Theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 11 nhóm ngành được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm gồm: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất khẩu phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ…
Vấn đề được đặt ra là làm sao gói hỗ trợ đến với những doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn nhiều nhất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Triển khai nhiều giải pháp để gói hỗ trợ đi vào thực tế
Ngày 27-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 92 hướng dẫn bốn nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh gồm: Giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021…
Tiếp sức kịp thời những doanh nghiệp khó khăn thì gói hỗ trợ lãi suất mới có hiệu quả. Ảnh: QH |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định: Chương trình phục hồi, hỗ trợ DN sau đại dịch đã phát huy hiệu quả nhất định. Chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp đã thể hiện tác dụng qua việc nhiều DN có dòng tiền, trả được nợ ngân hàng, có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay dư nợ, cơ cấu nợ, nhóm nợ trên địa bàn TP.HCM giảm khoảng 27% so với tháng 10-2021.
Đề nghị nới room tín dụng một số lĩnh vực
Theo phản ánh từ nhiều DN và ngân hàng thương mại, việc tiếp cận gói hỗ trợ đang gặp những vướng mắc sau: Do việc kiểm soát hạn mức (room) tín dụng nên một số khoản vay của các DN đã đáp ứng được điều kiện vay nhưng chưa thể giải quyết, chưa thể giải ngân.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị ngành ngân hàng không giới hạn room tín dụng với DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo… vì có sự an toàn cao hơn so với nhiều lĩnh vực khác.
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban quản lýcác khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, để thực hiện chương trình hỗ trợ 2% lãi suất, NHNN đã triển khai cho các ngân hàng thương mại nắm bắt, hướng dẫn xây dựng quy trình, tập huấn trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN cũng đang triển khai chương trình kết nối DN, phổ biến cho DN và yêu cầu các ngân hàng thương mại tư vấn, thông báo để khách hàng nắm bắt, tiếp cận.
Việc tổ chức được thực hiện qua hai kênh: Một là phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện để nắm bắt thông tin phản ánh của DN, hiệp hội DN, từ đó chỉ đạo kịp thời giải quyết nhu cầu. Hai là thông qua trang web, đường dây nóng của NHNN để tiếp nhận thông tin phản ánh của DN và xử lý.
Nhu cầu hỗ trợ vốn cao
Tuy các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN nhưng hiện tại nhu cầu cần hỗ trợ vốn và giảm chi phí đầu vào để hồi phục sản xuất, kinh doanh của DN vẫn cao. Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết: Qua khảo sát sơ bộ cho thấy có khoảng 10% DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP có nhu cầu được vay từ gói hỗ trợ 2% lãi suất.
Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều DN phản ánh là: Theo quy định, để tiếp cận hỗ trợ, DN phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm… Thế nhưng rất nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cần hỗ trợ gần như không thể đáp ứng các yêu cầu này.
Như vậy, nếu ngành ngân hàng cứ cứng nhắc đưa ra tiêu chí khắt khe thì sẽ không nhiều DN đang gặp khó khăn có cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ. Chưa kể thời gian hỗ trợ hai năm là quá ngắn, đặc biệt với lĩnh vực đầu tư nhà ở. Với khoảng thời gian đó, có thể xảy ra tình trạng DN chưa kịp thực hiện xong thủ tục vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực.
Không chỉ vậy, hồi đầu năm 2022, NHNN đã đưa ra định hướng tín dụng tăng khoảng 14% nhưng đến nay chưa hết năm tháng đầu năm, các ngân hàng đã sử dụng quá nửa chỉ tiêu tín dụng của cả năm. Chính vì thế, hàng loạt ngân hàng đã kiến nghị được nới hạn mức (room) tín dụng để có thêm vốn đáp ứng nhu cầu của DN và có thể thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chia sẻ: “Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN phân bổ từ đầu năm. Hiện nhu cầu nới room của các ngân hàng là rất lớn, cộng thêm việc triển khai gói hỗ trợ thì nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhiều hơn. Để nới room tăng trưởng tín dụng, cần kiểm soát chất lượng các khoản vay và tính toán lượng cung tiền sao cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo kiểm soát lạm phát”.
Giải quyết tốt những bài toán trên thì những DN đang rất cần vay vốn với lãi suất thấp mới được tiếp sức kịp thời.
Ông PHẠM NGỌC HƯNG,Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:
Cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng
Nếu DN được vay hỗ trợ lãi suất trong thời điểm này thì rất quý. Tuy nhiên, nhiều DN muốn tiếp cận ngân hàng không dễ. Vì từ nghị định mới đến thông tư, đến hội sở ngân hàng, xuống đến chi nhánh, tới địa điểm giao dịch…
Hơn nữa, lãi suất giảm 2% nhưng điều kiện vay vẫn như trước đây. Vì vậy, rất nhiều DN không có lãi, không có tài sản thế chấp… thì không thể đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, các DN du lịch thường không có tài sản lớn, không có lãi nhưng lại cần vốn lưu động lớn.
Từ thực tế trên, tôi đề nghị nếu DN không đủ điều kiện hỗ trợ thì cần được bảo lãnh tín dụng. Chỉ cần xem phương án của DN có thể tạo ra dòng tiền trả nợ không, nếu phương án tốt thì cho vay. Cần thay đổi điều kiện cho vay một cách phù hợp và ngân hàng chịu trách nhiệm trong việc thẩm định này. Chẳng hạn, một DN mua thiết bị, qua thẩm định giá có thể cho thế chấp bằng chính thiết bị này.
Bà HÀ THỊ CẨM VÂN, Tổng giám đốc Công ty cổ phần
Thiên An Phú:
Nguồn vốn đang bị mắc kẹt
Năm 2021, một số ngân hàng không làm ân hạn cho khách hàng kịp, mặc dù đã tất toán các khoản vay, dẫn tới bị lưu vết và thành nợ xấu. Nếu bị lưu vết tới năm năm thì các ngân hàng từ chối tái cấp tín dụng cho DN vừa và nhỏ.
Thực tế, trong hoạt động DN, vốn lưu động thường bị kẹt trong các khoản bảo lãnh. Vòng quay vốn từ lúc ký hợp đồng, hoàn thành công việc đến lúc nhận được tiền nhanh nhất là 60 ngày. Vì thế, nếu không có sự trợ giúp, giảm lãi suất từ ngân hàng thì các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông LƯ NGUYỄN XUÂN VŨ,Tổng giám đốc Công ty cổ phần
Tập đoàn Xuân Nguyên:
Sẽ tạo nhiều việc làm nếu được hỗ trợ
Chúng tôi đã liên hệ với một số ngân hàng nhưng chưa được trả lời chắc chắn về việc cho vay theo gói hỗ trợ 2% lãi suất. Mặt khác, nhiều DN còn chưa rõ có thuộc diện hỗ trợ hay không, vì vậy ngành ngân hàng cần tăng cường hoạt động thông tin.
Nếu không có nguồn hỗ trợ này thì chúng tôi chỉ sản xuất ở mức độ cầm chừng. Nếu được vay ưu đãi, chúng tôi sẽ đầu tư máy móc, sản xuất thêm một số sản phẩm, làm thương hiệu, tạo việc làm cho người lao động và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
PHẠM CƯỜNG