Trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT), việc tài xế bị tạm giữ xe, giấy tờ để khám nghiệm hiện trường, kiểm tra xe, tài xế là điều đương nhiên.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp tài xế chẳng hề có lỗi gì, đã được cơ quan chức năng xác nhận nhưng xe, giấy tờ xe, bằng lái cứ bị giam cho đến khi có bên đứng ra bồi thường.
Lực lượng chức năng xử lý một vụ tai nạn ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, không liên quan nội dung bài báo). Ảnh: HOÀNG GIANG |
Không có lỗi nhưng đền tiền để lấy lại xe
Gần 30 năm gắn bó với vô lăng, anh Vũ Hoàng Minh Trọng (thành viên nhóm Bạn hữu đường xa) chia sẻ: Rất nhiều bạn bè dở khóc dở cười vì xe hoặc giấy tờ bị tạm dữ quá lâu vì liên quan đến TNGT, dù họ chẳng có lỗi gì.
Anh Trọng kể: Cuối năm 2021, một người em của anh dừng xe tải chờ đèn đỏ, xe đậu đúng làn đường, đúng quy định thì một xe máy chạy từ lề phải tông mạnh vào đầu xe, tử vong.
Nạn nhân được xác định là có nồng độ cồn cao, cú tông xe quá mạnh, đầu va đập vào xe tải nên không qua khỏi. Sau khi có kết quả khám nghiệm, người lái xe tải liên lạc xin lấy xe ra để tiếp tục công việc nhưng không được. “Xe bị giữ hơn ba tuần, nó đành liên hệ với người nhà nạn nhân, hỗ trợ hơn 40 triệu đồng để họ viết đơn bãi nại, lúc này CSGT mới trả xe cho nó” - anh Trọng nói.
Cũng theo anh, nhiều bạn bè là tài xế nhiều khi phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bỏ tiền hỗ trợ người bị tai nạn dù không hề có lỗi gì mới được nhận lại xe.
Theo luật, ngay sau khi xác định người lái xe không có lỗi và không vi phạm các quy định khác thì phải trả xe đang tạm giữ cho chủ sở hữu hoặc người lái xe.
Còn anh Bùi Văn Khải (ngụ quận 7, TP.HCM) cho hay: Giữa năm 2019, anh lái ô tô bốn chỗ chở khách từ quận 1 đến ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (quận 7) thì bất ngờ hai xe máy đi ngược chiều va chạm nhau. Một xe tông thẳng vào đầu ô tô của anh làm một người gãy chân. Quá trình khám nghiệm hiện trường, CSGT xác định do người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ, đi sai làn đường nên va chạm xe máy của nạn nhân.
“Một tuần sau khi tai nạn thì đã có kết luận giám định, tôi được xác định là không có lỗi nhưng vẫn không lấy xe ra được vì hai bên xe máy chưa thỏa thuận việc bồi thường. Đến gần một tháng rưỡi, bên vi phạm chịu đền tiền cho nạn nhân, lúc này tôi mới được nhận lại xe” - anh Khải kể.
Anh cũng bày tỏ thêm: “Nếu chẳng may rơi vào các vụ TNGT thì chỉ mong lực lượng CSGT linh hoạt, tuân thủ quy định và thấu hiểu nỗi khổ của tài xế mà giải quyết cho nhận xe sớm, nếu bắt phải đợi đến khi bồi thường xong thì nhiều bác tài phải mất việc”.
Cục CSGT nên có văn bản
nhắc nhở
Để chấm dứt tình trạng tạm giữ xe trái quy định như đã nêu trên, tôi cho rằng Cục CSGT cần có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong lực lượng CSGT theo tinh thần quán triệt áp dụng đúng quy định của Thông tư 63/2020. Tuyệt đối không được tiếp tục tạm giữ xe nếu người lái xe được xác định không có lỗi. Ngoài ra, cần có các biện pháp xử lý đối với các cá nhân, cơ quan vi phạm (xử lý kỷ luật, thực hiện trách nhiệm bồi thường...).
Đồng thời, chủ sở hữu hoặc người lái xe nên tìm hiểu các quy định của pháp luật để có giải pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi cơ quan chức năng tạm giữ xe trái quy định như thực hiện khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu bồi thường...
ThS NGUYỄN NHẬT KHANH, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Nghiêm cấm việc giữ xe để đợi giải quyết bồi thường
Theo ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Điều 10 Thông tư 63/2020 của Bộ Công an nêu rõ: Thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ TNGT không quá bảy ngày kể từ ngày tạm giữ. Trong các vụ việc phức tạp, thời gian tối đa tạm giữ phương tiện theo thủ tục hành chính là 60 ngày.
Tuy nhiên, nếu sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
“Việc bồi thường thiệt hại là do các bên tự thỏa thuận hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự nên cơ quan CSGT không thể sử dụng việc tạm giữ xe với tính chất là một biện pháp cưỡng chế hành chính để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại về mặt dân sự” - ThS Khanh nhận định.
Ông cũng cho rằng nguyên nhân xảy ra tình trạng ô tô vẫn bị tạm giữ dù đã xác định được người lái xe không có lỗi xuất phát từ nhiều phía.
Ở góc độ cơ quan thực hiện tạm giữ xe, có thể họ chưa nắm rõ quy định của Thông tư 63/2020 nên không thực hiện đúng quy định, còn chủ sở hữu hoặc người lái xe chưa biết cách thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, quyết định tạm giữ xe là một quyết định hành chính, do vậy khi người bị tạm giữ xe cho rằng quyết định tạm giữ này là trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính.
Trường hợp kết quả giải quyết khiếu nại hoặc bản án của tòa kết luận việc tạm giữ xe là trái luật thì người có xe bị tạm giữ có thể đề nghị cơ quan đã tạm giữ xe bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
CSGT và cả tài xế đều còn tâm lý e sợ
Các nhà làm luật đã sử dụng từ “nghiêm cấm” để khẳng định và nhấn mạnh tính trái pháp luật của việc tạm giữ phương tiện giao thông khi người điều khiển không có lỗi. Mặc dù vậy, thực tế vi phạm này vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Tôi cho là nhận thức pháp luật của cán bộ xử lý TNGT có nơi còn hạn chế. Họ lo sợ rằng nếu trả xe thì khi cần gọi đến làm việc sẽ gặp khó khăn, sợ bên bị hại kiện cáo và cũng có lý do là giữ xe để giúp bên bị hại chắc ăn hơn trong việc bồi thường thiệt hại, đây là một dạng của hành vi tiêu cực.
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về chỉ huy, lãnh đạo các đội, trạm, Phòng CSGT đã không quán triệt, chấn chỉnh khi có sai phạm xảy ra. Còn người dân thì có tâm lý e ngại, không biết phải khiếu nại, phản ánh với ai, cấp nào.
Tôi cho rằng Bộ Công an nên tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Thông tư 63/2020 và bổ sung các chế tài với cán bộ, chiến sĩ vi phạm do lỗi cố ý.
Ngoài ra, người bị vi phạm cũng nên phản ánh, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính với các hành vi hành chính trái pháp luật.
Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HẢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
-------------------
Cần có biện pháp xử lý người “ngâm xe” trái quy định
Pháp luật quy định rõ việc tạm giữ xe liên quan đến TNGT nhưng nhiều trường hợp đã xác định tài xế không có lỗi, cơ quan chức năng vẫn giữ xe hoặc đợi đến khi có đơn bãi nại; bên có lỗi thực hiện xong việc bồi thường thì mới cho tài xế/chủ xe lấy xe ra. Đây là cách hiểu và vận dụng pháp luật máy móc, không đúng tinh thần của luật.
Cơ quan chức năng cần làm rõ tinh thần của Điều 10 Thông tư 63/2020 của Bộ Công an, tạo cơ chế xử lý linh hoạt nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân. Cần phải có sự kiểm tra, giám sát, nếu nhận thấy tình trạng thiếu trách nhiệm, ép người dân vào thỏa thuận không hợp lý, hay viện nhiều lý do để “ngâm xe”, vi phạm pháp luật thì phải có biện pháp xử lý cán bộ theo quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Luật sư NGÔ VIỆT BẮC, Đoàn Luật sư TP.HCM
Công an khóa xe vi phạm thay vì đưa về bãi tạm giữ
(PLO)- Công an TP Nha Trang, Khánh Hòa thực hiện khóa bánh xe đối với những ô tô vi phạm quy định đỗ xe trên nhiều tuyến đường của TP.
TRÚC PHƯƠNG