“Tôi như chạm vào công lý!”- ông Hoàng Minh Trí (ngụ phường Phước Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa, người khởi kiện chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến dự án Sông Lô - Nha Trang) đã thốt lên như vậy với PV báo Pháp Luật TP.HCM khi nhận quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao.
Việc thu hồi đất thực hiện dự án Sông Lô phát sinh nhiều vụ khiếu kiện. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Gần 20 năm trước, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã về Nha Trang, Khánh Hòa tìm hiểu và phản ánh những kiến nghị, khiếu nại của người dân có đất bị thu hồi trong dự án Sông Lô, trong đó có ông Trí. Đằng đẵng 20 năm, ông Trí kiên trì theo đuổi khiếu kiện để đòi lại quyền và lợi ích chính đáng của mình. Khi chính quyền từ chối giải quyết, ông chuyển sang khởi kiện hành chính. Song cả hai cấp tòa đều đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện.
Ông Trí đã thất vọng vô cùng.
May mà trong sự thất vọng ông Trí vẫn còn nhớ đến cấp tòa cao hơn để gửi đơn cầu may. Và rồi sau bao năm chờ đợi, cuối cùng ông cũng nhận được kết quả bước đầu.
Trong bản kháng nghị giám đốc thẩm, Chánh án TAND Tối cao đã đề nghị hủy cả hai bản án hành chính sơ thẩm và phúc thẩm (của TAND tỉnh Khánh Hòa và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng), hủy giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại. Lý do: Nội dung của Thông báo 391/TB-UBND ngày 5-8-2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Trí nên được xác định là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; ông Trí có đơn khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện.
Vậy là hành trình nhiều năm ông Trí đi tìm công lý giờ đây đã lóe lên niềm hy vọng. Có thể nói chính sự kiên trì, bền bỉ của ông Trí, sự kiến nghị, giám sát tận tâm của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và cả sự xem xét, đánh giá công tâm, khách quan, toàn diện của Chánh án TAND Tối cao đã mang lại kết quả ban đầu này.
Nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, không chỉ ông Trí mà tất cả người dân có đất bị thu hồi trong dự án Sông Lô đều rất vui mừng, nó như cơn mưa mát lành giữa bao ngày khô hạn.
Quyền và lợi ích chính đáng của công dân luôn được Nhà nước bảo hộ và bảo vệ. Khi công dân cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, họ có quyền khiếu nại, nhờ chính quyền xem xét; khi bị bác đơn, họ còn “kênh” quan trọng nữa để đặt để niềm tin: Tòa án. Vì vậy, khi tòa án hai cấp khước từ giải quyết, ông Trí bị hụt hẫng, chỉ còn biết bám víu vào cấp tòa cao hơn.
Giờ đây với kháng nghị giám đốc thẩm, ông Trí như phục hồi niềm tin, như sờ nắm được vào công lý, dù hành trình phía trước của ông vẫn chưa hẳn đã hết trắc trở, gập ghềnh.
Kháng nghị giám đốc thẩm như đã soi rọi, chạm vào quyền lợi chính đáng của công dân mà cấp sơ thẩm, phúc thẩm vì lý do nào đó đã “bỏ quên”. Kháng nghị này còn là lời nhắc nhở những người cầm cân nảy mực ở các cấp tòa phải luôn nhìn nhận, đánh giá công tâm để có phán quyết thấu lý đạt tình nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
NGUYỄN ĐỨC