Nhiễm trùng là một trong những biến chứng hoàn toàn có thể xảy ra sau bất kỳ ca phẫu thuật nào, và nâng mũi cũng không phải ngoại lệ.
Việc đưa một vật liệu độn bên ngoài vào mũi sẽ tiềm ẩn rất nhiều quy cơ gây viêm nhiễm nếu mọi thao tác không được đảm bảo.
Nhiễm trùng có thể xảy ra sớm hoặc muộn ngay cả sau nhiều năm phẫu thuật và nếu sau khi phát hiện không được điều trị, can thiệp luôn thì có thể dẫn đến các biến chứng phức tạp hơn như co thắt bao xơ (mũi co rút), tụt sụn hoặc thậm chí là lòi sụn nâng mũi.
Dấu hiệu nhiễm trùng mũi sau nâng
Trong nâng mũi, vật liệu nhân tạo thường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với vật liệu tự thân và một khi đã bị nhiễm trùng thì thường xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
Tấy đỏ, sưng bầm
Đây được coi là những dấu hiệu nhẹ, nếu xảy ra ngay sau phẫu thuật, thì thường không đáng lo ngại vì nguyên nhân là do mô mũi bị tác động trong quá trình phẫu thuật nên sẽ có biểu hiện sưng viêm. Tình trạng này thường sẽ hết sau 2 – 7 ngày. Tuy nhiên nếu kéo dài dai dẳng thì bạn cần đến bác sĩ kiểm tra vì rất có thể đã bị nhiễm trùng.
Chảy dịch mủ
Tình trạng chảy dịch mủ thậm chí chảy máu, kéo theo cả mưng mủ, dịch có mùi hôi, đau nhức, gây khó chịu là những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy mũi đã bị nhiễm trùng sau nâng. Máu và mủ chỉ chảy ra khi vết thương trước đó được băng bó không đúng cách hoặc nhiễm trùng do phẫu thuật không sát khuẩn an toàn dẫn đến việc xâm nhập của các vi khuẩn có hại.
Những miếng độn đã gây chảy mủ thường là không thể cứu vãn được nữa và nên được loại bỏ. Nếu trì hoãn có thể khiến cấu trúc mũi bị ảnh hưởng, biến dạng nặng nề hơn.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng sau nâng mũi
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sử dụng sụn nhân tạo kém chất lượng, quá trình thao tác trong khi phẫu thuật không đảm bảo các nguyên tắc tiệt trùng, vô trùng hoặc bác sĩ tay nghề kém, bóc tách sâu, gây tổn thương mô, chảy máu và tụ máu. Tụ máu là một biến chứng nghiêm trọng bởi nếu không điều trị triệt để sẽ kéo theo tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Vị trí miếng độn cũng có thể bị thay đổi do khối máu tụ.
Khử trùng triệt để vùng phẫu thuật là thao tác cần thiết để giảm nhiễm trùng, nhất là ở vùng tiền đình mũi và lối vào khoang mũi. Trong quá trình phẫu thuật, quan trọng là không làm phá vỡ các rào cản tự nhiên như lớp màng nhầy ở mũi. Bên cạnh đó, thời gian phẫu thuật kéo dài cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến mô và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, có một nguyên nhân có thể dẫn đến nhiễm trùng mà rất ít người lưu ý tới, đó là phẫu thuật nâng mũi được thực hiện kết hợp với phẫu thuật xoang, trong trường hợp viêm xoang có mủ. Vi khuẩn gây xoang mũi có thể xâm lấn vào vùng phẫu thuật nâng mũi và gây nhiễm trùng về sau. Đây cũng chính là lý do bệnh nhân khi mắc phải một số loại viêm xoang đặc biệt thì không nên kết hợp phẫu thuật xoang trong quá trình nâng mũi.
Ngoài các yếu tố trên thì việc chăm sóc hậu phẫu không tốt của bệnh nhân cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng mũi.
Cách xử lý nhiễm trùng sau nâng mũi
Tùy từng tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có các hướng điều trị khác nhau. Nếu bệnh nhân chỉ bị tấy đỏ và sưng nề thì có thể điều trị bằng kháng sinh. Viêm tái phát gây tấy đỏ mô và sưng trong giai đoạn đầu hậu phẫu thực ra không phải hiếm gặp. Người ta thường vội vàng khuyến nghị nên loại bỏ vật liệu độn, nhưng thực tế cần xử lý các biến chứng sao cho phù hợp với tình trạng của từng cá nhân. Hoặc, trong một số trường hợp tụ máu muộn có thể bị chẩn đoán nhầm là sự thay đổi bất thường của viêm nhiễm, dẫn đến quyết định loại bỏ sụn nâng mũi, tuy nhiên vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách dùng kim tiêm hút khối tụ máu ra.
Mặc dù có thể điều trị bảo tồn bằng kháng sinh trong những trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng nhẹ như trên, nhưng bác sĩ cũng cần kiểm tra, cân nhắc thật kỹ lưỡng. Xét đến mọi yếu tố xem có cần phải gỡ bỏ vật liệu độn không, vì nếu tình trạng viêm tái đi tái lại thường xuyên thì sẽ dẫn đến co thắt bao xơ.
Theo một số bác sĩ, việc loại bỏ vật liệu độn ở giai đoạn nhiễm trùng sớm được coi là việc làm khôn ngoan hơn là chờ kiểm soát tình trạng bằng kháng sinh. Vì kháng sinh hiếm khi có thể giải quyết được triệt để vấn đề và viêm nhiễm thường dễ bị tái phát.
Ở những trường hợp nhiễm trùng nặng với các dấu hiệu như chảy dịch mũ, mô da sưng tấy nặng thường các bác sĩ sẽ yêu cầu tháo bỏ vật liệu độn cũng như mô hoại tử xung quanh, sau đó tiến hành tưới mũi với dung dịch dịch kháng sinh, khâu lại vết rạch và chờ điều trị trong một thời gian cho ổn định hẳn rồi mới nâng lại mũi bằng sụn tự thân. Nên chờ ít nhất 6 tháng đến 1 năm sau khi gỡ bỏ miếng độn này để vấn đề được giải quyết hoàn toàn rồi mới tiến hành tái tạo mũi lại.
Cách tránh và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau nâng mũi
Nhiễm trùng là một vấn đề nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể tránh được. Do đó, cần đảm bảo sát trùng kỹ các vùng phẫu thuật bao gồm vùng tiền đình mũi và khoang mũi. Chú ý sử dụng các kỹ thuật không gây chấn thương để tránh làm rách niêm mạc mũi, tổn thương mô mũi gây chảy máu và nhiễm trùng. Nên rút ngắn thời gian phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Vật liệu độn bắt buộc phải được ngâm trong dung dịch sát trùng trước và sau bất kỳ thao tác nào.
Ngoài ra cần đảm bảo điều trị bằng kháng sinh dự phòng trước và sau phẫu thuật, trong quá trình phẫu thuật thì nên tưới khoang chứa bằng kháng sinh. Bác sĩ cũng cần lưu ý dùng riêng các dụng cụ được sử dụng trong khoang mũi với những dụng cụ được sử dụng trong khoang bóc tách đặt vật liệu độn để đảm bảo điều kiện vô trùng tuyệt đối. Khoang chứa nên bóc tách nằm ở vị trí dưới màng xương, vì lớp màng này có thể đóng vai trò là hàng rào tự nhiên giúp bảo vệ vật liệu độn tránh nhiễm trùng.