Những điều cần biết về béo phì khi mang thai

3 năm trước 29

Khi mang thai, phụ nữ phải ăn uống đầy đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi đang phát triển. Tăng cân là điều không tránh khỏi trong thai kỳ nhưng nếu tăng quá nhiều và bị béo phì thì lại không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Phụ nữ béo phì có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra còn có thể bị sinh non và trẻ sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn.

Trước đây, các bác sĩ đều không khuyến khích giảm cân khi mang thai vì lo sợ sẽ làm tổn hại đến thai nhi nhưng các nghiên cứu mới đây đã cho thấy những phụ nữ béo phì có thể tập thể dục và ăn kiêng để giảm cân một cách an toàn mà không hề tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.

Dù béo phì, bạn vẫn có thể mang thai và sinh nở khỏe mạnh. Hãy đọc hết bài viết dưới đây để biết các cách giảm cân an toàn và hiệu quả trong thai kỳ.

Giảm cân khi mang thai có an toàn không?

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh quốc (British Medical Journal) cho thấy những phụ nữ béo phì được tư vấn về chế độ ăn uống và tập thể dục khi mang thai sẽ có sức khỏe cả mẹ và con tốt hơn. Những phụ nữ này được hướng dẫn chế độ ăn uống cân bằng, ghi nhật ký các bữa ăn và thực hiện vào các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ.

Nghiên cứu cho thấy rằng những biện pháp can thiệp này, đặc biệt là thay đổi chế độ ăn uống, giúp làm giảm 33% nguy cơ tiền sản giật và giảm 61% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Ăn uống lành mạnh cũng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và sinh non.

Nếu bạn bị béo phì và đang mang thai thì lúc này chính là cơ hội tốt nhất để bắt đầu một lối sống lành mạnh.

Thế nào là béo phì?

Một người sẽ bị coi là béo phì nếu có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. BMI được tính bằng công thức lấy cân nặng chia cho chiều cao bình phương. Bạn có thể nhập thông tin về chiều cao, cân nặng của mình vào trang web này để biết chỉ số BMI. Hiện nay, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đang ngày một gia tăng và không ít phụ nữ bị vấn đề này khi mang thai.

Người mẹ có những nguy cơ nào khi bị béo phì trong thai kỳ?

Béo phì làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai. Chỉ số BMI càng lớn thì càng có nguy cơ cao xảy ra những vấn đề sau:

  • Sảy thai
  • Tiểu đường thai kỳ
  • Cao huyết áp
  • Tiền sản giật
  • Hình thành cục máu đông
  • Chảy máu nhiều sau khi sinh

Mặc dù những vấn đề này cũng có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ mang thai nào, dù cân nặng là bao nhiêu nhưng chỉ số BMI cao sẽ làm tăng nguy cơ.

Những nguy cơ đối với thai nhi

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn gây hại cho sức khỏe của cả thai nhi.

Các vấn đề có thể xảy ra với trẻ khi mẹ bị béo phì gồm có:

  • Sinh non (trước 37 tuần)
  • Trẻ sinh ra có cân nặng lớn hơn bình thường
  • Nhiều mỡ trong cơ thể khi sinh
  • Thai chết lưu
  • Dị tật bẩm sinh, ví dụ như nứt đốt sống
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch hoặc tiểu đường trong tương lai

Làm thế nào để giảm cân an toàn khi mang thai?

Mặc dù khi mang thai thì không nên thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc tập thể dục cường độ cao nhưng nếu béo phì thì vẫn cần thực hiện các biện pháp giảm cân để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Dưới đây là một số lưu ý để giảm cân an toàn cho phụ nữ mang thai.

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ

Nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ ăn hoặc chế độ tập luyện giảm cân khi mang thai. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách giảm cân phù hợp.

Thay đổi lối sống

Mang thai là thời điểm tuyệt vời để mẹ bắt đầu thói quen tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống của mình. Hãy nghĩ đến sức khỏe của thai nhi trong bụng để làm động lực. Trong thời gian này, mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ nên cũng sẽ tiện cho việc theo dõi hiệu quả giảm cân.

Bắt đầu từ từ

Ban đầu, nên chọn những bài tập nhẹ nhàng và sau đó tăng dần cường độ theo thời gian. Những buổi đầu tiên chỉ nên tập từ 5 - 10 phút và tăng thêm 5 phút sau mỗi tuần cho đến khi đạt được mục tiêu tập khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày. Đi bộ và bơi lội đều là lựa chọn phù hợp với những người mới tập thể dục. Cả hai đều không gây áp lực lên các khớp xương.

Ghi nhật ký ăn uống

Ghi lại nhật ký ăn uống là một cách để theo dõi lượng calo, chất dinh dưỡng cũng như là lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày. Bạn cũng có thể biết được chế độ ăn uống của mình có đang quá nhiều đường hoặc muối hay không và chế độ ăn có bị thiếu hụt một chất dinh dưỡng quan trọng nào đó hay không. Ghi lại nhật ký cũng là một cách để theo dõi tần suất ăn uống hàng ngày của mình.

Tránh calo rỗng

Trong thời kỳ mang thai, nên hạn chế tối đa hoặc kiêng hoàn toàn những thực phẩm dưới đây:

  • Đồ ăn nhanh
  • Đồ chiên
  • Đồ uống có đường
  • Bánh ngọt
  • Kẹo

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những thay đổi trong chế độ ăn uống giúp giảm tăng cân và cải thiện sức khỏe mẹ và bé hiệu quả hơn so với chỉ tập thể dục. Những phụ nữ trong nghiên cứu này thực hiện chế độ ăn cân bằng với tỷ lệ carb, protein và chất béo phù hợp, đồng thời ghi nhật ký ăn uống để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Không ăn kiêng cấp tốc

Trong thời gian mang thai không nên thực hiện các chế độ ăn kiêng cấp tốc. Những chế độ ăn kiêng này thường có lượng calo rất thấp và không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Thậm chí, kiểu ăn kiêng khắc nghiệt như vậy còn gây nguy hiểm cho thai nhi nếu khiến người mẹ giảm cân quá nhanh hoặc chỉ cho phép ăn quá ít thực phẩm. Thai nhi cần rất nhiều loại vitamin khác nhau và chế độ ăn kiêng quá hạn chế sẽ không thể đáp ứng được lượng vitamin này. Tốt hơn hết hãy chỉ thực hiện những thay đổi lành mạnh trong thói quen ăn uống chứ không ăn kiêng.

Không tập luyện quá sức

Hoạt động thể chất cường độ vừa phải sẽ không gây hại cho em bé. Tuy nhiên, tập luyện quá sức trong thai kỳ sẽ gây nguy hiểm. Hãy chỉ tập cường độ vừa phải sao cho vẫn có thể nói chuyện được trong khi tập. Nếu bạn thở dốc và không thể nói chuyện được thì có nghĩa là đang tập quá nặng. Ngoài ra, cần phải chú ý đến cảm giác của cơ thể. Nếu cảm thấy đau đớn hay khó chịu thì hãy ngừng tập và nghỉ ngơi.

Tránh tất cả các môn thể thao hay bài tập dễ xảy ra va đập, ví dụ như bóng chuyền hoặc các bộ môn khiến cơ thể mất thăng bằng và bị ngã, chẳng hạn như leo núi hay đạp xe. Nếu muốn đạp xe thì chỉ nên đạp xe tại chỗ thay vì đi xe đạp bên ngoài.

Uống bổ sung chất trước khi sinh

Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ cung cấp hầu hết các vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ và thai nhi nhưng đôi khi vẫn xảy ra thiếu hụt và việc uống bổ sung một số chất trước khi sinh sẽ giúp ngăn ngừa vấn đề này. Các loại vitamin trước khi sinh khác với vitamin tổng hợp dành cho người bình thường. Những sản phẩm dành cho bà bầu thường chứa nhiều axit folic để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh và nhiều sắt hơn để ngăn ngừa thiếu máu.

Các sản phẩm bổ sung trước khi sinh còn có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều do thiếu chất.

Tóm tắt bài viết

Những phụ nữ bị béo phì vẫn hoàn toàn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh. Hãy tích cực vận động và ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên cũng đừng quá quan tâm đến con số trên bàn cân, điều quan trọng nhất vẫn là phải cung cấp đầy đủ các loại vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi trong bụng. Nếu như không thể giảm cân nhiều thì cũng đừng lo lắng. Chỉ cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ thì sẽ giảm được nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn.

Sau khi sinh và nếu không cho con bú thì có thể thực hiện các biện pháp tích cực hơn để giảm cân.

Đọc toàn bộ bài viết