Nhiều rào cản, doanh nghiệp gặp khó với thị trường nội địa

2 năm trước 42

(PLO)- Đẩy mạnh marketing, tháo gỡ thủ tục hành chính, vốn… để giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong thị trường nội địa.

Trong bảy tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 30,32 tỉ USD song lại giảm 7,7% so với tháng trước vì hàng loạt lý do và các doanh nghiệp (DN) đang tìm hướng đẩy mạnh thị trường nội địa nhưng có nhiều rào cản cho các sản phẩm ngay trên sân nhà.

 THU HÀ

Dù đánh giá thị trường nội địa đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó ở ngay sân nhà. Trong ảnh: Doanh nghiệp sản xuất trái cây để xuất khẩu đi châu Âu. Ảnh: THU HÀ

Doanh nghiệp loay hoay đá sân nhà

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, đánh giá thị trường trong nước vốn rất nhiều tiềm năng nhưng thực tế làm hàng nội địa vất vả hơn nhiều so với xuất khẩu.

Ông dẫn chứng: Một số quy định về an toàn thực phẩm Việt Nam đang áp dụng không phù hợp với thế giới, chính sách để đưa hàng vào chuỗi bán lẻ còn phức tạp, gánh nhiều chi phí, chi phí mặt bằng, marketing, lòng tin của người tiêu dùng.

“DN xuất khẩu phải đạt những tiêu chuẩn cao trong sản xuất và khi tiêu thụ trong nước, sản phẩm bị lẫn với các sản phẩm cùng nguồn gốc nguyên liệu, giá thành rẻ, chất lượng không ngang bằng nhưng người tiêu dùng thì không nhận ra” - ông Tùng chia sẻ.

Chưa hết, trong nhiều năm trở lại đây, ở đâu cũng gặp các thuật ngữ hàng sạch, hàng hữu cơ, hàng organic nhưng người tiêu dùng không có công cụ truy xuất nguồn gốc… khiến sản phẩm đạt chất lượng quốc tế thành sản phẩm bình thường trong mắt người mua.

DN nên dùng lợi thế từ việc hàng hóa của họ đã chinh phục các thị trường Pháp, Mỹ, Nhật, Canada để người dân biết chất lượng sản phẩm, thuyết phục khách hàng.

“Hàng chất lượng cao dễ bị trộn lẫn với hàng hóa kém chất lượng khiến DN ngại đầu tư vào nội địa. Do đó, cơ quan chức năng cần quản lý chặt đầu ra, truy xuất nguồn gốc, các chứng nhận, tiêu chuẩn hàng hóa trong các cửa hàng thực phẩm, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đẩy nhanh hoặc rút ngắn thời gian đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm… cho DN, để DN được cạnh tranh công bằng trên sân nhà” - ông Tùng bày tỏ.

Theo ông Tùng, muốn làm tốt thị trường nội địa thì niềm tin của người tiêu dùng rất quan trọng. DN nên dùng lợi thế từ việc hàng hóa của họ đã chinh phục các thị trường Pháp, Mỹ, Nhật, Canada để người dân biết rằng sản phẩm của mình chất lượng ra sao. Từ đó có tính toán các chi phí bán sản phẩm cho phù hợp với từng phân khúc khách hàng.

Còn ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh, thừa nhận áp lực từ chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc khiến việc tiếp cận thị trường trong nước có phần hụt hơi.

Ông Toàn đánh giá: “Khi làm xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực organic thì quy chuẩn sản xuất rất cao, phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế nên giá thành sản phẩm cao hơn. Khi tiêu thụ nội địa, phải vất vả để tuyên truyền sự khác biệt sản phẩm, chống bán phá giá. Cái khó nhất của thị trường nội địa là niềm tin, nhận thức về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa của người tiêu dùng là rất quan trọng”.

Ông Toàn cũng đánh giá trên thực tế các sản phẩm nội địa nói chung không thua sản phẩm ngoại ở chất lượng nhưng thua về độ phủ thương hiệu lên nhận thức của người tiêu dùng. Điều này cũng là trăn trở của ông Tùng khi nhận ra hiện nay các sản phẩm bán trong nước vẫn chưa được đầu tư về hình ảnh, truyền thông, nhất là các DN vừa và nhỏ dù sản phẩm của họ rất tốt.

“Nếu như có chính sách hỗ trợ vấn đề này thì hàng Việt chắc chắn sẽ có độ phủ lớn trong lòng người tiêu dùng. Chính vì thế, để DN mặn mà với nội địa, theo tôi cần có sự chung tay của các tỉnh, TP trong việc tăng cường hỗ trợ DN, hợp tác xã… chuẩn hóa đầu ra sản phẩm như các chứng chỉ, khoa học kỹ thuật, tư vấn truyền thông sản phẩm để lấy lại niềm tin người tiêu dùng” - ông Tùng nói.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn, cho rằng nạn hàng gian, hàng giả khiến DN mệt mỏi với thị trường nội địa…

Xuất khẩu khó khăn hơn

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái… sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của việt Nam.

Giá nguyên liệu trong chuỗi cung ứng đẩy lên “bậc thang mới” kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero-COVID”, lệnh cấm vận thương mại giữa Nga và các nước châu Âu… khiến giá thành sản xuất phi mã ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam.

Ngoại tệ giảm sụt so với đồng USD khiến giá thành sản xuất, chi phí nhân công tại một số quốc gia rẻ hơn và họ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam trong việc thu hút những đơn đặt hàng quốc tế…

Những sức ép trên đã tạo đà cho các DN có xu hướng quy về tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa.

Cần làm mới những điều đã cũ

Đánh giá về thị trường nội địa, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tich Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, cho biết sau dịch COVID-19, thị trường trong nước không còn bao dung nữa, không còn thời gian chờ, mọi thứ đều bị ép vào thay đổi, sức chịu đựng của người tiêu dùng không còn nữa …

“Cơ chế chính sách thiếu chiến lược, sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước thiếu kết nối, nhiều khi còn không đúng điểm của DN cần, vừa tốn tiền, tốn sức lại không hiệu quả. Điều các DN cần ở đây là sự tháo gỡ thủ tục hành chính để các DN không mất nhiều thời gian trong phát triển sản phẩm” - bà Vân nhấn mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng thừa nhận thị trường nội địa với DN lẫn tiểu thương vẫn là bài toán không dễ giải quyết.

Về nông sản, chợ truyền thống là kênh phân phối chiếm tới 2/3 lượng hàng hóa sản xuất. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế trong việc áp dụng chuyển đổi số về hình thức bán hàng lẫn cách tiếp cận khách hàng, hỗ trợ các chi phí về mặt bằng, hỗ trợ vấn đề marketing… Cần nghiên cứu thay đổi cách tổ chức, bài trí gian hàng, giá cả rõ ràng hơn.

Với DN, ngoài chất lượng thì hình thức bán hàng, mẫu mã cũng cần đầu tư. Lâu nay chúng ta vẫn gặp cảnh nông sản Việt bị đổ đống, bán xả trên đất hoặc tại các quầy hàng trộn lẫn hàng tốt hàng xấu, hàng mới hàng cũ, thậm chí hàng bị hư hỏng. Cần thay đổi cách kinh doanh và trân trọng giá trị nông sản hơn.

Với nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, cần có một cơ chế ưu tiên phát triển lâu dài, chuẩn hóa về kỹ thuật, năng lực sản xuất, cũng như tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng thông qua việc mở rộng kênh tiêu thụ.•

Ông TRƯƠNG TIẾN DŨNG, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực và thực phẩm TP.HCM:

Hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ hệ thống phân phối

Muốn làm tốt thị trường nội địa, DN cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh và marketing.

Người tiêu dùng thường mua hoặc tin những sản phẩm đã được tuyên truyền, quen mắt, quen tai.

DN cần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ, đẩy mạnh liên kết vùng.

Cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, không gây mất cân đối giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Mặc dù Nhà nước đang có rất nhiều chính sách trong phát triển thị trường nội địa (sản phẩm địa phương, bảo hộ sở hữu trí tuệ, kìm hãm giá xăng dầu…) nhưng cũng cần hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hỗ trợ phát triển hạ tầng, hệ thống phân phối. Đồng thời đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, các DN chế biến, logistics, trong đó các cơ chế phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

.........

Bà LƯU HẠNH, Giám đốc truyền thông Lazada Việt Nam:

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 vào tiếp thị sản phẩm

Chúng tôi đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhà bán hàng địa phương lên sàn như gói hỗ trợ thúc đẩy doanh số; các chương trình hỗ trợ nhà bán hàng mới, các chương trình hợp tác với cơ quan, ban ngành nhằm đào tạo và hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành chuyển đổi số.

Lazada cũng xây dựng và mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics bền vững giúp giải quyết bài toán về chi phí cho nhà bán hàng, đồng thời nâng cao trải nghiệm mua hàng của người dùng.

Lazada còn cung cấp các công cụ, giải pháp tiếp thị sản phẩm, hay xây dựng và cung cấp tính năng đo lường theo thời gian thực trên nền tảng, từ đó giúp thương hiệu và nhà bán hàng xác định chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả. Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ AI để cá nhân hóa và nâng cao trải nghiệm khách hàng… từ đó giúp nhà bán hàng giải quyết bài toán về xây dựng mối quan hệ lâu dài và hiệu quả với người tiêu dùng của mình.

THU HÀ

Đọc toàn bộ bài viết