ thể hấp thụ nhanh chóng. Sau phẫu thuật, chườm lạnh tích cực vùng mông cũng là một cách giúp giảm quá trình trao đổi chất của các tế bào mỡ cấy, qua đó chúng sẽ có thêm thời gian sống cần thiết để phát triển nguồn máu nuôi cho mình và đạt tỉ lệ sống sót cao hơn ở mông.

Và cuối cùng, chăm sóc kỹ vùng mông cũng như các vị trí cấy mỡ vào là yếu tố không thể thiếu để ngăn ngừa nhiễm trùng thành công: Cần giữ các đường rạch luôn sạch sẽ, khô ráo; Vệ sinh đúng cách sau khi đi đại, tiểu tiện để tránh nguy cơ lây lan vi khuẩn lên các vị trí vết rạch; và đảm bảo duy trì uống kháng sinh đầy đủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nhìn chung, nhiễm trùng sau BBL ít liên quan đến các yếu tố vô trùng, mà thường liên quan đến kỹ thuật thu lấy mỡ cấy cũng như kỹ thuật tiêm mỡ vào. Lượng mỡ cấy tiêm vào và vị trí đặt mỡ tốt nhất có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ hoại tử mỡ cũng như nhiễm trùng sau phẫu thuật. Vì vậy, để tránh nguy cơ này, hãy đảm bảo bạn được thực hiện bởi một bác sĩ có đầy đủ chứng nhận và giàu kinh nghiệm thực hiện cấy mỡ mông.

Đọc toàn bộ bài viết