Trẻ béo phì có nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe cao hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường. Một số vấn đề nghiêm trọng nhất gồm có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và hen suyễn.
Thế nào được coi là béo phì?
Những trẻ em có chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng hoặc cao hơn so với 95% những trẻ cùng lứa tuổi được coi là bị béo phì. BMI là một chỉ số được sử dụng để xác định “tình trạng cân nặng”. BMI được tính bằng cách chia cân nặng cho bình phương chiều cao. Sau đó sẽ tìm ra phân vị BMI (đánh giá chỉ số BMI của mình so với những người khác) dựa trên giới tính và tuổi.
Béo phì ở trẻ em là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Những trẻ trong nhóm béo phì không chỉ đơn giản là có cân nặng lớn hơn bình thường mà sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính. Tình trạng sức khỏe kém do béo phì khi còn nhỏ có thể tiếp diễn đến tận tuổi trưởng thành.
Béo phì ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị thừa cân hoặc béo phì còn thường có một số vấn đề về tâm lý, ví dụ như mặc cảm, tự ti về cơ thể mình.
Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em
Tiền sử gia đình, các yếu tố tâm lý và lối sống đều ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì ở trẻ em. Những trẻ có bố mẹ hoặc các thành viên ruột thịt khác trong gia đình bị thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ cao cũng gặp phải vấn đề về cân nặng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây béo phì ở trẻ em vẫn thường là do ăn quá nhiều và vận động quá ít.
Chế độ ăn uống có nhiều chất béo, đường và ít chất dinh dưỡng có thể khiến trẻ tăng cân nhanh chóng. Đồ ăn nhanh, bánh kẹo và nước ngọt là những thủ phạm lớn nhất.
Hoạt động thể chất không đủ cũng là một nguyên nhân khác gây béo phì ở trẻ em. Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào thì ít vận động cũng đều ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng. Khi ít hoạt động thể chất mỗi ngày thì lượng calo nạp vào qua chế độ ăn sẽ rất dễ cao hơn hơn mức calo đốt cháy và dẫn đến tăng cân. Tập thể dục giúp đốt cháy calo, duy trì cân nặng khỏe mạnh và ngăn ngừa thừa cân, béo phì.
Các vấn đề tâm lý cũng có thể dẫn đến béo phì ở một số trẻ. Những trẻ thường xuyên buồn bã, chán nản và căng thẳng thường có xu hướng ăn nhiều hơn để làm dịu những cảm xúc tiêu cực và dần dần điều này sẽ gây tăng cân.
Nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì ở trẻ em
Trẻ béo phì có nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe cao hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường. Một số vấn đề nghiêm trọng nhất gồm có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và hen suyễn.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là tình trạng mà cơ thể không thể chuyển hóa glucose một cách bình thường. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng về mắt, tổn thương thần kinh và rối loạn chức năng thận. Trẻ em và người trưởng thành thừa cân có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, tình trạng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
Bệnh tim mạch
Nồng độ cholesterol cao và cao huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai ở những trẻ bị béo phì. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và muối sẽ làm tăng mức cholesterol và huyết áp. Đau tim và đột quỵ là hai biến chứng tiềm ẩn của bệnh tim mạch.
Hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng viêm mãn tính ở phế quản. Béo phì là bệnh đồng mắc phổ biến nhất của hen suyễn (hai bệnh xảy ra cùng một lúc) nhưng các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tìm mối liên hệ chính xác giữa hai bệnh này. Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, khoảng 38% người lớn mắc bệnh hen suyễn ở Hoa Kỳ cũng bị béo phì. Điều này cho thấy rằng béo phì có thể là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở một số người.
Rối loạn giấc ngủ
Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì còn có thể bị rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ. Lý do là bởi khối lượng cơ thể lớn chèn ép lên phế quản và cản trở sự hô hấp trong khi ngủ.
Đau khớp
Trẻ béo phì cũng có thể bị cứng khớp, đau và hạn chế chuyển động do các khớp xương phải chịu áp lực từ khối lượng cơ thể lớn. Trong nhiều trường hợp, giảm cân sẽ giúp khắc phục các vấn đề về xương khớp.
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ béo phì
Ở trẻ béo phì, thay đổi thói quen ăn uống là điều vô cùng cần thiết. Khi còn nhỏ, hầu hết những gì mà trẻ ăn là do bố mẹ đưa cho nên bố mẹ phải là những người định hình cách ăn uống của con.
Trước hết, cần bỏ hẳn hoặc hạn chế để các loại đồ ngọt và đồ uống có đường trong nhà. Ngay cả nước ép trái cây cũng chứa nhiều đường và nhiều calo. Thay vào đó hãy chỉ cho trẻ uống nước lọc và sữa nguyên chất ít béo hoặc không béo. Hãy bớt cho con ăn bánh kẹo, bim bim và các loại đồ ăn vặt khác. Thay vào đó, hãy nấu cho con những món lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng.
Bữa ăn hàng ngày của trẻ nên gồm chủ yếu những loại thực phẩm sau:
- Rau củ và trái cây tươi
- Các nguồn protein nạc, chẳng hạn như thịt, trứng và cá
- Ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như gạo lứt, các loại đậu, bánh mì nguyên cám,…
- Các sản phẩm từ sữa ít béo, ví dụ như sữa tách béo, sữa chua nguyên chất ít béo và phô mai ít béo
Những trẻ thừa cân hoặc béo phì thường sẽ giảm cân nhanh chóng khi chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, nếu cân nặng vẫn không giảm thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa. Có thể sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng.
Thay đổi lối sống
Dưới đây là một số biện pháp để khắc phục và ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em.
Tăng cường hoạt động thể chất
Tăng mức độ hoạt động thể chất sẽ giúp trẻ giảm cân an toàn. Có rất nhiều hình thức hoạt động thể chất mà bố mẹ có thể cho con tham gia, ví dụ như đạp xe, bơi lội, đá bóng, nhảy dây, tập võ, múa,… Hãy chọn một môn thể thao mà con thích để thực hiện lâu dài. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật khuyến nghị rằng trẻ em nên tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày để duy trì sức khoẻ và cân nặng khỏe mạnh.
Tổ chức các hoạt động gia đình
Bố mẹ hãy tổ chức các hoạt động mà cả gia đình có thể cùng nhau tham gia. Đây không chỉ là một cách tuyệt vời để gắn kết các thành viên mà còn giúp trẻ vận động nhiều hơn. Một số ví dụ là cùng nhau tập thể dục mỗi ngày, tham gia các sự kiện chạy bộ hay đi dã ngoại. Những điều này sẽ giúp con năng động hơn và góp phần đạt được cân nặng khỏe mạnh. Hãy thường xuyên thay đổi các hoạt động để tránh nhàm chán.
Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Hãy hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con. Trẻ em ngày nay đang dành quá nhiều thời gian mỗi ngày để xem TV, chơi game trên máy tính hoặc sử dụng điện thoại thông minh. Điều này làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì theo nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, thời gian sử dụng thiết bị điện tử càng nhiều thì thời gian dành cho các hoạt động thể chất sẽ càng ít mà ít vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thừa cân, béo phì. Thứ hai, nhiều trẻ thường có thói quen vừa xem TV hay vừa chơi game vừa ăn và điều này sẽ làm tăng lượng calo nạp vào mỗi ngày. Hơn nữa, các chương trình dành cho thiếu nhi thường có chứa nội dung quảng cáo về các loại đồ ăn không lành mạnh nhiều đường, nhiều chất béo. Trẻ nhỏ rất dễ bị thu hút và sẽ đòi bố mẹ mua.
Tóm tắt bài viết
Béo phì đang là một vấn đề đáng báo động ở trẻ em. Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn ngừa vấn đề này và giúp những trẻ béo phì giảm cân, trong đó quan trọng là phải có chế độ ăn uống lành mạnh và tích cực vận động mỗi ngày. Bố mẹ là những người có vai trò quan trọng nhất trong hành trình giảm cân của con. Hãy định hình thói quen ăn uống cho con ngay từ sớm và tạo thói quen tập thể dục đều đặn để con có sức khỏe tốt sau này.